Hạnh Phúc Chân Thường – Phần III

Chương 11

TÌM HIỂU MỤC ĐÍCH CỦA ĐAU ĐỚN VÀ KHỔ NÃO

Victor Frankl, một tâm lý gia người Do Thái từng bị Nazis cầm tù trong trận thế chiến thứ 2, đã nói: “Người ta sẵn lòng chịu đựng bất cứ khổ não nào miễn là họ thấy được ý nghĩa của nó”. Do những kinh nghiệm tàn bạo vô nhân mà Frankl đã trải qua trong trại tập trung, ông ta có thể hiểu được tại sao người ta sống sót qua những đày ải hết sức tàn bạo. Quan sát kỹ càng ai đã vượt thắng và ai đã đầu hàng hoàn cảnh, ông quả quyết rằng sức mạnh thể chất hay tuổi trẻ không phải là lý do chính, nhưng là sức mạnh tinh thần tỏa ra từ việc nhìn thấy mục đích và ý nghĩa của sự tồn vong đã giúp người ta thành công.

Tìm hiểu về mục đích của khổ nạn là phương pháp rất hiệu nghiệm giúp chúng ta chống chọi với những giai đoạn khó khăn nhất trong đời. Nhưng đây không phải là chuyện dễ dàng. Những khổ nạn thường xảy ra một cách tình cờ, không có tính cách phân biệt và rất vô nghĩa. Trong khi đang bị vây phủ bởi đau đớn và khổ não, tất cả mọi năng lực của chúng ta đều tập trung vào mục tiêu làm sao để ra khỏi sự vây bủa này, và trong thời khoảng mà các thảm kịck hay khủng hoảng đang ở cao điểm, hầu như chúng ta không thể nào tìm hiểu được ý nghĩa hay mục đích của những khổ nạn. Trong những trường hợp này, chúng ta không làm gì được ngoài việc chịu đựng một cách kiên trì. Người ta thường cho rằng những khổ nạn mà mình phải cưu mang là không công bằng và vô nghĩa. Người ta tự hỏi “Tại sao lại là tôi?”. Tuy vậy, cũng may là chúng ta có những thời điểm trước hoặc sau các giai đoạn khổ đau cao độ để suy ngẫm hầu tìm hiểu ý nghĩa cuả các khổ nạn. Thời gian mà chúng ta dùng để suy ngẫm và tìm hiểu này sẽ là phần thưởng quý báu khi bất hạnh xảy đến. Nhưng muốn được hưởng những phần thưởng này, chúng ta phải bắt đầu cuộc truy tầm khi mọi chuyện còn đang bình thường và êm đẹp. Muốn chống lại gió bão, cây cần phải có rễ bám sâu vào lòng đất, nhưng cây không thể mọc rễ kịp khi cơn giông đã xuất hiện ở chân trời.

Vậy thì chúng ta bắt đầu cuộc truy tầm mục đích của khổ não từ chỗ nào? Đối với đa số quần chúng, sự truy cứu thường khởi đầu từ truyền thống tín ngưỡng. Mặc dù các tôn giáo có những phương thức khác nhau để nhận thức ý nghĩa và mục đích các khổ đau của nhân loại, mỗi tôn giáo cung ứng các phương thức ứng phó với khổ não dựa trên những đức tin căn bản của mình. Thí dụ như trong Phật giáo hay Ấn giáo, khổ não là kết quả của những hành động tiêu cực trong quá khứ, và chính điều này là chất xúc tác trọng yếu nhất của sự giải phóng tâm linh.

