Hạnh Phúc Chân Thường – Phần I

HẠNH PHÚC VÀ SUNG SƯỚNG

Mấy tháng sau những cuộc nói chuyện của đức Đạt Lai Lạt Ma ở Arizona, tôi đến thăm Ngài tại nhà riêng ở Dharamsala vào một buổi chiều oi bức và ẩm ướt của tháng bảy. Tôi đến nơi người ướt đẫm mồ hôi vì phải lội bộ từ dưới xóm. Sống ở một xứ có khí hậu khô, tôi gần như không chịu nổi ẩm độ của ngày hôm đó cho nên khi bắt đầu cuộc nói chuyện, tôi không mấy thoải mái. Ngược lại đức Đạt Lai Lạt Ma có vẻ rất phấn chấn. Hôm đó chúng tôi trao đổi quan điểm về ý niệm sung sướng. Vào một thời điểm nào đó trong cuộc nói chuyện, đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra một nhận xét rất quan trọng :

“Ngày nay, đôi khi người ta nhầm lẫn hạnh phúc với sự sung sướng. Trước đây không lâu, tôi có nói chuyện với một số thính giả người Ấn Độ tại Rajpur về đề tài hạnh phúc là mục đích của cuộc đời. Một thính giả phát biểu về những giáo điều của Rajneesh cho rằng giây phút hạnh phúc nhất là lúc ân ái. Do đó, qua nhục dục, con người được nhiều hạnh phúc nhất và ông ta muốn biết tôi nghĩ như thế nào về điều đó. Tôi trả lời rằng theo quan niệm của tôi, mức độ cao nhất của hạnh phúc là khi con người đạt đến tình trạng giải thoát nghĩa là không còn đau khổ. Đó là thứ hạnh phúc đích thực, trường cửu và nó liên hệ đến trái tim và khối óc của chúng ta. Hạnh phúc dựa trên vật dục ngược lại không bền, nay còn mai mất”. Dĩ nhiên là hạnh phúc và sung sướng là hai thứ khác nhau Điều này có vẻ dễ nhận biết nhưng chúng ta thường lẫn lộn và tôi đã tìm được một thí dụ rất hùng hồn về điều này trong một buổi trị liệu sau cuộc viếng thăm đó.

Heather là một nhân viên cố vấn trong vùng Phoenix. Cô ta còn trẻ và độc thân. Mặc dù thích thú với công việc liên hệ đến giới trẻ phạm pháp, càng ngày cô càng không thích khu vực cô đang ở. Cô thường than phiền về sự gia tăng dân số, giao thông và mùa hè nóng bức. Rồi cô kiếm được một việc làm tại một ngôi làng nhỏ bé và xinh đẹp ở vùng núi. Cô đã đến làng này nhiều lần và luôn luôn mơ ước sẽ được sống ở đó. Thật là tuyệt hảo. Chỉ có một vấn đề là với công việc mới, cô phải giao tiếp với người lớn phạm pháp.

Nhiều tuần trôi qua, Heather không thể nào dứt khoát về chuyện có nên nhận việc mới hay không. Cô viết ra một danh sách về những điều hay và dở của công việc mới nhưng vẫn không ích gì vì hai bên có vẻ bằng nhau. Cô giải thích:”Tôi biết rằng tôi sẽ không thích công việc mới bằng chuyện tôi đang làm, nhưng nội cái ý tưởng được sống ở vùng đó cũng đủ làm tôi sung sướng. Tôi yêu thích vùng đó quá đỗi, chỉ cần được ở đó là đủ; và tôi không chịu nổi cái nắng ở đây. Tôi không biết phải làm sao!” Nghe đến chữ sung sướng mà Heather dùng, tôi chợt nhớ đến buổi nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi dò xét cô ấy một lúc rồi hỏi:”Việc di chuyển đến vùng đó sẽ làm cô sung sướng hơn hay hạnh phúc hơn?”.

Heather ngừng một lúc, có vẻ suy nghĩ. Sau cùng cô đáp :

“Tôi không rõ… tôi nghĩ điều đó sẽ làm tôi sung sướng thỏa mãn chứ không chắc đem lại hạnh phúc cho tôi. Thật ra tôi không nghĩ là tôi sẽ vui thú lắm khi phải giao tiếp với người lớn phạm pháp, và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi làm việc với những đứa trẻ trong công việc hiện tại”.

