Anh Em

Trời mưa từ sáng đến giờ không dứt, dường như có bão tố ở đâu. Tôi hết đọc truyện lại đi lên đi xuống thang lầu. Anh tôi bận việc nên phải ra đi, có lẽ hiện giờ anh đang ở phi trường.

Chú Lan và chú Thái là hai người làm vườn trong nhà, hôm nay đến dọn sạch khu đất đã trồng bắp thời gian qua, và bón phân để trồng loại khác, nhưng mưa dai dẳng nên hai chú cứ ngồi chơi cờ.

– Hai chú đánh cờ mãi không chán sao? Con muốn tắm mưa.

– Không được đâu cô! Cô lớn rồi! Chạy ra đường tắm mưa kỳ lắm!

– Không phải vậy. Con muốn nhờ hai chú lên sân thượng, lấp kín dùm con mấy chỗ để nước không chảy ra, thành cái hồ cho con bơi trong đó.

– Ô! Được! Được! Chúng tôi đi liền.

– Con thay áo tắm rồi lên phụ 2 chú nha!

Trời bắt đầu mưa lớn nhưng nước vẫn chưa lên được đầu gối. Tôi vẫn tắm, có lúc nằm dài trên mặt nước như nàng tiên cá, cất cao giọng hát hòa cùng tiếng mưa rơi làm nhạc đệm.

Cánh cửa sân thượng bật ra. Anh tôi đang đứng đó mĩm cười. Nước có lối thoát nên ào xuống thang lầu như một dòng thác nhỏ, ướt hết giày và hai ống quần của anh.

Anh nghiêm mặt lại, giọng ra lệnh:

– Em đi tắm, gội đầu, thay quần áo và sưởi ấm người lại.

Anh rầy hai chú.

– Nếu máy bay không đình chỉ, tôi không về kịp thì nhà này sẽ hư hại nặng, vì không thể chứa lượng nước nhiều như vậy trên sân thượng. Hai chú hiểu không? Tại sao hai chú lớn lại đi nghe lời con bé?

Tôi hối hận vì làm hai chú bị la, nhưng không ai giận tôi cả. Tôi bước ra vườn, phụ hai chú săn sóc những cụm hoa và thu hoạch mấy luống khoai lang, loại khoai đặc biệt này mẹ rất thích, tuy củ nhỏ nhưng vô cùng ngọt.

– Nhà chỉ có hai anh em, tôi bỏ em ở nhà hoài, thấy ngại quá!

