Hạnh Phúc Chân Thường – Phần I

NGHI VẤN VỀ BẢN CHẤT NHÂN LOẠI

Qua nhiều thập kỷ, quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về chân tính hòa nhã và từ ái của con người dần dà được chấp nhận ở Tây phương mặc dù không đơn giản. Ý niệm cho rằng bản chất con người là vị kỷ đã ăn sâu vào tâm não nhân loại từ quá khứ lâu xa cũng như đã ảnh hưởng đến nền văn hóa Tây phương từ nhiều thế kỷ. Dĩ nhiên là cũng có nhiều người chống lại quan niệm này như trường hợp của David Hume vào giữa thế kỷ thứ 18. David đã viết khá nhiều về tính nhân ái của con người. Rồi đến Charles Darwin vào thế kỷ 19 cũng chấp nhận”bản chất cảm thông” của nhân loại. Nhưng tổng quát mà xét thì những ý tưởng bi quan về nhân tính đã có gốc rễ thâm sâu trong văn hóa nhân loại, ít nhất là từ thế kỷ thứ 17, do ảnh hưởng của các triết gia như Thomas Hobbes với những tư tưởng khá ảm đạm về con người. Hobbes cho rằng con người thích bạo lực, tranh chấp, thường xuyên xung đột và chỉ nghĩ đến mình. Ông bác bỏ quan điểm cho rằng con người”nhân chi sơ tính bản thiện”. Một hôm, người ta bắt gặp ông đang bố thí cho một hành khất và bị gạn hỏi về hành động này. Hobbes trả lời:”Tôi cho tiền không phải để giúp đỡ người hành khất mà là để cho tôi thoát khỏi cảm giác phiền não khi chứng kiến sự khốn khó của ông ta”.

Trường hợp tương tự là triết gia Tây Ban Nha George Santayana vào đầu thế kỷ 20. Ông này cho rằng tính rộng lượng, quan tâm đến người khác của con người tuy có thật nhưng rất mờ nhạt, thoáng qua chứ không vững bền trong bản chất con người.”Chỉ cần xới lên một lớp mỏng, anh sẽ thấy một con người tàn bạo, cố chấp và vô cùng ích kỷ”. Điều bất hạnh là khoa học và tâm lý Tây phương đã giữ chặt lấy thành kiến này rồi chuẩn nhận, ngay cả khuyến khích quan niệm ích kỷ. Trong thời kỳ đầu của khoa tâm lý hiện đại, người ta cũng tin tưởng vào những giả định như vậy.

Sau khi chấp nhận một cách dễ dàng ý tưởng vị kỷ, một số các khoa học gia nổi tiếng trong vài trăm năm qua đã nói thêm về bản chất hung bạo của con người. Freud cho rằng:”Thiên hướng hung hãn (của con người) là một tính khí có từ nguyên thủy, tự tồn và thụ bẩm”. Trong phần sau của thế kỷ thứ 20, hai tác giả khác là Robert Ardrey và Konrad Lorenz sau khi nghiên cứu những mẫu mực hành động của một số dã thú (các động vật sống bằng cách giết và ăn thịt những loài khác) đã kết luận rằng con người cũng vậy: luôn luôn bị dẫn dắt bởi thiên hướng chiếm hữu đất đai.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, một trào lưu tư tưởng mới đã nổi lên phản kháng lại những ý niệm bi quan về con người. Trào lưu này rất gần với quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về chân tính hòa nhã và từ ái của nhân loại. Trong hai hay ba thập kỷ vừa qua, hàng trăm cuộc khảo sát khoa học đã chứng tỏ rằng hung hãn không phải là căn tính của con người và bạo lực là do ảnh hưởng của các dữ kiện sinh học, xã hội, hoàn cảnh và môi sinh. Bảng báo cáo Seville Statement on Violence được đúc kết vào năm 1986 sau những công trình nghiên cứu hiện đại nhất, được sự góp mặt và đồng ký tên của 20 khoa học gia hàng đầu thế giới, có lẽ là công trình quy mô và hàm xúc nhất. Trong bảng báo cáo này, người ta không loại bỏ sự hiện diện của những hành vi bạo lực nhưng nhấn mạnh rằng thật là phản khoa học nếu nói rằng chúng ta có thiên hướng chiến tranh hay hành vi bạo lực. Những hành vi này KHÔNG được lập trình theo tính cách di truyền trong bản chất loài người (that behavior is not genetically programmed into human nature). Người ta nói rằng mặc dù chúng ta có những cơ cấu thần kinh điều khiển các hành động bạo lực nhưng các hành động này không được khởi động một cách tự nhiên. Trong chức năng sinh lý của thần kinh, không có cái gì sai xử chúng ta phải có những hành vi bạo lực. Đa số những nhà nghiên cứu về bản chất con người đều nhìn nhận người ta có tiềm năng trở thành bao dung từ ái hay bạo lực hung hãn, nhưng đều là do huân tập.

