Hạnh Phúc Chân Thường – Phần III

Chương 10

CHUYỂN HƯỚNG VIỄN TƯỢNG

Ngày xưa có một triết gia Hy Lạp đã dạy đệ tử rằng mỗi khi bị người khác xúc phạm thì hãy trả công cho họ và người đệ tử này đã thực hành lời giáo huấn của sư phụ trong suốt ba năm. Sau khi mãn hạn, sư phụ nói với đệ tử rằng: “Bây giờ thì con có thể đi Athens để học khôn”. Khi đến Athens, người đệ tử gặp một ông già từng trải đứng ở cổng thành. Ông ta lăng nhục tất cả những ai đi ngang qua cổng. Người đệ tử lúc đi qua cũng không tránh khỏi sự nhục mạ của ông già. Nhớ lại chuyện mình đã làm trong ba năm qua, người đệ tử bỗng mỉm cười. Ông già hỏi: “Sao bị ta lăng nhục mà nhà ngươi lại cười?”. Người đệ tử đáp: “Suốt ba năm trời tôi đã phải trả tiền để học chuyện đó và bây giờ lại được ông cho không.” Ông già nói: “Vào thành đi, tất cả là của ngươi đó”.

Desert Fathers, những nhà tu khổ hạnh ẩn cư Cơ Đốc Giáo vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, là một giáo đoàn với những đặc tính rất khác thường đã dùng mẫu chuyện trên đây để nói về giá trị của những khó khăn và khổ ải trong đời sống. Nhưng “Thành phố của sự khôn ngoan” đã mở ngõ cho người đệ tử trong câu chuyện trên không phải chỉ do những khổ cực mà ông ta đã trải qua. Lý do khiến người đệ tử đối phó một cách rất hiệu quả với những hoàn cảnh khó khăn là khả năng chuyển đổi viễn tượng của mình, khả năng khiến ông ta có thể nhìn hoàn cảnh của mình từ một quan điểm khác.

Khả năng chuyển đổi tầm nhìn được coi là một phương tiện vô cùng mạnh mẽ và hữu hiệu để đối phó với những khó khăn của đời sống. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích như sau:

“Có được khả năng nhìn sự việc từ những viễn tượng khác nhau là một điều rất bổ ích. Với khả năng này, người ta có thể dùng một số kinh nghiệm hoặc bi kịch nào đó để phát huy tính tĩnh lặng của tâm thức. Chúng ta nên nhớ rằng bất cứ một hiện tượng, biến cố nào cũng đều có những khía cạnh khác nhau. Tất cả mọi chuyện đều có tính cách tương đối. Thí dụ như trong hoàn cảnh mất nước của tôi. Dĩ nhiên đó là một thảm nạn khủng khiếp nếu nhìn vào những đổ nát tang thương tại Tây Tạng. Nhưng đồng thời, tôi cũng nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác, và với địa vị một người tỵ nạn, tôi có một viễn tượng khác. Đại loại như tôi không còn cần đến những nghi thức, lễ lạc như xưa nữa. Nếu mọi chuyện vẫn như cũ, vẫn tốt đẹp thì trong rất nhiều cơ hội, người ta chỉ giả vờ, làm cho có lệ. Nhưng khi đã trải qua hoàn cảnh hiểm nghèo thì không ai có thì giờ để ngụy tạo nữa. Nhìn từ góc độ đó, thảm nạn vừa qua cũng khá hữu ích cho tôi. Ngoài ra, tư cách tỵ nạn đã tạo cho tôi vô số cơ hội để gặp gỡ nhiều người. Những người từ các truyền thống tín ngưỡng, các tầng lớp xã hội khác nhau, những người mà nếu tôi vẫn còn trong nước thì có thể không có cơ hội để gặp.

