Biên Niên Tự Thuật Của Thiền Sư Hư Vân

Dân Quốc năm thứ 41, 113 tuổi. (1952/53)

Mùa xuân, bịnh tình Vân Công thuyên giảm đôi chút. Ngài hướng dẫn tăng chúng ngồi thiền hành đạo, quên đi thế sự đảo điên. Lúc đó, chính phủ bốn lần gởi điện tín mời Ngài lên Bắc Kinh. Khi các phái viên đến Vân Môn, đại chúng khuyên Ngài nên hoãn lại. Vân Công đáp: “Nay đã đến lúc phải đi. Hiện tại, toàn thể tăng già trong nước, mỗi mỗi tự thủ thân, thiếu người lãnh đạo, như bãi cát vụn, nếu không đoàn kết, thành một lực lượng cơ cấu vững mạnh thì tai biến sẽ đến mọi nơi chứ không phải chỉ ở Vân Môn. Thầy vì Phật pháp, nên phải ra Bắc.”

Sau đó, Ngài giao phó công việc cho chư tăng lão thành ở lại hộ trì tự viện, rồi an ủi đại chúng, chuẩn bị lên đường. Trước khi đi, Ngài có viết kệ:

“Ngồi xem năm vua bốn đời,
Thời thế đổi thay đột ngột
Nếm đủ chín gian nan, mười tai nạn
Hiểu rõ thế sự vốn vô thường.”

Mồng bốn tháng tư, Ngài cùng chư thị giả Phật Nguyên, Giác Dân, Khoan Độ, Pháp Vân, và các nhân viên hộ tống, khởi hành đi Bắc Kinh. Hàng trăm dân chúng trong các làng xã lân cận, tiển Ngài rời khỏi Vân Môn.

Nhớ lại ba mươi năm về trước, vào tháng chạp, sau khi trùng tu xong chùa Nam Hoa, Ngài chống tích trượng qua Vân Môn. Lúc mới đến thì tự viện hoang tàn, tường vách điện đường, mái ngói đều hư nát. Trong ngôi pháp đường, cỏ lên cả vài thước. Duy chỉ có một vị tăng, lo phần hương khói cho chư Tổ Sư. Sau khi Ngài đến trụ trì, bốn chúng khắp nơi đều vân tập, cả ngàn tăng ni vây quanh. Ngài vừa lo trùng tu tự viện, vừa lo nuôi nấng dạy dỗ đồ chúng. Lúc quân Nhật xâm chiếm Trung Quốc, giao thông bị cắt đứt, những biến cố, tai nạn xảy ra dồn dập hơn gấp mười lần thời Ngài còn ở tại chùa Nam Hoa. Do tinh thần tự túc, Ngài dạy đồ chúng tự nung ngói gạch, làm hồ, cưa gỗ, kiến tạo tự viện, đúc vẽ tượng Phật v.v… Mười năm trước, kiến thiết điện đường hậu liêu phòng xá, lầu các, tháp thờ, cả thảy hơn một trăm tám mươi cái. Mái ngói điện đường rộng rãi đẹp đẽ, trang nghiêm.

Bàn về mạch phái, tông Vân Môn truyền được mười đời, cho đến triều Thanh đời Quang Hiếu thì ngưng, nên bị thất truyền, không người kế tục. Vân Công điều tra hệ phái, tiếp độ tăng nhân, kế thừa mạch pháp Vân Môn, chấn chỉnh tông phong, nối mạch Phật pháp.

Khi đến Triều Châu, bốn chúng đệ tử quy y, xa gần lần lượt tới viếng thăm Ngài cả hàng ngàn người. Tại chùa Đại Giám, người đến tham vấn Ngài, càng ngày càng đông, chứng minh rằng tín tâm quần chúng Phật Tử không vì thời thế biến chuyển mà thay dạ đổi lòng. Mồng mười, Vân Công lên xe lửa Quảng Đông-Hán Khẩu để ra bắc. Ngày mười một, đến Võ Xương, Ngài trú tại chùa Tam Phật. Vì đi đường xa, nên các vết thương bị chấn động, khiến toàn thân Ngài đau nhức dữ dội. Cư sĩ Trần Chân Như ân cần chẩn mạch hốt thuốc cho Ngài uống. Hòa thượng trụ trì chùa Tam Phật là Đại Hàm cũng tận tâm lo lắng. Lúc bịnh tình thuyên giảm đôi chút, thể theo lời thỉnh cầu của hòa thượng Đại Hàm, Vân Công chủ trì pháp hội Quán Ấm thất trong bảy ngày. Người quy y hơn hai ngàn người.

Pháp sự xong, Ngài lại tiếp tục đi ra bắc, dầu thân vẫn còn bịnh nặng. Trước khi khởi hành, đại chúng tại chùa Tam Phật thỉnh Ngài cùng chụp ảnh lưu niệm. Lúc ấy, Ngài có làm bài kệ:

“Gió nghiệp thổi đến Võ Xương,
Bịnh già làm lụy đại chúng,
Ba tháng trụ chùa Tam Phật
Một tràng tai nạn, một tràng tủi hổ kinh hoàng,
Vô tâm đi lên đỉnh thế giới,
Có nguyện đồng lên trường tuyển Phật.
Nhớ lại Ngọc Tuyền Quan Trạng Sam.
Nghe một lời, ngộ chân thường.”

Ngày hai mươi tháng bảy, theo các nhân viên hộ tống, cùng chư vị thị giả. Vân Công đáp chuyến xe lửa Hán Khẩu-Bắc Kinh. Lúc đến Bắc Kinh, chư sơn trưởng lão, thiện nam tín nữ, cùng các đoàn thể, đến trạm xe lửa, nghinh tiếp Ngài. Chư cư sĩ, Lý Nhâm Hồ, Diệp Hà Am, Trần Chân Như v.v…, thỉnh Ngài đến chùa Quảng Hóa nghỉ ngơi. Vì có rất nhiều người đến tham bái, nên Ngài phải qua chùa Quảng Tế của người Tây Tạng, để an dưỡng sức khỏe. Sau khi đến Bắc Kinh, Ngài gặp được các vị quan chức, pháp hữu quen thuộc, và chư vị đồng hương ở Hồ Nam, đều hết lòng hộ pháp. Lúc chưa đến Bắc Kinh, Ngài được điện báo cho biết rằng tại Bắc Kinh, nơi chùa Quảng Tế, đại sư Viên Anh cùng các cư sĩ như Triệu Nghiệp Sơ v.v…, thành lập Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc. Hơn một trăm đại biểu toàn quốc định thỉnh Vân Công làm hội trưởng, nhưng Ngài từ chối, viện lý do vì bịnh. Do đó, họ đồng thỉnh đại sư Viên Anh làm chánh hội trưởng, cư sĩ Hi Nhiêu Gia Thố và Triệu Nghiệp Sơ làm phó hội trưởng. Lại thêm, đức Phật sống Đạt Lai Lạt Ma, đức Ban Thiền Lạt Ma, Ngài (đại sư Hư Vân), Tra Cán Cát Căn, bốn vị được đề cử làm hội trưởng danh dự. Các đoàn thể đại biểu Phật Giáo bao gồm các sắc tộc như người Hoa, Tây Tạng, Thái, Tán, v.v…

