Hạnh Phúc Chân Thường – Phần II

PHẦN 2. NHIỆT TÌNH VÀ TỪ TÂM CỦA NHÂN LOẠI

Chương 5

MỘT KHUÔN MẪU MỚI CỦA TÌNH CẢM RIÊNG TƯ

CÔ ĐƠN VÀ KẾT NỐI

Tôi bước vào phòng khách riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma trong khách sạn và Ngài ra hiệu mời tôi ngồi. Khi trà được rót ra, đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ dép ra và ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành quá khổ.

“Sao?” Ngài hỏi tôi bằng một giọng không kiểu cách với ngụ ý rằng Ngài đang sẵn sàng về bất cứ chuyện gì. Đức Đạt Lai Lạt Ma cười nhưng yên lặng và chờ đợi.

Trước đó, khi ngồi trong phòng khánh tiết của khách sạn chờ đến giờ đàm thoại, tôi lơ đãng cầm tờ báo địa phương đã được lật ở mục tin riêng (personnals). Tôi lướt mắt qua những quảng cáo dày đặc từ trang này sang trang khác của những người tìm bạn bốn phương đang tha thiết muốn được làm quen với một người nào đó. Tôi ngồi xuống trước mặt đức Đạt Lai Lạt Ma mà tâm trí vẫn còn nghĩ đến những quảng cáo cá nhân này. Bỗng nhiên tôi quyết định dẹp qua một bên những câu hỏi mà tôi đã sửa soạn sẵn và hỏi :

“Có bao giờ Ngài cảm thấy cô đơn?”

“Không”. Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời một cách đơn giản và tôi thì hết sức ngỡ ngàng. Tôi cứ tưởng là Ngài sẽ trả lời tôi một cách dài dòng như: “Dĩ nhiên…. Bất cứ ai vào một lúc nào đó trong đời cũng cảm thấy cô độc….”.Và rồi tôi sẽ hỏi rằng Ngài đã ứng phó thế nào với nỗi cô đơn. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đối diện với một người chưa từng cảm thấy cô độc.

“Không?” Tôi hỏi lại đầy ngờ vực.

“Không”.

“Ngài định nói về chuyện gì vậy?”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Có một điều là tôi thường nhìn mọi người từ một quan điểm tích cực – tôi cố tìm các phương diện tích cực của họ. Thái độ này có thể tạo nên một cảm tưởng thân thuộc, một mối dây liên kết. Và cũng có thể do ở tôi. Tôi không lo ngại rằng người ta sẽ bớt trọng nể hay cho tôi là kỳ cục nếu tôi hành xử theo một cách thế nào đó. Vì không lo ngại như vậy nên thái độ của tôi có vẻ cởi mở và đó là lý do chính”.

Tôi cảm thấy hơi khó hiểu về thái độ này nên hỏi lại: “Nhưng xin Ngài cho biết làm thế nào để người ta có được cảm giác thoải mái đối với người khác và không sợ bị phán xét, chỉ trích? Có những phương thức đặc biệt nào để một người bình thường có thể phát triển thái độ này?”

“Niềm tin căn bản của tôi là trước hết, anh phải nhận thức được giá trị của lòng từ ái”. Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp với giọng điệu đầy vẻ thuyết phục. “Đó là điểm mấu chốt. Khi anh đã chấp nhận sự kiện rằng từ ái không phải là trẻ thơ hay cảm tính, khi anh đã nhận thức được rằng từ ái là một cái gì quý giá vô biên thì anh sẽ bị quyến rũ và muốn vun bồi nó. “Khi lòng từ ái trở nên năng động vì được vun bồi và khuyến khích trong tâm thức, thái độ của chúng ta đối với tha nhân sẽ đổi khác. Đến với tha nhân bằng từ tâm, chúng ta sẽ có tâm trạng cởi mở thay vì lo ngại và điều đó tạo ra một không khí thân mật, bằng hữu. Với thái độ này, chúng ta có thể tạo ra một mối liên hệ mà trong đó, chính chúng ta đã làm cho đối tượng có được cảm giác ưu ái, tin tưởng. Ngay cả trong trường hợp đối tượng không đáp ứng một cách thích đáng, chúng ta cũng đã đến với họ bằng tấm lòng rộng mở, và đây là điều kiện cần phải có để tạo ra một cuộc đối thoại có ý nghĩa. Không có từ tâm, chúng ta sẽ có thái độ khép kín, lãnh đạm và ngay cả với bạn thân, chúng ta cũng không có được cảm giác thoải mái.