“Thông thường thì khi có những rắc rối xảy ra, tầm nhìn của chúng ta bị thu hẹp lại. Làm như tất cả đều chú mục vào tâm trạng lo lắng đối với vấn đề, làm như chỉ có mình phải chịu đựng khó khăn. Tâm lý này có thể dẫn đến tình trạng chỉ nghĩ đến mình mà hậu quả là vấn đề trở nên phức tạp hơn. Khi tình trạng này xảy ra, tôi nghĩ rằng sự quan sát từ một góc cạnh rộng rãi hơn sẽ rất có ích như hiểu được rằng rất nhiều người khác cũng trải qua những khổ nạn như mình hoặc còn khổ hơn mình nữa. Phương pháp thay đổi cách nhìn này giúp chúng rất nhiều trong những trường hợp bịnh hoạn, đau đớn. Dĩ nhiên là không dễ gì tập trung ý tưởng để thực tập thiền quán khi những đau đớn thể xác dâng lên nhưng nếu thực hành thuần thục sẽ giúp chúng ta so sánh mình với những trường hợp tương tự chung quanh, quan sát nỗi khổ đau của mình từ một góc cạnh khác của đời sống. Và điều này giúp ích chúng ta rất nhiều. Ngược lại, nếu chỉ chú tâm vào chuyện đang xảy ra, chúng sẽ trở nên to lớn hơn, nặng nề hơn hầu như không kiểm soát nổi. Khi mang nỗi khổ của mình ra so sánh với một hoàn cảnh bi đát hơn, hiểm độc hơn, chúng ta sẽ thấy rằng nỗi khổ của mình nhỏ bé hơn, dễ dàng hơn và do đó, dễ chịu đựng hơn.

Trước một buổi đàm luận với đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi vô tình gặp một người quen vốn là quản lý viên thiết bị tại chỗ làm cũ. Trong thời gian thuê mướn cơ sở của ông ấy, chúng tôi không mấy hòa thuận với nhau vì tôi tin rằng ông ta đã không cung cấp đúng tiêu chuẩn dịch vụ săn sóc bệnh nhân để đổi lấy những lợi lộc tài chính. Tôi không gặp ông ta đã lâu vậy mà cảm giác tức giận đột nhiên dâng lên khi tôi tình cờ giáp mặt ông ấy. Khi vào đến phòng khách riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma trong khách sạn, tôi đã dịu xuống rất nhiều nhưng tâm trí vẫn chưa hoàn toàn êm ả. Tôi nói với đức Đạt Lai Lạt Ma khi buổi đàm luận bắt đầu:

“Giả như ai đó làm mình bực tức, phản ứng tự nhiên của chúng ta là cảm giác sân hận nổi lên. Trong đa số trường hợp, cảm giác giận dữ không chỉ dâng lên vào lúc đó mà kéo dài về sau, có khi rất lâu về sau. Và mỗi khi nghĩ đến, cảm giác sân hận vẫn trở lại như lúc câu chuyện xảy ra lần đầu. Xin Ngài cho biết chúng ta phải đối xử với tâm lý này như thế nào? Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu và nhìn tôi. Tôi có cảm giác rằng Ngài biết tôi có lý do khi đưa ra câu hỏi này chứ không chỉ thuần túy với mục tiêu thảo luận. Ngài đáp:

“Nếu nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác, chúng ta sẽ thấy rằng người đã gây ra cảm giác bực bội cho mình cũng có những điểm tốt, những mặt tích cực. Lại nữa, ngay chính hành vi làm chúng ta giận dữ cũng có thể đã gây tạo cho chúng ta một vài cơ hội, vài điều mà bình thường chúng ta không làm sao thấy được, ngay cả trong quan điểm của chúng ta. Cho nên chỉ với một ít cố gắng, chúng ta có thể nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh khác nhau. Đó là điều rất hữu ích”.

“Nhưng trong trường hợp mặc dù đã cố gắng, chúng ta cũng không tìm ra một điểm tốt đẹp hay một khía cạnh tích cực nào của câu chuyện thì sao ?”

“Trong trường hợp như vậy, chúng ta phải cố gắng hơn. Chúng ta phải cần thì giờ để tìm hiểu vấn đề từ những viễn tượng khác nhau, những viễn tượng trực tiếp, chánh yếu chứ không phải giả tạo, tưởng tượng. Đồng thời, chúng ta phải nhận xét một cách khách quan chứ không để cho tình cảm làm sai lạc sự nhận xét. Thường thì khi thù ghét một người nào, chúng ta cho họ xấu hoàn toàn, 100% tiêu cực – hoặc cùng một cách thế tương tự, khi yêu thương một người nào, chúng ta cho họ hoàn toàn tốt, 100% tích cực.