Sau khi hiệp hội Phật giáo Trung Quốc được thành lập, Vân Công gởi thơ đến chánh phủ trung ương, thỉnh cầu ban bố cương lĩnh cộng đồng, quy định tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân. Đối với các chùa chiền Phật giáo, hãy có biện pháp bảo tồn quản lý. Trước mắt, hãy cấp bách thi hành những điều sau:

“Thứ nhất, vô luận là vùng nào, xin hãy ngưng ngay việc đập phá, hủy đốt chùa chiền, tượng Phật, kinh điển.

Thứ hai, hãy ngưng việc cưỡng bức chư tăng ni hoàn tục.

Thứ ba, tài sản tự viện, sau khi thuộc về công hữu, xin hãy cấp cho tăng ni đủ đất đai để tự trồng trọt sinh sống. Nếu được như thế thì các tự viện danh lam thắng cảnh, ngày một phát triển.”

Mười ba tháng tám, Vân Công đại diện toàn thể Phật tử trong nước, nhận ba bảo vật do nước Tích Lan tặng. Vị trưởng đoàn đại biểu Tích Lan là pháp sư Đạt Mã Lạp Tháp Nạp cùng vài mươi người đến Trung Quốc trao tặng ba bảo vật là xá lợi Phật, bộ tạng kinh chữ Pa Li khắc trên lá Cụ Diệp, và cây Bồ Đề cho hội Phật Giáo Trung Quốc. Mồng một tháng mười, tổ chức cuộc tiếp lễ. Đầu tiên do các thầy Thích Cụ Tán, Thích Thắng Tuyền cùng các cư sĩ Triệu Nghiệp Sơ v.v…, dâng lễ, hương hoa, đến đón tiếp phái đoàn Tích Lan. Tại chùa Quảng Tế, hơn hai ngàn người đến dự lễ. Chuông trống Bát Nhã nổi lên. Pháp sư Đạt Mã Lạp Tháp Nạp tiến vào chùa và dâng ba bảo vật cho Vân Công, người đại diện hội Phật Giáo Trung Quốc. Sau đó pháp sư Đạt Mã Lạp Tháp Nạp nói: “Vì tình thân mật của Phật tử hai nước trong dòng lịch sử bấy lâu nay, nguyện đoàn kết trong ngôi nhà Tam Bảo từ bi trí huệ. Vì hòa bình thế giới, nay xin dâng tặng ba bảo vật này.”

Trong đại lễ, có các đại diện Phật Giáo của các nước như Việt Nam, Miến Điện, Ần Độ, Nhật Bổn, Thổ Nhĩ Kỳ, Gia Nã Đại.

Tháng chín, chư sơn trưởng lão cùng các đoàn thể Phật giáo thỉnh Vân Công trụ trì chùa Quảng Tế. Ngài từ chối, viện lý do sức khỏe yếu kém. Tháng mười, nhân sĩ tại vùng đông nam Thượng Hải tổ chức pháp hội cầu nguyện thế giới hòa bình. Đại chúng đồng thỉnh Vân Công làm pháp chủ, nên phái cư sĩ Phương Tử Phiên lên Bắc Kinh nghinh đón Ngài. Ngày mười một tháng chạp, lúc ra trạm xe lửa Bắc Kinh-Thượng Hải, có hơn trăm người mang hoa đến cúng dường Ngài và đồng niệm Phật. Đến Thượng Hải, Vân Công trú tại chùa Ngọc Phật. Ngài cùng vị tri sự thương lượng, tổ chức pháp hội trong bốn mươi chín ngày đêm. Ngày hai mươi sáu tháng mười, kiến lập đàn tràng Thủy Lục Không, do Ngài làm pháp chủ, cùng thỉnh mười đại pháp sư như Viên Anh, Ứng Từ, Tịnh Quyền, Thị Tùng, Diệu Chân, Đại Bi, Như Sơn, Thủ Bồi, Thanh Định, Vi Phảng, làm pháp chủ các đàn tràng chính. Tổng cộng có bảy mươi hai vị đại pháp sư tham gia đàn sám. Đến ngày mười bốn tháng chạp thì pháp hội hoàn mãn. Trong kỳ đàn tràng này, trừ các pháp chủ nhập tràng, sáng trưa chiều tối, người đến tham dự đông như nước thủy triều. Họ đến từ các vùng lân cận và xa xôi như Hồ Nam, Hồ Bắc v.v… Người thọ giới quy y hơn bốn mươi ngàn người. Tịnh tài thu được trong pháp hội hơn bảy mươi sáu ngàn đồng. Cá nhân, được cúng dường hơn ba ngàn đồng, nhưng Ngài không nhận. Ngài cùng các đại pháp sư và cư sĩ quyết định dùng tất cả số tiền trên để cúng dường cho các danh sơn tự viện toàn quốc, gồm có bốn núi lớn như núi Phổ Đà ở tỉnh Triết Giang, núi Nga Mi ở tỉnh Tây Xuyên, núi Cửu Hoa ở tỉnh An Huy, núi Ngũ Đài ở tỉnh Sơn Tây, cùng tám ngôi chùa cổ xưa lớn như chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba, chùa Cao Mân ở Dương Châu, chùa Linh Nhan ở Tô Châu, chùa Cổ Sơn ở Phước Châu, chùa Quán Tông, chùa Thất Tháp ở Ninh Ba, chùa Địa Tạng ở Phước Châu, cùng hai trăm năm mươi sáu ngôi chùa viện lớn nhỏ. Đây chỉ nói sơ lược về pháp hội Thủy Lục Không ở Thượng Hải, do Vân Công làm pháp chủ.

