Hạnh Phúc Chân Thường – Phần IV

QUÁN SÂN HẬN

Trong nhiều buổi nói chuyện, phương pháp sơ đẳng của đức Đạt Lai Lạt Ma để chế ngự sân hận là dùng hình thức lý giải và phân tích để khảo sát nguyên do của cảm xúc giận dữ và dùng TRI THỨC để chống đối lại tình trạng tâm thức nguy hại này. Người ta có thể cho rằng khuynh hướng của Ngài là sử dụng suy luận để hóa giải giận dữ và thù hận đồng thời phát huy phản đề của chúng là nhẫn nhục và khoan nhượng. Nhưng đây không phải là phương pháp duy nhất của đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong các buổi diễn thuyết trước công chúng, Ngài thường bổ sung bằng hai phép quán tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả sau đây để giúp mọi người khắc phục cảm giác sân hận:

Bài tập 1 về Quán Sân Hận

“Hãy tưởng tượng đến một hoàn cảnh trong đó, một người mà chúng ta biết rất rõ, một người rất thân thương và gần gũi với chúng ta đã mất bình tĩnh vì một lý do nào đó, có thể là vì một mối liên hệ đã quá căng thẳng hoặc bị xáo trộn lớn lao trong cuộc sống riêng tư. Người này giận dữ đến độ mất đi hoàn toàn sự điềm tĩnh, tạo nên những rung động vô cùng tiêu cực đến nỗi đập phá đồ đạc và tự đánh đập mình.

“Rồi chúng ta hãy nghĩ đến những hậu quả tức thời của cơn giận dữ khủng khiếp này. Chúng ta sẽ thấy những thay đổi vật lý đang xảy ra cho người đó. Con người mà chúng ta từng thân cận yêu mến, con người đã cho chúng ta cảm giác vui thú trong quá khứ bây giờ trở nên xấu xí ngay cả trong lời nói. Lý do mà tôi đề nghị quý vị tưởng tượng điều này xảy ra cho một người nào đó là vì chúng ta dễ nhận ra những lỗi lầm của người khác trong khi rất khó nhận ra những lỗi lầm của chính mình. Vậy hãy dùng trí tưởng tượng để thực hành phép quán này trong ít phút.

“Cuối cùng, hãy phân tích hoàn cảnh này rồi liên tưởng đến trường hợp của chính chúng ta. Hãy tưởng tượng chúng ta đã ở trong hoàn cảnh tương tự như vậy rất nhiều lần. Cuối cùng hãy quyết nghị rằng ‘Tôi sẽ không để mình rơi vào tình huống sân hận cao độ như vậy nữa vì nếu không, tôi cũng giống như người ấy. Tôi sẽ bị khổ sở vì những hậu quả, không giữ được điềm tĩnh, trí óc không còn bình an và mặt mày thì xấu xa thô bỉ …’ Sau khi tạo quyết tâm như vậy, hãy dùng những phút cuối cùng của phép quán để tập trung tư tưởng vào quyết nghị này, để tâm trí nằm yên trong ý tưởng rằng mình sẽ không bị rơi vào vòng ảnh hưởng của giận dữ và thù hận”

Bài tập 2 về Quán Sân Hận

“Chúng ta hãy dùng quán sát để thực hành một lối tham thiền khác. Hãy nghĩ đến một người mà bạn không thích, một người làm ta bực mình, thường gây ra những rối rắm và chẳng bao giờ để chúng ta yên. Tiếp đến, hãy tưởng tượng người ấy đang làm bạn nổi cáu, bực bội và cũng bằng trí tưởng tượng, hãy để tự nhiên cho cảm xúc giận dữ dâng tràn. Rồi thì hãy quan sát chính cảm xúc của bạn, xem nhịp tim của bạn đã gia tăng bao nhiêu … Hãy khảo sát xem bạn có thoải mái hay không, xem bạn có bình tĩnh an lành hay cảm giác khó chịu đang xâm chiếm bạn. Cứ tiếp tục quan sát và xét nghiệm chính mình. Rồi khoảng ba hay bốn phút sau, xét lại tình cảm của mình bây giờ ra sao. Nếu sau khi khảo sát mà bạn nhận thức được rằng: “Vâng, thật không ích lợi gì nếu để cho cảm xúc khó chịu phát triển vì tôi mất hẳn sự bình an trong tâm hồn” thì hãy nhủ thầm với chính mình: “Tôi sẽ không xử sự như vậy nữa trong tương lai”. Hãy quyết nghị như vậy. Và với những phút sau cùng của phép quán, hãy chú mục vào quyết nghị đó bằng tất cả sự tỉnh thức. Đấy là thiền quán.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại một lúc, nhìn mọi người quanh phòng đang sửa soạn để thực tập phép quán, Ngài cười và nói thêm: “Nếu tôi có năng lực nhận thức hoặc có thể đọc được tâm tưởng của người khác thì thật là một quang cảnh đẹp mắt đang diễn ra trong phòng này.” Có tiếng cười rúc rích trong giây lát rồi mọi người bắt đầu thực tập phương pháp chế ngự giận dữ và thù hận.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.