Chuyển Pháp Luân Và Tứ Diệu Đế – Phần 4

SỰ BỪNG DẬY CỦA “THỨC HIỂU BIẾT”

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYNATILOKA

Với đôi mắt toàn vẹn, nhưng với đôi mắt bên ngoài không lọt vào vòng nhãn quan và chẳng có trường hợp đặc biệt hoạt động, thì sự hiểu biết không sao phát sanh đặng (như nhìn trong đêm tối).

Hoặc giả với đôi mắt toàn vẹn, có hình sắc bên ngoài lọt vào nhãn quan nhưng không có trường hợp đặt biệt hoạt động thì cũng chẳng phát sanh sự hiểu biết (mở mắt lúc ngủ hay chết).

Chỉ khi nào với đôi mắt toàn vẹn, mà có hình sắc bên ngoài lọt vào vòng nhãn quan và có trường hợp đặt biệt hoạt động thì trạng thái hiểu biết của mắt (nhãn thức) mới bừng dậy.

M.38 – “Hãy nghe Như Lai thuyết đây:

Tư cách bừng dậy của cái “Thức hiểu biết” tuỳ thuộc nhiều trạng thái, bằng không thì sự hiểu biết chẳng thế nào phát sanh được”. Ðây là các loại thức hiểu biết:

– Nhìn xem và hình sắc đánh thức sự hiểu biết của mắt: “Nhãn thức” (Cakkhu-Vinnàna)
– Nghe và âm thanh đánh thức sự hiểu biết của tai: “Nhì thức” (Sota-Vinnàna)
– Ngửi và mùi đánh thức sự hiểu biết của mũi: “Tỹ thức” (Ghana-Vinnàna)
– Nếm và vị đánh thức sự hiểu biết của lưỡi: “Thiệt thức” (Jìhà-Vinnàna)
– Ðụng chạm và hình thể đánh thức sự hiểu biết của thân: “Thân thức” (Kaya-Vinnàna)
– Trí óc và tư tưởng đánh thức sự hiểu biết của ý: “Ý thức”(Mano-Vinnàna)

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨCNYANATIOKA (theo Abhidhamma)

Về khía cạnh tâm lý hình sắc thể hiện được là do sự nhận xét của nhãn thức. Ví dụ một vật gì không thể phát hiện được với cặp mắt suông mà phải tùy thuộc vào sự nhận xét và tưởng của chúng ta xuyên qua ánh sáng và màu sắc. Theo khoa vật lý học đó là những năng lượng di chuyển theo lượn sóng ánh sáng gây phản ứng của những hóa chất và vật chất trong nhãn quan như dây thần kinh của đôi mắt chẳng hạn làm phát sanh cảm giác về màu sắc. Âm thanh cũng thế, nó tuỳ thuộc cảm giác của chúng ta. Căn bản vật chất về âm thanh chỉ là năng lượngdo sức đẩy của hơi gió đưa vào màng tai, va chạm với dây thần kinh của nhĩ quan làm cho chúng ta cảm nghĩ rằng đó là tiếng động.

Căn bản vật chất của mùi là hơi khói, của hương vị là những thành phần về hoá chất, v.v… Như vậy cả 5 sắc trần được thể hiện là do suy tưởng của “ý thức” (Mano-Vinnàna) mà ra.

Ðể kết luận, những hình ảnh thấy được khi đổi mắt mở là do nhãn thức và lúc nhắm mắt lại là do tâm thức (hay ý thức).

Mê sản hay mộng mị trong khi ngủ liên hệ đến tâm thức chứ chẳng ăn thua gì tới nhãn quan hay nhĩ quan.

M.28 – “Sắc trần xâm nhập vào tâm khơi động những trạng thái tuỳ thuộc “sắc uẩn” làm phát sanh luyến ái và ngã chấp về đời sống.

Tư cách cảm giác xâm nhập vào tâm, khơi động những trạng thái tuỳ thuộc “thọ uẩn” làm phát sanh sự luyến ái vàngã chấp về đời sống.

Sự thoả thích chấp nhận sự xâm nhập vào tâm khơi động những trạng thái tuỳ thuộc “tưởng uẩn” làm phát sanh sự luyến ái và ngã chấp về đời sống.

Sự phối hợp tư tưởng khơi động những trạng thái tuỳ thuộc “hành uẩn” làm phát sanh sự luyến ái và ngã chấp về đời sống.

