Hạnh Phúc Chân Thường – Phần II

NHỮNG LỢI ÍCH CỦA TỪ TÂM

Các cuộc khảo cứu trong những năm vừa qua đã chứng minh rằng phát triển tâm từ ái và lòng vị tha làm người ta khoẻ mạnh về thể lực cũng như tâm trí. Trong một cuộc thí nghiệm rất nổi tiếng do David McClelland (một tâm lý gia của đại học Harvard) chủ trương, người ta chiếu một cuốn phim cho các sinh viên xem về các hoạt động giúp đỡ những người bịnh hoạn và nghèo khổ tại Calcutta của Mẹ Teresa. Các sinh viên sau đó cho biết rằng cuốn phim đã khởi động mối từ tâm của họ. Sau đó, người ta giảo nghiệm nước miếng của các sinh viên này và thấy chất immunoglobulin-A (một kháng thể được dùng để chống lại tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp) tăng lên rõ rệt.

Một thí nghiệm khác do James House thực hiện tại đại học Michigan cho thấy những người thường làm công tác thiện nguyện giao tiếp với người khác bằng tình thương yêu, nồng nhiệt thường có tuổi thọ cao hơn và sống mạnh khoẻ hơn. Các nghiên cứu gia trong một lãnh vực rất mới mẻ của y học là phương pháp trị liệu phối hợp thể chất và tinh thần cũng tìm thấy những dấu hiệu tương tự. Họ xác nhận rằng một tâm hồn tích cực có thể làm cho thể xác cường tráng hơn.

Từ ái và thương yêu không chỉ giúp cho thể lực mà còn làm cho tâm trí người ta được thoải mái hơn. Các cuộc nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người hay giúp đỡ tha nhân thường vui vẻ hơn, tâm hồn yên tĩnh hơn và ít bị cảm giác buồn chán. George Vaillant đã theo dõi một nhóm sinh viên tốt nghiệp của đại học Harvard suốt 30 năm dài đã kết luận rằng chấp nhận cuộc sống vị tha, xả kỷ là yếu tố căn bản để có một tâm hồn minh mẫn. Allan Luks đã theo dõi mấy ngàn người thường làm các công tác thiện nguyện cũng cho thấy có đến 90% những người này rất năng động trong công việc, năng lực cao và tinh thần rất phấn chấn. Đồng thời họ cũng tỏ ra rất trầm tĩnh và hài lòng sau khi hoàn tất công việc. Ngoài ra, trầm tĩnh cũng giúp giảm bớt các xáo trộn thể chất do căng thẳng gây ra.

Mặc dù những chứng tích khoa học đã hỗ trợ rõ rệt cho quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về những giá trị thực dụng của từ tâm, chúng ta cũng có thể tự chứng nghiệm lấy trong đời sống thường ngày đối với xã hội chứ không phải chỉ tin suông vào những chứng tích này. Joseph là một người thợ xây cất 60 tuổi mà tôi đã gặp cách đây vài năm là một bằng chứng khá hùng hồn. Trong khoảng 30 năm, Joseph đã trở thành tỷ phú nhờ vào hoạt động xây cất bùng nổ mạnh mẽ tại tiểu bang Arizona. Nhưng đến những năm cuối của thập niên 80, nghành xây cất lại xuống dốc thê thảm nhất trong lịch sử của tiểu bang này. Joseph bị ảnh hưởng nặng nề và tiêu tan sự nghiệp đến nỗi phải tuyên bố phá sản. Sự gãy đổ tài chánh kéo theo cuộc sống gia đình và Joseph phải ly dị vợ sau 25 năm chung sống. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy Joseph không chịu đựng nổi trong hoàn cảnh đó và anh ta uống rượu li bì. May mắn thay, Joseph sau đó cai được rượu và trở thành người đỡ đầu của chương trình giúp người ta bỏ rượu. Joseph bỗng khám phá ra rằng anh ta rất vui thích trong công việc này. Anh ta dùng những hiểu biết về kinh doanh của mình để giúp những người kém may mắn. Joseph nói về cuộc sống hiện tại của anh ta như sau: “Tôi đang làm chủ một công ty tái tạo mô hình nhỏ. Lợi tức thu hoạch rất khiêm nhường nhưng tôi lại thấy mình rất giàu có. Điều buồn cười là tôi không còn ham muốn tiền bạc như trước nữa. Tôi thích dùng thì giờ của mình để giúp đỡ những nhóm khác nhau, giúp đỡ mọi người, làm việc trực tiếp với họ. Một ngày làm việc bây giờ mang lại cho tôi niềm vui thích hơn cả tháng lúc còn là triệu phú. Chưa bao giờ trong đời tôi được hạnh phúc hơn lúc này”.


