Mười ba điều cần đưa vào thực hành

Luôn luôn cẩn trọng[7].

Tâm của một chúng sinh bình phàm thì giống như một con khỉ. Buộc con khỉ lại để nó không đi lang thang nữa, chúng ta cần áp dụng tâm tỉnh giác (nhớ cái gì cần làm và cái gì cần tránh) và cảnh giác (luôn theo sát ý nghĩ, lời nói và hành động của bản thân). Với những điều đó, chúng ta sẽ biết khi nào ý nghĩ xấu khởi lên và có thể tìm thấy phương thức đối trị ngăn chúng phát triển. Kết quả là, chúng ta sẽ hạnh phúc – thậm chí ngay trong đời này. Và nếu chúng ta có tình thương, lòng bi mẫn, tự nhiên chúng ta sẽ có thể giúp người khác; khi làm người khác hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy lòng tốt được đền đáp và sẽ an toàn trước những tinh linh xấu và loài phi nhân. Về đời tương lai, nếu chúng ta đã vun bồi tình thương, lòng bi mẫn, sự vui vẻ cảm thông và sự không thiên vị theo một cách thông thường, chúng ta sẽ sinh về cõi trời, thậm chí là cung trời thứ ba mươi ba của Đế Thích. Và nếu chúng ta đã vun bồi bốn phẩm tính vô lượng với tâm nguyện đạt đến Phật quả, cuối cùng chúng ta sẽ đạt được giác ngộ hoàn toàn.

Nếu con muốn hạnh phúc trong đời này và đời tương lai, hãy siêng năng thực hành mười thiện hạnh.

Mười thiện hạnh có thể được thực hiện theo những cách khác nhau. Trong khi hiệu quả nhất là từ bỏ những hành động xấu, nó thậm chí sẽ tốt hơn nhiều là thực hiện các thiện hạnh bổ xung đối lập với các ác hạnh. Ví dụ, chúng ta không chỉ nên từ bỏ việc sát sinh, mà thêm vào đó chúng ta nên bảo vệ sự sống bằng cách cứu những con vật khỏi lò mổ. Cũng như vậy chúng ta không chỉ từ bỏ việc trộm cắp, mà chúng ta nên cho đi một cách hào phóng, vân vân. Để thực hành theo cách này, bạn cần vững tin vào tính đúng đắn của luật nhân quả. Sau khi đã tin tưởng như vậy, hãy thực hành các thiện hạnh dù là nhỏ nhất và tránh các ác hạnh nhỏ nhất. Theo cách này, bạn sẽ dần dần tiến bộ theo các thừa khác nhau, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa. Đừng bao giờ nghĩ rằng tránh làm việc ác, tích cực làm thiện là hành động của những thừa cơ bản, và chẳng cần làm vậy trong Đại thừa hay Kim Cương thừa. Làm như vậy là một lỗi lầm cơ bản, vì thế ngài Shechen Gyaltsap viết,

Bây giờ, khi con có những lực chọn, đừng nhầm lẫn cái cần phải làm với cái cần phải tránh.

Khi bạn có trong tay tự do để hành động và bạn biết những hành động nào là xấu, đừng nên sai lầm trong quyết định và cách bạn cư xử.

Nếu con muốn tâm con hướng về Pháp, con cần trải qua những khổ đau.

Để chuyển tâm về với Pháp, đầu tiên chúng ta phải tự nhận ra điều gì mà đau khổ trong luân hồi đưa đến. Nếu chúng ta chưa nếm hương vị đau khổ của luân hồi, tâm chúng ta sẽ chẳng thể hướng về Pháp. Khi chúng ta biết rằng khổ đau là gì, tự nhiên chúng ta sẽ cố gắng tìm ra con đường giải thoát. Vì vậy chúng ta nên hiểu những đau khổ vốn có trong luân hồi bằng cách nghiên cứu những diễn giải chi tiết trong các thực hành tiên quyết. Hơn thế nữa, chúng ta cần nhận thức rằng bằng các ác hạnh, chúng ta đang mua đau khổ cho những đời tương lai. Vì vậy, chúng ta nên cẩn trọng, cảnh giác và cẩn thận, ăn năn và sửa chữa những ác hạnh trước đây.

Những người mới nên hiểu rằng khi chúng ta bắt đầu thực hành Pháp, có thể sẽ có những khó khăn. Cố gắng hòa tâm mình với Pháp cũng sẽ khó, nhưng đây là một khó khăn xứng đáng. Người ta nói rằng, “Trải qua khó khăn người ta mới đạt được một điều quý hiếm.” Chỉ nhờ có những khó khăn lớn, người ta mới có thể đạt được một điều gì đó độc nhất và giá trị. Đức Thích Ca Mâu Ni, là một ví dụ, đã phải trải qua những chướng ngại rất lớn để tích tập những công đức qua ba a tăng tỳ kiếp, dù chính ngài đã dạy rằng Đại thừa là thừa dành cho những chúng sinh có căn cơ cao. Và nếu Kim Cương thừa được cho là con đường để đạt đến Phật quả chỉ trong một đời, nó không thể là một con đường dễ dàng. Hãy xem những khó khăn mà ngài Jetsun Milarepa đã trải qua. Trong mười hai năm ngài thiền định miên mật, ngồi trên mặt đất trong hang động Đá Trắng mà chẳng có gì để ăn hay quần áo. Không có sự nỗ lực đó, thành tựu vĩ đại không bao giờ đến cả.

