Tản Mạn Về Cái Chết

Tự điển Wikipedia định nghĩa: ”Chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động sống ( không thể phục hồi) của một cơ thể. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào các quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các lĩnh vực liên hệ. Người ta chia cái chết ra làm hai loại, chết lâm sàng: tim ngừng đập, ngừng thở, mất trí giác,v.v.; và chết thật, khi các mô không còn hoạt động được nữa và bắt đầu phân hủy”.

“Chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa”. Cái chết là thời điểm kết thúc tất cả, đặt dấu Chấm Hết mọi sự. Trước tòa án, nếu có một bị can được báo cáo rằng đã chết trong quá trình điều tra, thì quan chánh án yêu cầu xếp bỏ hồ sơ thụ án của đương sự. Ngay cả giải Nobel danh giá, cũng không trao cho những người đã qua đời.

Nhưng, đối với nền minh triết Đông phương, thì tự ngàn xưa, người ta không bao giờ xem Chết là hết, mà cái chết thật ra là một dạng thức khác tinh tế hơn của cuộc sống.

“Thật ra, chữ “chết” nguyên nhân là giả danh, vì đó chẳng qua là sự kết liễu của một thời quả báo, do nghiệp cảm liên chuyển giữa mỗi đời, khi xả bỏ thân này, lại thọ nhận một thân khác mà thôi! ”. ( Thích Thiền Tâm)

Chết và Sống tựa như hai mặt của một đồng tiền. Muốn tìm hiểu sự chết không chi hơn là tìm hiểu trong cuộc sống. Bởi vì đời sống và sự chết vốn là Một, như sông và biển là Một, đều chảy tan trong đại dương lòng người.

Vì chết là gì? nếu không phải là gặp lại đời sống mới toanh bằng một phiên bản khác với ngày hôm qua? Cho nên,nói tới cái chết cũng là một cách khác nói tới cuộc sống vậy? Có người đã chết năm 25 tuổi, nhưng được mang ra nghĩa địa chôn cất vào năm 70 tuổi hoặc 80 tuổi. Như vậy, nếu cho rằng, một người còn hít thở ăn nhậu là một người còn sống thì chúng tôi không đồng ý. Cuộc sống phải là một cái gì đó khác hơn, kỳ diệu và phong phú hơn là cơm ngày ba bữa, ngồi đếm tuổi thọ và chờ người ta quăng vô quan tài với tấm giấy chứng nhận khai tử!

NHỮNG CÁI CHẾT ĐẸP

Sống đẹp, là việc vô cùng khó khăn, huống hồ muốn có một cái chết đẹp thì đương nhiên là khó hơn nhiều. Nói đến Socrate, thì ai cũng biết  đó là một nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại,bị xử tử vì có hành vi ủng hộ  phe bạo loạn. Các đệ tử suy tôn Socrate là:” Bậc Thầy đã hy sinh vì chân lý, vì tự do tư tưởng”.Thà chết chứ không chịu xin đám đông tha tội, vì xưa nay, Socrate vẫn khinh thường phán quyết của đám đông.

Khi các môn đệ tới ngục thất để tiễn biệt, thì Socrate nói:
– Hãy cứ vui lên, họ chỉ chôn được cái thể xác của Thầy mà thôi!
Socrate cầm chén thuốc đưa lên môi và uống một cách vui vẻ.

Một lúc lâu sau, hai chân ông cứng lạnh, Socrate cũng lấy tay ấn thử:
– Khi nào thuốc ngấm đến tim là xong!
Khi lạnh tới thắt lưng, môn đồ chờ đợi để nghe giáo huấn tối hậu của bậc thầy vĩ đại. Khi ấy, Socrate bỏ miếng vải che mặt ra, nói:
-Criton, thầy còn nợ ông Asclepius một con gà, con nhớ trả món nợ ấy giúp thầy nhé!
-Con sẽ trả, thầy còn dạy bảo những gì nữa không? Không có tiếng trả lời. Người cai ngục gỡ bỏ miếng vải che mặt. Criton vuốt mặt cho Socrate,

Ở Đông phương thời hậu Tam Quốc, Kê Khang (223-262) là một người trong Trúc Lâm thất hiền, có khí tiết, giàu lòng nghĩa hiệp và cũng là người có tài đàn cầm…Kê Khang làm quan một thời gian rồi từ quan ở ẩn, cũng như sáu người bạn kia đều thích Lão Trang, ngao du sơn thủy, hái thuốc, vui say với vần thơ điệu đàn.