Theo truyền thống Du Đà Cơ Đốc, vũ trụ được Thượng Đế dựng lên và mặc dù họa đồ chính của Ngài đôi khi có vẻ bí mật và không thể giải đoán được, lòng tin cẩn đối với Ngài đã khiến chúng ta khoan nhượng khổ nạn một cách dễ dàng và đầy tin tưởng hơn. Cũng như Talmud đã nói: “Mọi chuyện mà Thượng Đế làm, Ngài đều làm vì sự tốt lành nhất”. Cuộc sống có thể đau khổ nhưng giống như khi người đàn bà sanh nở, chúng ta tin tưởng rằng kết quả tốt đẹp sau cùng sẽ biện minh cho sự đau đớn đó. Sự thử thách mà các truyền thống tôn giáo này phải đối diện là, không như tình trạng lâm bồn của sản phụ, các kết quả tốt đẹp thường không hiển bày cho chúng ta. Tuy vậy, đối với những người có một đức tin vững mạnh vào Thượng Đế, tin tưởng vào mục tiêu tối hậu của Ngài giúp họ chịu đựng được nghịch cảnh. Cũng như một nhà hiền triết Hasidic[3] đã nói: “Khi bị đày ải, người ta không nên than rằng ‘Thật là tồi tệ!’ vì Thượng Đế không áp đặt bất cứ một điều gì xấu xa lên con người. Nhưng người ta có thể nói rằng: ‘Thật là cay đắng’ vì khá nhiều loại thuốc được làm bằng những dược thảo đắng chát”. Như vậy, theo quan niệm của truyền thống Du Đà Cơ Đốc, khổ nạn có nhiều mục đích: Thử thách và tăng cường lòng tin, giúp chúng ta đến gần với Thượng Đế một cách vững chắc và thân tình, giúp chúng ta tránh xa những cám dỗ vật chất và gắn bó với Ngài như là chỗ dung thân.

Trong khi các truyền thống tín ngưỡng có thể giúp con người tìm thấy những mục đích và giá trị nằm sau các khổ nạn, những người không phải là tín đồ của một tôn giáo cũng có thể dùng suy nghiệm để hiểu ra điều này. Tuy không mang cảm giác thú vị, các khổ nạn rõ ràng đã thử thách, tăng cường kinh nghiệm sống. Bác sĩ Martin Luther King Jr có lần đã nói: “Cái gì không hủy hoại được tôi, sẽ làm tôi dũng mãnh hơn.” Mặc dù con người tự nhiên chùn bước trước khổ não, chính nó đã thách đố chúng ta, và trong nhiều trường hợp đã làm chúng ta phát huy tối đa năng lực của mình.

Trong cuốn Người thứ ba (The Third Man), tác giả Graham Green đã quan sát: “Trong 30 năm dưới triều đại giòng Borgia, Ý Đại Lợi đã tả tơi vì chiến tranh, khủng bố, ám sát và tắm máu; nhưng đồng thời cũng đã tạo ra Michelangelo, Leonardo Da Vinci và chủ nghĩa Phục Hưng. Tại Thụy Sĩ, người ta sống trong tình huynh đệ, 500 năm hòa bình và dân chủ của người Thụy Sĩ đã sản xuất được gì ? Chỉ có cái đồng hồ Cuckoo”.

Trong nhiều trường hợp, khổ não giúp chúng ta cứng rắn, vững chắc hơn nhưng trong nhiều trường hợp khác, chúng gây ra những hệ quả trái ngược: chúng ta trở nên mềm mỏng, mẫn cảm và hòa dịu hơn. Những điều mà chúng ta chứng nghiệm được trong lúc kinh qua các đớn đau khổ não có thể làm chúng ta mở rộng tâm hồn; làm cho mối liên hệ với tha nhân trở nên sâu sắc, có ý nghĩa hơn. Nhà thơ William Wordsworth đã từng nói: “Nỗi đau khổ tột cùng làm tâm hồn tôi nhiều nhân tính hơn”. Trong ý nghĩa này, tôi chợt nhớ đến một người quen tên Robert. Robert là nhân viên cấp lãnh đạo của một tổ hợp kinh doanh rất thành công. Cách đây vài năm, anh ta lâm vào tình trạng khó khăn tài chánh đã gây ra chứng trầm cảm bất động khá nghiêm trọng. Tôi gặp Robert trong giai đoạn ngặt nghèo này. Trước kia, tôi biết Robert thuộc loại người tự tin, đầy nhiệt huyết và tôi đâm hoảng khi thấy anh ta trông quá sức thảm hại. Với giọng nói ngập đầy thống hận, Robert cho tôi biết: “Chưa bao giờ cuộc đời tôi tàn tạ đến thế này. Không làm sao lay chuyển được tình thế. Tôi chưa từng bao giờ biết thế nào là cảm giác bị chìm đắm, vô vọng và ngoài tầm tay”. Sau khi bàn thảo, tôi gởi Robert đến một đồng nghiệp để chữa trị.

