Hạnh Phúc Chân Thường – Phần I

NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC

Trong một buổi đàm đạo khác về việc huấn luyện tâm thức để đón nhận hạnh phúc, đức Đạt Lai Lạt Ma đã vạch rõ :

“Tôi cho rằng những hành vi đạo đức là một đặc tính khác của các nguyên tắc nội tại nhằm dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc hơn. Người ta gọi là những nguyên tắc đạo đức. Các bậc đạo sư vĩ đại như đức Phật khuyên nhủ chúng ta hãy làm lành và tránh dữ. Một hành động được coi là lành hay dữ tùy theo trạng thái tâm thức (tạo tác ra hành động này) có hay không có kỷ luật. Người ta cho rằng tâm thức có kỷ luật đưa đến hạnh phúc và tâm thức không có kỷ luật dẫn đến khổ não. Áp dụng kỷ luật này vào trong tâm thức con người là cốt lõi của Phật pháp.

“Khi đề cập đến kỷ luật, tôi muốn nói đến kỷ luật tự giác chứ

không phải thứ kỷ luật được áp đặt bởi người khác, đồng thời tôi cũng muốn nói đến thứ kỷ luật được người ta áp dụng để chiến thắng tình trạng tiêu cực. Một băng đảng có thể cần đến kỷ luật để thành công trong các hoạt động cướp bóc nhưng loại kỷ luật này vô dụng”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại một lúc như có vẻ suy nghĩ hoặc tập trung tư tưởng. Cũng có thể là Ngài đang tìm một danh từ Anh ngữ thích hợp. Tôi không chắc lắm nhưng về sau, khi suy nghĩ về chuyện này tôi thấy như việc học hỏi và áp dụng kỷ luật có vẻ như không thuận với những mục đích cao quý của chân hạnh phúc, thăng tiến tâm linh hay một sự chuyển hóa toàn thể nội tâm. Theo tôi thì sự chinh phục hạnh phúc phải là một tiến trình tự nguyện và tự phát.

Tôi nêu lên thắc mắc này và nói:”Ngài mô tả những cảm xúc và hành vi tiêu cực là dữ còn các cảm xúc và hành vi tích cực là lành. Sau đó, Ngài cho rằng tâm thức vô kỷ luật thường tạo ra hành vi tiêu cực/dữ, cho nên chúng ta phải học cách luyện tập tâm thức để gia tăng các hành vi tích cực/lành. Nhưng điều làm tôi băn khoăn là theo như Ngài định nghĩa thì những hành vi tiêu cực/dữ là những hành vi dẫn đến khổ não, còn những hành vi tích cực/lành thì đưa đến hạnh phúc. Ngài cũng đưa ra một tiền đề là tất cả chúng sinh đều muốn được hạnh phúc và tránh xa khổ não và ước muốn này là một yếu tố bẩm sinh chứ không phải do luyện tập. Câu hỏi được đặt ra là: Nếu bẩm sinh chúng ta không muốn khổ não thì tại sao con người không tự động thoái thác những hành vi tiêu cực/ dữ trong lúc ngày càng khôn lớn. Cũng thế, nếu bẩm sinh chúng ta muốn hạnh phúc thì tại sao con người không tự động đến gần những hành vi tích cực/lành khi ngày càng có nhiều kinh nghiệm? Tôi muốn nói rằng nếu làm lành dẫn đến hạnh phúc và con người muốn được hạnh phúc thì con người phải tự nhiên làm lành (làm một cách tự phát, vô thức) chứ tại sao chúng ta lại phải cần đến giáo dục, huấn luyện và kỷ luật để làm lành?”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu và đáp:”Trong cuộc sống hàng ngày và nói theo thói thường thì giáo dục là yếu tố quan hệ để có được một cuộc sống thành đạt và sung sướng. Nhưng kiến thức thì không phải tự nhiên mà có – chúng ta phải kinh qua một quá trình học hỏi có hệ thống. Tuy biết rằng tiến trình huấn luyện này rất khó khăn (nếu không thì các em học sinh đã chẳng mong đợi các dịp nghỉ hè một cách quá đáng!) nhưng chúng ta cũng vẫn phải cần đến nó để đạt đến một đời sống thành đạt và sung sướng.

“Cũng thế, làm lành không tự nhiên mà có, chúng ta phải tự huấn luyện để làm lành. Điều này càng cần thiết hơn trong các xã hội tân tiến vì khuynh hướng cho rằng thiện và bất thiện là một vấn đề thuộc phạm vi tín ngưỡng. Con người vẫn thường nghĩ rằng tôn giáo có trách nhiệm trong việc định nghĩa thế nào là thiện và thế nào là bất thiện – nhưng ngày nay, tôn giáo đã mất nhiều thanh thế và ảnh hưởng trong khi không có những nguyên tắc đạo đức thế tục để thay thế, cho nên người ta ngày càng ít để ý đến việc sống một cuộc đời đạo hạnh. Do vậy mà tôi nghĩ rằng con người cần phải cố gắng đặc biệt để có một kiến thức đúng đắn về vấn đề này.