Nhiều nghiên cứu gia đương thời đã bác bỏ không chỉ ý tưởng cho rằng con người có căn tính hung hãn, mà ngay cả bản chất ích kỷ cũng bị đả phá. C. Daniel Batson và Nancy Eisenberg thuộc đại học tiểu bang Arizona đã điều nghiên rất nhiều cuộc nghiên cứu trong những năm qua và nhận thấy rằng con người có khuynh hướng thiên về các hành động vị tha. Vài nhà khoa học như bác sĩ xã hội học Linda Wilson đã bỏ công tìm nguyên do của những khám phá này. Bà lập luận rằng lòng vị tha là một phần của bản năng sinh tồn của nhân loại và đây là những ý tưởng hoàn toàn đối nghịch với các tư tưởng gia ngày trước, khi các vị này nói rằng con người có bản tính thù hận, hung hãn. Bác sĩ Wilson đã khảo sát hơn 100 tai họa thiên nhiên và bà đã tìm thấy những khuôn mẫu của lòng vị tha của những nạn nhân đã đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong công cuộc hồi phục. Hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau đã khiến các nạn nhân tránh được những khó khăn tâm lý do thiên tai gây ra.

Khuynh hướng hợp tác với tha nhân, làm việc vì lợi ích của người khác cũng như cho chính mình có thể đã có gốc rễ sâu xa trong căn tính nhân loại khi con người cộng tác với nhau để gia tăng cơ hội sinh tồn từ trong lịch sử xa xưa. Bản tính này ngày nay cũng vẫn còn tồn tại. Các cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Larry Scherwitz về các nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch đã cho thấy những người tự tập trung (tức là những người hay nói đến chính mình, tôi, của tôi, trong các cuộc phỏng vấn) thường dễ bị bệnh tim mạch dù rằng những hành động có hại đến sức khỏe của họ đã được kiểm soát. Các khoa học gia cũng khám phá ra rằng những người không hội nhập vào đời sống cộng đồng hay có vấn đề về sức khỏe, không hạnh phúc và dễ bị trầm cảm.

Vươn tay ra để giúp đỡ tha nhân có thể là một nhu cầu cơ bản của con người giống như truyền đạt vậy. Người ta có thể tìm thấy một sự tương đồng với sự phát triển của ngôn ngữ, khả năng của từ ái, vị tha là một đặc tính tuyệt vời của nhân loại. Có những vùng đặc biệt trong não bộ dành riêng cho năng khiếu ngôn ngữ. Nếu chúng ta có những môi trường thích hợp thì những vùng này sẽ phát triển và trở nên già dặn hơn khiến khả năng ngôn ngữ của chúng ta tiến bộ hơn. Tương tự như vậy, mọi người có thể được trời phú cho”hạt giống từ ái”, và nếu gặp hoàn cảnh thuận tiện – trong gia đình, ngoài xã hội, các cố gắng của chính chúng ta – các hạt giống sẽ nảy mầm. Với những ý tưởng đó, các nhà nghiên cứu ngày nay đang cố công tìm kiếm những điều kiện môi sinh tối hảo để giúp trẻ em phát triển lòng từ ái, tính quan tâm. Và người ta đã nhận diện được một số dữ kiện: Trẻ em cần có cha mẹ biết kềm chế những cảm xúc, thích giúp đỡ – biết đặt các giới hạn cho những hành vi của con cái – biết dạy cho con có trách nhiệm về các hành động của mình – hướng dẫn sự chú tâm của con cái về hậu quả của những hành vi của chúng đối với người khác…