TỪ BI QUÁN

Như đã hứa trong một buổi đàm luận trước đây, một hôm, đức Đạt Lai Lạt Ma đã kết thúc buổi nói chuyện trước công chúng ở Arizona bằng mấy phút thiền quán về từ tâm. Với một phong cách quyết liệt nhưng trang nhã, đức Đạt Lai Lạt Ma đã kết thúc tất cả những điều vừa trình bày trong buổi nói chuyện vào 5 phút thực tập thiền quán:

“Để phát huy từ tâm, quý vị bắt đầu bằng nhận thức rằng chúng ta không muốn đau khổ, rằng chúng ta có quyền được hạnh phúc. Điều này được kiểm chứng và chuẩn nhận bởi chính kinh nghiệm của chúng ta. Rồi quý vị nhận thức rằng những người khác, giống hệt như chúng ta vậy, cũng không muốn bị khổ não và họ cũng có quyền được hạnh phúc. Đây là điểm căn bản đầu tiên để phát triển tâm từ.

“Vậy chúng ta hãy quan sát từ tâm. Bắt đầu bằng cách tưởng tượng một người nào đó đang bị đau đớn cùng cực hay đang sống trong một hoàn cảnh thật bất hạnh. Trong ba phút đầu tiên của buổi thiền quán, hãy suy ngẫm đến nỗi khốn cùng của người này một cách chi tiết: Những đau đớn mà anh ta đang chịu đựng cũng như hoàn cảnh bi đát mà trong đó anh ta đang sống. Sau ba phút suy ngẫm như vậy, chúng ta hãy liên tưởng đến chính mình, nghĩ rằng người ấy cũng có cảm giác về đau đớn, vui sướng, hạnh phúc, khổ não như chính mình vậy. Tiếp đến, hãy để lòng thương cảm của mình tự nhiên dâng lên đối với người này; và sau nữa, cố đạt đến tình trạng mình thật lòng muốn cho người ấy thoát khỏi khổ nạn. Để đạt được ước muốn đó, chúng ta sẽ đích thân giúp đỡ nạn nhân thoát khỏi cảnh khổ. Sau cùng, tập trung vào ý chí muốn giúp đỡ nạn nhân và hãy để tâm mình hoàn toàn chìm đắm trong cảm giác thương yêu và từ ái …”

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi theo tư thế kiết già, hoàn toàn bất động trong thời gian thiền quán. Im lặng hoàn toàn. Buổi ngồi thiền hôm đó, tuy vậy, cũng bị khuấy động bởi một ít người không quen với sinh hoạt thiền quán. Họ không ngồi yên được dù cả ngàn người chung quanh đang cố tập trung vào trạng thái từ ái trong tâm hồn.

Sau mấy phút, đức Đạt Lai Lạt Ma chấm dứt buổi thiền quán với mấy câu kinh Tạng ngữ bằng một giọng trầm hùng và đầy âm hưởng khiến cho tất cả mọi người hôm đó cảm thấy thật an bình, êm dịu.

Đức Đạt Lai Lạt Ma – Bác Sĩ Howard C. Cutler – Nguyên Dực chuyển ngữ

http://www.quangduc.com


[1] Hỏi những điều rất khó trả lời, làm khó người khác (dịch giả)

[2] Age of Enlightenment được thành hình tại Âu châu vào thế kỷ thứ 18, theo đó, người ta tin tưởng rằng sự tiến bộ của nhân loại là do lý trí và khoa học chứ không phải tôn giáo. (chú thích của người dịch)

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.