Hạnh Phúc Chân Thường – Phần III

MỘT THÁI ĐỘ THỰC DỤNG ?

Giải quyết những vấn đề của chúng ta một cách hợp lý, quan sát những chướng ngại hay địch thủ bằng nhiều viễn tượng khác nhau xem ra rất hữu ích, nhưng tôi hơi hoang mang rằng phương pháp này sẽ chuyển hóa thái độ của chúng ta đến mức nào. Tôi nhớ lại đoạn kinh sau đây mà tôi đã có dịp đọc trong một buổi nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma. Đoạn này là một phần trong bài kinh có tên “Tám vần thơ tu tâm” được viết bởi Langri Thangpa, một vị thánh Tây Tạng vào thế kỷ 11 mà đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn trì tụng hàng ngày :

– Khi liên tưởng đến ai, tôi xin nguyện làm kẻ thấp hèn nhất và tận đáy lòng, xin nâng họ lên cao …

– Khi gặp kẻ có tâm địa xấu xa, bị thúc đẩy bởi tội lỗi hung bạo, tôi nguyện coi họ là những cơ duyên hiếm hoi quý báu như thể đã tìm được một gia tài quý giá.

– Khi ai đó vì lòng đố kỵ đã nhục mạ hay vu khống tôi, xin nguyện làm kẻ thua thiệt và dâng tặng cho họ sự chiến thắng.

– Khi ai đó mà tôi đặt hết lòng tin tưởng lại hãm hại tôi thật tàn tệ, nguyện xin coi họ là vị đạo sư.

– …

Tóm lại, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, xin nguyện dâng tặng tất cả lợi dưỡng và hạnh phúc cho hết thảy chúng sinh và xin âm thầm gánh lấy tất cả khổ não cùng nguy khốn cho tất cả mọi loài.

Đọc xong bài kinh, tôi hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma: “Tôi biết Ngài suy nghiệm về bài kệ này rất nhiều, nhưng Ngài có cho rằng nó thực dụng trong thế giới ngày nay? Vì tôi nghĩ bài kệ được viết bởi một tu sĩ sống cả đời trong tu viện, nơi mà đôi khi, người ta chỉ nói xấu, dối gạt nhau hay cùng lắm, một cái bợp tai hay vài quả thụi. Trong hoàn cảnh đó, dâng tặng chiến thắng cho người không phải là chuyện khó. Nhưng trong xã hội ngày nay, sự thương tổn bao gồm cả hãm hiếp, tra tấn, giết người … Từ bối cảnh đó, những ý tưởng của bài kinh xem ra không thực tế lắm với cuộc sống bây giờ.” Tôi có vẻ tự hào vì đã đưa ra một nhận xét mà tôi cho là khá thích đáng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma im lặng mấy phút với vẻ suy nghĩ sâu xa rồi đáp: “Những điều anh nói có phần đúng”. Sau đó, Ngài nói đến những thay đổi cần thiết cho hợp thời của những ý tưởng trên và cho rằng người ta có thể phải sử dụng những phương pháp mạnh bạo hơn để tránh tổn hại cho mình và cho người.

Tối hôm đó, tôi ngồi suy nghĩ lại những điều đã được đề cập đến trong buổi nói chuyện. Có hai điểm chính hiện ra rõ rệt: Trước hết, tôi hơi ngỡ ngàng về thái độ sẵn sàng chấp nhận một cái nhìn mới đối với niềm tin và phương pháp tu hành thường nhật của đức Đạt Lai Lạt Ma. Thái độ này cho thấy ý muốn tái thẩm định những niềm tin cố hữu vốn đã thành tập quán được lập đi lập lại mỗi ngày trong bao nhiêu năm qua. Điểm thứ hai không mấy thú vị lắm vì tôi nhận ra rằng mình khá si mê. Tôi đã nói với đức Đạt Lai Lạt Ma rằng những ý tưởng trong bài kinh ấy không thích hợp với hoàn cảnh sống đầy tai biến hiện nay. Tôi đã nói với một người mất quê hương vì một sự xâm lấn hung bạo nhất trong lịch sử nhân loại, một người đã sống kiếp lưu đày gần bốn thập niên trong khi niềm hy vọng được giải phóng của cả đất nước đang đè nặng trên vai ông. Một người với trách nhiệm cá nhân thật sâu sắc đã lắng nghe bằng tất cả từ tâm hàng loạt những câu chuyện bi thảm từ giết chóc, hãm hiếp, tra tấn và cả tình trạng thoái hóa của người dân Tây Tạng dưới gót giày xâm lược của Trung quốc. Đã hơn một lần, tôi tận mắt nhìn thấy nét bi ai cũng như vẻ chăm chú trên nét mặt đức Đạt Lai Lạt Ma khi nghe những người vượt rặng Hy Mã Lạp Sơn chỉ để được một lần nhìn mặt Ngài, một cuộc hành trình gian khổ thường mất khoảng hai năm đi bộ.

