Hạnh Phúc Chân Thường – Phần I

PHẦN 1. MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

Chương 1

QUYỀN ĐƯỢC HẠNH PHÚC

“Tôi nghĩ rằng mục tiêu chính yếu của cuộc đời là tìm kiếm hạnh phúc. Rõ ràng như vậy. Dù chúng ta có tín ngưỡng hay không, dù chúng ta thuộc tôn giáo nào, mọi người đều tìm kiếm một cái gì đó tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Do vậy tôi cho rằng mỗi hành động trong đời sống đều hướng về hạnh phúc.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dùng những lời lẽ như vậy để đi thẳng vào trọng tâm bài nói chuyện trước một cử tọa đông đảo tại Arizona. Nhưng quan niệm của Ngài cho rằng mục tiêu cuộc đời là hạnh phúc đã khiến tôi suy nghĩ. Sau đó, lúc chỉ còn lại hai chúng tôi, tôi hỏi :

“Ngài có hạnh phúc không?”

“Vâng” đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. Dừng lại một lúc, Ngài tiếp:”Vâng, quả thực như vậy”. Vẻ thành thật trong giọng nói của Ngài đánh tan những ngờ vực trong tôi. Một sự thành thật phản ảnh từ ánh mắt đến lối diễn đạt của Ngài.

“Nhưng hạnh phúc có phải là một điều không thái quá đối với mọi người không?” tôi hỏi.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp :

“Tôi nghĩ rằng hạnh phúc có thể đạt được nếu tâm trí chúng ta được huấn luyện đúng cách.” Đã là con người, ai cũng mong được hạnh phúc nhưng những hiểu biết của một tâm lý gia không cho phép tôi tin tưởng như vậy. Triết gia Freud đã cho rằng con người không được tạo ra để được hạnh phúc. Những phương thức huấn luyện tâm trí như vậy trong nghề nghiệp chúng tôi đã đưa tới những kết luận bi quan rằng nhiều nhất thì con người chỉ mong mỏi được chuyển từ trạng thái đau đớn cuồng loạn đến buồn khổ thông thường. Do vậy, ý tưởng cho rằng có một đường lối rõ rệt dẫn đến hạnh phúc xem ra có vẻ rất cấp tiến đối với chúng tôi. Nhớ lại những năm dài học hỏi, tôi rất ít khi nghe đến chữ hạnh phúc được đề cập như là một phương thức chữa trị. Dĩ nhiên là người ta nói rất nhiều đến việc giảm thiểu những triệu chứng trầm uất của bệnh nhân, giải quyết những xung đột nội tâm…, nhưng tôi chưa bao giờ được nghe đến việc làm cho bệnh nhân được hạnh phúc.

– Tây phương, cái ý niệm đạt được chân hạnh phúc luôn luôn có vẻ không chính xác, khó hiểu và không tưởng. Ngay cả chữ HẠNH PHÚC thoát thai từ chữ HAPP trong ngôn ngữ Iceland đã có nghĩa là cơ may, tình cờ. Có lẽ chúng ta ai cũng đồng ý rằng cái bản chất của hạnh phúc thật huyền hoặc. Những giây phút hân hoan trong cuộc đời, hạnh phúc có vẻ như chợt đến, chợt đi chớ không phải là cái mà con người có thể phát triển và gìn giữ được do việc huấn luyện tâm trí.

Khi tôi nêu lên ý tưởng này, đức Đạt Lai Lạt Ma nhanh chóng giải thích:”Khi đề cập đến việc huấn luyện tâm, tôi không có ý nói đến cái tâm được hiểu một cách hạn hẹp theo thói thường. Cái Tâm mà tôi nói đến (Sem trong ngôn ngữ Tây Tạng) có một ý nghĩa rộng rãi hơn nhiều, nó bao gồm trí tuệ, cảm xúc, trái tim và khối óc. Bằng cách theo đuổi một số nguyên tắc nội tại, chúng ta có thể trải qua một cuộc lột xác về quan điểm, cách nhìn đời của mình. Khi bàn luận về nguyên tắc nội tại, dĩ nhiên là có nhiều loại, nhiều phương pháp, nhưng một cách chung chung thì người ta bắt đầu nhận diện những nguyên nhân đưa đến hạnh phúc và những nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Sau đó, người ta dần dà tìm cách loại bỏ những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, đồng thời vun xới những nguyên nhân đưa đến hạnh phúc”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma quả quyết rằng Ngài đã tìm ra vài chiều kích của hạnh phúc cá nhân. Và trong suốt tuần lễ ở Arizona, tôi đã là nhân chứng: Làm thế nào để biểu lộ cái hạnh phúc cá biệt này đến tha nhân, làm thế nào để tạo một cảm giác lôi cuốn và thân thiện đối với người khác dù chỉ qua một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi.