Độ mấy tuần sau, tôi gặp Karen (vợ của Robert) và hỏi thăm anh ta có hồi phục không. Cô ta đáp: “Cám ơn Bác sĩ, anh ấy đã khá hơn nhiều. Vị đồng nghiệp do Bác sĩ giới thiệu đã cho anh ấy uống thuốc chống trầm cảm và ảnh có vẻ chịu thuốc. Chúng tôi vẫn cần một thời gian để giải quyết tình trạng tài chánh của doanh nghiệp, nhưng anh ấy đã khá hơn nhiều. Chúng tôi rồi cũng đâu vào đấy …”

“Tôi rất mừng cho anh chị. “

Hơi do dự một lúc, cuối cùng Karen thú thật: “Bác sĩ biết đó, tôi không muốn thấy ảnh bị suy thoái. Nhưng cũng là một điều may! Một đêm nọ, trong cơn thất vọng cùng cực, Robert đã khóc nức nở, đến độ không thể nào kiểm soát được. Ảnh khóc cho đến khi ngủ thiếp đi. Trong 23 năm sống với nhau, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tình cảnh như vầy … Và thật tình mà nói, tôi chưa bao giờ thấy mình gần gũi với chồng đến thế. Bây giờ tuy cơn suy nhược của Robert đã thuyên giảm, sự việc có vẻ như khác hơn trước. Có cái gì đó đã hé lộ ra và cảm tưởng gần gũi thì vẫn nguyên như vậy. Cùng nhau chia xẻ nỗi khó khăn đã thay đổi mối liên hệ giữa chúng tôi, nó làm cho chúng tôi gần nhau hơn nhiều so với lúc trước.”

Trong khi tìm kiếm những mục đích ở đằng sau các khổ não, chúng ta lại trở về với đức Đạt Lai Lạt Ma để tìm xem khổ não đã có những ứng dụng thực tế nào theo quan điểm của đạo Phật. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Trong Phật giáo, chúng ta có thể sử dụng những khổ não cá nhân để tăng trưởng từ tâm, coi đó là cơ hội để thực hành Tong-len.

Đây là một phương pháp quán tưởng trong hệ Đại thừa, theo đó, hành giả tưởng tượng rằng mình đang cưu mang tất cả đau đớn và khổ não của người khác, đồng thời, cho họ tất cả những gì mình có kể cả của cải, sức khoẻ … Sau này, tôi sẽ hướng dẫn một cách chi tiết hơn phương pháp quán tưởng này.

“Như vậy, khi thực hành phép quán này, hoặc khi phải kinh qua những đớn đau khổ não, chúng ta sẽ suy nghĩ như sau: ‘Nguyện xin nỗi khốn khó của tôi sẽ thay thế cho nỗi khốn khó của tất cả chúng sinh. Với nỗi thống khổ này, nguyện xin cho tất cả mọi loài không phải gánh chịu những nỗi thống khổ khác.’ Tức là chúng ta dùng nỗi đau đớn của mình để thực tập cách gánh chịu nỗi đau đớn của người khác.

“Ở đây tôi muốn đề cập đến một chi tiết để tránh ngộ nhận. Khi thực hành phương pháp dùng khổ đau của mình để cưu mang khổ đau của người khác, tôi không có ý nói rằng chúng ta sẽ làm ngơ sức khỏe của chính mình. Khi đối diện với bệnh tật, điều quan trọng trước tiên là phải xử dụng các biện pháp phòng ngừa để tránh tình trạng lây lan, và nếu chẳng may bị bịnh, chúng ta cũng không nên trông đợi quá đáng ở thuốc men hay các hình thức chữa trị thông thường. Sử dụng phương pháp Tong-len trong khi bị bịnh có thể giúp chúng ta rất nhiều trong công tác đối phó với bịnh tật về phương diện tinh thần chứ không phải thể lực. Thay vì than vãn, tủi thân cũng như bị vây bủa bởi cảm giác băn khoăn lo lắng, chúng ta có thể tự mình tránh khỏi những đau khổ tinh thần bằng cách chấp nhận một thái độ đúng đắn. Tong-len, nói nôm na là cho và nhận, có thể không giúp chúng ta vơi bớt những đau đớn thể xác hay làm chúng ta khỏi bịnh, nhưng nó giúp chúng ta bớt đi những cảm giác không cần thiết trong tâm hồn như sầu muộn, sợ hãi…

“Khi chúng ta nguyện rằng: ‘Do những đớn đau khổ não mà tôi đang gánh chịu, xin cho mọi người tránh được tất cả khổ não đớn đau’ thì khổ nạn của chúng ta đã mang một ý nghĩa mới có tính cách tôn giáo và tâm linh. Không những nó giúp người ta trong nhiều trường hợp, tránh được những tình trạng buồn khổ mà đồng thời, cảm thấy vinh dự, đặc ân. Người ta sẽ coi đó là một cơ hội quý báu, và vui mừng vì thấy mình cao thượng hơn.”