Nhưng cách nhìn đời như vậy không phù hợp với thực tế, vì trong nhiều trường hợp, một người bạn rất thân thiết mà ta đối xử như bát nước đầy cũng có thể vì một lý do nào đó làm phật lòng mình. Hoặc một kẻ thù của ta nhưng thật lòng hối lỗi, cư xử hết sức tử tế với mình thì không lý gì mình cứ quay lưng với họ. Cho nên không có ai hoàn toàn xấu mà cũng chẳng có ai hoàn toàn tốt. Người thật xấu cũng có điểm tốt và ngườt thật tốt cũng mang trong mình dăm ba khuyết điểm. Bởi vậy, khi cho một người nào đó hoàn toàn xấu hay tốt thì chẳng qua đó là sự phóng chiếu tâm lý của chính chúng ta, nghĩa là ta gán cho họ như vậy chứ không phải là bản chất thật của họ.

“Tìm cái tốt trong những người xấu là điều hữu ích nhưng chưa đủ. Chúng ta cần phải thường xuyên nhắc nhở mình, thường xuyên thực tập phương pháp chuyển đổi tầm nhìn cho đến khi tâm lý của chúng ta quen với cách sinh hoạt mới. Tổng quát mà nói, khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta không dễ gì thay đổi quan điểm nếu chỉ áp dụng một vài lần các tư tưởng mới. Muốn thay đổi, chúng ta phải kinh qua một thời gian dài học hỏi, luyện tập để làm quen với quan điểm mới hầu có thể đối phó hữu hiệu với hoàn cảnh khó khăn”.

Giữ vững lập trường thực dụng của mình, đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp:

“Tuy thế, nếu đã cố gắng bằng mọi cách mà chúng ta vẫn không tìm thấy một góc cạnh tích cực nào trong hành động của một người nào đó thì có lẽ cách tốt nhất là quên nó đi.”

Cảm hứng về những lời thuyết giảng của đức Đạt Lai Lạt Ma, tối hôm đó, tôi cố tìm cho ra vài “góc cạnh tích cực” về viên quản lý nói trên với dữ kiện là ông ta không phải 100% xấu. Không mấy khó khăn, tôi đã nhớ lại rằng ông ấy là một người cha rất thương con, bằng mọi cách muốn cho con nên người. Và tôi cũng nhận ra rằng những lần đụng chạm với ông ta đã dẫn tôi đến một quyết định tốt đẹp hơn: Tìm được một địa điểm thuận lợi hơn nhiều cho công việc. Không phải những khám phá này làm cho tôi trở nên thân thiện với ông ta, nhưng quả thực, chúng làm tôi bớt ác cảm với viên quản lý mà không phải tốn nhiều công sức. Sau này, đức Đạt Lai Lạt Ma còn thuyết giảng về một bài học sâu sắc hơn: Làm sao để chuyển hóa thái độ của chúng ta đối với kẻ thù và làm sao để quan tâm đến họ.


VIỄN TƯỢNG MỚI ĐỐI VỚI KẺ THÙ

Phương pháp đầu tiên để chuyển hóa thái độ của chúng ta đối với kẻ thù, theo đức Đạt Lai Lạt Ma, là sự phân tích có hệ thống và hợp lý những phản ứng theo thói quen của chúng ta đối với những người làm thiệt hại đến mình. Ngài nói:

“Ta hãy bắt đầu bằng cách xét qua thái độ đặc trưng của mình đối với kẻ địch. Thông thường thì không ai trong chúng ta mong cho kẻ thù gặp được những điều tốt đẹp, nhưng nếu họ bị đau khổ do những hành động của ta thì liệu chúng ta có vui sướng gì không trong chuyện đó? Hãy nghĩ cho kỹ về trường hợp này, liệu có gì đáng thương hơn thế? Mang trong lòng cảm giác thù hận và những ước vọng xấu xa. Có thật chúng ta ích kỷ, bất xứng đến như vậy?”

