Đọc Thư Mẹ Trong Mùa Vu Lan

Melbourne, ngày 03 tháng 7 năm 2014

Oanh, Vũ hai con,

Ở bên đó vợ chồng con và hai cháu nội của mẹ khỏe không? Mẹ viết thư này gởi đến hai con trong mùa Vu Lan. Dù mẹ tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm. Bởi vậy mẹ phải soi rọi lại mình, lo tu sửa nhiều hơn. Mẹ không dám lạm bàn chuyện của người khác. Mẹ đi thọ bát hằng tuần nghe quý thầy giảng giải Phật pháp nên thuật ngữ Phật giáo có thể thâm nhập đôi chút. Thư nầy có đoạn nào khó hiểu mong hai con cố hiểu nha hay khi hai con về thăm mẹ, mẹ sẽ giải thích tường tận hơn vì thư bất tận ngôn mà.

Viết những dòng tư duy nầy gởi đến hai con như nhóm lên chút lửa làm ấm áp mẹ trong những ngày mùa đông giá lạnh ở Úc nầy. Mẹ khuyến khích hai con nên tu tập để giải hóa những đau khổ của cuộc đời. Vợ chồng mà cùng nhau tu tập rất tốt còn gì bằng. Còn trẻ như hai con dành 90 phần trăm thời giờ lo nợ áo cơm, nên bỏ ra 10 phần trăm thời gian có được trong ngày để tu tập. Dần dần tinh tấn hơn, sự tu tập càng ngày càng gia tăng.

Hai con;

Mẹ đã chuẩn bị dự khóa tu xuất gia ngắn hạn 10 ngày trong mùa an cư nầy tại chùa Quang Minh. Tiếc thay không đủ duyên nên khóa tu không thực hiện được. Quý thầy nói khóa tu nầy dời lại, có thể sẽ tổ chức vào mùa giáng sinh năm nay. Quý tăng ni đang trong mùa an cư và sắp tới lễ tự tứ. Tuần lễ nầy mẹ không thọ bát vì chùa có buổi gây quỷ từ thiện mổ mắt cườm. Trong buổi chiều gây quỹ nầy có ca sĩ Diễm Liên và Đan Nguyên từ Hoa Kỳ sang giúp vui. Nghe nói số tiền gây quỹ nầy lên đến hơn 20 ngàn đô.

Hai con thương;

Ngoài đường phố Melbourne cây bây giờ đã hết vàng rồi. Giữa đông rồi hai con à, phần lớn cây hai bên vệ đường trơ cành đang hứng chịu sương giá. Mẹ nghĩ và nhớ về hai con. . . . Cách đây vài tuần Vũ gọi điện thoại cho mẹ. Vũ nói đi chùa thường thấy quý thầy cầu an, cầu siêu cho các tín chủ. Theo Vũ thì việc làm nầy có vẻ mê tín. Vũ thấy nhiều người đem một ít hoa quả đến cúng trước bàn Phật, Bồ Tát rồi cầu nguyện được mạnh khỏe, giàu sang, con cái thành đạt v v. Vũ còn nói cầu thì cầu nhưng chắc được đâu chắc hên xui. Mẹ có nói đơn sơ với Vũ là còn tùy theo nhân duyên nghiệp quả chớ chỉ cầu không cũng chưa chắc chắn được siêu hay an.

Lúc thiếu thời mẹ lại thích nghiên cứu giáo lý của các tôn giáo khác. Mẹ đi học Anh Văn với vị mục sư gần nhà, thỉnh thoảng đi nhóm ở nhà thờ Tin Lành. Mẹ từng dự những thánh lễ nhà thờ Công giáo với Dì Hai của hai con và tham dự lớp dự bị hôn nhân do cha sở dạy. Mẹ nhận thấy phần lớn người ta đến với các tôn giáo để cầu nguyện và giữ đức tin, trung thành vào vị giáo chủ của mình. Đa phần người ta hay nói cố gắng làm tròn đạo làm người chớ không nghĩ đến chuyện cao xa hơn. Con người yếu đuối trước những đau khổ phong ba bão táp của cuộc đời nên đa phần chỉ qùy lạy cầu nguyện để “bình an”. Lớn lên mẹ theo bà ngoại con đi chùa và nhận thấy nương tựa Phật thì thích hợp với mẹ hơn.