Bấy giờ, chính quyền tham nhũng tàn hại nhân dân, Kê Khang có người bạn bị tống ngục. Vì tình bạn, Kê Khang đứng ra minh oan nhưng rồi cũng bị bọn quyền thần bắt giam, dựng chứng phản loạn, nên kết án tử hình. Trước khi chém đầu, ông vẫn ung dung gảy khúc Quảng Lăng tán nghe lưu loát, thanh thoát như nước chảy, mây bay. Đàn xong, nói:” Có kẻ xin học bài này, ta không dạy, thế là từ đây không ai còn đàn bài Quảng Lăng này nữa”.

Kim Khánh Thán là một nhà phê bình văn học thời Minh Thanh, nổi tiếng là người đọc rộng, uyên bác, nhưng tính tình cuồng ngạo, dị kỳ. Nhà Minh đã mất, ông dứt bỏ ý định làm quan.

Năm 1661, vua Thanh ra chiếu đến Giang Tô, lệnh các quan từ chức tuần phủ trở xuống đều phải tới  phủ trị. Nhân dịp này các học sinh đến tố cáo việc làm phi pháp của viên lệnh huyện họ Ngô. Tuần phủ Châu Quốc Trị bắt liền 5 học sinh. Hôm sau, bắt thêm 30 người, trong đó có Kim Thánh Thán. Nhân lúc vùng Giang Nam đang có giặc cướp, các học sinh trên liền bị khép vào tội phụ hội với giặc, kết án tử hình, tịch biên gia sản.

Trước khi thọ hình, ông than thở :” ngờ đâu Thánh Thán lại gặp cảnh này, kỳ lạ lắm thay!”. Rồi cười mà chịu chết. Tương truyền ông có nhờ ngục tốt đem thư về trước khi bị xử.”Gửi con : dưa muối mà ăn với đậu vàng thì có vị như là hồ đào, nếu phép này mà được lưu truyền thì ta chẳng còn hận chi nữa”.

Việt Nam gần đây cũng có những nhà văn,  học giả cũng đã từ giã cuộc đời trong những tư thế rất ngoạn mục.

Nhất Linh là nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20, từng sáng lập Tự Lực văn đoàn 1930. Về sau, vào 1960 tham gia phong trào chống Diệm. Năm 1963, bị chính tiếng vang trong quần chúng hầu thúc đẩy công cuộc chống Ngô Đình Diệm; ông đã chuẩn bị cái chết và đã viết di ngôn. Ông vừa nói chuyện vừa uống rượu với con trai, bỏ thuốc Gardenal vào với rượu, uống cho đến khi nào tắt thở.

Tam Ích đã chọn đứng trên một chồng sách, phất áo, đạp sách, treo cổ tự tự, đi về cõi khác . Phải chăng sách vở vốn là điều ông cả đời say mê nay cũng là lúc ông chối từ nó? Cử chỉ đó có ý nghĩa, gửi lại cho đời sau như một chúc thư văn học.

Yukio Mishima, nhà văn Nhật Bản, tác giả tiểu thuyết Kim Các tự nổi tiếng, chủ chương phục hồi truyền thống ái quốc Võ sĩ đạo. Ông cùng một số chiến hữu tổ chức biểu tình nêu cao chánh kiến của mình, tự động mổ ruột , và một người bạn khác dùng kiếm chặt đầu ông theo cách thức harakiri. Chết theo kiểu Võ sĩ đạo là như thế.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.