“Nếu áp dụng phương pháp rửa hận đối với kẻ thù, chúng ta sẽ tạo ra một vòng lẩn quẩn vì khi chúng ta trả đũa, đối phương sẽ không ngồi yên để chấp nhận. Họ sẽ phản ứng mạnh hơn, rồi chúng ta cũng hành động như vậy để đáp lại và câu chuyện cứ thế ngày càng tệ hại. Khi tình trạng này xảy ra ở cấp cộng đồng, những oán thù có thể kéo dài qua nhiều thế hệ và hậu quả là cả hai phía đều bị thương tổn, cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa tươi đẹp. Trong các trại tỵ nạn, các phe nhóm chống đối lẫn nhau kéo theo cả trẻ con và đây là điều rất đáng buồn. Hận thù giống như lưỡi câu của ngư phủ và điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng để đừng mắc câu.

“Cũng có khi người ta cho rằng những hận thù cao độ giúp bảo vệ những lợi ích quốc gia, nhưng theo tôi thì đây là những ý kiến tiêu cực và thiển cận. Ngược lại với quan điểm này là tâm lý hiểu biết và bất bạo động”.

Như muốn thử thách thái độ thường có của chúng ta đối với kẻ thù, đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra một đường hướng mới có thể tạo ra những tác động cách mạng trong đời sống con người. Ngài nói: “Trong đạo Phật, thái độ của chúng ta đối với kẻ thù được xem xét khá cẩn trọng với lý do thù hận là rào cản lớn lao nhất trong việc phát triển từ tâm và hạnh phúc. Nếu chúng ta có thể gia tăng lòng kiên nhẫn, tâm khoan nhượng đối với kẻ thù thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều: Lòng từ ái đối với tha nhân sẽ tự nhiên phát tiết. Đối với hành giả đang khai triển tâm thức, kẻ địch giữ một địa vị quan trọng. Như chúng ta đã thấy, từ ái là tinh túy của đời sống tâm linh. Muốn thành công trong hạnh từ bi, người ta không thể nào bỏ qua ý niệm khoan nhượng và nhẫn nhục. KHÔNG CÓ DŨNG CẢM NÀO HƠN ĐƯỢC ĐỨC NHẪN NHỤC CŨNG NHƯ KHÔNG PHIỀN NÃO NÀO TỆ HƠN LÒNG SÂN HẬN. Cho nên chúng ta phải nỗ lực tối đa để đừng bị vây bủa bởi cảm giác thù hận đối thủ mà ngược lại, nên coi đây là cơ hội để mình thực hành lòng khoan nhượng, chí nhẫn nhục.

“Thật ra, kẻ thù là điều kiện cần thiết để thực hiện đức nhẫn nhục, vì thiếu kẻ thù, khoan nhượng và kiên nhẫn sẽ không có điều kiện phát triển. Bạn hữu hay tha nhân không cho chúng ta những cơ hội, cũng không thử thách ta. Chỉ có kẻ thù mới giúp chúng ta có cơ hội vun bồi tính nhẫn nhục. Bởi vậy, dưới nhãn quan này, chúng ta sẽ thấy kẻ thù là một vị thầy xuất sắc mà chúng ta phải tôn trọng vì đã giúp chúng ta những cơ hội quý báu để thực hành hạnh nhẫn nhục.

Trên thế gian này có vô số vô lượng nhân sinh nhưng những người mà chúng ta có cơ hội tiếp xúc thì không là mấy. Và trong số ít ỏi này, những người gây phiền lụy cho chúng ta lại càng ít hơn. Vì hiếm hoi như vậy nên chúng ta phải trân quý họ. Cũng như vô tình tìm thấy bảo vật chôn giấu trong nhà, chúng ta nên vui vẻ và cảm kích những cơ hội quý báu mà họ đã tạo nên cho chúng ta. Muốn thành đạt trong công tác hành trì nhẫn nhục và khoan nhượng tức là những điều kiện quan yếu để chống lại cảm xúc tiêu cực, chúng ta phải phối hợp các cố gắng cá nhân và các cơ hội do kẻ thù cống hiến.”

