Cốt lõi của Bồ Đề tánh không – Phần II

Vậy người ta có thể quy định “tánh không” thuộc vào thành phần nào? Nếu có ai bảo rằng tánh không là một thành phần vật chất, thì tức khắc bạn bè chung quanh sẽ cười người này ngay. Một số những người khác thì bảo rằng đấy là một thành phần phi-vật-chất và phi-hình-tướng, thế nhưng trong trường hợp này thì lại đến lượt các vị Thánh Nhânđã đạt được giác ngộ (“Noble Ones” / “Nobles Êtres éveillés”, nói chung đấy là các vị tu hành đắc đạo và uyên bác) sẽ cười họ. Thật vậy, tánh không là một thành phần không phải là vật-chất mà cũng không phải là phi-vật-chất, do đó phải có một thể loại thứ ba: đấy là một thứ thành phần mà những người bình thường không thể quán thấy được. Thành phần này được Đức Phật gọi là nirodhadhâtu – “thành phần của sự tắt nghỉ” (hay đình chỉ) – đây là thành phần làm cho tất cảcác thành phần khác phải chấm dứt – hoặc còn gọi đấy là “thành phần không bao giờ chết”. Tất cả các thành phần khác đều chết, bởi vì chúng mang bản chất phải gánh chịu cái chết (mọi hiện tượng hiện ra và biến mất như những ảo giác). Trái lại thành phần tắt nghỉ không liên quan gì đến sự sinh cũng như cái chết, hơn thế nữa nó còn biểu trưng cho sự tắt nghỉ hoàn toàn của tất cả các thành phần khác. Tánh không sống bên trong thành phần đó, chính vì thế mà người ta cũng có thể gọi thành phần tắt nghỉ là “thành phần của tánh không”, và đấy cũng là thành phần đưa tất cả các thành phần khác trở về với tánh không (định nghĩa gián tiếp niết-bàn, tức là sự tắt nghỉ, và thể dạng liên đới với nó là tánh không một cách thật khéo léo và tuyệt vời).

Nếu quý vị muốn hiểu được là các thành phần nào khả dĩ khá thích hợp nhằm giúp mình hiểu được Dhamma (Đạo Pháp) thì trên đây là những gì mà quý vị cần phải thấu triệt. Không nên tin rằng chỉ cần hiểu được các thành phần đất, nước, khí và lửa là gì thì cũng đủ – đấy chỉ là những chuyện để giảng cho trẻ con nghe. Các thứ này đã được nói đến ngay cả trước thời kỳ của Đức Phật. Phải đẩy sự hiểu biết xa hơn nữa đến thành phần tri thức phi-vật-chất, thành phần không gian và sau hết là thành phần tánh không, tức là sự tắt nghỉ hoàn toàn củađất, nước, khí và lửa, kể cả tri thức và không gian. Thành phần tánh không là thành phần tuyệt vời nhất đã được nêu lên trong giáo huấn Phật Giáo.

Tóm lại: đất, nước, khí và lửa thuộc vào các thành phần vật chất. Tâm thức (spirit, mind), tri thức (consciousness, mental proceses) thuộc các thành phần phi-vật-chất. Nibbanâ (niết-bàn) tức là thành phần của tánh không thì thuộc vào các thành phần của sự tắt nghỉ (nirodhadhâtu). Quý vị cũng nên dành thì giờ để suy tư cẩn thận hơn về tất cả các thể loại thành phần cho đến khi nào hiểu được một cách thật minh bạch những gì vừa được tóm lược trên đây.Đấy sẽ là cách giúp quý vị khám phá ra thành phần nibbanâ và để hiểu được thấu đáo hơn các khái niệm về vô-ngã và tánh không mà chúng ta đang bàn thảo.

Tóm lại chúng ta có thể đưa ra một nguyên tắc như sau: trong sự nắm bắt và bám víu vào “cái tôi” và cái “của tôi” có cả hai thành phần vật-chất và phi-vật-chất, và trong sự vắng mặt của chúng thì lại có thêm thành phần tắt nghỉ.Nói một cách ngược lại thì người ta có thể bảo rằng nếu thành phần tắt nghỉthâm nhập vào tâm thức thì người ta chỉ thấy toàn là tánh không: thể dạng thoát khỏi “cái tôi” và cái “của tôi” ấy sẽ phát lộ một cách thật rõ rệt. Nếu một thành phần khác (tức khác hơn với sự tắt nghỉ) thâm nhập vào tâm thức thì người ta sẽ nhìn thấy nó dưới các thể dạng như hình tướng, danh xưng, một vật thể trông thấy được, âm thanh, mùi, vị, một vật thể sờ mó được, hoặc là các giác cảm (thích thú, khó chịu), các thứ kỷ niệm, tư duy, tri thức, v.v… – tất cả đám hỗn tạp đó tham gia vào sự hiển hiện và biến mất của các hiện tượng (xin hiểu là quá trình hiển hiện và biến mất của mọi hiện tượng là một sự cảm nhận của tâm thức, do đó khiến chúng ta cũng có thể liên tưởng đến quan điểm về hiện tượng học của học phái duy thức), và dựa vào đó người ta sẽ phát lộ ra sự thích thú hay là ghét bỏ (sựminh bạch trong tâm thức của Buddhadasa và cách trình bày chính xác của ông đãđạt đến một mức độ khiến cho chúng ta phải bàng hoàng).

Thật vậy, chúng ta có hai thể dạng tâm thần nắm giữ một vai trò ưu thế hơn cả: đấy là sự toại-nguyện và bất-toại-nguyện. Đấy là hai cách phản ứng đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta (thật thế không mấy khi chúng ta giữ được một thể dạng trung hòa, khi một giác cảm xảy ra – nhìn thấy một hình tướng, nghe thấy một âm thanh, ngửi thấy một mùi… – thì tức khắc chúng ta đánh giá ngay những thứ ấy bằng sựthích thú hay khó chịu và không thể giữ được một thể dạng “vô tư”).Người khác dạy chúng ta cách phải làm thế nào để chiếm hữu những gì mà mình thèm muốn (dạy mình phải cố gắng học hành để kiếm được nhiều tiền chẳng hạn, thế nhưng mình thì lại chỉ thích… lười biếng), hay là để loại bỏ hoặc lẩn tránh những gì mà mình cảm thấy khó chịu (thí dụ như mình lo buồn thì người khác dạy mình đừng nghĩ đến quá khứ, thế nhưng mình thì lại cứ quay về quá khứ hoặc hướng vào tương lai và không thể nào “cột” tâm thức vào hiện tại được). Đấy là một sự xao động thường xuyên, nó không để cho tâm thức có thể tìm thấy được sự trống không. Nếu muốn cho tâm thức trống không thì chúng ta phải vượt xa hơn những gì vừa trình bày trên đây, tức có nghĩa là phải vượt thoát khỏi những thành phần gây ra sự bấn loạn, hầu giúp mình hòa nhập vào tâm điểm của tánh không.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.