Những câu chuyện về sự đày ải người dân Tây Tạng không chỉ nhắm vào thể xác mà còn có mục đích phá nát tinh thần của họ. Tôi có lần được nghe một người tỵ nạn trẻ tuổi nói về các trường học do Trung quốc lập ra. Tất cả các thanh thiếu niên lớn lên ở Tây Tạng đều phải vào các trường này. Buổi sáng, họ phải học tập về tư tưởng Mao Trạch Đông và chủ thuyết Cộng sản. Buổi chiều là phần khảo bài tập làm tại nhà. Các bài tập làm tại nhà đều nhằm vào việc phá hủy toàn bộ tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu vào tâm thức người dân Tây Tạng. Thí dụ như biết rằng Phật giáo cấm sát sanh và rằng tất cả mọi chúng sinh hữu tình đều bình đẳng về quyền được sống, một thầy giáo đã bắt tất cả học sinh phải giết một số sinh vật và đem xác chết đến trường vào ngày hôm sau. Các sinh vật bị giết hại sẽ được xếp hạng để cho điểm : ruồi 1 điểm, côn trùng 2 điểm, chuột 5 điểm, mèo 10 điểm…(Về sau, khi nghe tôi kể lại chuyện này, một người bạn đã lắc đầu ngao ngán: ‘Không biết học sinh sẽ được bao nhiêu điểm nếu giết chết tên thầy giáo khốn nạn đó?’)

Trong hoạt động trau dồi tâm thức như trì tụng bài kệ Tám vần thơ tu tâm, mặc dù hiểu rõ về thực chất cuộc sống hiện nay, đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn tích cực hoạt động cho tự do và quyền làm người của dân Tây Tạng trong suốt 40 năm qua. Trong lúc đó, Ngài vẫn giữ vững thái độ khiêm cung và từ ái đối với Trung cộng. Thái độ này đã khiến hàng triệu người trên thế giới ngưỡng phục Ngài. Và tôi ngồi đây, tự hào với ý nghĩ cho rằng những tư tưởng đó có thể không phù hợp với thực tế của thế giới hiện tại. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại chuyện này, tôi vẫn còn hổ thẹn.


KHÁM PHÁ VIỄN TƯỢNG MỚI

Vào một buổi chiều nọ, tôi vô tình rơi vào một hoàn cảnh thật thích hợp để áp dụng phương thức chuyển đổi tầm nhìn đối với kẻ thù của đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong khi biên soạn cuốn sách này, tôi có tham dự vài buổi thuyết giảng của Ngài tại bờ biển phiá đông và tôi trở về nhà ở Phoenix bằng một chuyến bay thẳng (không ghé các trạm phụ). Như thường lệ, tôi giữ một chỗ ngồi ở kế lối đi … Mặc dù mới tham dự buổi thuyết giảng của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi cũng không mấy thích thú khi phải chen lấn trên chuyến bay chật cứng hành khách. Và tôi nhận ra chỗ ngồi đã bị xếp lầm vào hàng ghế giữa. Bên này là một ông khách to lớn ngồi choán cả chỗ để tay. Bên kia là một người đàn bà trung tuần mà mới nhìn mặt là tôi đã thấy ghét vì nghi rằng bà ấy đã chiếm chỗ ngoài bìa của tôi. Có một cái gì đó ở người đàn bà này làm tôi khó chịu. Giọng nói the thé hay điệu bộ quá kiểu cách? Tôi không chắc lắm.