“Dĩ nhiên là người ta vẫn có thể nghĩ rằng: ‘Ơ hay, tại sao mình phải tôn trọng kẻ thù, mang ơn về những cống hiến của họ vì họ đâu bao giờ có ý định cung cấp những cơ hội quý báu này? Đâu bao giờ có ý định giúp đỡ mình? Chẳng những họ không có ý giúp đỡ mà ngược lại, họ còn chủ tâm ám hại mình nữa. Cho nên, thù ghét họ là điều thích đáng, họ không xứng đáng được mình tôn trọng’ . Thật ra chính cái tâm địa xấu xa, cái chủ ý muốn ám hại mình của kẻ thù đã tạo ra những hành động độc nhất đó. Vì nếu không có chủ tâm thì lắm khi, chúng ta cũng có thể thù ghét mấy ông bác sĩ, coi họ như kẻ thù khi những vị này phải sử dụng những phương pháp trị liệu đau đớn như mổ xẻ chẳng hạn. Nhưng tại sao chúng ta không thù ghét mấy ông bác sĩ đã gây đau đớn cho ta? Phải chăng vì hành động gây đau đớn đó xuất phát từ ý tưởng giúp đỡ thay vì hãm hại? Vậy thì chính cái chủ ý gây đau khổ đã làm cho hành động của kẻ thù trở nên độc nhất vì đã cống hiến cho chúng ta những cơ hội để thực hành đức nhẫn nhục.

Đề nghị của đức Đạt Lai Lạt Ma về việc tôn trọng kẻ thù vì những cơ hội do họ cống hiến cho chúng ta xem ra có vẻ khó áp dụng. Nhưng nếu chúng ta xem xét trường hợp những người luyện tập thể lực thì hoàn cảnh cũng không khác nhau bao nhiêu: Ban đầu, việc sử dụng các quả tạ thật không thoải mái tý nào nhưng về lâu về dài thì chính sự nặng nề của các quả tạ, nỗi cực nhọc gian khổ mà người ta kinh qua đã đưa đến kết quả mong đợi. Nghĩa là chúng ta không thích sự khổ cực do quả tạ gây ra trong hiện tại nhưng là kết quả mà chúng mang đến cho ta trong tương lai.

Ngay cả ý niệm “hiếm hoi” và “quý báu” mà đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến trong hành động của kẻ thù cũng rất hợp lý và thực tế. Do nghề nghiệp, tôi thường kiên nhẫn ngồi nghe những khó khăn mà các thân chủ thường gặp đối với người chung quanh, và tôi đã nhận ra một cách dễ dàng rằng, ở tầm mức cá nhân, mọi người trong chúng ta không ai có nhiều kẻ thù hay địch thủ. Thường thì những đụng chạm chỉ xảy ra với một ít người như xếp, đồng nghiệp, vợ/chồng cũ hay anh chị em. Như vậy, quả thật chúng ta không có bao nhiêu kẻ thù, tức là kẻ thù khá hiếm. Và những tiến trình giải quyết các xung đột với họ – học hỏi, khảo sát, tìm cách đối phó … đã cuối cùng giúp chúng ta trưởng thành, đã tạo ra những tâm lý liệu pháp rất hiệu quả.

Hãy tưởng tượng cuộc sống chúng ta không có khó khăn, thù nghịch. Nếu từ lúc nằm nôi cho đến khi xuống mồ mà ai cũng nuông chiều và ưu đãi mình, lúc nào cũng hoan hỷ và tán dương mình. Nếu suốt đời không phải đối diện với một khó khăn hay thử thách … Nói gọn lại, tức là chúng ta được đối xử như một đứa trẻ con. Mới nghe thì có vẻ hay đấy, nhưng nó sẽ làm cho chúng ta trở thành một hiện-hữu-vô-tích-sự-và-kỳ-quái với sự phát triển tinh thần và cảm xúc ở mức độ của một con bò con! Chính những vật lộn với đời làm chúng ta khôn lớn, và chính kẻ thù là người đã thử thách, đã giúp chúng ta trưởng thành.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.