Hai con à, ngày xưa khi đức Phật còn tại thế mẹ không thấy kinh sách nói Ngài cầu an hay đi cầu siêu cho người nào cả. Nhưng trong thiền sử có câu chuyện pháp an tâm của Tổ Đạt Ma dạy Thần Quang tức Nhị Tổ Huệ Khả.

Thần Quang đến bạch Tổ: Tâm con không an xin thầy an tâm cho con.

Tổ nói: Ông đem tâm ra đây, ta an cho.
Thần Quang: Con tìm Tâm mà tìm không thấy.
Tổ Đạt Ma: Vậy là ta đã an tâm cho ông rồi!
Từ đó Thần Quang biết pháp an tâm.

Ngày nay quý thầy vẫn tổ chức cầu an, cúng sao hay cầu siêu đó chẳng qua là phương tiện. Nhân dịp này quý thầy hướng dẫn Phật tử, những người còn sống trở về nương tựa với Tam Bảo; lánh dữ làm lành và tu tập để tâm an tịnh. Có vị thầy dạy cầu an cầu siêu nên được nói là kỳ an, kỳ siêu thì rộng nghĩa hơn để diễn tả sự mong ước và nói đến oai đức của chư Phật, Bồ tát. Phẩm phổ môn của kinh Pháp Hoa quý thầy hay dùng để cúng kỳ an. Phẩm kinh này nói niệm danh hiệu Bồ tát Quan Âm thoát khỏi lửa cháy, hắc phong và quỷ La Sát. Lửa cháy ý nói đến tham sân si. Hắc phong là gió đen ám chỉ khi mình nổi nóng giận mặt mày, đầu óc tối hù làm nhiều điều ác đức. Quỷ đây là lòng tham lam vô độ. Điều nầy có ý nhắc chúng ta chấm dứt tham sân si sẽ được an.

Kỳ siêu quý thầy hay dùng kinh A Di Đà dạy chúng ta niệm Phật, tu hành, tạo nhiều nhân lành, phước đức, giữ tâm bất loạn cho đến nhất tâm thì khi bỏ báo thân nầy sẽ tương ưng và vãng sanh về cõi Tịnh. Chúng ta hãy suy nghĩ nếu người còn sống không tu hành, niệm Phật lại tạo tác nhiều ác nghiệp thì ai có quyền lực đem người đó về Cực Lạc, Đương nhiên phải chịu đọa tam đồ khổ. Họa chăng khi cầu siêu chỉ là trợ duyên cho thần thức người quá cố ăn ăn sám hối và quay về Tam bảo thì nghiệp tội có thể giảm bớt.

Hai con nên nhớ chủ đích của đạo Phật là độ sanh. Việc kỳ an, kỳ siêu là thể hiện tình thương yêu, tình nghĩa của con người. Theo mẹ việc làm nầy nên duy trì nhưng chúng ta cần phải có chánh kiến. Hai con suy nghĩ xem một mặt người Phật tử cầu cho người thân được sanh về Cực Lạc. Mặt khác người ta đốt cùng nhà lầu, xe hơi, vàng bạc, đô la để người quá cố hưởng dục lạc, việc này thì quá mâu thuẩn phải không? Một mặt cầu an mà đi lường gạt, trộm cướp, mua bán đồ quốc cấm thì làm sao an được? Vì vậy qua việc cầu an, cầu siêu chúng ta nên thể nghiệm chân lý nhân duyên nghiệp quả, vô thường, vô ngã, khổ v v.

Hai con thương;

Mới đây mẹ có nghe một tỳ kheo giảng về ý nghĩa tu. Từ xưa nay người ta thường nói tu là sửa, từ hư hỏng sửa thành hoàn hảo, xấu thành tốt, ác thành thiện. Việc nầy chỉ là bước đầu thôi chưa hoàn mãn. Tu theo Phật giống như người nông dân với mãnh đất hoang, giai đoạn đầu phải dẹp dọn, nhổ cỏ. Sau đó người nông dân nổ lực cày xới, trồng tỉa, bón phân cho hoa màu phát triển cho ra trái ngọt, rau lành. Một chu trình phát triển mãnh đất của người nông dân như vậy mới trọn vẹn. Người tu theo Phật cũng phải phát triển mãnh đất tâm của mình như vậy đó hai con ạ. Tu có nghĩa là bỏ đi các tâm vọng thì chân tâm Phật tính, tánh giác sẽ hiển lộ. Mỗi ngày người theo Phật phải phát triển tâm mình, vun bón để sen hồng nở rộ trời Tây. Hay nói khác hơn tu là phát triển phẩm chất của tâm.