“Như tôi chẳng hạn, tôi vẫn cho rằng tự tính của con người là thân thiện và từ ái – nhưng tự tính này không đủ mạnh (để thúc đẩy con người sống thân thiện và từ ái) nên chúng ta phải phát triển tự tính này; và bằng cách thay đổi nhận thức về chính chúng ta qua học hỏi và cảm thông, chúng ta có thể tạo được một ảnh hưởng to lớn trong mối tương giao với tha nhân cũng như trong đời sống thường nhật của mọi người”.

Tôi vẫn ngoan cố cãi lại:”Ngài nói đến điểm tương đồng giữa giáo dục thuần túy và huấn luyện – Tôi đồng ý – Nhưng Ngài còn nói về những hành vi mà Ngài gọi là lành dẫn đến hạnh phúc và dữ dẫn đến khổ não. Tại sao chúng ta phải học hỏi khó nhọc mới nhận biết được hành vi nào là lành và hành vi nào là dữ, cũng như phải khổ công luyện tập mới thực hiện được những hành vi tích cực và tránh những hành vi tiêu cực? Nói cho dễ hiểu hơn, nếu đưa tay vào lửa Ngài sẽ bị phỏng. Ngài rút tay lại và biết rằng hành động đưa tay vào lửa sẽ làm Ngài đau đớn. Ngài không cần phải học hành hay luyện tập gian khổ mới biết rằng không nên đưa tay vào lửa một lần nữa.

“Do đó, tại sao tất cả những hành vi hay cảm xúc dẫn đến đau khổ lại không được dễ dàng nhận diện như đưa tay vào lửa? Thí dụ như Ngài cho rằng giận dữ và thù hận rõ ràng là những cảm xúc tiêu cực dẫn đến khổ não, nhưng tại sao con người lại phải cần đến giáo dục mới biết được những tác hại của chúng mà tránh xa? Vì giận dữ và thù hận khiến người ta cảm thấy khó chịu, không thoải mái, vậy tại sao người ta không tự nhiên tránh xa chúng trong tương lai?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma nghe tôi nói một cách chăm chú với đôi mắt mở rộng và Ngài có vẻ ngạc nhiên về câu hỏi quá khờ khạo của tôi. Ngài bật cười với vẻ thân thiện và nói:”Khi nói đến kiến thức để giải phóng hay giải quyết một vấn đề, anh nên hiểu rằng kiến thức có nhiều mức độ khác nhau. Thí dụ như vào thời đại đồ đá, con người không biết nấu nướng thức ăn nhưng vẫn phải ăn vì nhu cầu sinh học, cho nên họ ăn như những động vật hoang dã. Đến lúc nhân loại tiến hóa, con người biết nấu nướng thức ăn, rồi lại biết thêm gia vị cho hợp khẩu, sau đó lại biết cách làm thành nhiều món khác nhau. Ngày nay nếu chúng ta bị một chứng bịnh và biết rằng một số thức ăn nào đó không tốt cho cơ thể thì chúng ta tránh không dùng đến, mặc dù có thể vẫn thèm ăn những món này. Vậy thì, rõ ràng là sự hiểu biết của con người càng tinh tế thì chúng ta sẽ đối đầu với thế giới chung quanh một cách hữu hiệu hơn.

Anh cũng cần đến khả năng phán đoán những hệ quả đoản kỳ và trường kỳ của những hành vi của mình và cân nhắc chúng một cách kỹ lưỡng. Thí dụ như khắc phục sự giận dữ. Súc vật có thể có cảm giác giận dữ nhưng chúng không thể hiểu được rằng cảm xúc này là tác hại. Con người chúng ta ở một mức độ khác hơn vì chúng ta có khả năng tự nhận thức, nghĩa là chúng ta có thể tự quan sát mình khi cảm giác giận dữ dâng lên, đồng thời biết rằng cảm giác này làm tổn hại chúng ta – Đó là khả năng suy luận – Cho nên không đơn giản như việc đưa tay vào lửa, bị phỏng, rồi biết rằng không nên làm như vậy nữa trong tương lai. Mức độ giáo dục và kiến thức càng tinh tế trong việc nhận thức đâu là lành và đâu là dữ càng khiến cho anh chứng đắc hạnh phúc một cách hữu hiệu hơn. Do vậy mà tôi nói rằng giáo dục và kiến thức rất quan trọng”.

Nhận thấy tôi vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với quan niệm cho rằng giáo dục là phương cách duy nhất để chuyển hóa nội tại, đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp :

“Xã hội đương thời của chúng ta có một vấn đề, đó là chúng ta có khuynh hướng cho rằng giáo dục chỉ có mục đích làm cho con người thông thái hơn và mưu lược hơn. Đến nỗi đôi khi có vẻ như là những người không có học vấn cao, không tinh tế lắm lại là những người ngay thẳng, chân thật hơn. Tuy vậy, xã hội của chúng ta cũng không nhấn mạnh lắm về điểm này. Ứng dụng quan yếu nhất của giáo dục và kiến thức là giúp chúng ta thấu hiểu được tầm quan trọng của việc HÀNH THIỆN cũng như áp dụng kỷ luật vào tâm thức – Ứng dụng thích đáng nhất của kiến thức và thông minh là tạo ra những thay đổi bên trong để phát huy một tâm hồn cao thượng.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.