Đó là lời anh nói với người bạn, vô tình tôi nghe được. Nên để anh yên lòng đi chơi, gần cuối tuần tôi xin phép anh về quê của Bích, hay xem ciné cùng Yến … v…v…
Hôm ấy, anh rất vui khi thấy tôi có ý đi ciné cùng Yến. Thật ra Yến đang có hẹn riêng, nên tôi cũng đi ciné nhưng lại đi một mình. Từ
rạp bước ra, tôi uống ly nước mía, Sơn (học cùng lớp) cũng đang ở đó, chúng tôi cùng nhau đi về.
Nhà Sơn ở khuất bên trong con đường. Còn nhà tôi nằm trên góc ngã ba, anh tôi đang đứng trên lầu nhìn xuống, sẽ thấy rõ tôi cùng Sơn song bước trở về, trong khi tôi đã xin phép cùng đi với Yến.
Lúc đó, có chiếc xe hàng to đậu ven đường. Tôi kêu Sơn cùng trốn sau chiếc xe cho anh tôi không nhìn thấy. Hai đứa ngồi chồm hổm núp sau xe, tôi nhắm mắt lại. Hồi lâu mở mắt ra, chiếc xe đã chạy đâu mất, hai đứa vẫn còn ngồi dưới đường lánh mặt anh tôi. Mắc cở quá! Quay qua tôi nhằn Sơn.
– Sao bạn không kêu tôi? Xe chạy rồi! Ngồi kỳ quá hà!
– Thấy bạn ngồi và nhắm mắt, tôi cũng làm như bạn, đâu biết xe chạy lúc nào.
– Thôi bây giờ mạnh ai đi về nhà nấy.
Băng qua đường là đến trước nhà. Vừa lên lầu thấy anh ngồi đó đọc báo, tôi hỏi như muốn khóc.
– Hồi nảy anh thấy gì không?
– Thấy gì?
– Thật anh không thấy gì?
– Anh đọc báo. Chờ em về, rủ đi biển. Em vào thay áo, anh em mình đi chơi.
Anh đưa tôi đi biển. Hai anh em dạo gần bờ nước, anh cầm giày và ví cho tôi. Anh bảo:
– Có đi chơi cùng bạn trai, khi dạo trên biển phải đi phía trong, để người con trai dẫn đầu, đưa họ cầm giày và ví cho mình. Còn đi phố, lúc nào cũng phải đi phía bên tay mặt của bạn. Vì họ phải có bổn phận bảo vệ phái nữ. Hôm đó, anh đưa tôi đi ăn nhà hàng sang trọng, dạy tôi cách ngồi, cầm dao, nĩa, muỗng, cách ăn uống và xắt từng miếng thịt thế nào.
Một hôm, anh vào phòng, thấy tôi và chị Hương đang chơi búng dây thun.
– Em sửa soạn, anh chở em đi dự tiệc. Tiệc này do nhóm con nuôi của ba tổ chức, lâu lắm tất cả mới họp mặt được một lần.
Anh quay lại.
– Nhớ ăn mặc thật đẹp.
Tôi cười.
– Em mới may áo dài xanh, để em đưa anh coi, đẹp lắm!
– Còn áo nào nữa không?
– Ồ, áo này không đẹp hở anh?
– Đẹp! Đẹp! Em nhớ trang điểm.
– Em đâu có gì để trang điểm.
– Chờ anh một chút!
Một lúc quay về, anh đổ ra đầy bàn son phấn, nước hoa, rất nhiều viết kẻ mắt, môi.
– Anh mua nhiều quá! Toàn là tiếng Anh! Em không biết cách dùng!
– Không sao! Anh giúp em.
– Chị Hương ngồi làm mẫu cho cô nghe.
Chị Hương rất sợ anh. Nếu tôi kêu chị không chịu đâu.
Anh bắt đầu đọc. Thứ này bôi lên mặt trước, sau, thứ này nữa, bôi lên mắt, phía trong, phía ngoài, lên môi, vẽ màu này phía ngoài, màu kia ở trong, vẽ vành môi, đánh son, thêm màu bóng.
– Ồ! Đã xong! Còn thử các loại nước hoa thôi.
Xong rồi! Nhìn chị Hương và tự nhiên anh thụt lùi lại. Thấy vậy tôi vội nhìn chị và bật cười ha…ha…ha…
Chị Hương cầm chiếc gương lên soi mặt mình và Chị cũng cười …ha…ha… Hai đứa không cách nào nín cười được. Tôi trang điểm cho chị không đẹp thêm, mà là để nhát ma con nít.
– Thôi! Em khỏi trang điểm gì hết! Thay quần áo, anh đưa đi.
Đó là một ngôi nhà 2 tầng rất lớn, nằm ngay đường biển.
Anh đại tá Lam Sơn và anh đại tá Trần văn Hai đứng chờ bên ngoài, thời ấy hai anh chưa lên tướng. Anh Lam Sơn coi bên lực lượng đặc biệt. Năm 75 anh không di tản, anh bị đi cải tạo, trở về cũng không chịu đi theo diện HO, anh mất ở Saigon.
Anh Trần văn Hai đang coi trung tâm huấn luyện Dục Mỹ. Năm 75 anh không di tản, không đi cải tạo mà anh chọn cái chết.

Hai anh thường đến nhà tôi chơi, và vào ngày giỗ ba, lúc nào cũng có mặt, các anh là con nuôi của ba tôi.
Anh Lam Sơn ăn nói rất khéo. Nhìn tôi.
– Út ơi, em trong sáng, giản dị nhưng rất đẹp!
Rồi anh Lam Sơn quay qua anh tôi có ý trách thầm.
– Mày để con bé ăn mặc thường quá!
Anh Hai chỉ cười và nắm tay tôi dẫn vào nhà.
Đông thật! Có mấy người chạy đến. Anh Lam Sơn giới thiệu nhưng tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ anh Đỗ Cao Trí lúc đó là đại tá, sau này lên tướng và mất trước năm 75.