Hai con à đức Phật có dạy rằng: “Không ai làm cho ta nhiễm ô, cũng không ai làm cho ta trong sạch; trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm; chỉ có ta làm cho ta trong sạch”. Lời dạy trên đã mở ra con người một hướng đi rất chủ động trong việc tạo nên một đời sống an lạc giải thoát ngay tại cuộc đời này. Hai con nên nhận lãnh trách nhiệm đừng đổ thừa cho hoàn cảnh cho người nầy người kia về những hành động ngu si của mình.

Hai con à, người ta hay nói người tu về bờ giác. Vậy là bên này là bờ mê. Giữa hai bờ thì phải có biển hay một giòng sông. Giòng sông đó sông mê, giòng sông tham ái hay hay biển sinh tử, biển khổ mà chúng ta lặn ngụp trong đó. Vượt qua giòng sông ái, biển khổ là chúng ta đạt cứu kính, giải thoát. Mẹ khuyên hai con hãy tư duy làm sao ba độc tham sân si dần dần được thay thế bằng từ bi, trí tuệ.

Đính kèm theo thư này mẹ gởi hai con 3 CDs chứa đựng lời giảng giải của quý ý thầy những căn bản về tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên, kinh bát nhã ba la mật đa. Mẹ thỉnh những dĩa nầy ở thư viện chùa Quang Minh. Mẹ vừa nghe xong gởi các con để nghe để được lợi lạc. Tiện đây mẹ xin sơ lược giới thiệu và nói lại những ý chánh qua sự nhận thức đơn sơ của mẹ.

Hai con thương của mẹ,

Đôi lúc mẹ hay tự hỏi tại sao mình có mặt ở cõi nầy. Lớn lên mẹ vật lộn với cuộc sống và chứng kiến cảnh chiến tranh ly tán, vô cùng đau khổ trong thời kỳ chiến tranh. Hồi đó nhà mình nghèo lắm. Ba mẹ đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng. Hết mùa khoai bắp đến mùa dưa đậu. Mẹ luôn thắc mắc tại sao con người nhọc nhằn, đau khổ.

Bài pháp đầu tiên tứ diệu đế, đức Phật giảng cho năm đạo sĩ khổ hạnh Kiều Trần Như. Nghe xong cả năm vị đắc quả dự lưu tức nhập vào dòng thánh. Đức Phật đã đưa con đường để đi ra khỏi bốn cái khổ lớn của kiếp nhân sinh sanh lão bệnh tử và ái biệt ly, oan tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh khổ. Khổ là cái quả của cái nhân tập. Tập là tập khí nhiều đời bởi do chấp ngã chấp sở ngã tham lam sân hận v v. Tìm đường tu hành giải thoát qua ba mươi bảy phẩm trợ đạo như bát chánh đạo mà đầu tiên là chánh kiến là cái thấy đúng đắn v v. Đạo là nhân diệt khổ.

Giáo lý Phật giáo chúng ta bị ảnh hưởng chữ Hán quá nhiều. Từ thời Trần tổ tiên ta đã biết thoát ra cái ảnh hưởng đó nên đã sáng chế ra chữ Nôm. Dù ngày nay chúng ta có chữ quốc ngữ rất trong sáng nhưng kinh, luật, luận vẫn còn quá nhiều từ ngữ Hán âm. Chùa chiềng hãy còn có những câu đối, hoành bằng chữ Hán. Thử hỏi thời đại ngày nay người Việt mấy ai hiểu được chữ Hán. Nếu người Phật tử không hiểu được ý Phật, ý tổ thì trở thành Phật chết, nghĩa là khó mà phát triển tiềm năng giác ngộ, hạt giống Phật không nẫy mầm. Mẹ mong sao những vị sứ giả Như Lai cần phải tìm phương thức để Phật pháp phổ cập quần chúng, lợi lạc cho tất cả chúng sanh.

