Dòng Sông

Tiếng trống tan trường vừa đánh, như một đàn bướm trắng từ trường Nữ trung học Nhatrang túa ra, họ đi từng nhóm tỏa về khắp các nẻo phố biển hiền hòa chan đầy ánh sáng của một buổi chiều vàng. Gió từ biển thổi vào làm những tà áo trắng tung bay, các cô vuốt vội mái tóc thề vì gió luôn làm rối tung lên.
Ba cô bé cùng tuổi, học cùng lớp đang đi về phía biển, áo trắng, tóc thề, cặp ôm trước ngực, mỗi người một nét riêng và giọng nói 3 miền.

Trâm Anh, người Nhatrang có đôi mắt thật to, má lúm đồng tiền, giọng nói pha mùi biển mặn nên hơi vững mạnh nhưng dáng nàng tung tăng như con sáo nhỏ.
Thu Thảo, người Bắc sinh ở Nhatrang, đôi mắt mi dài thật đẹp mang nét mộng mơ, giương mặt xương xương, dáng cao, đi hơi nhanh, giọng Bắc pha Nhatrang nên êm như gió thoảng.

Mỹ Châu, người Huế cũng sanh ở Nhatrang, đôi mắt đẹp diệu hiền dáng vừa, rất xinh, giọng Huế pha Nhatrang nên ngọt lịm êm tai, dáng đi chậm quý phái như các mệnh phụ ngày xưa.

Bãi biển NhaTrang cát trắng, có con đường nhỏ chạy dài song song cùng biển được tráng xi măng dành cho người đi dạo. Những cô bé áo trắng ra biển để ăn quà vặt bên đường, ở đó không thiếu món gì, họ chạy nô đùa trên bãi cát, nhảy thi cùng những đợt sóng biển trong tiếng cười đùa vang vang.

Ba tà áo trắng hồn nhiên tinh khiết như những nụ hoa vừa hé nở, cũng có những cái nhìn hay những lời khen vu vơ của những chàng trai mới lớn, nhưng 3 tà áo trắng hẹn cùng nhau không để đôi mắt mình vướng những sợi tơ của tình yêu và sống trọn vẹn tuổi thơ.

Những ngày lễ lớn ở chùa hay những đêm Noel, các cô lúc nào cũng đi chung, líu lo như đàn chim non cùng tổ.

Ở Nhatrang gần tết, từ đường phố chính Phan Bội Châu đến chợ Đầm lấy làm hội chợ. Đêm về, gió biển thổi vào lành lạnh làm các cô xuýt xoa và được dịp choàng những chiếc khăn voan nhẹ như tơ trời, tăng thêm vẻ mềm mại thướt tha trong những tà áo dài lúc dạo chợ xuân.

Tình bạn họ kéo dài đến thi trung học xong lớp 10 là hai gia đình Thu Thảo và Mỹ Châu đều rời Nhatrang. Ban đầu họ còn thư từ qua lại, sau rồi đến ngày tết mới gởi thiệp chúc nhau.

Tình bạn họ như một dòng sông đến khi tẻ làm 3 nhánh, nước cứ trôi bềnh bồng hoa, rác. Rồi 3 nhánh sông chảy qua những lùm cây cối bị khuất che nên họ mất liên lạc cùng nhau.

Đầu tháng 5 năm 1975, tất cả nhân viên được lệnh tập trung trên lầu 9 Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín Trung Ương, để nghe ban Quân Quản mới tiếp thu Saigon nói chuyện, nhân viên chờ ngoài thang máy rất đông. Một sự tình cờ thật lạ lùng, Trâm Anh, Thu Thảo, Mỹ Châu đều có mặt trong thang máy hôm đó. Những nhánh sông đã nhập lại nhau thành một. Bây giờ không phải dòng sông trong veo ngọt lịm như ngày xưa, mà mỗi nhánh sông đã chảy qua những vùng ghềnh thác, bùi đất, nên hôm nay màu nước đã lững lờ vàng đục rong rêu.

Ba tà áo trắng ngày xưa ôm nhau bồi hồi xúc động, nước mắt không chảy nổi vì khóc quá nhiều cho đất nước cũng như hoàn cảnh riêng mỗi người, nên giờ đã khô cạn rồi.

Dòng đời xuôi ngược gặp nhau
Tri giao tín nghĩa tình sâu giữ tròn
Hỡi ơi nước chảy đá mòn
Đổi thay mặn nhạt hàn ôn mấy người?
(Phan Hạnh)

Trâm Anh chồng là lính tàu bay, đã khăn gói đi học tập cải tạo, hai con nhỏ gái 4 tuổi và trai 2 tuổi.

Thu Thảo vừa sanh 1 bé gái được 10 ngày, chồng lính thủy. Hôm chàng bước xuống tàu ra đi thì con gái còn quá nhỏ.

Mỹ Châu có bé trai 3 tuổi, chồng lính dù chết trận mùa hè đỏ lửa 1972, cánh dù đã ôm kín đời anh, thân xác anh đã hòa cùng đất mẹ Việt Nam. Gia đình chỉ được tin, Mỹ Châu tự nghĩ anh đang hành quân ở nơi nào đó rồi sẽ về phép để ôm nàng và con trai vào lòng.

Trâm Anh sống với người chị chồng, Thu Thảo sống cùng gia đình chồng, Mỹ Châu cũng sống cùng gia đình chồng.

Trâm Anh, chi nhánh Nha Trang của Việt Nam Thương Tín di tản vào Trung ương Sài Gòn.

