Tiếng VIỆT Hồn VIỆT

– Chữ O và chữ Ô: Nếu chữ Thong viết O, có nghĩa là thong-dong, thong-thả… như:

Thong-dong nối gót thư-trai cùng về. (Kiều)

Tay trần vui chén thong-dong. (Kiều)

Và chữ Thông viết Ô có nghiã là thông-báo, thông-cáo, thông-cảm, thông-dâm, thông- dịch, thông-dụng, thông-đồng, thông-hành, thông-lệ, thông-minh, thông-suốt, thông-tấn- xã, thông-tin, thông-thái, thông-thạo, thông-thương và cũng có nhĩa là cây thông, rừng thông, đồi thông, thông reo… như:

Dối trên hại dưới bấy lâu thông-đồng. (Nhị-Độ-Mai)

Thông-minh vốn sẵn tính trời, (Kiêù)

Lớp cùng thông như đốt buồng gan. (Cung-Oán)

Nào ai cấm chợ ngăn sông,
Ai cấm chú lái thông-đồng đi buôn. (Ca-Dao)

– Chữ C và chữ T: Nếu chữ Chúc viết C có nghĩa là chúc mừng, chúc ngôn, chúc Tết, chúc tụng, chúc từ, chúc thọ, chúc thư hay có nghĩa là một đầu nghiêng xuống (đầu cân chúc quá)… như:

Vịnh ca Thiên-bảo, chúc lời Nghiêu-hoa. (Nhị-Độ-Mai)

Đặt bày hương-án chúc nguyền thần-linh. (Lục-Vân-Tiên)

Còn chữ Chút viết T có nghĩa là chút đỉnh, chút ít, chút xíu, chút nữa, chờ một chút hay có nghĩa là cháu năm đời (con của người chắt), cây chút-chít… như:

Gọi là chút đỉnh vật thường làm tin. (Lục-Vân-Tiên)

Gọi là nếm trải mùi trần chút chơi. (Bích-Câu)

Chút lòng trinh-bạch từ nay xin chừa. (Kiều)

– Chữ D và chữ GI: Nếu chữ Dương viết D có nghĩa là dương-bản, dương-cầm, dương-cực, dương-gian, dương-thế hay có nghĩa là con dê như linh-dương, sơn-dương hoặc có nghĩa là bể như Thái-Bình-Dương, Đại-Tây-Dương, Ấn-Độ-Dương, và cũng có nghĩa là giống đực, màu xanh… như:

Hay đâu còn sống mà ngồi dương-gian. (Lục-Vân-Tiên)

Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương-quan. (Kiều)

Còn chữ Giương viết GI có nghĩa là giương buồm, giương cánh, giương dù, giương cờ, giương cao ngọn cờ đấu-tranh, giương cung, giương mắt… như:

Giương cung sắp bắn phượng-hoàng,
Chẳng may lại gặp một đàn chim di. (Ca-Dao)

Tàu chen mãi đổ, thuyền giương buồm về. (Nhị-Độ-Mai)

Quân reo súng nổ cờ giương. (H. Chữ)

– Chữ I và chữ Y: Nếu chữ Tai viết I có nghĩa là lỗ tai, bông tai, thính tai, vành tai, tai nấm hoặc có nghĩa là tai-nạn, tai-biến, tai-họa, tai-hại, thiên-tai… như:

Ở đây tai vách mạch dừng, (Kiều)

Uổng thay đàn gảy tai trâu, (Lục-Vân-Tiên)

Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần. (Kiều)

Hay chữ Tay viết Y có nghĩa cánh tay, bàn tay, khuỷu tay, tay lái, tay áo, tay phải, tay trái, tay sai… như:

Tay làm hàm nhai. (Tục-Ngữ)

Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. (Tục-Ngữ)

Xem cơ báo-ứng biết tay trời già. (Nhị-Độ-Mai)

Tay không chưa dễ tìm vành ấm no. (Kiều)

– Chữ N và chữ NG: Nếu chữ Làn viết không có G nghĩa là làn gíó, làn khói, làn mây, làn sóng, làn thu-thủy… như:

Làn thu-thủy, nét xuân-sơn, (Kiều)

