Vài dòng giới thiệu về chữ “Tăng Già” dùng trong nhà Như Lai

Thời Đức Phật, Tăng già là tiếng dùng để chỉ cho những tu sĩ không phân biệt nam nữ hay những người cư sĩ vấn thân vào đời tu học, để giúp mọi người cùng nhau tu dưỡng, vui hưởng an lành, bằng lòng “Từ Bi” và Trí tuệ, như Đức Phật đã làm.

Chữ संघ đọc theo phiên âm latinh hóa là sangh trong các tự điển Hindi và nó có những nghĩa chung được biết như sau: Hội, câu lạc bộ, trụ sở câu lạc bộ, trụ sở hội, sự liên kết, sự liên hiệp, sự liên minh, đồng minh, liên minh, liên bang hội liên đoàn, tập thể, đoàn thể, tập đoàn, tài sản chung, công đoàn, nghiệp đoàn, sự hợp nhất, sự kết hợp…

Chữ संघ là một chữ đa nghĩa và tùy theo những lãnh vực khác nhau mà người ta dùng nó để diễn đạt. Trong Phật học, chữ संघ saṃgha của Phạn ngữ hay saṅgha trong tiếng Pali được xem như là Tăng đoàn. Có lẽ, vì qua hình ảnh thuyết pháp của Đức Phật với 5 anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển, sau ngày thành đạo và hình ảnh của 5 anh em Kiều Trần Như trở thành 5 vị A La Hán đầu tiên mà được Đức Phật gọi là Tăng già.

Thời Đức Phật, Tăng già là tiếng dùng để chỉ cho những tu sĩ không phân biệt nam nữ hay những người cư sĩ vấn thân vào đời tu học, để giúp mọi người cùng nhau tu dưỡng, vui hưởng an lành, bằng lòng “Từ Bi” và Trí tuệ, như Đức Phật đã làm.

“Từ Bi” và “Trí Tuệ” là hai phẩm chất chính được thấy trong cuộc đời của những người đã từng tự trải nghiệm và hiểu biết một cách tận tường về bản chất thật của Khổ, và chính mình sẵn sàng hy sinh chịu đau khổ cho người khác trong tinh thần cảm thông, mở rộng vòng tay giúp đỡ bằng tình thương vô bờ bến.

Đức Phật được sinh ra từ trong lòng từ bi và lòng từ bi đã thúc đẩy Ngài đi tìm chân lý để giúp đỡ con người tự vượt lên trên mọi chấp trước trong tâm thức để chấm dứt khổ đau, bằng sự phát triển mở rộng tình thương và vun bồi trí tuệ của chính mình.

“Từ Bi” và “Trí Tuệ” nằm trong tâm nguyện và sự nhắc nhở của Đức Phật qua những đoạn Kinh như sau: ” Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi. Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn. “

” Trí tuệ là chiếc thuyền kiên cố chở ta ra khỏi biển sanh lão bịnh tử; cũng là ngọn đèn chói sáng xua tan vô minh, là liều thuốc chữa bịnh tham sân si, là chiếc búa chặt đứt phiền não. Vậy các ngươi phải văn huệ, tư huệ, tu huệ và hành trì tinh tấn để tự tăng trưởng trí tuệ “.

Nếu “Từ Bi” và “Trí Tuệ” là những cái không thể tách rời hay không thiếu được trong đời sống tu hành, thì ba chữ: Phật, Pháp, Tăng trở thành cái nôi tinh thần mà trong đó chứa đựng tất cả những cái đẹp đơn giản, cái hay vô tận, không gần, không xa, không dừng lại ở thời gian, không có giai cấp phân biệt, không có sự riêng tư, để giúp cho con người tự thức tỉnh nhìn thấy những điều hay lẽ phải của Chân, Thiện, Mỹ, không chỉ bằng lời nói mà còn đưa ra thực hành, nhằm đem an lạc đến cho tự thân cũng như cho người.

Phật, Pháp, Tăng, tuy ba chữ khác nhau về cách viết hay cách đọc và chức vụ, nhưng ba chữ này đều có sự quan hệ bình đẳng mật thiết với nhau, không phân chia ra được. Không có Phật, không có Pháp, thì không có Tăng. Có Phật, có Pháp mà không có Tăng, thì Phật, Pháp sẽ không tồn tại. Mặc dù Tăng già ra đời sau Phật và Pháp, nhưng vai trò của Tăng già đã trở thành một nguồn năng lượng đa dạng, vô tận, rất cần thiết để đẩy và duy trì cho vòng quay không ngừng, từ hệ này sang hệ khác của cái bánh xe chuyển Pháp luân mà Thái tử Tất Đạt Đa đễ lại cho nhân loại sau ngày thành đạo của Ngài.

Tăng già là nền tảng cho người mới bước vào đạo. Nhờ vào Tăng già, mà từng lời, từng chữ, từng ý nghĩa diễn đạt của Ðức Phật đã đi vào lòng người bằng sự hiểu biết và cách ứng dụng để có một đời sống an lạc.

Tăng già là nơi ấp ủ lòng từ bi và phát huy trí tuệ cho những người đi theo bước chân của Đức Phật, nhằm giúp ích cho đời sống của con người, mỗi ngày xa dần bóng tối của đau khổ đang bao trùm.

Tăng già là chất keo kết nối người con Phật với Pháp trong dòng giác ngộ và cũng là nơi có ngọn đèn Chánh pháp thắp sáng không dừng để giúp cho con người hiểu được bản chất thật của các pháp một cách rõ ràng trong từng khoảnh khắc của cuộc sống nhân loại.

Tăng già là những bước chân thanh bạch mang những lời dạy và sự hướng dẫn toàn hảo qua việc thực hành thực tiễn của Đức Phật, đem vào đời sống tâm linh của những tầng lớp khác nhau trong xã hội, không ngoài mục đích thấy Khổ và con đường Diệt khổ cho tất cả chúng sanh như Ngài đã làm.

Nếu chữ Đạo được xem là cái ở bên ngoài của con người và chữ Phật là cái khai ngộ cho tất cả chúng sanh nằm ở bên trong của họ, thì Tăng già là hạt giống Bồ đề của Đức Phật để lại trong đời sống tu tập xây dựng đời sống đạo đức, biết yêu thương, biết phát triển các giá trị nhân phẩm cho những ai thích vun trồng và chăm sóc nó mỗi ngày ở bất cứ nơi nào mình thích, như Ngài đã làm.

Phật, Pháp, Tăng là hình ảnh của một cái cây có thân. Thân để đỡ cho cành. Cành đỡ cho lá. Lá che chở cho hoa. Hoa nở tốt tươi cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Phương pháp căn bản hỗ trợ để trồng và chăm sóc hạt giống Bồ đề của Đức Phật được như ý mỗi ngày, không gì khác hơn là: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Năm lực, Thất giác chi, Bát chính đạo.

Ngoài ra những bạn nào thích tìm hiểu thêm các quy định về việc sống tập thể của những người xuất gia theo Đức Phật, thì nên xem chi tiết trong phần thứ hai của Tam tạng Kinh điển.

Kính bút

TS Huệ Dân

Nguồn: xuviet.net

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.