(Dưới đây là bài khai thị của đại sư Hư Vân trong kỳ pháp hội Thủy Lục Không tại Thượng Hải:

Pháp hội cầu nguyện thế giới hòa bình đã được cử hành qua vài ngày. Thật là một pháp duyên hy hữu. Hôm nay, pháp sư Vi Phảng, hòa thượng Diệu Chân, cư sĩ Triệu Nghiệp Sơ, Lý Tư Hoạt, Phương Tử Phiên v.v…, đồng thỉnh tôi ra thuyết pháp. Sẳn dịp này, tôi muốn nói về sự quan hệ giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông, để cho những vị mới phát tâm học Phật pháp tiện việc tham khảo.

Hôm nay là ngày đầu tiên khai mở đàn tràng niệm Phật. Đúng ra là phải do hòa thượng Diệu Chân đến giảng, nhưng Ngài lại nhượng thỉnh tôi ra cùng chư vị đàm luận.

Chúng ta sống trong thế giới Ta Bà, tức đang bơi trong biển khổ. Thế nên, không một ai lại không muốn thoát khỏi biển khổ này. Nhưng muốn thoát ra được thì chúng ta phải nương theo Phật pháp. Chân đế của Phật pháp, nói nghiêm túc thì không pháp nào có thể thuyết được, vì chỉ là hình tướng trên lời nói, ngôn ngữ thôi. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu dùng lời mà nói thì không phải là lời chân thật.”

Tuy nhiên, vì chúng sanh căn tánh không đồng, nên muốn tiếp dẫn thì phải dùng vô số pháp môn. Phật pháp tại Trung Quốc, có phân rõ ra năm tông phái là Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông, Giáo tông, và Luật tông. Đối với người đã từng nghiên cứu học hỏi tu tập thì đã quá đủ rồi, vì họ biết rằng chân lý Phật pháp vốn không sai biệt. Người mới học Phật pháp, lại phát sanh ra nhiều ý kiến, mỗi mỗi phân rõ tông này phái nọ v.v…, rồi khen mình chê người, làm tổn hại giá trị giáo hóa vi diệu của Phật pháp. Phải biết rằng một câu thoại đầu hay một câu niệm Phật chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh. Đối với người chân thật dụng công thì những phương tiện này thật không cần thiết. Tại sao? Vì động tịnh vốn nhất như; bóng trăng soi khắp ngàn sông, nơi nơi đều rõ ràng, không bị chướng ngại. Người bị chướng ngại như mây che trời xanh, nước trong bị vẫn đục. Nếu có chướng ngại, tuy trăng sáng mà không hiển bày. Nước tuy trong mà trăng không hiện rõ. Chúng ta, những người tu hành, nếu muốn hiểu rõ lý đạo, phải biết tự tâm như trăng sáng mùa thu, không nên hướng ngoại tìm cầu, mà phải xoay lại ánh sáng trong tâm mình. Một niệm nếu không sanh thì hiểu rõ nơi không chỗ chứng đắc. Khi ấy, làm gì lại có danh tướng sai biệt?

Nhân vì chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, vọng tưởng chấp trước, tập khí nặng nề, nên đấng Thế Tôn, trong bốn mươi chín năm trường, thuyết pháp giảng kinh hơn ba trăm hội. Nhưng mục đích quan trọng nhất trong việc thuyết giảng kinh điển hay dạy những pháp môn tu hành của đức Thế Tôn là không ngoài việc chữa trị các bịnh tật tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, ác kiến của chúng sanh. Nếu chúng ta xa rời tất cả bịnh tật đó thì liền thành Phật. Chúng ta và chư Phật, nào có khác biệt chi đâu. Người xưa nói: “Dùng phương tiện thì có nhiều pháp môn, nhưng khi trở về cội gốc thì đồng nhau không khác.”

Lý đạo là thế. Hiện tại, trong Phật pháp, có hai tông phái rất thịnh hành là Thiền tông và Tịnh Độ tông. Nhưng có một số tăng chúng, coi thường giới luật. Thật không hợp lý đạo. Yếu nghĩa căn bản của Phật pháp là dựa trên ba chữ: Giới, Định, Huệ. Giống như tòa trầm hương có ba chân, nếu thiếu mất một chân thì không thể đứng được. Vì vậy, chúng ta, người học Phật pháp, mỗi mỗi phải đặc biệt chú ý điều này!

Thiền tông do đức Thế Tôn tại hội Linh Sơn, đưa cành hoa lên, dạy đại chúng, chỉ có tôn giả Ma Ha Ca Diếp là mỉm cười chúm chím, còn mọi người đều không hiểu gì. Đó là tâm tâm tương ưng, truyền ngoài giáo lý, tức mạch nguồn của Phật pháp. Đối với câu niệm Phật của pháp môn Tịnh Độ cùng các pháp môn khác, như đọc kinh trì chú v.v…, đều là pháp liễu sanh thoát tử. Có người nói, Thiền tông là pháp đốn ngộ nhanh chóng, còn tông Tịnh Độ chỉ là pháp tiệm thứ, chậm chạp. Vâng, bất quá chỉ là sụ sai biệt trên danh tướng. Thực tế thì không sai khác. Lục Tổ Huệ Năng nói: “Pháp không có đốn ngộ hay tiệm thứ, nhưng người thấy đạo thì có nhanh có chậm.”

Chúng ta nên biết rằng mỗi mỗi pháp môn trong Phật pháp, đều có thể tu trì được cả. Chư vị nếu hợp với pháp môn nào thì nên tu pháp môn đó, chứ đừng khen mình chê người, sanh khởi vọng tưởng chấp trước. Nhưng việc quan trọng nhất là phải tôn trọng giữ gìn giới luật. Người xuất gia gần đây, không tự giữ giới luật nghiêm ngặt, lại còn nói rằng giữ gìn giới luật cẩn mật là chấp trước, cùng bao lời cao ngạo. Thật rất nguy hiểm cho Phật pháp!

Thiền tông chính là pháp môn tâm địa. Sau Tổ Ma Ha Ca Diếp, Thiền tông được triển chuyển, truyền từ Ần Độ qua Trung Quốc. Đến đại sư Huệ Năng, là tổ thứ sáu ở Đông Độ, được trao y bát, lưu truyền chánh pháp, một thời hưng thịnh.

Luật tông có tôn giả Ưu Ba Ly, là vị đứng đầu. Ngài thừa thọ lời chúc lụy của đức Thế Tôn mà tuyên thuyết lại giới luật cho chúng sanh trong đời mạt pháp, nương vào đó mà tu hành, lấy giới luật làm thầy chỉ đạo. Sau đến đời tôn giả Ưu Ba Cúc Đa, tổ thứ tư của thiền tông, phân giới ra làm năm bộ luật. Nước ta có lão nhân Nam Sơn là luật sư Đạo Tuyên, y theo bộ Đàm Vô Đức, viết sớ sao mà phụng hành, được xưng là sơ tổ của luật tông ở Trung Hoa.