Sự nhận xét hiểu biết xâm nhập vào tâm, khơi động những trạng thái tuỳ thuộc “thức uẩn” làm phát sanh sự luyến ái và ngã chấp về đời sống.”

CẢ 5 UẨN ÐỀU LIÊN TỤC TUỲ THUỘC LẪN NHAU

“Không một ai có thể giải thích được khởi điểm của đời sống từ lúc nào, giai đoạn chuyển tiếp của kiếp này qua kiếp khác ra sao và tư cách nẩy nở, tiến triển của tâm thức nếu không căn cứ vào sự liên quan tuỳ thuộc thường xuyên giữa năm uẩn: sắc, thọ, tuởng, hành, thức”

BA ÐIỂM NÃO NỀ CỦA ÐỜI SỐNG

S.21(5) – “Tất cả những vật cấu tạo đều mang tánh cách “vô thường” (Anicca) và những vật phối hợp đều là “khổ não” (Dukkha), không có thực ngã hay “vô ngã” (Anatta).

Sắc là giả tạm. Thọ là giả tạm. Tưởng là giả tạm. Hành là giả tạm. Thức là giả tạm.

Lẽ tất nhiên, những gì có tánh cách tạm thời đều bị sự thống khổ chi phối và thay đổi triền miên. Bởi vậy ta không thể quả quyết rằng “đó là ta, đó là của ta, đó là bản ngã”

S.21 (6) – “Ví dụ người kia nhìn xem tường tận những quả bóng nước trôi trên sông Hằng (Gange). Sau khi quan sát chu đáo,người ấy thấy rằng những quả bóng đó đều trống rỗng, không thực tế và chẳng có bản chất rõ rệt nào cả.

Cũng như thế ấy, thầy Tỳ Khưu chăm chú quán tưởng về các uẩn: sắc, thọ, tuởng, hành, thức dù thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai, dù là xa hay gần. Thầy Tỳ Khưu quan sát chu đáo (diễn biến của 5 uẩn) và hiểu rằng đó là không thực tế, là rổng không, chẳng có thực ngã”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Theo ý nghĩ tuyệt đối (Paramattha) những lượng sóng trên mặt biển chuyển động thay đổi triền miên thì năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng là những trạng thái uyển chuyển thường xuyên và liên hệ với nhau chớ không có một thực ngã riêng biệt.

S.21 (3) – “Kẻ nào vui thích trong năm uẩn: sắc, thọ, tuởng, hành, thức, thực ra kẻ đó vui thích với các điều thống khổ và chẳng mong dứt khổ đặng”.

Hãy nghe Như Lai thuyết đây:

DHP. 146-48 – “Nào đâu có lạc thú, có vui thích gì khi chỉ thấy toàn là lửa đang thiêu đốt tất cả! Bị bóng tối bao trùm, tại sao các ngươi không chịu tìm ánh sáng?

Hãy nhìn xem cái hình nộm này, cái đống rác thối bẩn chứa đầy tham dục này mà trong đó chẳng có gì là trường cửu.

“Sắc tướng thật mỏng manh! Nó là cái ổ thối tha chứa đầy bệnh tật. Cái xác thân hư hỏng này có giới hạn và sự chết là nơi cuối cùng của đời sống”.

BA ÐIỀU CẢNH CÁO

A. III (35) – “Vậy các ngươi không có khi nào gặp một người đàn ông hay đàn bà 80, 90 hoặc 100 tuổi sao? Người ấy thân hình cong quẹo như cây đà trên góc mái nhà, lưng còm xuống đất, tay rung chống gậy, bước đi khập khễnh xác thân tàn phế, tuổi xuân biến dạng từ lâu, răng cỏ chẳng còn, tóc bạc lơ thơ, đôi sợi hay rụng sạch, chân tay cong gù như những mắt cây?

Rồi không lúc nào các ngươi nghĩ rằng mình cũng sẽ già nua như thế và không tránh khỏi nạn già sao?”

Vậy các ngươi không có khi nào gặp trên thế gian này một người đàn ông hay người đàn bà đau nặng sao? Người ấy bệnh tình nguy ngập, khổ sỡ trăm bề, nằm liệt trên vật ô trược của chính mính, phải nhờ người thân bồng bế lên giường.

Rồi không lúc nào các ngươi nghĩ rằng mình cũng mang bệnh tật như thế và không tránh khỏi sao?”