Tôi hỏi: “Ngài cho rằng chúng ta có thể dùng khổ nạn để thực tập Tong-len. Và trước đây, Ngài có đề cập đến sự kiện rằng suy ngẫm về bản chất của khổ não trước khi chúng xuất hiện có thể giúp chúng ta đối phó dễ dàng hơn … với ý nghĩa chấp nhận khổ nạn là một phần tự nhiên của đời sống …”

Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu: “Quả đúng như vậy …”

Tôi nói tiếp: “Xin ngài cho biết còn có cách nào khác để tìm hiểu ý nghĩa của khổ đau, hoặc ít ra, suy ngẫm về chúng sẽ đưa đến những lợi ích thực tiễn?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: “Có, chắc chắn là có. Trước đây chúng ta đã nói rằng, trong phạm trù Phật giáo, suy nghiệm về khổ não là điều rất quan trọng vì khi nhận thức được bản chất của khổ não, chúng ta sẽ có quyết tâm vững mạnh hơn trong việc chấm dứt các căn nguyên của chúng, cũng như từ bỏ những hành động không lành mạnh vốn là nguyên nhân của khổ não. Nó cũng khiến chúng ta nhiệt thành hơn đối với những hành vi lành mạnh vốn là căn nguyên của hạnh phúc, vui vẻ.”

“Suy ngẫm về khổ não có giá trị gì đối với những người không phải là Phật tử?”

“Có. Đối với một số trường hợp, sự suy ngẫm này có những giá trị thực dụng: Nó khiến chúng ta bớt đi tính kiêu căng tự phụ.” Đức Lạt Lai Lạt Ma cười: “Dĩ nhiên là đối với những người coi kiêu mạn, hãnh diện là chuyện không có gì sái quấy thì có thể sẽ không có giá trị gì.” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp với vẻ nghiêm túc: “Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần phải để ý là: nhận thức về đớn đau khổ não của chính mình sẽ giúp chúng ta phát huy tính đồng cảm, tức là khả năng giúp chúng ta cảm thông với đau đớn và khổ não của người khác. Điều này làm tăng trưởng từ tâm, giúp chúng ta dễ nối kết với người khác, và đây là những giá trị chân chính.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma kết luận: “Nhìn khổ não từ viễn ảnh này, thái độ của chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi. Những khổ nạn có thể không còn là vô ích và xấu xa như chúng ta vẫn tưởng”.

ĐỐI PHÓ VỚI ĐAU KHỔ THỂ CHẤT

Suy ngẫm về khổ nạn vào những thời điểm bình yên của cuộc sống, khi mọi sự có vẻ êm xuôi và tốt đẹp có thể giúp chúng ta khám những giá trị và ý nghĩa sâu xa của khổ não. Tuy rằng đôi khi chúng ta phải hứng chịu những khổ nạn xem ra chẳng có nghĩa lý và mục đích gì cả. Các đau đớn của thể xác thuộc về loại này. Nhưng có một sự khác biệt giữa đau đớn thể chất tức là những diễn biến sinh lý và khổ não tức là trạng thái tinh thần tương ứng với các đau đớn này. Và các nghi vấn hiện ra: Nếu tìm ra mục đích và ý nghĩa đích thực của đau khổ, liệu rằng thái độ của chúng ta sẽ đổi thay? Và nếu thái độ của chúng ta có thay đổi thì mức độ đau đớn có giảm bớt?