Lão nhân Bắc Tề ở núi Thiên Thai, xem bộ Trung Quán Luận của ngài Long Thọ, liền phát minh tâm địa. Lão nhân Đỗ Thuận, lấy kinh Hoa Nghiêm làm chủ, kiến lập tông Hiền Thủ.

Ngài Huệ Viễn đề xướng tông Tịnh Độ. Chín tổ sư kế tục nhau tương truyền. Sau ngài Vĩnh Minh, chư tổ sư bao thời đại, đều dùng Thiền tông mà hoằng dương tông Tịnh Độ, như tương dung nước với sữa. Tuy tông phái có phân khác, nhưng cốt yếu không ngoài ý nghĩa của cành hoa mà đức Phật đưa lên. Thật vậy, Thiền tông cùng tông Tịnh Độ xưa nay vốn có mối quan hệ mật thiết. Thế nên, chúng ta phải biết sự uyển chuyển của người xưa trong việc hoằng dương Phật pháp.

Mật tông do tôn giả Bất Không, trí giả Kim Cang v.v…, truyền vào Trung Quốc. Đến đời thiền sư Nhất Hạnh, do công nỗ lực của Ngài, Mật tông được phát dương rộng rãi. Tông này cùng các tông phái khác hỗ tương hoằng hóa Phật pháp. Vì vậy, không nên phân biệt, bằng ngược lại thì tự làm tổn thương đạo pháp. Nếu cứ công kích nhau mãi thì thật không hiểu rõ được tâm ý của Phật Tổ. Người xưa thuyết pháp như lấy lá vàng vỗ con nít khóc. Lão nhân Triệu Châu nói: “Chữ Phật tôi không muốn nghe. Niệm một chữ Phật, phải xúc miệng cả ba lần.”

Vì thế, có một số người không hiểu được sự khổ tâm của người xưa, cho rằng niệm Phật chỉ là việc của các ông già bà cả, hoặc nói tham thiền là vọng không như ngoại đạo.

Tổng quát, nếu tôi nói đúng như vầy, kẻ nọ có lỗi kia, cứ thế tranh luận mãi, không chịu tu, thì thật là bội bạc bổn hoài của Phật Tổ, khiến cho người ngoài có cơ hội công kích, hủy phá tiền đồ Phật giáo. Kết quả thật rất tai hại. Do đó, Hư Vân tôi đặc biệt nêu lên vấn đề này. Hy vọng chư vị lão tham học cùng các bạn mới phát tâm học Phật pháp, đừng nên phạm vào lỗi này. Nếu cứ làm mãi như thế thì đưa Phật giáo vào con đường cùng. Người học Phật phải nên đọc qua nhiều lần bài ‘Tông Cảnh Lục’ và tập ‘Muôn Thiện Đồng Quy’ của lão nhân Vĩnh Minh. Người niệm Phật, phải hiểu rõ chương ‘Bồ Tát Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông’, và cũng phải hiểu rõ Tịnh Độ là xuất phát từ tự tánh, xả bỏ vọng tưởng, quay về nguồn chân, chớ hướng ngoại tìm cầu. Như nếu chúng ta có thể hiểu rõ những chân lý này, tùy theo ý thích của người mà bàn về Thiền cũng được, nói về Tịnh Độ cũng hay. Hoặc muốn vãng sanh về cõi đông phương hay cõi tây phương cũng tốt. Cho đến nói có, nói không đều đúng cả.

Thực sự, mỗi sắc, mỗi hương đều không ngoài sụ liễu nghĩa của trung đạo; tự tánh là Di Đà, duy tâm tức Tịnh Độ, xả bỏ liền đến bờ giác. Tại sao có nhiều dây trói buộc chúng ta? Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu dẹp hết tâm phàm thì thật không có sự giải thoát của chư thánh.”

Nếu hiểu rõ như thế thì sẽ đoạn trừ được vọng tưởng, kiến chấp, tập khí, tức làm Bồ Tát, làm Phật Tổ. Ngược lại, sẽ mãi làm chúng sanh.

Người niệm Phật, cũng đừng có kiến chấp thái quá. Nếu không, sẽ như uống thuốc độc. Hiện tại, chúng ta niệm danh hiệu A Di Đà Phật để dẹp trừ vọng tưởng chấp trước bao đời. Thế nên, dùng một câu niệm Phật, như cầm chổi, quét sạch vọng tưởng. Niệm mãi không quên, khiến vọng niệm tự tiêu trừ, của tịnh liền hiện, tìm cầu bên ngoài chỉ nhọc sức.)

Đại sư Hư Vân giảng ‘Phải hiểu rõ sự niệm Phật’ nhân ngày giỗ thứ mười hai của tổ Ần Quang, năm 1952:

“Hôm nay là ngày giỗ kỷ niệm lão pháp sư Ần Quang vãng sanh về cõi Tây Phương lần thứ mười hai. Các vị đều là đệ tử của Ngài. Uống nước phải nhớ nguồn, nên chư vị tụ hội tại giảng đường này, làm lễ giỗ truy niệm thầy mình. Trong đạo lý nhà Phật, thầy tức là cha mẹ pháp thân của mình. Kỷ niệm thầy, tức là nhắc lại bổn phận hiếu hạnh của mình đối với cha mẹ pháp thân. So sánh về sự hiếu thảo nhỏ nhặt ở thế gian thì việc này có rất nhiều ý nghĩa thâm trầm hơn.

Nhớ thuở xưa, lần đầu gặp lão pháp sư Ần Quang tại núi Phổ Đà vào năm Quang Tự thứ hai mươi. Lúc bấy giờ lão hòa thượng Hóa Văn thỉnh Ngài lên tòa giảng kinh A Di Đà tại chùa Quảng Tế. Giảng xong, Ngài ở lại chùa, đọc hết bộ Tam Tạng kinh điển. Qua hơn hai mươi năm, Ngài chưa từng rời núi một bước, đóng cửa ẩn tu. Tuy Ngài hiểu rõ giáo nghĩa rất thâm sâu, nhưng chỉ lấy một câu A Di Đà Phật làm sự tu trì hằng ngày. Tuyệt đối không cho mình thông hiểu kinh giáo thâm sâu mà coi nhẹ pháp môn niệm Phật. Lời dạy của Phật là thuốc dùng để trị bịnh khổ cho chúng sanh. Pháp môn niệm Phật, được gọi là thuốc A Già Đà, trị hết tất cả bịnh.