Trong12 nhân duyên từ vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, ái, thủ, hữu, sanh và lão tử. Những từ nầy mà không được giải thích thì cũng như đọc thần chú. Theo chỗ hiểu biết của mẹ: vô minh là từ quá khứ, nhiều kiếp trước là không hiểu biết sự thật của mọi việc trên thế gian, không biết nguồn gốc của khổ đau và không học hỏi thực tập đạo để thoát khỏi khổ. Từ đósanh ra hành là tạo tác ác nghiệp qua thân, miệng, ý. Từ hành dẫn đến thức đi đầu thai trong đời hiện tại. Đến danh sắc: danh đây nói đến tâm, sắc đây nói đến thân xác. Nói khác hơn vật chất và tinh thần của con người được hình thành. Trong bào thai mẹ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý được sanh ra, đây là lục nhập. Khi sanh ra lục căn tiếp xúc với lục trần gọi là xúc. Nói cho rõ hơn là giác quan, ý thức tiếp xúc với các đối tượng như tiếp người đối vật sẽ cho ra thọ là những cảm giác, cảm nhận. Từ đó sẽ sanh ra thích hay không thích rồi sanh ra ham thích hay chán ghét đó là ái. Từ ái mới có thủ là muốn chiếm đoạt riêng cho mình. Ai ai đều muốn tồn tại, ham sống sợ chết đó là hữu. Ai mà không chết? Nên khi chết tiếp tục sanh rồi già chết tức lão tử trong đời tương lai. Vòng luân hồi 12 nhân duyên tiếp nối không bao giờ ra khỏi nếu chúng ta không tu đạo giải thoát.

Đến đây mẹ đề cập đến bài kinh bát nhã mà trong mọi thời khóa ở chùa, tại nhà chúng ta thường đọc tụng. Bài kinh nầy là cốt lõi của trí tuệ bát nhả vỏn vẹn 242 chữ nhưng hàm chứa sự sâu sắc cả phần lý thuyết lẫn thực hành để có trí huệ. Đây là nói về hai chữ “ngũ uẩn”. Đây làgồm sắc, thọ, tưởng, hành thức. Đừng hỏi sao mẹ lại dùng Hán âm nữa nha, không có chọn lựa khác hai con ạ. Ngũ là 5, uẩn là tập hợp, chứa nhóm, nói cách khác ngũ uẩn là 5 thứ chứa nhóm. Như hai con biết con người chúng ta gồm có 2 phần vật chất, tinh thần, nói cho gọn là thân và tâm. Sắc là vật chất của thân người cấu tạo bởi đất, nước gió lửa. Ngoài thân chúng ta có các giác quan như mắt, tai, mũi lưỡi, da (tránh nói thân vì trùng chữ thân trên) và ý. Ý đây thuộc về ý thức của tâm nhưng xếp chung ở đây để cho thấy khi tiếp xúc với các đối tượng, hiện tượng thế gian thì tín hiệu sẽ dẫn đến tâm gồm bốn phần thọ, tưởng, hành, thức. Thọ đây là cảm giác hay cảm nhận để có vui, khổ hay không vui không khổ. Tưởng là tri giác tạo thành những mạng lưới có lời, có tên gọi. Mạng lưới với khái niệm không lời, mạng lưới ấn tượng, mạng lưới liên tưởng v v. Kế đó là hành là tiến trình tạo tác trong thâm tâm, sinh ra những phản ứng của tâm rõ nét và tạo ra ý nghiệp. Cuối cùng là thức là phân biệt, điều tra nghiên cứu, tổng hợp để đưa ra quyết định tạo ra nghiệp thiện hay ác qua miệng, thân mà thuật ngữ gọi là khẩu nghiệp hay thân nghiệp. Từ những hạt giống này biểu hiện tạo ra sinh tử luân hồi. Bởi vậy chúng ta nên tu ngay khi giác quan tiếp xúc đối tượng chúng ta nên trụ ngay cái biết đầu tiên. Chúng ta nên thắp sáng ý thức để tránh những chủng tử ác vào trong kho tàng thức. Đó là tu ngay nhân tốt để tránh quả xấu. Bởi vậy trong kinh nói Bồ tát thực hành sâu xa trí tuệ bát nhã liền thấy ngũ uẩn đều không liền qua khỏi mọi khổ ách. Mẹ thấy đây là độc chiêu chúng ta nên áp dụng trên bước đường tu để an lạc ngay bây giờ và ở đây đó hai con.

