Chìa Khoá Sống Thanh Thản

MỖI NGÀY SỐNG TRÊN ĐỜI LÀ MỘT NGÀY HẠNH PHÚC!

Mỗi sáng thức dậy, bạn có vui mừng chào đón một ngày mới của chính mình? Để sống thanh thản, mỗi người chúng ta phải quyết tâm, trong ngày hôm nay, nhất định mình sẽ:

  • Giải tỏa hết những nỗi âu lo chẳng đáng có để cõi lòng luôn thanh thản. Dù mỗi ngày trôi qua, mình “già” thêm một chút, nhưng mình chẳng bao giờ phải lo lắng về những chuyện đại loại như: tuổi tác, tăng cân, hay da dẻ ngày càng nhăn nheo…
  • Luôn nở nụ cười tươi như hoa với mọi người. Nếu lúc nào mặt mũi mình cũng căng thẳng thì chẳng những mọi người xung quanh mình cũng căng thẳng theo mà chính các thành viên trong gia đình mình cũng bị căng thẳng.
  • Tiếp tục học hành. Dù mình có bao nhiêu tuổi thì mình cũng vẫn dành thời gian để học những gì mình thích. Học để nâng cao chuyên môn, học chơi một nhạc cụ nào đó, học cách chăm sóc vườn cây nhà mình hoặc đọc những cuốn sách hay… Học gì cũng được, miễn là đừng để đầu óc mình “nhàn cư vi bất thiện” là được!
  • Luôn thưởng thức cuộc sống. Những niềm vui nhỏ bé hằng ngày mình luôn biết nâng niu, trân trọng. Một nụ cười hồn nhiên của con trẻ, một bông hoa của người khác phái gửi tặng, một quyển sách đẹp mở ra trên bàn học… những điều đó khiến mình cảm thấy trong lòng đầy ắp hạnh phúc và trẻ mãi…
  • Khi những giọt nước mắt tuôn rơi. Mình đau buồn, mình chấp nhận, mình cảm nhận, và mình vượt lên. Người gần gũi nhất với mình suốt cuộc đời không phải ai khác mà chính là mình. Can đảm tự mình vượt lên khổ đau là một thái độ dũng cảm nhất khi mình ngày càng lớn tuổi, trưởng thành.
  • Tạo ra ở xung quanh mình một thế giới dịu êm đầy ắp tình yêu thương gia đình, có những loài hoa mình thích, những vật kỷ niệm đáng yêu, những đĩa nhạc hoặc những quyển sách hay… Bởi vì, ngôi nhà của bạn là nơi chốn bạn nương náu…
  • Quan tâm đến sức khoẻ. Nếu sức khỏe của mình tốt, hãy giữ gìn nó. Nếu sức khỏe của mình có vấn đề, hãy tìm cách cải thiện nó.

Và cuối cùng, luôn nhớ rằng, cuộc sống của mình không được đo bằng chiều dài của những năm tháng mình sống, nhưng được đo bằng những khoảnh khắc hạnh phúc bất tận mà mình có được trong từng ngày sống của mình.

 


 CHƯƠNG I: KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN

1. Căng thẳng vì công việc

Khi cảm thấy quá chán nản, căng thẳng do công việc bị dồn đống quá nhiều, dường như chúng ta chẳng còn cảm thấy thích thú gì với công việc của mình nữa. Cảm giác ngán ngẩm này thường tiếp tục gây cho chúng ta sự chậm trễ, trì hoãn công việc, và kết quả là chúng ta lại phạm phải sai lầm hoặc thậm chí thất bại trong công việc. Thật là nguy hiểm, đúng không? Dưới đây là một vài cách giúp bạn tránh được những tình huống như vậy, để có thể vượt qua những bế tắc trong công việc cũng như trong cuộc sống:

  • Hãy quý trọng cơ thể của mình:

Trước hết, bạn cần có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, bảo đảm sức khỏe, từ đó bạn mới có thể thực hiện những công việc, kế hoạch mà mình đã đề ra. Sức khoẻ cũng dễ đem lại cho bạn trạng thái phấn chấn, yêu đời hơn là khi cơ thể bạn đang bị đau yếu. Điều đơn giản này ai cũng biết, nhưng lại ít người thật sự biết quan tâm giữ gìn sức khoẻ.