Thói đời giọt nước, làn mây, (Hoa-Tiên)

Phải cung rày đã sợ làn cây cong. (Kiều)

Và nếu chữ Làng viết có G, nghĩa là làng-mạc, làng xóm, làng văn, làng báo, làng chơi hoặc có nghĩa là làng-nhàng (mảnh-khảnh, hơi gầy), mắt làng (mắt trông không rõ)… như:

Phép vua thua lệ làng. (Tục-Ngữ)

Vừa ăn cướp, vừa la làng. (Tục-Ngữ)

Văn-chương phú-lục chẳng hay,
Hãy về làng cũ học cày cho xong. (Ca-Dao)

Mùi phú-quý nhử làng xa-mã,
Bả vinh-hoa lừa gã công-khanh. (Cung-Oán)

Dưới trần mấy mặt làng chơi, (Kiều)

– Chữ O và chữ U: Nếu chữ Cao viết O có nghĩa là ở bên trên, cao-cấp, cao chót vót,
cao cờ, cao-cường, cao độ, cao-điểm, cao hứng, cao kế, cao-lương, cao-nguyên, cao-nhã, cao nhòng, cao-siêu, cao-thượng, cao-trào, cao-xạ, cao xanh hoặc có nghĩa là thuốc cao và cũng có nghĩa là sào (một phần mười của mẫu ruộng)… như:

Than rằng lưu-thủy cao-sơn,
Ngày nào nghe đặng tiếng đờn tri-âm. (Lục-Vân-Tiên)

Miếng cao-lương phong-lưu nhưng lợm. (Cung-Oán)

Cao cao lầu phụng, xa xa mặt rồng. (Nhị-Độ-Mai)

Hoặc chữ Cau viết U có nghĩa là cau ăn trầu, cây cau, cau tươi, cau khô, sự tích Trầu Cau hay có nghĩa là cau-có, cau mày… như:

Có trầu mà chẳng có cau,
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm. (Ca-Dao)

Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng,
Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng? (Ca-Dao)

Được mùa lúa thì úa mùa cau,
Được mùa cau thì đau mùa lúa. (Tục-Ngữ)

Cau-có như nhà khó hết ăn. (Tục-Ngữ)

– Chữ S và chữ X: Nếu chữ Sa viết S có nghĩa là sa-bàn, sa lầy, sa-mạc, sa mù, sa ngã, sa-sầm, sa-sút, sa-thải, sa-trường, châu sa hoặc có nghĩa là một bộ-phận trong khung dệt, một loại hàng dệt thưa hay chim se sẻ… như:

Phượng-hoàng đậu chốn cheo-leo,
Sa-cơ thất-thế phải theo đàn gà. (Ca-Dao)

Một lời trân-trọng châu sa mấy hàng. (Kiều)

Sa-cơ một phút ra người cửu-nguyên. (Nhị-Độ-Mai)

Còn chữ Xa viết X nghĩa là xa cách, xa gần, xa giá, xa-hoa, xa lánh, xa lìa, xa-lộ, xa-xăm, xa-xỉ, xa-xôi, quân-xa, công-xa… như:

Liệu mà xa chạy cao bay,
Ái-ân ta có ngần này mà thôi. (Kiều)

Tuần-hoàn lẽ ấy chẳng xa. (Nhị-Độ-Mai)

Lại e non-nước xa-xôi nghìn trùng. (Lục-Vân-Tiên)

Xa mặt cách lòng. (Tục-Ngữ)

Bà con xa không bằng láng-giềng gần. (Tục-Ngữ)

Như ta đã thấy, Tiếng Việt ta đậm-đà, phong-phú và qua hơn bốn ngàn năm văn-hiến, Tiếng Việt đã tạo nên một kho-tàng văn-chương với nhiều tác-phẩm tuyệt-vời. Vì thế, gìn-giữ và bảo-tồn Tiếng Việt là giữ mãi Hồn Việt trong tim và khi mà Hồn Việt ta còn thì Văn-Hóa ta còn, Văn-Hóa ta còn thì Tiếng Việt ta còn, Tiếng Việt ta còn Nước Việt ta còn.

LÊ THƯƠNG (Virginia, USA)

http://cothommagazine.com

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.