Thu Thảo, cũng Việt Nam Thương Tín nhưng chi nhánh Qui Nhơn nghĩ hộ sản đến trình diện ở Sài Gòn.

Mỹ Châu, làm nha chi nhánh Việt Nam Thương Tín tại Trung Ương Sài Gòn.
Mỗi buổi trưa họ đều gặp nhau ở lầu 4, ngày trước tầng lầu này đặc biệt cho Thống Đốc Ngân hàng và những buổi họp lớn, vì nơi đó có phòng họp thật đầy đủ tiện nghi, máy móc. Nay phó giám đốc cách mạng xử dụng tầng lầu này và Trâm Anh được chỉ định ở nơi đó làm việc.

Ngoài hành lang có bộ ghế sa lông bằng da voi, ghế bành thật to và chiếc bàn bằng gỗ tỏa ra mùi thơm nhè nhẹ nhưng không phải mùi của trầm hương. Thêm tấm bình phong Mai, Lan, Cúc, Trúc được kết bằng những loại đá quí như san hô, mã não, hổ phách vàng .v.v… để cho những ai đi thang máy, cửa mở thì không nhìn được bên trong.

Ba người bạn ngồi cùng nhau trên chỗ sang trọng đó, mỗi người đều đem theo phần ăn trưa, chia xẻ thức ăn như ngày xưa còn bé, nhắc lại chuyện thời thơ ấu và tâm sự nhau cuộc sống hiện nay.

Bạn bè là nghĩa tương tri
Có duyên gặp mặt mấy khi trong đời
Trên môi hé nở nụ cười
Sống vui, mạnh khỏe làm người nghĩa nhân.
(Phan Hạnh)

Lúc nào trong xách tay Thu Thảo cũng có những lá của chồng từ xa gởi về, đó là gia tài của Thu Thảo hiện nay.

Trâm Anh thì thư chồng rất ít, hình như anh ấy không được phép hay không viết nổi, ngoài hỏi thăm sức khỏe 3 mẹ con.
Mỹ Châu không có thư để mong mà cũng không có người để đợi nên nhẹ nhàng hơn. Ba người bạn thương yêu lo lắng, đùm bọc và an ủi nhau để vượt những lúc khó khăn.

Dòng sông cứ mãi trôi … mãi trôi….

Rồi có lệnh trên phát động phong trào tiết kiệm đến khắp mọi nơi, các công sở cũng như nhà dân, 3 người bạn được gởi đi học rồi được điều động làm việc ở 3 nơi khác nhau. Ban đầu họ gặp nhau thường, nhưng công việc quá nhiều nên một tuần mới có cơ hội ăn chung 1 lần, cuối cùng họ chỉ gặp nhau nơi bến xe buýt để cùng về, vì nhà 3 người gần nhau đều ở quận 1.

Cuối năm 1982, chồng Trâm Anh từ Bắc được thả về, 2 ngày sau, gia đình trốn đi vượt biên ngay. Khi đến bờ bến tự do mới báo tin cho bạn áo trắng ngày xưa hay gia đình đã được Úc, một nước tự do đầy tình người nhận rồi.

Năm 1986, Mỹ Châu theo gia đình chồng đi đoàn tu và Định cư ở Pháp.
Người rời Việt Nam sau cùng là Thu Thảo, mẹ con đoàn tu cùng chồng ở Mỹ.
Dòng sông giờ đã chia ra ba nhánh rõ ràng, Châu Úc, Châu Mỹ và Châu Âu.
Thời gian thấm thoát qua nhanh, mới ngày nào tóc còn xanh nay đã bạc trắng phau phau, các bạn tình cờ đọc báo Lý Tưởng của Không Quân mới hay chồng Trâm Anh vừa nằm xuống theo quy luật vô thường.

Bạn hãy gọi dẫu từ xa lắm
Ta sẵn sàng khóc đẫm cùng nhau
Sớt chia bao nỗi nghẹn ngào
Chỉ cần bạn được vơi bao khối sầu!

Bạn đừng vội gục đầu than trách
Bởi cuộc đời thử thách đắng cay
Bạn buồn tôi sẽ kề vai
Đừng bao giờ để bi ai tủi hờn.
(Cóc Nhỏ)

Ba người bạn xưa liên lạc lại, mới biết chồng Thu Thảo cũng đã ra đi, tro được rải ngoài biển cả như nghề của anh đã chọn. Mỹ Châu từ ngày đó đến nay vẫn ở vậy nuôi con. Bây giờ ba người đều đã lên chức Nội, Ngoại cả rồi.

Đã biết vạn vật vô thường, không ai giữ được gì trong tầm với của mình. Vì vô thường nên chúng tôi đều mất mát người chồng, nhưng cũng nhờ sự mất mát ấy cho chúng tôi biết được hiện tại là vô giá, biết trân quý thực tại hết lòng thì không còn gì hối tiếc khi tất cả đã ra đi. Và duyên đã tận thì người chồng của chúng tôi đều xuất hiện dưới hình thức khác trong dòng chảy vô thường.

Tuổi già không thể đến gặp nhau nhưng cả ba đều tin rằng ba nhánh sông nhỏ sẽ đổ về biển cả mênh mông, hòa nhập cùng trời đất bao la, họ sẽ hòa lại cùng nhau và mãi mãi bên nhau trong tâm tưởng.
Chúng tôi đều dành hết ngày giờ của tuổi xế chiều ở nhà tu tập theo con đường ngày xưa Đức Phật lấy ngón tay chỉ mặt trăng, nương theo đó mà hành.

Diệu Ngọc (Viết gởi ML và TN nhớ đến ngày đó)

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.