  • Có một tấm lòng chân thành bên cạnh:

Thật khó có thể vượt qua nổi những cú sốc trong cuộc sống hay trong công việc, nếu lúc nào bạn cũng “đơn thương độc mã”. Khi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải, hoặc có những khi bạn bị oan ức, bị nhiều người khác hiểu lầm… thì việc có bên mình một tấm lòng chân thành cũng giúp bạn dễ bình tĩnh tâm hồn để bắt tay vào giải quyết những vấn đề của mình hơn. Tấm lòng chân thành ở đây có thể là người vợ (hoặc chồng) của bạn, là người thân hay là bạn thân nào đó đồng cảm với bạn.

  • Hãy tự thương mình:

Nhiều người cứ lao vào làm việc như điên, bất kể giờ giấc nghỉ ngơi hoặc chẳng còn quan tâm gì đến điều gì khác trong cuộc sống. Làm như thế, họ có thành công và hạnh phúc không? Thành công thì cũng có thể có một chút nào đó, nhưng hạnh phúc thì chắc là không. Đến lúc sức khoẻ suy sụp hoặc bất ngờ đổ bệnh thì họ không thể tiếp tục làm việc được nữa. Phải biết kết hợp làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý, điều độ, thì sức làm việc mới duy trì lâu dài được trong mấy chục năm liền. Ngoài công việc của mình ra, bạn phải biết quan tâm thưởng thức thiên nhiên, cuộc sống. Nếu cứ lao vào làm việc mà thời tiết chuyển mùa, hoa nở cũng không hề biết, chim hót cũng không hay… thì “tội nghiệp” quá!

  • Hãy chia công việc ra thành từng phần:

Cảm giác bế tắc thường đến với chúng ta khi áp lực của công việc quá nặng. Điều này có một phần nguyên nhân là do chúng ta thiếu kế hoạch, thiếu sự tổ chức, không biết chia công việc của mình ra từng phần nhỏ tương ứng với từng khoảng thời gian nhất định ngay từ đầu. Nếu bạn biết lập kế hoạch và phân chia công việc của mình một cách khoa học, hợp lý, thì bạn sẽ thoát khỏi mọi bế tắc và không bị mất phương hướng khi bắt tay vào thực hiện công việc.

  • Hãy nghe nhạc đi:

Nếu chúng ta mở máy nghe nhạc ồn ào, om sòm hết cỡ, bắt buộc người thân trong gia đình và cả những người hàng xóm phải bất đắc dĩ nghe loại nhạc “khủng khiếp” của mình, thì điều đó chỉ khiến chúng ta và những người sống gần chúng ta trở nên căng thẳng hơn mà thôi! Âm nhạc với giai điệu êm đềm, du dương, nhẹ nhàng, sẽ giúp bạn thư giãn một cách nhanh chóng, như là “liều thuốc” xoa dịu những căng thẳng thần kinh của bạn, giải thoát bạn khỏi những áp lực của công việc.

  • Hãy kết hợp hai hoạt động cùng một lúc:

Có thể bạn sẽ phản đối: “Bận rộn suốt ngày, làm không hết việc thì lấy đâu ra thời gian mà nghe nhạc?” Thật ra, trong cuộc sống hằng ngày, có những việc rất buồn tẻ, đơn điệu, như giặt ủi quần áo, lau nhà, tưới cây, tập thể dục, nấu ăn… Sao bạn không vừa làm những việc đó vừa nghe nhạc? Làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy thú vị hơn rất nhiều, đúng không? Tôi cũng vừa làm việc nhà vừa suy nghĩ về bài báo mình sắp viết hay đề cương quyển sách mà mình sẽ biên soạn, kết hợp công việc như vậy hiệu quả lắm!

  • Biết điều gì là quan trọng nhất:

Đôi khi chúng ta gặp bế tắc, khó khăn trong công việc là do chúng ta chưa nhận ra điều gì là quan trọng nhất trong công việc và cuộc sống của mình. Phải biết lựa chọn điều gì là quan trọng nhất trong công việc của mình và tận tâm làm việc vì điều đó, mạnh dạn gạt bỏ những điều ít quan trọng và vặt vãnh sang một bên.

  • Rút ra điều gì đó từ công việc của mình:

Mỗi lần làm công việc gì, bạn nên tự hỏi: “Mình có thể rút ra được điều gì từ những việc đã làm? Công việc của mình có ý nghĩa gì không?” Mỗi lần gặp khó khăn, bế tắc trong công việc, bạn hãy vận dụng những kinh nghiệm vốn có của mình trước đây. Điều này cũng sẽ giúp bạn tự mình tháo gỡ một số bế tắc gặp phải trong công việc.

