Ý Nghĩa Tu Gia Hạnh Phổ Hiền

I. Lý do chọn 21 ngày tu gia hạnh Phổ Hiền

Thầy chọn 21 ngày tu gia hạnh Phổ Hiền, vì căn cứ vào phẩm Phổ Hiền Bồ tát Khuyến Phát thứ 28, Ngài Phổ Hiền đã nói rõ rằng người muốn tu tập kinh Pháp Hoa trong suốt 21 ngày phải tu rất tích cực, quán tưởng Phổ Hiền, sẽ thấy Ngài xuất hiện. Như vậy, điều quan trọng là tu gia hạnh Phổ Hiền thì phải thấy Phổ Hiền xuất hiện. Đa số chúng ta tu, vì kẹt thế tục nhiều quá, nên không vào thế giới Phật được. Chúng ta cứ lo Phật sự, làm việc và bị công việc bao vây mình, từ đó phiền não phát sinh, nhất là người làm được nhiều việc rất dễ bị việc ràng buộc, độ nhiều đồ chúng thì bị đồ chúng làm phiền. Nếu làm nhiều mà không để tâm thì làm sao được; phải lo điều động công việc thì đó là vọng tâm rồi và tự thế tục hóa mình, rơi vào phải trái hơn thua, không còn tốt nữa. Các chúng trưởng của đạo tràng Pháp Hoa phải nhớ rằng khôn dại của trần gian không làm được gì cả. Thầy có cảm giác không ai khôn hơn ai; nhưng biết tu cho thành đức, người sẽ cảm đức, cảm hạnh mà tới với chúng ta.

Thầy làm nhiều việc, nhưng tu là tu; vì biết rời tâm thanh tịnh sẽ mất tất cả. Đối với Thầy, cái gì làm Thầy rời tâm thanh tịnh, Thầy bỏ liền. Thầy sẵn sàng bỏ tất cả việc, bỏ tất cả chức danh để giữ tâm, thì việc sẽ thành tựu. Còn bỏ tâm thì việc hư, mà chức danh cũng mất.

Phải quyết tâm tu, một lòng muốn thấy Phật, không tiếc thân mạng, Phật mới hiện ra và xoa đầu thọ ký mình. Còn chưa được như vậy, coi chừng việc của ta là trần thế, tội lỗi, phiền não, nhiễm ô. Và càng đi sâu vào con đường này, Phật và Bồ tát càng rời xa ta.

Đức Phật Thích Ca và Bồ tát Phổ Hiền đã dạy chúng ta tu tích cực trong suốt ba tuần, nghĩ về hạnh đức của Phổ Hiền thì Ngài xuất hiện. Các Phật tử nên chọn tượng Phổ Hiền đẹp đặt trước mặt để chúng ta quán tưởng, lần lần, chúng ta sẽ cảm được, thì tượng Phổ Hiền trước mặt chúng ta sáng ra và Phổ Hiền trong tâm chúng ta cũng sáng, hai điều này tương ưng với nhau thành một. Vì vậy, bước đầu là tượng, nhưng sau đó biến thành Phổ Hiền thật. Và từ thấy Phổ Hiền xuất hiện trước mặt và trong tâm, tâm chúng ta liền biến thành Phổ Hiền, mới nương được lực Phổ Hiền. Đức Phật dạy rằng làm được như vậy là đầy đủ mười hạnh Phổ Hiền, tức đầy đủ trong tâm chúng ta trước rồi mới đủ ngoài thân ta; cho nên, người thấy chúng ta là Phổ Hiền. Bấy giờ, chúng ta ngồi trên bạch tượng sáu ngà tiêu biểu cho sạch nghiệp, thì cuộc đời này đối với chúng ta nhẹ nhàng đến rồi đi, không có gì lưu luyến. Tâm chúng ta sẽ bay bổng lên cung Trời Đâu Suất cách chúng ta rất xa; nhưng gắn liền bằng tâm thì xa mấy cũng trở thành gần. Ngày nay có thể dùng khái niệm viễn thông để chứng minh điều này. Thật xa như hình ảnh mặt trăng, nhưng đưa về trái đất chỉ trong một giây. Tâm chúng ta còn linh hoạt hơn thế rất nhiều. Ngày xưa người ta còn nghĩ rằng Tề Thiên nhảy một bước là tới Tây phương; vì Tề Thiên là Tôn Ngộ Không, tức tâm không vướng bận mới đến được Tây phương trong chớp mắt. Nếu tâm chúng ta không vướng bận thì nhảy một cái cũng lên cung Trời Đâu Suất, diện kiến Đức Di Lặc. Đâu Suất là thế giới Thiền định, nên tâm chúng ta đi sâu vào Thiền định, mới thấy được Di Lặc, nghe Di Lặc thuyết pháp.

Từ thế giới hiện thực đến thế giới tâm thức, học được với Phật và Bồ tát, rồi trở lại hiện thực cuộc sống, chúng ta mới có những điều hơn người khác. Bấy giờ, những gì mà người đời không biết, tức họ không biết thế giới siêu hình và thế giới tâm thức; nhưng chúng ta thâm nhập được các thế giới này, cho nên ta biết được mọi việc quá khứ và vị lai, còn họ chỉ biết hiện tại. Và chúng ta được làm quyến thuộc của Di Lặc, quyến thuộc của Bồ tát; vì chúng ta thường sống với các Ngài, nghe các Ngài nói pháp. Từ đó cuộc đời này diễn tiến trong tương lai như thế nào, chúng ta cũng sống nhịp nhàng tương ưng theo như vậy, không phạm sai lầm.

HT. Trí Quảng

http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien/sach/y-nghia-tu-gia-hanh-pho-hien/i-ly-do-chon-21-ngay-tu-gia-hanh-pho-hienbr

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.