Những Bài Học Bình Dị

Ảo ảnh

Một ngày nọ, có một vị thầy được mời vào trong cung vua để giảng dạy cho hoàng tử. Người thầy giáo sớm nhận thấy rằng hoàng tử rất hiếu học và sẵn sàng đón nhận những gì thầy dạy, lắng nghe những bài học minh triết, nhưng cậu ta cũng rất đắm say đối với đời sống vật chất và khó lòng thấu hiểu được ảo ảnh của sự tồn tại.

Một hôm, người thầy giáo đưa cho hoàng tử một cái bát và nói: “Thầy rất khát nước, điện hạ vui lòng đến dòng sông múc ít nước vào cái bát này và đem về đây được không?”

Hoàng tử cầm lấy cái bát và đi đến dòng sông.

Khi hoàng tử gập người xuống để múc nước vào trong bát thì cậu ta thấy một người con gái xinh đẹp, cô ấy cũng giống như cậu ta, đang múc nước từ dòng sông. Người con gái đẹp lộng lẫy đến độ hoàng tử đem lòng thương yêu ngay lập tức. Hoàng tử đã đi đến nhà cô ấy và được cô giới thiệu với cha mẹ của cô ta. Không lâu sao đó thì họ tổ chức đám cưới. Hoàng tử và vợ đã mua đất, xây nhà, rồi sinh được một người con trai và một người con gái. Họ sống với nhau rất hạnh phúc trong nhiều năm.

Nhưng một ngày nọ, quân lính của một ông vua bạo ngược đã đến xâm chiếm đất nước của hoàng tử. Một cuộc chiến tranh kinh hoàng nổ ra và đứa con trai của hoàng tử bị giết. Hoàng tử và vợ vô cùng đau khổ. Những đội quân hung bạo cuối cùng cũng bị đuổi ra khỏi bờ cõi, nhưng chúng đã tàn phá ghê gớm. Một thời gian ngắn sau khi chiến tranh chấm dứt, một cơn bão khủng khiếp kéo đến. Nước sông tràn ngập lên bờ và những trận lụt tàn phá vô số kể. Nước cứ dâng lên mãi. Hoàng tử cùng vợ và con gái phải leo lên nóc nhà để không bị chết chìm. Nhưng đứa con gái trượt chân và bị những con sóng nhận chìm.

Nỗi đau buồn của cha mẹ hầu như không thể nào chịu đựng nổi. Rồi khi mực nước bắt đầu hạ xuống thì đất nước bị dịch bệnh hoành hành và rất nhiều người bị chết. Vợ hoàng tử cũng lâm bệnh. Cô ấy nằm trên giường và bị sốt cao. Một hôm cô bảo chồng ra sông lấy cho cô một ít nước, vì cô rất khát nước. Hoàng tử cầm lấy một cái bát và đi đến bên sông.

Vừa cúi xuống múc nước, hoàng tử đột nhiên nghe tiếng hỏi rằng: “Nước của thầy đâu?”

Hoàng tử nhìn lên và thấy thầy mình đang đứng phía trước. Và từ đó hoàng tử đã thấu hiểu được điều mà thầy muốn nói đến về sự ảo ảnh.

Khuyết danh

Nguồn: www.taleweb.com


 Cậu bé và cây táo

Cách đây đã lâu, có một cây táo lớn và một cậu bé thích đến bên cây táo để vui đùa quanh nó mỗi ngày. Cậu bé trèo lên ngọn cây, ăn những quả táo và nghỉ dưới bóng râm. Cậu bé quí mến cây táo và cây táo cũng thích được chơi đùa với cậu bé.

Thời gian trôi qua, cậu bé đã lớn. Và cậu ta không còn vui đùa xung quanh gốc cây mỗi ngày nữa.

Một hôm, cậu bé đến với cây táo và trông có vẻ buồn.

– Đến chơi với tôi! Cây táo mời gọi cậu bé.

Cậu bé đáp lại:

– Tôi không còn là một đứa trẻ con nữa, tôi không chơi đùa bên gốc cây nữa đâu. Tôi muốn những thứ đồ chơi. Tôi cần tiền để mua chúng.

– Xin lỗi, nhưng tôi không có tiền… Tuy nhiên, cậu có thể hái tất cả những trái táo của tôi và đem bán thì cậu sẽ có tiền.

Cậu bé rất hồ hởi. Cậu ta đã tuốt sạch những trái táo trên cây và ra đi trong niềm hạnh phúc.

Cậu bé đã không hề quay trở lại sau lần hái những trái táo. Cây táo cảm thấy buồn.

Rồi một ngày nọ, cậu bé, bây giờ đã trở thành một người đàn ông, quay trở lại. Cây táo rất vui mừng. Nó nói:

– Hãy đến chơi với tôi!

– Tôi không có thời gian để chơi. Tôi phải làm việc để nuôi sống gia đình. Chúng tôi cần một ngôi nhà để ở. Táo có thể giúp tôi được không?

– Xin lỗi, tôi không có ngôi nhà nào cả. Nhưng bạn có thể chặt những nhánh cây của tôi để làm nhà.

Thế rồi người đàn ông đã cưa tất cả những nhánh cây và ra đi trong niềm hạnh phúc.

Cây táo rất vui khi thấy anh ta hạnh phúc, nhưng kể từ đó người đàn ông đã không hề quay trở lại.

Cây táo lại cô đơn và buồn rầu.

Vào một ngày mùa hè nóng bức, người đàn ông quay lại và cây táo đã rất vui sướng. Nó gọi mời:

– Hãy đến chơi với tôi!

Người đàn ông nói:

– Tôi đang già đi. Tôi muốn đi thuyền buồm để thư giản. Táo có thể cho tôi một chiếc thuyền không?