  • Ý chí hành động:

Đừng suy nghĩ quá nhiều về công việc, đừng quá phóng đại những khó khăn, bế tắc mà mình đang gặp phải. Đừng ngồi khoanh tay lại và than thân trách phận, sao mình khổ quá! Vì làm như vậy bạn sẽ dễ chán nản, dễ lùi bước. Thật ra, bất kỳ ai trong cuộc sống cũng đều có những khó khăn và nỗi khổ riêng của mình. Thái độ than trách hoặc tuyệt vọng sẽ không thay đổi được gì cả. Trái lại, bạn hãy kiên quyết cố gắng bắt tay vào làm việc hết mình để giải quyết từng bước những khó khăn của mình. Chúc bạn thành công!

2. Lo âu và căng thẳng

Tất cả chúng ta ít nhiều đều có kinh nghiệm trải qua những cơn stress (căng thẳng) liên quan đến những tình cảnh hoặc những biến cố khó khăn trong cuộc sống. Thực tế cuộc sống hôm nay còn có rất nhiều những hoàn cảnh, tình huống khác mà lâu nay vẫn làm cho nhiều người chúng ta cảm thấy luôn bị stress. Nguyên nhân gây ra stress thì rất nhiều, nhưng tựu trung vẫn là những nguyên nhân liên quan trực tiếp hoặc bắt nguồn từ chính lối sống hằng ngày, công việc, gia đình của mỗi người…

Stress có thể còn liên quan đến bệnh tật của cơ thể, làm giảm sự hưng phấn hoạt động của chúng ta. Và ngược lại, người bị stress cũng dễ bị ốm đau thể xác nhiều hơn. Stressảnh hưởng trên nhiều mặt khác nhau của cuộc sống mỗi người: từ sức khoẻ đến hiệu quả công việc, và quan trọng nhất là niềm vui sống, yêu đời…

Do đó, làm cách nào chúng ta có thể đối phó một cách hiệu quả với stress, làm giảm các nguyên nhân gây ra stress, đó là ước muốn không phải của riêng ai! Dưới đây là một vài kinh nghiệm hữu ích để giảm stress:

  • Đánh giá đúng những nguyên nhân gây ra stress:

Bước đầu tiên để làm chủ được stress là nắm được những nguyên nhân, kể cả những nguyên nhân tiềm tàng gây ra stress cho bản thân mình. Hãy nhìn lại các hoạt động hằng ngày của mình. Liệu bạn có trải qua một trong các nguyên nhân dưới đây:

  1. – Bận tâm về tình hình thế giới;
  2. – Giảm hứng thú, nhiệt tình trong công việc;
  3. – Mất một số bạn bè;
  4. – Thời gian dành cho con cháu quá ít;
  5. – Cảm thấy thời gian của mỗi ngày quá ngắn ngủi;
  6. – Nghĩ về cái chết của chính mình;
  7. – Cảm thấy khó ngủ, mất ngủ;
  8. – Mong ước một điều gì đó trong cuộc sống của mình sẽ thay đổi;
  9. – Gặm nhấm một nỗi đau nào đó trong tâm hồn;
  10. – Sắp đến một cột mốc nào đó trong cuộc đời (65, 70, 75, 85, 90 tuổi… );
  11. – Bận tâm về con cái, cháu chắt;
  12. – Suy giảm khả năng trí tuệ;
  13. – Một thay đổi bất ngờ nào đó trong gia đình…
  • Loại trừ hoặc giảm thiểu những nguyên nhân gây ra stress:

Nếu có thể, hãy tâm sự với gia đình, bạn bè hoặc những người khác. Hãy tìm trong danh sách liệt kê nguyên nhân gây ra stress của bạn và tìm xem nguyên nhân nào bạn có thể loại trừ hoặc giảm thiểu. Nếu bạn có những nguyên nhân về mặt sức khoẻ, thì hãy tìm sự trợ giúp của bác sỹ. Nếu là những nguyên nhân thuộc về thói quen sinh hoạt, thì bạn nên thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng tích cực, có lợi cho tinh thần của bạn hơn.

  • Sắp xếp kế hoạch sống của mình:

Đây là cách hay nhất để giảm stress. Bạn hãy lập một kế hoạch, trong đó ghi rõ những hoạt động mình cần làm: học thêm một ngoại ngữ hoặc tập chơi một nhạc cụ, đi du lịch, thăm bà con họ hàng, thăm trại trẻ mồ côi, người già neo đơn. Những gì mình cần chuẩn bị cho các chuyến đi đó? Thời gian cụ thể để thực hiện từng hoạt động đó? Khi tích cực lao vào các hoạt động phong phú khác nhau vì bản thân và vì người khác như vậy, chắc chắn bạn sẽ tìm lại được sự tươi tắn cho tâm hồn mình và giảm được stress.