Nhưng, vô luận tu pháp môn nào, cần phải có niềm tin kiên cố, giữ gìn mãi mãi, thực hành ngày một thâm sâu, thì mới mong đạt được lợi ích đầy đủ. Nếu có niềm tin kiên cố thì trì chú, tham thiền, niệm Phật đều thành tụu. Nếu tín căn không thâm sâu, chỉ cậy nhờ chút ít thiện căn, học thức cạn cợt, hoặc nhớ được vài ba danh tướng, công án, đi nói chuyện vô ích, tạp nhạp, bàn việc đúng sai, thì chỉ tăng trưởng nghiệp chướng và tập khí xấu xa. Bàn về việc sống chết, cũng vẫn bị nghiệp thức dẫn dắt. Có thật đáng thương lắm không!

Chư vị là đệ tử của pháp sư Ần Quang. Hôm nay làm giỗ lễ kỷ niệm, thì cũng phải kỷ niệm sự hành trì chân thật của Ngài. Ngài là một vị chân tu thực thụ, bước trên đường các bậc cổ đức đã đi. Ngài hiểu rõ thâm ý của chương Bồ Tát Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông. Y theo đó mà khởi tu, đạt được niệm Phật Tam Muội. Từ đó, Ngài hoằng dương tông Tịnh Độ, lợi ích chúng sanh, trải qua bao thập niên mà cũng vẫn như một ngày, chưa từng từ nan thối bước, dầu cho bịnh tật ốm đau. Hiện tại, thật hiếm có ai như Ngài, chân thật tu hành, không khởi kiến chấp, phân biệt mình người, chỉ nghe một danh hiệu Phật, rồi y theo đó mà tu trì. Sáng niệm Phật. Tối niệm Phật. Đi đứng nằm ngồi, trong hai mươi sáu thời niệm niệm không quên mất. Thầm thầm lặng lặng, công phu thuần thục chín mùi, cảnh tịnh Tây Phương Cực Lạc hiện trước mặt, được lợi ích vô biên. Tự mình quán thấy. Chỉ quan trọng là tín tâm phải kiên cố.

Tín tâm nếu không kiên cố, thì muôn sự không thể thành. Hôm nay tăng, ngày mai giảm. Nghe người nói tham thiền hay thì bỏ ngay công phu niệm Phật, chạy qua tu thiền. Nghe người nói học kinh điển rất tốt, thì lại bỏ thiền, qua học kinh giáo. Học kinh giáo không thành lại chạy đến trì chú, nhưng chẳng hiểu chi hết. Tâm bị chướng ngại vì không thanh tịnh. Không tự trách mình tín tâm không định, lại cho rằng Phật Tổ dối gạt chúng sanh. Chửi Phật báng Pháp, tạo nghiệp vô gián. Vì thế, tôi khuyên đại chúng, phải nên tin tưởng kiên cố sự lợi ích của pháp môn niệm Phật, học theo hạnh ‘Chân Thật Niệm Phật’ của lão pháp sư Ần Quang, lập chí vững chắc, phát tâm dũng mãnh, lấy việc vãng sanh cõi Tây Phương làm việc lớn trong đời.

Tham thiền cùng niệm Phật, đối với người mới phát tâm tu học thì thấy có khác, nhưng đối với người tu hành lâu năm thì chỉ là một mà thôi. Tham thiền đề cử thoại đầu, chặt đứt dòng sanh tử, cũng từ tín tâm kiên cố mà được. Nếu thoại đầu giữ mãi không được, thì tham thiền không thể thành phiến. Nếu tín tâm kiên cố, thì đến chết cũng phải tham khán câu thoại đầu. Uống trà không biết đang uống trà. Ắn cơm không biết đang ăn cơm. Như thế, công phu mới thuần thục, thoát khỏi căn trần, đại dụng hiện tiền, cùng cảnh tịnh của công phu niệm Phật, giống nhau không khác. Đạt đến cảnh giới đó, sự lý viên dung, tâm cùng Phật không hai. Phật như như bất động. Chúng sanh cũng như như bất động. Một như như bất động mà không có hai như như bất động, thì sai biệt chỗ nào? Chư vị là những người tu pháp môn niệm Phật. Tôi hy vọng tất cả hãy lấy một câu niệm Phật làm chỗ y tựa cho đời mình. Hãy chân thật mà niệm!”

Dân Quốc năm thứ 42, 114 tuổi. (1953/54)

Sau đàn tràng Thủy Lục Không, Vân Công định rời Thượng Hải, nhưng vì đại chúng cùng các nhân sĩ, nghĩ rằng những pháp hội thù thắng do bậc cao tăng hướng dẫn, khó mà gặp được, nên đồng thỉnh Ngài ở lại, tiếp tục cử hành thiền thất. Chùa Ngọc Phật có thiền đường. Vào dịp này, xiển hưng, chấn chỉnh lại quy chế thiền đường. Dẫn đầu là hòa thượng Vi Phảng, cùng các cư sĩ Giản Ngọc Giai, Lý Tư Hoạt, Triệu Nghiệp Sơ, Lý Khất Tôn, Phương Tử Phiên, Hồ Hậu Phủ, Trương Tử Khâm, Chung Huệ Thành, Lý Kinh Vĩ, Chúc Hoa Bình v.v…, đồng thỉnh Ngài cử hành thiền thất. Vân Công vì lòng từ bi, hứa khả, ban bố pháp thí, mãn nguyện đại chúng. Thiền thất bắt đầu vào mồng chín cho đến ngày mười lăm tháng chạp thì chấm dứt. Đại chúng vì chưa nếm đủ mùi pháp vị, nên thỉnh Ngài cử hành thêm một tuần thiền thất nữa. Ngày thứ mười sáu, khai mở thất, cho đến ngày hai mươi ba thì giải thất. Trong hai tuần thiền thất, Ngài có ban những bài pháp ngữ, khai thị đại chúng.

Thiền thất khai thị lần thứ nhất:

Ngày thứ nhất, trong tuần đầu tại chùa Ngọc Phật, Thượng Hải, 1953.

“Đại hòa thượng Vi Phảng thật rất từ bi. Chư vị ban thủ cũng có tâm tha thiết muốn hoằng dương Phật pháp, cùng các vị đại cư sĩ có đạo tình, đồng phát tâm đả thiền thất, lại yêu cầu Hư Vân tôi ra làm chủ thất. Thật tình mà nói, đây là một nhân duyên rất thù thắng. Ngặt vì tuổi già sức yếu, lại thêm bịnh hoạn, nên tôi không thể giảng nhiều được.