– Hãy dùng thân của tôi để làm thuyền. Bạn có thể căng buồm đi xa và tận hưởng hạnh phúc.

Thế là người đàn ông đã cưa thân cây để làm thuyền. Ông ta đã lên thuyền dạo chơi và bẵng đi một thời gian dài không hề đến thăm cây táo.

Cuối cùng người đàn ông đã quay trở lại sau nhiều năm biệt tăm. Cây táo nói:

– Xin lỗi, cậu bé yêu của tôi. Tôi không còn gì cho bạn nữa cả, không còn những quả táo cho bạn nữa…

Người đàn ông đáp lại:

– Không thành vấn đề, tôi không còn răng để cắn.

– Tôi không còn thân cây để cho cậu leo.

– Không sao, giờ đây tôi đã quá già, chẳng leo trèo gì được nữa.

– Tôi thật sự không còn gì để cho bạn… thứ duy nhất còn lại là cái gốc đang chết dần chết mòn của tôi. Cây táo nói trong nước mắt.

Người đàn ông đáp lại:

– Bây giờ tôi không cần nhiều nữa, chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi. Tôi đã quá mệt mỏi sau nhiều năm vật lộn với cuộc sống.

– Tốt! Gốc cây già cỗi là nơi tốt nhất để dựa vào mà nghỉ ngơi. Đến đây, đến và ngồi với tôi để nghỉ ngơi.

Người đàn ông ngồi xuống, gốc táo cảm thấy sung sướng vô cùng và mỉm cười với đôi mắt ngấn lệ.

Đứa trẻ là bạn và cây táo là ba mẹ của bạn đấy!

R. H. Newell 

Nguồn: www.allthelyrics.com

 


 Cái thùng nứt

Một người gánh nước ở Ấn Độ có hai cái thùng lớn, mỗi cái ông ta móc vào một đầu của đòn gánh và gánh trên vai. Một trong hai cái thùng có một vết rạn nứt, còn thùng kia là một cái thùng hoàn hảo và luôn luôn giữ được nguyên thùng nước khi về đến cuối con đường dài từ dòng suối đến nhà ông chủ. Cái thùng bị rạn nứt thì chỉ còn lại một nửa thùng nước khi về đến nhà.

Suốt hai năm tròn trôi qua, ngày nào người gánh nước cũng gánh về nhà ông chủ một thùng rưỡi nước.

Và lẽ đương nhiên là cái thùng hoàn hảo lấy làm tự hào về thành quả của nó, nó đã giữ cho nước trong thùng được nguyên vẹn khi về đến nhà. Còn cái thùng bị rạn nứt thì cảm thấy xấu hổ về sự không hoàn thiện của nó, và đau buồn vì nó chỉ có thể làm được một nửa nhiệm vụ mà nó đã được giao phó.

Sau hai năm thấu hiểu về sự thất bại chua xót của mình, một hôm, bên bờ suối, cái thùng bị rạn nứt đã nói với người gánh nước rằng:

– Tôi lấy làm xấu hổ về bản thân mình, và thật lòng muốn xin lỗi ông.

– Tại sao? Người gánh nước hỏi. Bạn xấu hổ về điều gì?

Cái thùng đáp lại:

– Suốt hai năm qua, mỗi lần ông gánh nước, tôi chỉ có thể mang về nhà vỏn vẹn có nửa thùng nước, bởi vì vết rạn nứt bên hông của tôi đã làm cho nước rò rỉ ra bên ngoài trên suốt con đường về nhà ông chủ. Bởi vì những vết nứt của tôi mà ông không gặt hái được thành quả tương xứng so với sự nỗ lực của ông.

Người gánh nước cảm thấy thương cho cái thùng cũ đã bị rạn nứt, và với tấm lòng thương yêu của mình, ông nói:– Khi chúng ta quay trở về nhà ông chủ, tôi muốn bạn để ý đến những bông hoa xinh xắn dọc đường.

Thật vậy, khi họ leo lên ngọn đồi, cái thùng cũ đã chú ý đến những bông hoa dại xinh xắn đang được mặt trời sưởi ấm bên lề đường. Và điều này ít nhiều đã làm cho nó vui lên. Nhưng đến cuối con đường, nó vẫn cảm thấy hổ thẹn vì nó đã bị rò rĩ ra ngoài hết một nửa thùng nước. Và nó lại xin lỗi người gánh nước về sự thất bại của nó một lần nữa.

Người gánh nước đã nói với cái thùng rằng:

– Bạn đã không để ý là những bông hoa chỉ có ở bên phần đường của bạn, còn bên phần đường của cái thùng kia thì không có hay sao? Đấy là vì tôi đã luôn biết rõ về sự rạn nứt của bạn, và tôi đã biết tận dụng sự lợi ích từ nó. Tôi đã trồng những hạt giống của hoa bên phần đường của bạn, và mỗi ngày trong khi chúng ta trở về nhà từ dòng suối, bạn đã tưới cho chúng. Suốt hai năm tôi đã hái những bông hoa xinh đẹp này để trang trí cho cái bàn trong nhà ông chủ. Nếu không có vết rạn nứt của bạn, ông chủ đã không thể nào có được sự xinh đẹp ấy để tô điểm cho căn nhà của ông.

Mỗi một chúng ta đều có những khuyết điểm của riêng mình. Tất cả chúng ta đều là những cái thùng bị rạn nứt. Nhưng những vết rạn nứt, những khuyết điểm ấy một khi biết vận dụng thích hợp thì chúng làm cho cuộc sống của chúng ta thêm thú vị và có ý nghĩa hơn. Chúng ta hãy nhìn mọi người đúng thật như họ đang hiện hữu, và hãy nhìn vào những điểm tốt ở nơi họ.

Khuyết danh

Nguồn: www.allthelyrics.com

 

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.