Hôm sau anh Lam Sơn ra nhà tôi, anh đưa tôi 2 giỏ đầy quần áo mới, những bộ dạ hội thật sang trọng của các mệnh phụ phu nhân. Thấy không hạp với mình nên tôi đem trả lại, mắt anh tôi ánh lên niềm vui. Sau đó, hai anh nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp.
Đi học về tôi ghé vào phòng mạch, để anh nhờ vợ của bạn đưa tôi đi phố, may và sắm quần áo, vì cách ăn mặc của chị tuy đơn giản nhưng đẹp và sang trọng.
Lúc ra về, khi lấy xe, anh đứng lại bên người đàn bà chất phát quê mùa, tay bế một đứa con gái nhỏ, anh chăm sóc và nói chuyện vô cùng thân mật.
Thấy tôi ngạc nhiên, anh kể người đàn bà đó nghèo lắm, phải nhịn ăn mới có tiền đi xe lên chữa bệnh cho con. Nên anh lo chỗ ăn ở cho họ và chữa bệnh không lấy tiền, lúc nào bé đó lành bệnh thì về.
– Tại sao lại nhịn đói? Em còn biết nấu cơm, sao bà ấy không lấy gạo nấu cơm ăn mà nhịn đói?
– Em không hiểu đâu, lớn thêm chút nữa em sẽ hiểu.
Rồi anh bắt qua chuyện khác.
Anh lập gia đình, di chuyển vào Sài Gòn được bốn năm. Hôm đó, mẹ vào thăm tôi và ở lại suốt một tuần. Mẹ dọn dẹp nhà cửa, nhất là phòng của anh. Từ lúc anh đi, mẹ cứ giữ lại phòng anh như cũ, thỉnh thoảng chị Hương hay vú vào lau bụi thôi, nay chính tay mẹ làm tất cả từ trong phòng tắm đến tấm trải giường, đến cả bình hoa trên bàn viết của anh.
Chiều tôi về, thấy nhà sáng và đẹp ra, bàn tiệc đã bày sẵn, Vú nói con đi tắm rồi ra ăn cơm.
Tắm xong, bước tới cửa thì Vú nắm tay tôi lại, nhìn ra thấy mẹ và anh đang ôm nhau, tôi chỉ nhìn phía sau, đôi vai anh run lên, dường như anh đang khóc, mẹ vuốt tóc anh.

Say men đời rong ruổi khắp trần gian
Quên bóng mẹ đang chờ con từng phút.
Con vấp ngã mới nhận ra điều duy nhất
Trên đời này không ai bằng mẹ được đâu
Hàn Long Ẩn

Vú kéo tôi vào phòng. Tôi hỏi vú chuyện gì vậy? Vú chỉ nói anh không được hạnh phúc trong hôn nhân.
Có tiếng mẹ kêu ra ăn cơm. Hôm đó anh vui vẻ và ăn thật nhiều. Anh nói món này do mẹ làm, món kia là vú làm, chị bếp làm, tôi phục tánh sâu sắc của anh.
– Con bé này tệ quá! Không phân biệt được ai nấu. Vú nói.
– Đến bây giờ vẫn không có bạn trai. Vú không yên lòng về em con. Không biết lúc nào mới trưởng thành.
Mẹ cười, vì mẹ biết, tôi đã kể cho mẹ nghe chuyện tình cảm của tôi rồi.
– Vú đừng lo! Hãy để em con tự nhiên.

Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái
Hoa nồng hương và trái lắm khi chua.

Về lại nhà, anh thường tổ chức đi chơi ngoài trời. Anh tập tôi cỡi ngựa. Tập đoàn bác sĩ Nha Trang tổ chức đến mộ bác sĩ Yersin thắp nén nhang, dâng bó hoa vào ngày sinh nhật hay ngày giỗ của ông, vì ông là người sáng lập ra viện Pasteur Nha Trang năm 1898. Có tuần ra đảo, anh và các bạn lặng người dưới nước để bắn cá, cuộc đi nào anh cũng cho tôi tham dự và còn được rủ bạn theo.
Chị dâu (vợ anh) thường gởi thư cho anh và mỗi tháng anh đều nhờ tôi đi gởi tiền cho chị. Vú nói anh chị vẫn thương nhau nhưng ở gần thì không hạp.
Đến ngày lễ cưới của chúng tôi, anh lo các thứ từ chọn nhà hàng, quần áo cô dâu, chú rễ (vì chồng tôi đang ở xa, khi về đến Việt Nam là đám cưới liền nên anh phải lo dùm tất cả). Vậy mà khi rước dâu và tối đãi tiệc, anh lại bận bệnh nhân không dự được.