Sau khi máy bay cất cánh, người đàn bà bắt đầu nói chuyện không ngớt với người đàn ông ngồi trước mặt mà qua lời đối thoại, tôi được biết là chồng bà ta. Tôi lịch sự đề nghị đổi chỗ cho ông ấy nhưng bị từ chối vì cả hai người đều muốn ngồi ở hàng ghế ngoài. Sự việc làm tôi bực tức thêm. Tưởng tượng phải ngồi trong tình trạng hắc ám này trong suốt chuyến bay dài 5 tiếng đồng hồ làm tôi không chịu nổi. Bỗng tôi nhận ra là mình đã phản ứng quá đáng với một người đàn bà không quen biết, tôi bèn chú tâm suy nghĩ về tình trạng này: Có lẽ bà ta làm tôi liên tưởng đến một người nào đó lúc còn niên thiếu, cảm giác ghét bỏ không thể giải thích được đối với mẹ tôi hoặc một điều gì đó. Tôi lục lọi trí óc nhưng không thể tìm ra được một hình ảnh nào của thời đã qua.

Rồi thì tôi chợt nhận ra bà ta là một cơ hội toàn hảo để tôi thực tập phát triển tính nhẫn nhục. Tôi tập trung tư tưởng để hình dung ra địch thủ của tôi được xếp ngồi ở ghế ngoài bìa hầu có dịp cho tôi một bài học về nhẫn nhục và khoan nhượng, và tôi nghĩ rằng sự tập trung tư tưởng sẽ không khó khăn gì: Tôi vừa mới gặp bà ta, người đàn bà chẳng làm gì thiệt hại đến tôi cả, vân vân và vân vân. Độ hai mươi phút sau thì tôi đầu hàng, người đàn bà vẫn làm tôi bực bội suốt chuyến bay. Với tâm trạng hờn dỗi, tôi nhìn vào bàn tay người đàn bà đang gát trên chỗ để tay của tôi. Tôi ghét mọi thứ liên hệ đến bà ta! Tôi nhìn vào chiếc móng tay ngón cái của người đàn bà và tự hỏi có phải tôi không thích cái móng tay này? Không, chẳng có gì đáng ghét cả, nó trông bình thường. Kế đó, tôi nhìn đôi mắt bà ta và nghĩ: Tôi không thích đôi mắt này chăng? Đúng, đúng rồi! (dĩ nhiên là không có lý do và đây là hình thức thông thường nhất của tâm trạng ghét bỏ) Tôi quan sát kỹ hơn: Có phải tôi không thích đôi đồng tử? Không hẳn! Hay lớp võng mô, hay tròng mắt hay giác mạc? Cũng không đúng. Có chắc là tôi không thích đôi mắt người đàn bà? Tôi không chắc lắm. Vậy thì tôi ghét cái gì ở người đàn bà không quen này? Tôi nhìn đến các ngón tay, đến khuỷu tay … và tôi nhận ra chẳng có gì đáng ghét cả.

Quan sát từng chi tiết nhỏ thay vì một cái nhìn tổng quát làm thay đổi tình cảm ghét bỏ của tôi đối với người đàn bà. Sự chuyển đổi tầm nhìn làm tôi mất hẳn thành kiến đối với bà ta và tôi thấy bà ta cũng bình thường như những người khác. Khi những tư tưởng này lần lượt diễn ra trong trí thì người đàn bà bỗng quay sang nói chuyện với tôi. Tôi không nhớ là chúng tôi đã trao đổi với nhau những gì – chỉ là chuyện xã giao – nhưng nhờ đó mà mối bực tức trong lòng tôi đã giảm hẳn. Người đàn bà không trở nên một người bạn mới của tôi nhưng cũng không còn là con mụ hắc ám đã chiếm chỗ ngồi phía ngoài của tôi nữa. Người đàn bà chỉ đơn thuần là một con người, như tôi, đang sống giữa chợ đời.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.