Đấng Thế Tôn thuyết pháp hơn bốn mươi năm, lời hiển lời mật, ngôn giáo đầy đủ trong ba tạng mười hai bộ. Nay đại chúng yêu cầu tôi ra thuyết pháp, thì chỉ bất quá lập lại lời thừa của Phật Tổ. Nói đến tông môn, lúc Phật còn tại thế, lần nọ đang ngồi trên pháp tòa, có vua trời Đại Phạm bay xuống dâng hoa Kim Đàn cúng dường. Đức Phật liền đưa cành hoa Kim Đàn lên để dạy đại chúng. Lúc ấy, dưới tòa, đại chúng trời người, đều không hiểu chi hết, duy chỉ có tôn giả Ma Ha Ca Diếp túm tím mỉm cười. Đức Thế Tôn bảo: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay đem phó chúc cho ông.”

Đó là truyền ngoài giáo lý, không lập văn tự, đi thẳng đến pháp môn vô thượng. Người sau mù mờ, cho đó là thiền. Nên biết rằng trong kinh Đại Bát Nhã, có kể đến hơn hai mươi loại thiền, mà tất cả đều không phải là cứu cánh. Duy thiền trong tông môn là không lập giai cấp, chỉ thẳng vào đất tâm, thấy tánh thành Phật. Do đó, không có quan hệ với việc đả thất hay không đả thất. Chỉ vì căn tánh chúng sanh ngày càng ngu mê, vọng tưởng đầy dẫy, nên chư tổ mới đặt ra phương tiện để nhiếp thọ. Tông môn này, kể từ tổ Ma Ha Ca Diếp truyền cho đến ngày nay, trãi qua sáu bảy mươi đời. Triều đại Đường và Tống (619-1278), gió thiền lan khắp thiên hạ, hưng thịnh một thời. Hiện tại, thiền tông đến thời kỳ suy vi tột bậc, chỉ có vài nơi như Kim Sơn, Cao Mân, Bảo Quang còn giữ được chút tông phong. Thế nên, nhân tài trong tông môn thật hiếm hoi. Cũng đả thất tham thiền, nhưng đa số chỉ vì danh, mà không có thực thể.

Khi xưa, thất tổ Hành Tư hỏi Lục Tổ Huệ Năng: “Làm thế nào để khỏi lạc vào giai cấp?”

Lục Tổ bảo: “Ông đã từng làm những gì?”

Ngài Hành Tư đáp: “Thánh đế còn chẳng làm, thì có gì là giai cấp?”

Lục Tổ thầm chấp nhận, hứa khả.

Hiện tại, căn khí chúng ta rất cứng cỏi, nên chư đại tổ sư mới giả lập phương tiện, dạy tham quán câu thoại đầu. Sau đời Tống, người niệm Phật rất nhiều, nên chư đại tổ sư lại dạy tham quán câu ‘Ai là người đang niệm Phật?’

Ngày nay, mọi nơi đều theo pháp này mà dụng công, nhưng có rất nhiều người không hiểu rõ ràng, cứ để câu ‘Ai là người đang niệm Phật’ nơi cổ họng, niệm đến niệm lui không dừng, thành ra tụng niệm, chứ không phải tham quán câu thoại đầu. Tham thoại đầu tức là tham khán. Thế nên, trong mọi thiền đường đều có treo bốn chữ ‘Chiếu cố thoại đầu’. Chiếu tức là phản chiếu. Cố tức là xoay trở lại. Nghĩa là phải tự phản chiếu, nhìn vào tự tâm. Gọi đó là quán thoại đầu.

‘Ai là người niệm Phật’, khi chưa khởi lên thì gọi là thoại đầu, còn khi đã khởi lên thì gọi là thoại đuôi. Chúng ta tham khán thoại đầu thì phải nên xem khán chữ ‘Ai’. Lúc tâm chưa khởi lên chữ ‘Ai’ này thì như thế nào? Giống như lúc đang niệm Phật, có người đến hỏi: “Bạch Thầy! ‘Ai’ đang niệm Phật vậy?”

Nếu đáp: “Tôi là người đang niệm Phật.”

Người kia có thể hỏi thêm: “Thầy là người niệm Phật. Vậy miệng niệm hay ý niệm? Nếu nói miệng niệm thì lúc ngủ, sao không niệm? Nếu nói tâm niệm thì lúc thân này chết đi, sao không tiếp tục niệm?”

Do đó, chúng ta có một nghi vấn, phải nên truy cứu: “Câu thoại đầu đây từ đâu mà đề khởi? Tôi là ai?”

Vi vi tế tế, phản chiếu xoay lại, xem xét kỹ càng. Đó gọi là nghe lại tự tánh của mình.

Lúc đi bộ, hành hương, phải ngưỡng đầu lên, chạm đến cổ áo. Chân phải bước theo dấu chân người trước. Tâm phải bình bình tịnh tịnh. Không nên ngó sang đông sang tây. Nhất tâm xoay lại, phản chiếu câu thoại đầu. Lúc ngồi, không nên ưỡn ngực về phía trước. Đừng đề hơi thở quá cao, hay quá thấp. Để tự nhiên, tùy theo hơi thở. Lại phải thu nhiếp sáu căn, mắt tay mũi lưỡi thân ý. Phải buông bỏ muôn niệm. Luôn luôn, xoay chiếu lại thoại đầu, chớ bỏ quên mất. Đừng xem khán quá vi tế, nếu quá vi tế thì bị hôn trầm (tức buồn ngủ), lạc vào không vọng, không thể thọ dụng chi được. Đừng xem khán quá thô, nếu quá thô thì phù trầm (tức vọng tưởng) nổi lên, không thể khởi thoại đầu được. Nếu xem khán được thoại đầu thì công phu tự nhiên từ từ thuần thục, tập khí dần dần giảm bớt. Người mới bắt đầu dụng công thì khó lòng mà xem khán được thoại đầu. Nói vậy, chư vị đừng sợ hãi, lại cũng đừng có vọng tưởng là muốn khai ngộ, hay cầu được trí huệ v.v… Nên biết, đả thất tức là vì việc khai ngộ tâm tánh, vì cầu trí huệ. Nếu lại khởi tâm cầu nữa thì ví như lấy đầu đặt lên đầu. Nay chúng ta đã hiểu rõ rồi thì chỉ lo đề khởi câu thoại đầu thôi. Nếu trong lúc dụng công, không thể đề khởi thoại đầu lên, thì chớ có gấp rút, chỉ việc xả bỏ muôn niệm tình không, rằng rằng mịt mịt, xoay chiếu trở lại. Khi vọng tưởng khởi lên, hãy để chúng khởi, đừng màng đến, chúng sẽ tự nhiên lặng mất. Vì vậy bảo: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.”