Bác sĩ Paul Brand đã để tâm tìm kiếm mục tiêu và giá trị của khổ đau vật chất trong tác phẩm của ông với nhan đề “Đau đớn: Một tặng vật không ai muốn”. Bác sĩ Brand, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về phẫu thuật và bịnh cùi, đã sống thời niên thiếu của ông ở Ấn Độ vì là con trai của một nhà truyền giáo. Ông đã sống với tầng lớp cơ hàn nhất trong xã hội, và ông đã nhận ra rằng tại đó, người ta chấp nhận và khoan nhượng những đau khổ thể chất nhiều hơn so với phương Tây. Cũng do vậy mà Bác sĩ Brand đã phát triển sở thích của mình về việc tìm hiểu cấu trúc gây ra đau đớn trong cơ thể con người. Dần dà, ông làm việc với các bịnh nhân bị cùi hủi ở Ấn Độ và đã khám phá ra nhiều điều đáng lưu ý. Một trong những khám phá của ông là sự tàn phá của bịnh cùi và sự biến dạng ghê tởm thật ra không phải vì sự hư thối của các bắp thịt mà vì tay chân bịnh nhân không còn cảm giác. Vì không có cảm giác đau đớn, bịnh nhân không biết rằng cơ thể mình đang bị thương tổn. Bác sĩ Brand đã chứng kiến những người bệnh đi đứng hay chạy nhảy trong lúc da thịt lở loét hay đưa cả xương ra ngoài. Sự kiện này làm cho bịnh trạng càng thêm trầm trọng. Vì không có cảm giác, nhiều người đã đưa tay vào tro nóng để tìm kiếm vật dụng … nghĩa là những hình ảnh không thể tưởng tượng được của tình trạng tự hủy. Trong cuốn sách này, bác sĩ đã kể lại vô số những câu chuyện làm người đọc choáng váng về tình trạng sống không cảm giác đau đớn như người bịnh vẫn ngủ một cách bình yên trong khi chuột gặm mất ngón tay hay ngón chân.

Suốt cuộc đời làm việc với những bịnh nhân khổ sở vì đau đớn cũng như những bịnh nhân khổ sở vì không có cảm giác đau đớn đã khiến Bác sĩ Brand dần dà nhận thức được rằng đau đớn không hẳn là kẻ thù truyền kiếp của con người như Tây phương vẫn quan niệm, mà thật ra là một cấu trúc sinh học rất phức tạp nhằm báo động cho chúng ta về những tổn hại của cơ thể, và do đó, nhằm bảo vệ chúng ta.

Nhưng tại sao cảm giác đau đớn lại khó chịu đến vậy? Bác sĩ Brand đã đi đến kết luận rằng chính cái khó chịu, chính sự căm ghét của chúng ta đã làm cho cảm giác đau đớn trở nên vô cùng hiệu quả trong việc bảo vệ cũng như báo động cho chúng ta về những hiểm nguy và thương tổn của cơ thể. Chính cái ‘phẩm chất khó chịu’ của đau đớn đã làm cho toàn bộ cấu trúc của cơ thể đứng lên chống lại hiểm nguy. Mặc dù cơ thể có những cử động phản xạ tạo ra một lớp màng bao bọc phía ngoài để phòng chống và đưa chúng ta tránh xa cảm giác đau đớn khá nhanh chóng, chính cảm giác khó chịu đã động viên và bắt buộc toàn bộ cấu trúc của cơ thể tham gia và hành động. Nó cũng tàng trữ kinh nghiệm vào trong ký ức để bảo vệ cơ thể chúng ta trong tương lai.

Nếu tìm hiểu mục đích của khổ não có thể giúp chúng ta ứng phó với những vấn nạn của cuộc sống, bác sĩ Brand cho rằng tìm hiểu mục tiêu của các đau đớn thể xác cũng có thể giúp chúng ta giảm thiểu cường độ đau đớn khi chúng xuất hiện. Với lập luận này bác sĩ Brand đưa ra ý kiến “bảo hiểm đau đớn “. Ông cho rằng chúng ta có thể sửa soạn trước, trong lúc đang khoẻ mạnh, bằng cách tìm hiểu lý do tại sao con người phải chịu đau đớn cũng như suy ngẫm về cuộc sống không có sự hiện hữu của cảm giác đau đớn. Vì đau đớn có thể làm mất tính cách vô tư nên chúng ta phải suy ngẫm về chuyện này trước khi các đau đớn bộc phát. Nếu chúng ta có thể nghĩ rằng: ‘đau đớn là một thứ thông điệp mà thể xác chúng ta muốn nhắn gởi, muốn lôi cuốn sự chú ý của chúng ta bằng phương cách hữu hiệu nhất’ thì thái độ của chúng ta đối với đau đớn có thể thay đổi – và ngay khi thái độ của chúng ta bắt đầu thay đổi thì nỗi khổ đau của chúng ta cũng giảm bớt cường độ. Bác sĩ Brand đã nhận định như sau: “Tôi tin chắc rằng thái độ sẵn sàng đón nhận sự việc đóng vai trò quyết định về cường độ của sự đau đớn khi chúng xảy đến”. Ông cũng tin tưởng rằng chúng ta nên tỏ thái độ biết ơn đối với sự đau đớn. Có thể chúng ta không biết ơn đối với chính cảm giác đau đớn, nhưng chúng ta phải tỏ lòng biết ơn đối với cấu trúc tiếp nhận đau đớn của cơ thể.