Một buổi sáng sau khi nói chuyện trước công chúng, đức Đạt Lai Lạt Ma đi dọc theo hành lang phía ngoài khách sạn để về phòng cùng với đoàn tùy tùng. Nhận thấy một nhân viên khách sạn đứng bên cạnh thang máy, Ngài dừng lại và hỏi:”Chị quê ở đâu vậy?”. Người đàn bà có vẻ hơi ngại ngùng trước người đàn ông xa lạ trong bộ áo màu đỏ sẫm đang được bao quanh bởi đám tùy tùng nhưng rồi cũng bẽn lẽn trả lời :”Mễ Tây Cơ”. Ngài hỏi thăm người đàn bà ít phút rồi đi tiếp, để lại chị ta đứng đó với vẻ mặt phấn khởi và vui thích. Sáng hôm sau cùng giờ ấy, người đàn bà có mặt tại chỗ cũ cùng với một người bạn cũng là nhân viên khách sạn và cả hai ân cần vái chào đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài vào thang máy. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi nhưng cả hai có vẻ rất hân hoan. Sau đó, mỗi ngày càng có nhiều người tới địa điểm ấy và đến cuối tuần lễ thì có đến mấy chục người trong bộ đồng phục trắng và xám xếp thành một hàng dài trước thang máy để chào đón đức Đạt Lai Lạt Ma .

Mọi sự đã an bài. Ngay trong giây phút này, hàng ngàn đứa trẻ sơ sinh chào đời. Một số chỉ sống vài ngày hay vài tuần vì không chống chọi nổi với bệnh tật, bất hạnh. Một số khác sống hơn cả trăm năm, nếm đủ tất cả mùi vị của cuộc đời: vinh quang, sung sướng, hận thù, yêu thương. Nhưng dù sống chỉ một ngày hay cả một thế kỷ, câu hỏi mấu chốt vẫn như nhau: mục đích cuộc sống là gì? Cái gì làm cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa?

“Mục đích của sự hiện hữu của chúng ta là tìm kiếm Hạnh Phúc”. Ý tưởng này xem ra có vẻ thông thường và những tư tưởng gia phương Tây từ Aristotle cho đến William James đều đồng ý như vậy (1). Nhưng có phải cuộc sống dựa trên sự tìm kiếm hạnh phúc cá nhân là cô lập và phóng dật buông lung? Không hẳn vậy, những cuộc thăm dò cho thấy những người không vui thường tự tập trung, không hòa đồng, ủ dột và xung khắc. Trái lại, những người vui vẻ thường dễ hội nhập, uyển chuyển, sáng tạo và chịu đựng. Nhưng quan trọng hơn hết là họ nhiều yêu thương và dễ tha thứ.

Kết quả từ những nhà nghiên cứu đưa ra cho thấy những người vui vẻ thường tỏ ra cởi mở, muốn giúp đỡ người khác. Thử nghiệm viên giả làm một người khách lạ đi qua và”vô tình” làm rớt một mớ giấy tờ xuống đường, và người ta muốn xem những người được thử nghiệm có đứng lại lượm giùm giấy tờ cho người khách lạ không. Hoặc sau khi cho những người được thí nghiệm nghe một ít chuyện khôi hài để họ lên tinh thần, họ được cho gặp một kẻ nghèo (cũng do thử nghiệm viên giả ra) đến mượn tiền chẳng hạn. Và người ta thấy rằng những người vui tính thường hay giúp đỡ người khác hơn. Cho nên ý niệm cho rằng sự đeo đuổi và đạt được hạnh phúc cá nhân thường đưa đến tình trạng ích kỷ và cô lập là không đúng và tất cả chúng ta đều có thể tự chứng nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Giả sử như chúng ta bị kẹt xe. Sau khoảng 20 phút, lưu thông bắt đầu rất chậm chạp và chúng ta thấy một xe từ đường nhỏ bên cạnh bật đèn hiệu xin ra trước đầu xe chúng ta. Nếu đang vui vẻ, chúng ta sẽ giảm tốc độ và để cho họ qua, nhưng nếu đang bực bội, chúng ta sẽ tăng tốc độ để thu ngắn khoảng trống và nghĩ rằng mình đã chờ cả 20 phút rồi, bộ cha người ta sao!

Như vậy, chúng ta đã bắt đầu với một tiền đề cơ bản rằng mục đích của đời sống là tìm kiếm hạnh phúc. Với viễn tượng rằng hạnh phúc là một điều có thật, người ta bắt đầu dấn bước một cách tích cực và khi nhận ra những nguyên nhân đưa tới hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy rằng chính sự tìm kiếm này đã làm lợi lạc cho cá nhân, gia đình và xã hội chúng ta rất nhiều.


Chương 2

CỘI NGUỒN CỦA HẠNH PHÚC

Hai năm trước, một người bạn của tôi gặp vận may bất ngờ. Độ 18 tháng trước thời gian này, chị ấy xin nghỉ việc y tá và hùn hạp với hai người bạn mở 1 công ty nhỏ chăm sóc sức khoẻ. Công việc làm ăn lên vùn vụt rồi một tổ hợp đã mua công ty với một số tiền khổng lồ. Người bạn tôi qua vận may này trở nên khá giả đến nỗi có thể về hưu ở tuổi 32. Mới đây tình cờ gặp lại, tôi hỏi thăm chị ấy đã vui hưởng đời sống về hưu sớm như thế nào.