Vọng niệm khởi lên, mình chỉ dùng định lực xoay lại xem khán thoại đầu. Nếu mất thoại đầu, mình phải mau đề khởi lại. Mới ngồi thiền thì dường như là chỉ lo dẹp vọng tưởng, nhưng lâu dần thì thoại đầu từ từ khởi lên được. Khi ấy, chư vị có thể ngồi hết cả một cây nhang. Nếu không để mất thoại đầu thì kết quả sẽ rất tốt.

Ngôn ngữ chỉ là lời nói suông. Chư vị hãy nên chân thật dụng công.

Ngày thứ hai:

Đả thất là pháp khắc kỳ thủ chứng. Người xưa căn khí lanh lợi, nên không thường dùng pháp này, nhưng qua đời Tống thì từ từ được áp dụng. Đến đời Thanh, triều vua Ung Chánh, pháp này lan rộng khắp nơi. Vua Ung Chánh tại hoàng cung cũng thường đả thất. Ông rất tôn trọng thiền tông. Đồng thời, công phu thiền định của ông ta rất phi thường. Dưới tay ông có hơn mười người ngộ đạo. Tổ Thiên Huệ ở chùa Cao Mân tỉnh Dương Châu cũng ngộ đạo dưới pháp hội của ông ta. Tất cả quy củ pháp chế thiền môn, đều do ông chấn chỉnh. Do đó, tông phong đại chấn, nhân tài xuất hiện rất nhiều.

Vì vậy, quy củ tông phong thật rất quan trọng. Pháp thức khắc kỳ thủ chứng, giống như thí sinh nhà nho lúc vào trường khảo hạch, theo đề mục mà làm thơ, theo thơ mà được khảo thí, trong một thời gian hạn định. Đề mục đả thất của chúng ta, gọi là ‘Tham Thiền’, nên điện đường đều gọi là ‘Thiền Đường’. Chữ Thiền vốn là tiếng Phạn, dịch là thiền na, nghĩa là tỉnh lự. Trong thiền lại có thiền đại thừa, thiền tiểu thừa, thiền cõi hữu sắc, thiền cõi vô sắc, thiền Thanh Văn, thiền ngoại đạo v.v…

Thiền trong tông môn, gọi là ‘Vô Thượng Thiền’. Nếu như trong thiền đường có người tham thấu nghi tình, ngồi tòa thiền cắt đứt mệnh căn, tức đồng Như Lai không khác. Thế nên, thiền đường cũng gọi là ‘Tuyển Phật Trường’, tức là trường tuyển làm Phật, hay ‘Bát Nhã Đường’. Sở học nơi các thiền đường đều là pháp vô vi. Vô vi tức là không có hành động tạo tác, không pháp để chứng đắc, không pháp để làm. Nếu là hữu vi thì đều nằm trong sanh diệt. Nếu chứng đắc được thì phải bị mất. Kinh nói: “Nếu có lời nói, đều là không thật nghĩa.”

Như tụng kinh, lễ sám v.v…, tất cả đều là pháp hữu vi, ngôn giáo phương tiện quyền xảo. Còn tông môn, dạy chư vị trực nhận thẳng vào nguồn tâm, không có chỗ để dùng ngôn ngữ. Xưa kia, có một học nhân, tham vấn lão nhân Nam Tuyền: “Bạch Hòa Thượng! Đạo là gì?”

Ngài Nam Tuyền đáp: “Tâm bình thường là đạo.”

Thường ngày, chúng ta ăn cơm mặc áo, ra vào làm lụng, nghỉ ngơi, đều không hợp với đạo. Vì chúng ta tùy theo cảnh mà đắm nhiễm, chấp trước, không nhận ra tự tâm mình vốn là Phật. Thuở trước, thiền sư Pháp Đường ở núi Đại Mai, lúc mới gặp Mã Tổ, liền hỏi: “Bạch Hòa Thượng! Phật là gì?”

Mã Tổ đáp: “Tâm tức là Phật.”

Ngài liền đại ngộ, lễ bái rồi từ biệt Mã Tổ, đến núi Mai Tử ở huyện Tây Minh, kết am ẩn tu. Đời Đường, niên hiệu Trinh Quán (785-804) dưới hội của thiền sư Giám Quan có một vị tăng, đi hái quế, bị lạc đường, đến am Ngài, liền hỏi: “Bạch Hòa Thượng! Ngài ẩn tu nơi đây đã bao lâu rồi?”

Ngài đáp: “Chỉ thấy núi bên phía tây xanh rồi lại vàng.”

Tăng hỏi tiếp: “Bạch Hòa Thượng! Vậy đường nào dẫn ra khỏi núi nầy?”

Ngài đáp: “Ông cứ men theo con suối này mà ra.”

Vị tăng trở về thuật lại cho thiền sư Giám Quan nghe. Giám Quan bảo: “Tại Giang Tây, Thầy từng gặp một vị tăng, nhưng bấy lâu nay không nghe tin tức, vậy chắc là Ngài rồi.”

Sau đó thiền sư Giám Quan liền bảo tăng đi thỉnh ngài Pháp Đường về chùa. Ngài Pháp Đường làm kệ:

“Cây khô trong rừng lạnh,
Mấy độ xuân về, tâm nào chuyển,
Lão tiều phu không thèm ngó,
Dinh nhân truy tìm chi mệt nhọc,
Trong hồ sen nở vô số y,
Hoa tùng ăn mãi vẫn còn dư
Nay bị thế nhân biết nơi ở
Lại phải dời am vào tận núi sâu!”

Mã Tổ nghe Ngài đang trú trong núi, nên bảo tăng đến chỗ đó mà hỏi: “Bạch Hòa Thượng! Ngài gặp Mã Đại Sư, được sở đắc gì mà trụ nơi đây?”

Ngài đáp: “Mã Đại Sư dạy rằng tức tâm tức Phật, nên tôi mới đến đây.”

Tăng nói: “Gần đây Mã Đại Sư giảng thuyết Phật Pháp có khác.”

Ngài hỏi: “Khác như thế nào?”