Không có gì nghi ngờ về thái độ và cảm quan của chúng ta đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cường độ của đau đớn thể chất. Thí dụ như có hai người đều bị thương ở ngón tay, một là thợ xây cất và một là người chơi dương cầm. Trong khi mức độ đau đớn có thể đồng đều đối với hai người thì người thợ xây cất ít bị khổ sở hơn, không chừng còn cảm thấy thích thú là đàng khác nếu vết thương đã là nguyên nhân khiến anh ta được nghỉ một tháng có lương theo luật bảo hộ lao động. Trong khi đó, người chơi dương cầm sẽ khắc khoải hơn nhiều nếu anh/chị ấy coi dương cầm là sở thích quan trọng nhất của đời mình.

Ý kiến cho rằng thái độ tinh thần đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và chịu đựng đau đớn không chỉ ở bình diện lý thuyết mà đã được chứng minh bởi rất nhiều cuộc khảo sát và thí nghiệm … Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu vấn đề bằng cách theo dõi do đâu mà đau đớn đã được đón tiếp và cảm nhận. Đau đớn bắt đầu bằng một tín hiệu cảm giác. Hệ thần kinh sẽ dẫn truyền cảm giác này khi bị khởi động bởi một cơ duyên nào đó mà nó cho là nguy hiểm. Hàng triệu tín hiệu được gởi đến não bộ qua hệ thống tủy sống. Tại não bộ, các tín hiệu này được phân loại và sau đó, một báo cáo sẽ được hình thành và gởi đến phần cao cấp hơn trong óc, và từ đó, cảm giác đau đớn thành hình. Sau đó, não bộ sẽ dựa theo báo cáo này mà quyết định phương thức ứng phó. Chính tại giai đoạn này, não bộ sẽ quyết định về phẩm chất và mục đích của đau đớn và từ đó, gia tăng hay biến đổi mức độ cảm nhận của chúng ta. Do tâm thức, chúng ta đã chuyển hóa đau đớn (thể chất) thành khổ não (tinh thần).

Để giảm bớt cường độ đau đớn, chúng ta cần có sự phân biệt rõ ràng giữa nỗi đau đớn thật sự và nỗi đau đớn do chúng ta tạo ra bởi những ý tưởng vây quanh nỗi đau đớn thật sự. Sợ hãi, tức giận, phạm tội, cô đơn, bất lực … đều là những phản ứng tâm lý làm gia tăng cường độ đau đớn. Do đó, để tìm cách ứng phó với đau đớn, chúng ta có thể nhắm vào hạ tầng cơ sở của cảm giác này bằng cách xử dụng thuốc men và các phương thức trị liệu tân tiến của y học; nhưng đồng thời, chúng ta cũng có thể nhắm vào thượng tầng kiến trúc của chúng bằng cách thay đổi thái độ và cảm quan của chúng ta.