Hãy quán chiếu về sự vô nghĩa của những công việc vất vả và phát triển lòng quyết tâm sâu sắc. Không có một con đường nào là dễ dàng.

Ví dụ, hãy nhìn vào những rắc rối và khó khăn một người bình thường phải trải qua khi điều hành một đất nước. Họ cần nỗ lực rất lớn tuy nhiên nó hoàn toàn là vô nghĩa. Nếu họ nỗ lực như vậy trong một ngày thôi để thực hành Pháp, họ sẽ gần hơn với giải thoát. Nhưng họ đã lang thang trong luân hồi lâu đến mức tâm họ tự động sẽ đi sai hướng. Xu hướng tự nhiên của họ là sát sinh, trộm cắp hay các ác hạnh khác như làm hại người già. Họ không bao giờ chuyển tâm mình về với Pháp, và một mình thực hành nó. Vì thế cần nhiều tháng nhiều năm thực hành thì chúng ta mới có một tâm an lạc. Bởi vì chúng ta vẫn có rất nhiều thói quen sai từ đời trước, chúng ta sẽ không có được hòa bình và hạnh phúc dễ dàng. Bởi vậy với mục đích quan trọng là giải thoát tâm mình, hãy quay lưng lại với luân hồi và nỗ lực dần dần thực hành Pháp.

Nếu con đã quay lưng với luân hồi, hãy nỗ lực cho sự giác ngộ vô song.

Chúng ta cần tinh tấn trên suốt đường tu. Thậm chí nếu chúng ta đạt đến quả vị A La Hán như hàng Thanh Văn, Duyên Giác, chúng ta còn nhiều nữa mới đạt đến Phật Toàn giác. “Sự giác ngộ vô song” là kết quả tối thượng của Đại thừa, vì thế đây là cái chúng ta kiếm tìm. Và khi ngài Zurchungpa nói rằng, “nỗ lực”, ngài muốn chúng ta nên nghĩ về tinh tấn trong cả cuộc đời. Đừng có nghĩ rằng chỉ thực hành trong vài tháng hay vài năm. Chúng ta bị những cảm xúc khổ đau đè nén, vì thế cần thực hành tinh tấn và dần dần cho đến khi chúng ta đẩy lùi mọi chướng ngại.

Nhận ra những lợi ích của giác ngộ và giải thoát theo ba thừa là rất quan trọng.

Để đạt được một vài phẩm tính của giải thoát và giác ngộ cũng như có được một điều gì quý giá. Hãy khắc ghi trong tâm rằng dù chỉ nhận ra một chút các phẩm tính của Phật quả thôi cũng đem lại những lợi lạc to lớn, trong khi tham gia vào một vài hành động thế tục cũng gây ra những nguy hại khủng khiếp. Nếu bạn thực hành các giáo lý của ba thừa một cách hoàn toàn, bạn sẽ đạt được mọi phẩm tính đáng kính trọng và hiểu rằng những giáo lý này không hề mâu thuẫn. Và kết quả là bạn sẽ đạt được ba thân – Pháp thân, Báo thân, Hóa thân.

Nếu con muốn đạt được kết quả, ba thân Phật, hãy hợp nhất hai sự tích lũy.

Hai sự tích lũy gồm sự tích lũy công đức – với những ý niệm – và sự tích lũy trí tuệ – không ý niệm. Thứ đầu tiên bao gồm năm sự hoàn hảo siêu việt [Ba la mật] – bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định – trong khi điều thứ hai bao gồm sự hoàn hảo thứ sáu, trí tuệ siêu việt. Bằng cách chăm chỉ tích lũy công đức và trí tuệ bạn sẽ đạt đến Phật quả.

Điều này làm cho những vết nhơ che đậy Ba thân Phật được xua tan.

Phật tính hoàn hảo thực tế luôn hiện hữu trong ta, nhưng nó bị che đậy bởi những cảm xúc khổ đau và bởi những chướng ngại về nghiệp và ý niệm. Như chúng ta thấy, hoàn toàn có thể đẩy lùi điều này bằng cách hướng tâm về với Pháp và trau dồi bốn phẩm tính vô song.

Trích: Chúc thư của ngài Zurchungpa, Một luận giải về Tám mươi chương Lời khuyên cá nhân của Zurchung Sherab Trakpa – Dilgo Khyentse Rinpoche – Việt dịch: Tuệ Tạng.

http://latoi.com/gdpt

________________

 http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=6hjxHMLP6JM

http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=ggCPClcfBhY

http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=cjdMnPiwAnY

http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=gGGokSWv7w8

http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=LWJo0cY5JXc

 

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.