“Theo tôi nhận xét thì trong đa số trường hợp, người ta chờ đợi tha nhân tỏ thái độ tích cực trước chứ không tự mình khởi xướng thái độ này. Như vậy không đúng vì nó đưa đến tình trạng cô lập đối với người khác và vì mình đã tạo ra những ngăn cách, cản trở. Cho nên để giải tỏa cảm giác cô lập và đơn lẻ, phương cách hay nhất là hãy đến với tha nhân bằng từ tâm của mình”.

Sự ngạc nhiên của tôi khi nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài chưa từng cảm thấy cô độc là do ở sự lan tràn khắp nơi của cảm giác cô đơn trong xã hội chúng ta. Căn bệnh này không phát sinh do ấn tượng cô độc của chính tôi và cũng không phải lý do nghề nghiệp. Trong vòng hai mươi năm qua, các tâm lý gia đã điều nghiên bệnh cô đơn bằng những phương pháp khoa học với rất nhiều những cuộc nghiên cứu và thăm dò. Những kết quả đã khiến người ta kinh ngạc: Tất cả mọi người đều cảm thấy cô độc một lúc nào đó trong cuộc đời. Trong một cuộc thăm dò được tổ chức rộng rãi trên toàn thể nước Mỹ, người ta ghi nhận rằng cứ 4 người thì có 1 bị cảm giác cô đơn ghê gớm trong vòng hai tuần trước cuộc thăm dò. Tuy chúng ta thường cho rằng cảm giác cô độc kinh niên đã có những tác hại đặc biệt đối với những người lớn tuổi sống cô đơn trong các nhà dưỡng lão hay các chung cư, các cuộc sưu tầm cho thấy giới trẻ và trung niên cũng bị ảnh hưởng không kém.

Do tình trạng quá phổ cập của bịnh cô đơn, người ta bắt đầu đi tìm nguyên nhân của căn bịnh. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người cô độc thường không chịu thố lộ tâm tình, không thích truyền đạt với người khác, không chịu lắng nghe, không hiểu được các dấu hiệu thông thường lúc nói chuyện (như lúc nào nên gật đầu, lúc nào nên yên lặng…) và người ta đề nghị các bệnh nhân nên đi học cách cải thiện những kỹ năng này. Chiến lược của đức Đạt Lai Lạt Ma đã bỏ qua những kỹ năng xã hội, những ứng xử ngoại vi mà đi thẳng vào trọng tâm: Chứng nghiệm giá trị của từ tâm rồi vun bồi nó.

Mặc dù có cảm giác nghi ngờ ban đầu, tôi dần dà tin tưởng rằng đức Đạt Lai Lạt Ma chưa từng có cảm giác cô độc sau khi nghe Ngài nói chuyện. Sự tin tưởng của tôi có bằng chứng hẳn hòi – không biết bao nhiêu lần tôi đã nhìn thấy cách tiếp xúc với người lạ của đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi biết một cách chắc chắn rằng thái độ tích cực ấy không phải là một cá tính thân thiện tự nhiên. Thật ra Ngài đã suy ngẫm kỹ càng về sự quan trọng của lòng từ ái, đã dày công bồi dưỡng mối từ tâm để làm giàu thêm các kinh nghiệm sống và khiến người khác đặt trọn niềm tin vào Ngài. Đây là một phương pháp mà bất cứ ai bị cô đơn đều có thể ứng dụng được.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.