Duyệt xét lại những giải thích về bản chất căn để của con người (từ thù hận trở thành giúp đỡ) có thể mở ra một triển vọng mới. Nếu chúng ta bắt đầu bằng giả định về tính tư lợi của con người thì trẻ con là một thí dụ hoàn hảo – Từ lúc sinh ra, trẻ con có vẻ như được lập trình với một điều duy nhất trong trí óc: thỏa mãn những nhu cầu của riêng nó (thực phẩm, các tiện nghi cho cơ thể…). Nhưng nếu ta loại bỏ giả thuyết ích kỷ căn bản đó thì một bức tranh hoàn toàn mới hiện ra. Chúng ta có thể dễ dàng nói rằng đứa bé được sinh ra với một lập trình duy nhất là mang lại sự vui sướng, hân hoan cho người khác. Chỉ cần nhìn ngắm một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh, chúng ta cũng khó mà chối cãi được bản chất dịu dàng của con người. Và từ lợi điểm này, chúng ta có thể cho rằng khả năng mang lại niềm vui sướng cho kẻ khác là bẩm sinh. Khi mới sinh, một đứa bé chỉ phát triển khứu giác ở mức 5% so với người lớn và vị giác lại còn ít hơn, nhưng các giác quan đã nhắm vào mùi và vị của sữa mẹ. Hành động cho trẻ bú sữa không chỉ cung cấp dưỡng chất cho đứa bé mà đồng thời làm giảm áp lực ở ngực người mẹ. Như vậy, người ta có thể nói rằng đứa bé có một khả năng thiên bẩm là mang lại sự sung sướng cho người mẹ bằng cách làm giảm áp lực ở ngực.

Đứa bé cũng được lập trình về phương diện sinh học để nhận biết và phản ứng với những gương mặt. Khó ai không cảm thấy thật sự hân hoan khi một đứa bé nhìn chăm chú vào mắt mình một cách vô tư kèm theo một nụ cười hớn hở. Các nhà nghiên cứu về hành vi của động vật cho rằng khi đứa bé cười với người chăm sóc nó hay nhìn thẳng vào mắt họ là lúc chúng hành động theo những ấn chứng sinh học, phóng thích những cảm xúc dịu dàng, êm ái trong khi người này cũng đồng thời tuân thủ những sai sử của một bản năng tương tự. Trong tiến trình tìm hiểu về căn tính của nhân loại, người ta ngày càng nhận ra ý tưởng nói rằng một đứa bé lúc ra đời chỉ là một cái máy ăn và ngủ, hoàn toàn ích kỷ đang nhường chỗ cho một quan niệm mới cho rằng đó là một chúng sinh đang đến với thế giới này, với một cơ cấu bẩm sinh là làm cho người khác được hân hoan sung sướng, chỉ đòi hỏi những điều kiện môi sinh thích hợp để những hạt giống từ ái có cơ hội nảy mầm và phát triển.

Khi hiểu được rằng chân tính con người là từ ái chứ không phải hung bạo, mối tương quan của chúng ta với thế giới chung quanh sẽ thay đổi tức thì. Biết rằng tha nhân từ bản chất là khoan dung thay vì ích kỷ sẽ khiến chúng ta yên tâm và tin tưởng. Điều này làm chúng ta được hạnh phúc hơn.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.