Mẹ ước mong hai con nên nghiên cứu học hỏi căn bản Phật pháp trên cả hai phương diện lý thuyết, thực hành hay lý và sự. Quý thầy hay dạy lý sự phải viên dung đó hai con. Phật giáo và các tôn giáo khác đều khuyến khích hai con người làm các việc lành, tránh xa những điều xấu ác, xây dựng đời sống đạo đức, biết yêu thương và phát triển các giá trị nhân phẩm cho chính tự thân và tha nhân, cho gia đình và xã hội. Nhưng hai con cần biết Phật giáo khác các tôn giáo khác là không thừa nhận có một Thượng Đế sáng tạo, ngự trị và chi phối đời sống của con người. Khổ đau hay hạnh phúc là do mỗi con người gây ra cộng với sự chi phối của dòng nghiệp lực cũng do chính mỗi con người tạo tác. Điều căn bản trong hệ thống triết lý của Phật giáo là tất cả những gì có mặt trên cuộc đời trên thế gian này đều là duyên sinh, có điều kiện; và do đó, tất cả pháp là vô ngã, không hề có một thực thể nào bất biến, vĩnh hằng, cũng không có ai làm chủ đời sống của con người. Điểm nổi bật trong giáo lý của đạo Phật là tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật. Sự giác ngộ, giải thoát tối thượng là chân lý bình đẳng đối với tất cả chúng hữu tình mà không phải là một ân sủng đặc biệt dành cho riêng ai. Hai con có thấy đây là quan điểm rất bình đẳng, khó có thể tìm thấy ở nơi khác.

Nếu tỉnh thức toàn diện chúng ta sẽ vượt qua các lậu hoặc, kiết sử, tùy miên, phiền não, nhiễm ô và kiến lập đời sống an lạc, hạnh phúc cho mình. Tùy theo tỉnh thức với cấp độ khác nhau từ thấp đến cao mà kết quả khác nhau và tùy thuộc vào dòng nghiệp lực trong nhiều đời. Khi nào chúng ta vượt ra khỏi những ràng buộc của các phiền não như tham lam, sân hận, si mê, chấp thủ…trong đời sống của chính mình thì khi đó sẽ giải thoát. Mẹ cần nhấn mạnh với hai con: để đạt được giải thoát hai con không cần phải đi đâu hết mà trái lại hai con cần phải tu tập ngay bây giờ và ở đây, ngay nơi con người này của hai con tại thế giới này.

Hai con nên đặt trọn niềm tin vào ba ngôi Tam Bảo – Phật, Pháp, Tăng, và các lời dạy của Đức Phật. Hai con cần phải tin vào các đạo lý căn bản đó là nhân quả, nghiệp báo. Hai con nên tin vào khả năng giác ngộ, giải thoát của chính mình. Tự thân chúng ta không tu tập, cải thiện những tâm thức và hành động xấu ác của mình, thì phải tiếp tục gánh chịu khổ đau. Nếu nổ lực tu tập chánh pháp, thực hành bát chánh đạo có cái nhìn đúng đắn thì được an lạc. Thực hành những đạo lý căn bản giúp mọi người hạnh phúc và chuyển hóa dòng nghiệp thức của mình.

Sự khác biệt căn bản trong ý nghĩa của hạnh phúc giữa đạo Phật và thế gian là ở chỗ dính mắc, bám víu hay không dính mắc, bám víu mà thôi. Nếu hai con không cố chấp, bám víu sống an lạc tự tại giữa thế gian, bất kể môi trường và thực tại như thế nào. Trái lại, hạnh phúc của thế gian luôn gắn liền với tư tưởng cái tôi, cái của tôi, và cái tự ngã của tôi, đấy là những tư tưởng ái thủ, xung đột, nó âm thầm đánh tan mọi hạnh phúc sẽ bị lôi kéo rồi sẽ tiếp nối nuối tiếc giữa cõi phiền muộn của được, mất, hơn, thua. Tóm lại hạnh phúc trong đạo Phật được định nghĩa là không bám víu.