Tăng đáp: “Mã Đại Sư dạy rằng phi tâm phi Phật.”

Ngài đáp: “Lão già làm mê loạn người chưa có ngày nào thôi. Mặc lão phi tâm phi Phật, còn tôi chỉ biết tức tâm tức Phật.”

Vị tăng trở về, thuật lại sự việc này cho Mã Tổ nghe. Mã Tổ liền dạy: “Trái mai đã chín.”

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rõ tín tâm của người xưa thật là kiên cố.

Vì căn cơ chúng ta quá kém cỏi, nên chư đại tổ sư mới dạy tham quán câu thoại đầu. Thật là một việc làm miễn cưỡng. Tổ Vĩnh Gia nói:

“Chứng thật tướng,
Không người không pháp,
Sát na diệt,
Hết nghiệp nơi ngục A Tỳ
Nếu lấy lời giả, dối chúng sanh,
Tự chiêu địa ngục cắt lưỡi hằng sa kiếp!”

Tổ Cao Phong bảo: “Người học đạo như lấy một viên đá, liệng xuống đáy hồ, rồi lặn xuống mà nhặt nó lên.”

Chúng ta tham khán thoại đầu cũng như liệng câu thoại đầu này xuống đáy hồ, rồi phải nhìn thẳng xuống đáy hồ mà tìm cho ra nó.

Tổ Cao Phong lại phát nguyện: “Nếu người học đạo, khi khởi câu thoại đầu, mà không có hai niệm, thì trong bảy ngày, nếu không ngộ đạo, tôi nguyện sẽ mãi bị đọa trong địa ngục cắt lưỡi!”

Lòng tin của chúng ta không kiên cố, tu hành không chân thật, vọng tưởng không xả bỏ. Nếu có tâm thiết tha vì sự sanh tử, thì một câu thoại đầu quyết không để quên mất. Tổ Quy Sơn bảo: “Đời đời nếu không thối chuyển, quả vị Phật quyết định sẽ đạt được.”

Người mới phát tâm học đạo, nói chung vọng tưởng rất nhiều. Chân cẳng thường bị đau nhức, không biết phải dụng công như thế nào. Thật ra, chỉ quan trọng nơi tâm tha thiết vì sự sanh tử, bám chặt vào câu thoại đầu, không phân biệt đi đứng nằm ngồi. Từ sáng đến tối, xoay chiếu lại nó mãi như ánh trăng thu vằng vặc, rõ rõ ràng ràng, không lạc vào hôn mê, không lạc vào trạo củ, quả vị Phật sao lo không có phần! Nếu hôn trầm nổi lên, chư vị phải mở mắt thật to, nới rộng dây lưng, thì tinh thần sẽ tự phấn chấn trở lại. Khi ấy, đừng khởi câu thoại đầu quá vi tế, vì dễ lạc vào hôn trầm và không vọng. Nếu để tâm tự nhiên, thì chỉ còn một mảnh thanh tịnh tràn khắp. Lúc đó, chớ để mất câu thoại đầu, mới tiến bộ được. Nhưng, nếu lạc vào không vọng thì không phải là cứu cánh. Nếu khởi thoại đầu quá thô thiển, vọng tưởng dễ dàng sinh lên. Lúc đó, khó mà điều phục được trạo cử. Thế nên, khi ấy phải dung hòa là trong thô thiển có vi tế, trong vi tế có thô thiển, thì công phu mới đắc lực, đạt đến cảnh giới động tịnh nhất như.

Xưa kia, những khi chạy hương ở chùa Kim Sơn và các chùa khác, thầy Duy Na dâng hương xong, liền cùng đại chúng chạy như bay. Khi nghe tiếng mõ đánh, liền đứng khựng lại như người chết. Như thế, còn đâu vọng tưởng, hôn trầm? Vậy lúc chạy có khác gì lúc ngồi thiền đâu?

Khi ngồi thiền, chư vị đừng đề câu thoại đầu quá cao, vì dễ bị phù trầm. Lại không nên giữ câu thoại đầu trước ngực vì sẽ sanh bịnh. Cộng thêm, cũng đừng đè nén xuống. Nếu đè nén xuống đan điền, bụng sẽ phình to, dễ lạc vào cảnh năm ấm ma, phát sanh nhiều bịnh tật. Chỉ thiết yếu là bình tâm tỉnh khí, tham khán chữ ‘Ai’ mãi như gà ấp trứng, mèo rình chuột. Lúc xoay lại phản chiếu được rồi, mạng căn tự nhiên cắt đứt.

Đương nhiên, người mới học pháp này, làm sao sánh bằng với những vị đã từng tham học lâu năm, nhưng chư vị cũng nên cố gắng dụng công trong mọi thời khắc.

Tôi sẽ kể thêm một ví dụ. Tu hành giống như mài đá lấy lửa. Phải có phương pháp rõ ràng. Nếu không, cho dầu đập nát đá ra, vẫn không có lửa. Cách thức là phải có một thanh sắt và mồi lửa. Nên để mồi lửa ngay dưới cục đá. Lấy thanh sắt cọ vào đá. Khi lửa từ viên đá cháy nháng lên, mồi lửa liền bắt được ngọn lửa. Đó là phương pháp lấy lửa duy nhất. Hiện tại, chúng ta biết rằng tự tâm là Phật, nhưng lại không chịu thừa nhận, nên phải dùng câu thoại đầu làm mồi lửa. Lý dùng mồi lửa là như thế. Hiện tại đối với cách lấy lửa, chúng ta không biết đến. Thế nên, không thể nhận ra tự tánh. Tự tánh của chúng ta đồng với chư Phật không khác. Vì vọng tưởng chấp trước nên không thể giải thoát. Do đó, Phật vẫn là Phật. Mình vẫn là mình. Chúng ta hôm nay biết mình là con của bậc Pháp Vương. Hãy nên tự tham cứu. Như thế có hay lắm không! Hy vọng mọi người hãy cố gắng nỗ lực. Trên đỉnh trụ cây trăm thước, hãy bước thêm một bước nữa, để được trúng tuyển trong đạo tràng này, mới mong rằng trên đáp đền ơn chư Phật, dưới làm lợi ích cho loài hũu tình. Trong Phật pháp, không có nhân tài xuất hiện vì mọi người không dám nỗ lực tinh tấn tu hành. Nói ra thật đau lòng! Giá như tin sâu vào lời dạy của tổ Vĩnh Gia và Cao Phong, quyết định rằng ai ai cũng sẽ ngộ đạo.

Mọi người hãy nên dụng công tham thiền!

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.