“Vậy các ngươi không có khi nào gặp trên thế gian này một xác chết đàn ông hay người đàn bà sao? Người ấy đã chết 2, 3 hôm rồi. Thân thể sình lên, mùi thúi xông ra khó chịu và đã bắt đầu rệu rã.

Rồi chẳng có lúc nào các ngươi nghĩ rằng thế nào mình cũng phải chết và không tránh khỏi sao?”

VÒNG SANH TỬ LUÂN HỒI (Samsara)

S.14 (1) – “Thật ra không sao biết được tư cách sanh diệt và chuyển kiếp bắt đầu từ lúc nào? Người ta cũng không khám phá được khởi điểm về đời sống của chúng sanh ra sao? Chúng sanh bị màn “Vô Minh” bao trùm mờ ám, bị sa vào bẫy ái dục, chen lấn, xô đẩy nhau, hối hả xông vào bánh xe sanh tử”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA (theo Abhidhamma)

Theo Phạn ngữ Pali, tiếng SAMSARA có nghĩa: “Tư cách lang thang trôi dạt triền miên.” Ðây là danh từ ám chỉ cái biển về nguồn sống, với những lượng thuỷ triều dâng lên cao rồi hạ xuống thấp không ngửng nghĩ biểu hiện một lịch trình liên tục dài vô hạn định của những trạng thái: sanh, lão, bệnh, tử. Và cứ như thế không có ngày chấm dứt, nói rõ hơn Samsara là một chuổi dài sanh tử, không có đoạn cuối cùng do sự hoạt động liên hệ và thay đổi thường xuyên của năm uẩn trãi qua những thời gian vô cùng vô tận không sao thấu nỗi. Trong bánh xe luân hồi, mỗi kiếp sống chỉ là một điểm rất nhỏ không giấu được. Vậy muốn thấy rõ cái điểm thứ nhất “Khổ đế” trong Tứ Diệu Ðế, chúng ta nên nhìn vào trọn cái bánh xe luân hồi chớ không phải chỉ để ý vào một kiếp sống mà thôi; bởi vì đôi khi, kiếp sống đó ít đau khổ và lạc quan.

(Samsara, “Vòng luân hồi”, có tánh cách biến chuyển và thay đổi. Vậy đối tượng của nó là Nibbana, “Niết Bàn”, luôn luôn cố định và trường cữu).

S. 14 (2) – “Các ngươi nghĩ xem bên nào nhiều hơn, nếu đem so sánh với nước trong biển cả,những giọt nước mắt tuôn ra suốt cuộc hành trình dài đẳng từ khi các ngươi chen lấn hối hả nhảy vào vòng sanh tử? Thêm vào đó, các ngươi đã than khóc quá nhiều vì phải chung chạ với những vật không vừa ý và phải xa lìa những vật thân yêu trìu mến”.

“Trãi qua thời gian vô tận, các ngươi đã khổ đau vì cha hết, mẹ chết, vì phải mất những đứa con trai, con gái, vì ly biệt anh em, chị em. Trên con đường thiên lý, các ngươi đã đổ ra biết bao nhiêu giọt lệ, nhiều hơn nước trong bốn biển”.

“Các ngươi nghĩ xem bên nào nhiều hơn, những dòng máu đỏ từ thân xác các ngươi chảy ra vì bị đánh đập, tàn sát suốt cuộc hành trình dài đẳng còn nhiều hơn nước trong bốn biển”.

“Ðã bao phen, các ngươi bị trừng phạt vì trộm cướp, lưu linh lung địa, hãm dâm. Các ngươi bị tra tấn hành hình, máu đổ ra nhiều hơn nước trong bốn biển”.

“Mà tại sao như thế được?”

Thật không biết nỗi, sự lang thang trôi dạt bắt đầu từ đâu và chúng sanh xuất hiện từ lúc nào? Chúng bị màn vô minh bao phủ, bị sa vào bẫy ái dục, chen lấn nhau, hối hả nhảy vào vòng sanh tử.

Lẽ đó, từ vô thỉ các ngươi phải mang số phận điêu linh, thân xác bị dày ò, gánh nặng nhiều đau khổ và đã phơi xác trên khắp các bãi tha ma.

“Ái dục tạo ra sự sống phát sanh đã lâu rồi! Lẽ đó, các ngươi cũng phải dày công khó nhọc lâu như thế, thì mới mong huỷ diệt được bánh xe sanh tử”.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.