  • Có thêm nhiều bạn bè:

Cảm giác cô đơn là một trong những nguyên nhân gây ra stress. Tích cực tham gia vào các tổ chức xã hội – từ thiện, bạn sẽ có dịp cởi mở tấm lòng, đón nhận tình cảm, niềm vui giao tiếp, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Nói chung, đừng bao giờ bỏ lỡ những cơ hội mở rộng tấm lòng mình và giao tiếp với người khác.

  • Chẻ vụn những nguyên nhân gây ra stress:

Nhiều nguyên nhân gây ra stress cùng tác động lên bạn, bạn sẽ bị stress nặng hơn. Trái lại, từng nguyên nhân gây stress tác dụng riêng lẻ lên bạn, bạn sẽ dễ dàng đối phó hơn. Hãy luôn tìm cách giảm số lượng các nguyên nhân gây stress, đừng nên để cho chúng tác động cùng lúc lên bạn.

3. Thất bại trong công việc

Cuộc đời của mỗi người đều có những ước mơ, những mục đích khác nhau, và bất cứ ai cũng nuôi khát vọng vươn đến thành công, nhất là khi chúng ta còn trẻ. Thế nhưng, vươn đến thành công không phải là chuyện dễ dàng. Sau những thất bại, nhiều người chúng ta có khuynh hướng muốn bỏ cuộc vì nản chí và cam chịu cuộc sống của một người bình thường. Càng lớn tuổi thì càng không muốn nuôi dưỡng bất kỳ ước mơ nào nữa. Tại sao lại như vậy? Có rất nhiều lý do khác nhau, mà một trong những lý do đó là chúng ta đã trở thành những người sợ thất bại.

Chính vì sợ mình sẽ tiếp tục thất bại, nên chúng ta cũng không còn khát khao vươn đến thành công. Lòng sợ hãi này đã tạo thành một trở ngại vô cùng lớn khiến chúng ta không thể tiếp cận được với những cơ hội mới mẻ khác mà cuộc sống có thể đem lại. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc. Nếu lúc nào bạn cũng tỏ ra sợ hãi thất bại, chắc chắn bạn sẽ thất bại. Điều quan trọng nhất là phải vượt qua nỗi sợ hãi này!

Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi này? Có nhiều cách để làm được điều này và sau đây là một vài gợi ý.

Trước hết, chúng ta phải tin rằng, khi mình vẫn còn kiên trì đeo đuổi những ước mơ thì mình còn có cơ hội để thành công. Mình chỉ thực sự thất bại khi chính mình tự nguyện bỏ cuộc mà thôi! Bao nhiêu người trước mình cũng đã từng nuôi dưỡng những ước mơ giống như mình, và họ cũng đã từng gặt hái thành công. Vậy thì tại sao mình lại không thể? Lòng sợ hãi của mình thực là quá đỗi vô lý. Sợ hãi như vậy chẳng qua chỉ là lẩn tránh thực tế mà thôi!

Thứ hai, hãy tìm kiếm những bài học từ thất bại đã qua trong quá khứ. Chúng ta nên khách quan nhìn nhận rằng, thất bại đã xảy ra rồi thì không làm lại được, chính mình phải chịu tránh nhiệm về sự thất bại của mình. Điều duy nhất mà chúng ta có thể “vớt vát” được là rút kinh nghiệm từ những thất bại đã qua, biến nó thành bài học hữu ích cho mình, tránh lặp lại những thất bại tương tự ở tương lai.

Cuối cùng, tích cực làm những việc tốt nhất để cải thiện tình hình. Chỉ có bắt tay vào hành động thì mới đẩy lùi được những nỗi lo sợ thất bại. Nếu cứ mãi khoanh tay ngồi nhìn, không dám bắt tay vào hành động gì hết, thì nỗi sợ hãi sẽ ngày càng tăng thêm mà thôi! Hành động cũng là con đường để đi đến thành công. Nhìn vào hành động của bạn, người ta sẽ đánh giá nhân cách và giá trị con người của bạn. Chỉ có bắt tay vào hành động, vừa làm vừa bình tĩnh đúc kết những kinh nghiệm, những bài học quý giá cho mình, bạn mới có thể vươn đến thành công và khẳng định giá trị bản thân ở một ngày mai.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.