Có người mình thương và người làm mình khó chịu, nói rộng ra là có đối tượng thường gây cho mình vui, có đối tượng khác làm mình khổ, cũng có khi không vui không khổ. Trong trường hợp phải đối diện với người lắm cố chấp và thị phi chúng ta không cần nói mà chỉ cần lắng nghe với tất cả sự bình thản, bao dung và cố gắng đừng đáp lại bằng bất kỳ một phản ứng nào. Hãy quán niệm và thực tập hạnh của lá sen. Nước chảy lên lá liền trôi đi một cách nhẹ nhàng. Hai con nên thực tập lắng nghe với tâm không phản kháng, sẵn lòng nghe tất cả giọng điệu, như hai con nghe một dĩa nhạc có nhiều bài hát khác nhau, dịu dàng và không dịu dàng, vui và buồn, trầm và bổng .v.v. Hay con nên tập lắng nghe với tâm không phản kháng lâu ngày hai con sẽ làm cho tâm mình trở nên bình thản như mặt đất, có thể chấp nhận bất kỳ bàn chân hay sự chà đạp nào mà lòng vẫn an nhiên, tự tại.

Làm vơi đi khổ đau bằng cách này hay cách khác là điều mong ước của tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi chúng ta khi đối diện với khổ đau là tìm kiếm nguyên nhân của khổ đau để chuyển hóa nó, chứ không phải chạy trốn khổ đau. Trên thực tế, để lắng dịu khổ đau, việc đầu tiên hai con cần làm là ôm lấy niềm đau như một kinh nghiệm qúy báu cho cuộc sống. Để làm được điều đó, hai con cần dành nhiều thời gian để quán chiếu thực tại của khổ đau cũng như những nguyên nhân sâu xa của nó thay vì ngồi than thân trách phận hay cố chạy trốn, tự quyên sinh. Khổ đau nào cũng đưa đến cho ta một kinh nghiệm sống qúy giá, và đó cũng là chất liệu cần thiết để nuôi dưỡng nghị lực và ý chí của con người. Nếu không có khổ đau làm nền tảng cho cuộc sống hạnh phúc, thì hạnh phúc của hai con sẽ trở nên mong manh như sương khói. Thêm vào đó, trong khổ đau còn có những đức tính cao qúy giúp cho chúng ta trưởng dưỡng đời sống tuệ giác chân thật. Chẳng hạn, khi đối diện với bệnh tật, bất an chúng ta có thể kinh nghiệm được sự vô thường và từ đó từ bỏ bớt tâm kiêu mạn, chấp ngã; hay khi đối diện với tai nạn, chết chóc, đau thương .v.v. các tâm sân si, thù hận sẽ nguội dần. Tuy nhiên, điều quan trọng là, nếu hai con không thấy rõ được nguyên nhân đích thực của khổ đau, thì hai con sẽ không thể chuyển hoá nó một cách hữu hiệu. Đức Phật dạy khổ đau là một chân lý, và khi thấy được sự thật của khổ đau thì an lạc liền sinh khởi. Do đó, quán niệm về bản chất của khổ đau hay nguyên nhân của khổ đau không những là một giải pháp chuyển hoá mà còn là cách thức chữa lành khổ đau. Mẹ nhớ lại bốn câu thơ:

Đời người như thể bông hoa,
Giữ sao màu sắc mặn mà xinh tươi.
Hương thơm quả tốt hẳn hoi,
Nhân còn truyền mãi cho đời mai sau.

Hai con ơi đêm nay vầng trăng tháng bảy khi hiện khi ẩn khi hiện trên bầu trời. Mùa Vu Lan năm nay mẹ mong hai con nên noi theo gương hiếu hạnh của Tôn Giả Mục Kiền Kiên. Hạnh hiếu là hạnh Phật. Mẹ mong sao hai con luôn hướng về Phật pháp. Chúc vợ chồng con cùng hai cháu dồi dào sức khỏe và mọi điều dung thông. Hai con nên thường xuyên dạy cho hai cháu nói tiếng Việt. Ngày 18 tháng 9 này là ngày giỗ của Ba; vợ chồng con về để cả nhà đoàn tụ. Mẹ rất mong gặp lại vợ chồng con và hai cháu. Mẹ dừng bút nhé!

Mẹ của con

Lê Hồng Diễm

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.