Nhiều nghiên cứu gia đã khảo sát vai trò của tâm thức trong sự tiếp nhận đau đớn. Pavlov đã huấn luyện được loại chó khắc phục đau đớn khi phối hợp đồ ăn và điện giựt. Nhà nghiên cứu Ronald Melzak đã đi một bước xa hơn: Ông ta nuôi một số chó Scottish Terrior từ lúc sơ sinh tại các chuồng có nệm bao quanh khiến chúng không hề bị chấn động hay cào xướt cho đến lúc trưởng thành. Kết quả là những con chó này không biết xử sự ra sao khi bị đau đớn. Thí dụ như khi bị kim chích vào chân, chúng không tru tréo lên như những con chó sống trong điều kiện bình thường. Căn cứ vào kết quả này, Melzak cho rằng cái mà chúng ta gọi là đau đớn, kể cả cảm giác khó chịu của chúng ta đối với đau đớn là do thói quen chứ không phải bẩm sinh. Những thí nghiệm khác được thực hiện ở con người bao gồm thôi miên và thuốc trấn an (loại thuốc không có dược tính được các bác sĩ dùng để làm cho bịnh nhân yên trí rằng mình đã được uống thuốc) đã cho người ta thấy rằng, trong nhiều trường hợp, các chức năng của não bộ cao cấp có thể vô hiệu hóa các tín hiệu đau đớn trong giai đoạn đầu của lộ trình cảm giác. Điều này chứng minh rằng tâm thức có thể quyết định phương thức cảm nhận đau đớn, đồng thời giải thích những phát hiện rất đáng lưu ý của những nhà nghiên cứu như bác sĩ Richard Sternback và Bernard Tursky tại trường y khoa thuộc đại học Harvard (và sau đó được xác nhận bởi các công trình nghiên cứu của bác sĩ Maryann và đồng nghiệp). Các vị này nhận thấy rằng có sự khác biệt quan trọng giữa các sắc tộc về khả năng cảm nhận và chịu đựng đau đớn.

Như thế thì sự khẳng định rằng thái độ của chúng ta có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cường độ đau đớn không chỉ là những ý tưởng thuần về lý thuyết mà thực ra, được hỗ trợ bằng những chứng cớ khoa học…. Và nếu sự nghiên cứu về ý nghĩa và mục đích của đau đớn đưa đến sự thay đổi thái độ của chúng ta đối với cảm giác đau đớn thì quả là những nghiên cứu này đã không uổng phí chút nào. Bác sĩ Brand đã khám phá thêm một chi tiết rất thú vị và quan trọng trong khi tìm hiểu những mục đích căn để của đau đớn. Ông đã ghi nhận các lời phát biểu của những người bị bịnh cùi đại loại như sau: “Dĩ nhiên tôi vẫn biết đấy là chân tay của mình, nhưng không hiểu sao, tôi có cảm tưởng như chúng không phải là một phần thân thể của tôi, chúng chỉ là những dụng cụ thì phải!”. Vậy thì đau đớn không chỉ có mục đích báo động và bảo vệ chúng ta, nó còn hợp nhất chúng ta nữa. Không có cảm giác đau đớn, chân tay hình như không còn là một phần của cơ thể.

Nếu đau đớn làm cho chúng ta có cảm tưởng hợp nhất trong cơ thể mình thì khổ não cũng hiện hữu với một cách thế tương tự: nó làm cho chúng ta kết nối với tha nhân và đây có thể là mục đích tối hậu của khổ não vậy. Chính khổ não là nguyên tố căn để nhất mà chúng ta chia xẻ với tha nhân, là nguyên nhân mà chúng ta thống hợp với mọi loài.

Chúng tôi kết thúc buổi nói chuyện về khổ não của con người và đức Đạt Lai Lạt Ma, như đã hứa trước đây, hướng dẫn cách thực tập Tong-len. Như đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ giải thích sau này, mục đích của phương pháp quán sát này là để phát triển từ tâm. Nhưng cách quán sát cũng là một phương thức rất hữu hiệu giúp chúng ta chuyển hóa khổ não. Khi phải kinh qua những khổ nạn hay khó khăn dưới bất cứ hình thức nào, chúng ta đều có thể sử dụng phương pháp này để tưởng tượng rằng mình đang mang nỗi khổ đau của mình để thế cho người khác, một thứ đau khổ được ủy nhiệm bởi tha nhân. Đức Đạt Lai Lạt Ma trình bày phép quán này trước một cử tọa đông đảo tại Tucson vào một buổi chiều oi bức của tháng chín. Không khí trong sảnh đường với thân nhiệt của 1,600 người đã hoàn toàn vô hiệu hóa hoạt động của hệ thống điều hòa không khí. Nhiệt độ trong phòng cứ chậm chạp gia tăng đã tạo nên một hoàn cảnh thật thuận lợi cho buổi ngồi thiền về khổ não.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.