Chỉ cần vạch rõ chỗ khác nhau giữa hạnh phúc và sung sướng là mọi sự có vẻ rõ ràng hơn và Heather sau đó đã lựa chọn một cách dễ dàng hơn nhiều. Cô quyết định ở lại Phoenix. Cô vẫn than phiền về mùa hè ở đây nhưng sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định ở lại, cô ấy trở nên vui vẻ hơn và cái nóng nực cũng có vẻ dễ chịu hơn.

Hàng ngày chúng ta gặp phải vô số quyết định, lựa chọn và thường thì chúng ta lựa chọn những điều”tốt cho chúng ta” mặc dù sự lựa chọn đúng đắn trong nhiều trường hợp phải kèm theo những hy sinh khác. Qua nhiều thập kỷ, đàn ông cũng như đàn bà đã rất vất vả trong việc định nghĩa vai trò của sự sung sướng trong đời sống của họ.

Hàng quân đoàn các triết gia, thần học, tâm lý gia đều tìm tòi về mối liên hệ giữa chúng ta và sự sung sướng. Vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, Epicurus đã cho rằng”sự sung sướng là khởi điểm nhưng cũng là tận cùng của đời sống ân phước” và mặc dù chấp nhận vai trò quan trọng của sự sung sướng, chính ông cũng công nhận rằng nếu không kềm hãm, sung sướng sẽ dẫn đến đau khổ.

Vào những năm cuối của thế kỷ 19, Triết gia Sigmund Freud đã đưa ra những lập luận riêng của ông về sự sung sướng. Ông cho rằng động lực chính thúc đẩy tất cả những hoạt động tinh thần là ước vọng giải thoát các ẩn ức sinh lý. Đến thế kỷ 20, những nhà nghiên cứu đã nhìn vấn đề với ý niệm triết học nhiều hơn và các nhà giải phẫu thần kinh đã cắm các điện cực vào các trung khu thần kinh để tìm kiếm những điểm gây ra sự sung sướng khi bị điện kích thích. Không ai cần đến triết gia, phân tích gia hoặc khoa học gia giúp chúng ta biết thế nào là sung sướng. Chúng ta biết khi có cảm giác sung sướng. Chúng ta biết được qua nụ cười của những người thân yêu, qua cái bồn tắm thật nóng vào một buổi tối giá lạnh hay vẻ đẹp của buổi hoàng hôn – nhưng đồng thời, nhiều người cũng biết đến nỗi thống khoái do ma túy, rượu chè, nhục dục và cờ bạc đem lại. Đây là những sung sướng rất thực nên nhiều người bị nó sai sử dẫn dắt.

Mặc dù không dễ gì tránh những sung sướng tiêu cực này, may mắn thay, chúng ta cũng có một chỗ để bắt đầu: luôn luôn nhớ rằng cuộc sống của chúng ta là để tìm kiếm hạnh phúc và như đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói, đây là một sự thực không thể nhầm lẫn được. Giữ vững ý tưởng đó, chúng ta sẽ dễ từ chối những sa ngã và ngay cả những sung sướng tạm bợ. Cái lý do khiến chúng ta khó nói”không” vì chữ không thường liên hệ đến những ý tưởng chối bỏ, loại ra ngoài – nhưng có một cách hay hơn, đó là tự hỏi chúng ta:”Liệu chuyện đó có mang lại cho ta hạnh phúc?”. Câu hỏi đơn sơ này là phương tiện hữu hiệu để chúng ta điều hướng đời sống chứ không riêng gì những chuyện nhỏ nhặt. Đối diện với những quyết định và lựa chọn hàng ngày, câu hỏi này có thể thay đổi quan điểm cuộc sống: thay vì chối bỏ, chúng ta trở thành tìm kiếm (chân hạnh phúc). Ngoài ra, như đức Đạt Lai Lạt Ma nói, hạnh phúc cũng tùy vào sự ổn định và kiên trì vì có vậy mới không bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm, buồn vui của cuộc sống. Với những viễn tượng này, chúng ta dễ làm những quyết định đúng đắn hơn vì chúng ta đã hành động trên căn bản cho ra thay vì chiếm giữ, một thái độ mời đón thay vì xua đuổi và từ đó gây ra những hậu quả sâu sắc: chúng ta trở nên dễ chấp nhận hơn, cởi mở hơn đối với cuộc đời.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.