Ngày tôi dọn ra ở riêng, anh cứ năn nỉ vợ chồng tôi mỗi ngày về ăn cơm, anh quá cô đơn mà tôi không hiểu. Chồng tôi muốn hai đứa có đời sống riêng, nên điều đình một tuần chúng tôi về ăn cơm với anh 2 lần và anh đến nhà chúng tôi ăn cơm 1 lần, anh vui lắm!
Đến ngày tôi sanh đứa con đầu lòng, hôm ấy là ngày mà những phi đoàn phản lực đều ra Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Cao Kỳ để Bắc phạt (thả bôm miền Bắc).
Chồng tôi chở tôi ra nhà hộ sanh từ sáng sớm, có mẹ, anh, Vú và thuê thêm 1 người nữa để nuôi tôi sanh, tất cả đều vui vẻ. Trong người bắt đầu khó chịu, chồng tôi đi bay lần này không biết có còn về để nhìn được mặt con không, tôi vừa đau trong tim, vừa đau ở bụng, nhưng ngoài mặt vẫn giữ nét bình thản như chẳng có gì lo.

Tối đó tôi sanh một bé gái. Anh, mẹ và vú lúc nào cũng bên tôi. Hôm sau, chồng tôi về cùng 3 người bạn thân, các anh vẫn còn mặc áo bay trên người làm tôi cảm động.
– Các bác đến thăm em bé đây. Vì không đến trình diện thì mẹ bé sẽ lo, sợ đại bàng gãy cánh, mà không dám hỏi … Ha …Ha …
Anh mời chồng tôi và các bạn đi ăn, gọi là khao quân.

Từ nhà hộ sanh về, mẹ nhất định đưa mẹ con tôi về ở nhà anh để mẹ săn sóc dễ. Hôm cúng đầy tháng, anh đề nghị vợ chồng tôi ở luôn đừng về lại cư xá không quân, vì nghe tiếng khóc của em bé sẽ làm không khí trong nhà vui hẳn lên.
Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu được nỗi cô đơn của anh nên chúng tôi lại dọn về tổ ấm nhỏ của mình.

Đến tháng 3 năm 75, tôi phải theo ngân hàng di tản vào Sài Gòn, gặp anh để gởi lại chị Hương, người theo tôi từ lúc nhỏ và một con chó cũng theo tôi từ thời con gái. Anh vui vẻ nhận hết và còn dặn chồng tôi đi bay về ghé nhà ăn cơm.
Rồi 30 tháng 4 năm 75 mất nước, chồng tôi đi tù miền Bắc, mẹ tôi bị ghép tội tư sản dân tộc và cấm không được ra khỏi làng. Chị Hương viết thư kêu tôi về gấp vì chính quyền đến bắt anh, đuổi chị và chị bếp ra để họ niêm phong nhà. Chị ôm con chó nhỏ của tôi về nhà mẹ.
Tôi gởi con lại Sài Gòn, nhờ chị chồng trông coi và tìm mua vé xe chợ đen (sau 75 việc di chuyển thật khó khăn. Từ tỉnh này qua tỉnh khác muốn mua vé xe rẻ phải có giấy giới thiệu của cơ quan).
Xe chạy suốt đêm, sáng đến Nha Trang. Tôi vội đến nhà người bạn thân, hoàn cảnh cũng như tôi, muốn thăm anh nhưng không có giấy phép. Chị hỏi tôi có tiền không? Tôi móc hết tiền ra. Chị đếm rồi nói sẽ mua cho tôi một vé xe giá chính thức về lại Sài Gòn. Còn đi thăm anh và về quê thăm mẹ thì có người chở dùm tôi đi, số tiền này chỉ đủ lo lót để vào thăm anh thôi.
Tôi gặp anh ngay ngày hôm đó chỉ được 30 phút, tôi không có một món quà nào cho anh cả. Câu đầu tiên tôi nói cùng anh:
– Em biết tại sao người đàn bà nhà quê đó nhịn đói rồi.
– Tội nghiệp em tôi quá!
Rồi anh dặn tôi đủ điều và bắt tôi phải hứa. Phải chung thủy cùng chồng. Phải thương người ngã ngựa.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp lại anh. Sau này nghe tin anh chết trong tù. Mẹ xin đem xác anh về chôn cất. Mãi đến mấy năm sau tôi mới trở về.

Đứng trước mộ anh, tôi thắp một nén nhang và ngồi đó suốt buổi chiều trong ánh nắng tàn tro. Em đã mất anh rồi!!!

Phải bước qua bao nhiêu dâu bể cuộc đời, em mới hiểu được nỗi cô đơn cùng cực của người anh chung huyết thống, mới hiểu được tấm lòng của anh dành cho đứa em gái dại khờ này.

Thiên đàng rộng mở thênh thang, như trái tim anh luôn mở rộng cùng tha nhân trong cảnh khốn khó cơ hàn của họ. Cũng như anh gánh vai làm mẹ, chăm sóc em trong những ngày mẹ mình bận lo kinh tế. Em tin chắc anh của em sẽ đến được cõi yên bình vĩnh cửu.
Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.