“Vâng, rất là thú vị được đi du lịch và làm những điều mình muốn làm, nhưng có điều là sau những kích thích do tiền bạc tạo ra lúc ban đầu, mọi sự làm như trở lại bình thường. Ý tôi muốn nói rằng dù có những đổi khác – Tôi mua một ngôi nhà mới với đầy đủ đồ đạc – nhưng tổng quát thì tôi không cảm thấy hạnh phúc hơn trước”. Cũng vào thời khoảng này, một người bạn khác của tôi (cùng tuổi với chị bạn nói trên) biết được rằng anh ta bị nhiễm HIV dương tính. Chúng tôi bàn luận về phương cách ứng xử với căn bệnh hiểm nghèo này. Anh ta nói:”Lúc đầu, dĩ nhiên là tôi choáng váng rụng rời và phải mất cả năm tôi mới chấp nhận được sự thật tàn nhẫn ấy. Nhưng sau đó sự việc bỗng nhiên thay đổi. Tôi ra ngoài nhiều hơn trước và được lúc nào hay lúc đó, tôi cảm thấy vui vẻ hơn nhiều. Tôi cảm kích hơn đối với những chuyện thường nhật, tôi biết ơn khi nghĩ rằng tôi đã may mắn không bị chuyển sang bệnh AIDS và tôi thật sự hưởng thụ những gì tôi có. Mặc dù không muốn bị bệnh, phải công nhận rằng chính bệnh hoạn đã thay đổi con người tôi”.

“Thay đổi như thế nào?” tôi hỏi. Anh bạn đáp :

“Anh biết đó, trước kia tôi rất tôn trọng vật chất nhưng một năm sau khi biết mình bị bệnh, một thế giới khác mở ra trong tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi bắt đầu tìm hiểu những vấn đề tâm linh, đọc sách và bàn luận với bạn bè… Tôi khám phá ra những vấn đề mà chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Buổi sáng thức dậy, nghĩ đến những điều sẽ xảy ra trong ngày cũng đủ làm tôi khoan khoái”.

Cả hai nhân vật trên đây cùng phản ảnh một vấn đề cơ bản, đó là Hạnh phúc là ở tâm ta chứ không phải do những biến cố bên ngoài. Thành công có thể làm chúng ta tạm thời phấn chấn và thảm cảnh có thể khiến người ta buồn phiền nhưng không chóng thì chầy, chúng ta sẽ trở lại trạng thái tâm lý bình thường. Trong tâm lý học người ta gọi đây là tình trạng thích ứng với hoàn cảnh và ai trong chúng ta cũng có thể chứng nghiệm những điều này trong cuộc sống thường nhật. Được tăng lương, tậu xe mới, được đồng nghiệp trọng nể… có thể làm cho chúng ta hứng khởi một thời gian nhưng rồi sẽ trở lại trạng thái bình thường. Cũng vậy, cãi vã với bạn bè, xe hư hay một tai nạn nhỏ cũng khiến chúng ta thất vọng, nhưng rồi nỗi thất vọng sẽ qua mau. Khuynh hướng này không chỉ giới hạn trong những chuyện vặt của đời sống mà ngay cả những biến cố lớn lao cũng vậy. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người trúng xổ số ở Illinois hoặc các giải cá độ lớn và thấy rằng chẳng bao lâu, những người này đều trở lại trạng thái tâm lý thông thường hoặc ngược lại, những người bị các chứng bịnh hiểm nghèo như ung thư, bại liệt cũng đạt được trạng thái bình thường hoặc gần như bình thường sau một thời gian điều chỉnh.

Vậy thì cái gì đã khiến chúng ta trở lại tình trạng tâm lý bình thường dù ngoại cảnh khác nhau một trời một vực? Và quan trọng hơn nữa là tình trạng tâm lý chúng ta có thể cải thiện được không? Các nhà nghiên cứu gần đây cho rằng trạng thái vui vẻ của mỗi cá nhân phần nào ảnh hưởng bởi di truyền. Quan điểm này được hỗ trợ bởi những cuộc khảo sát hình thái tâm lý ở các cặp song sinh, bất kể những cặp này được nuôi dưỡng chung hay cách xa nhau: những người song sinh thường có khá nhiều điểm tương đồng vì họ có cùng một kết cấu di truyền.

Mặc dù yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến hạnh phúc con người – ảnh hưởng lớn hay nhỏ thì chưa có kết luận rõ rệt – những tâm lý gia đều đồng ý rằng bất kể con người sinh ra lạc quan nhiều hay ít, người ta vẫn có thể cải thiện được bằng những yếu tố tinh thần. Vì rằng hạnh phúc tùy thuộc vào cách nhìn đời của chúng ta và thực ra, ở bất cứ thời điểm nào, chúng ta hạnh phúc hay không hoàn toàn không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài mà tùy vào chúng ta đã nhận thức, lĩnh hội hoàn cảnh chung quanh như thế nào và chúng ta có thỏa mãn với những gì chúng ta có hay không?

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.