Những Câu Chuyện Thiền Môn – Cành Mai

Mấy ngày qua, cảnh chùa như mất đi sự yên tĩnh hơn mọi khi. Trong chùa ai nấy cũng đều bận rộn với những công việc. Thầy Huệ Văn thì lo dọn dẹp chung quanh chùa. Thỉnh thoảng người ta thấy có một vài cô cậu nam nữ Phật tử trẻ tuổi tới chùa để phụ giúp làm công quả. Họ cùng nhau phụ lực với thầy Huệ Văn và chú Huệ Minh. Họ chia nhau công việc ra làm. Người thì làm việc ở ngoài vườn, kẻ thì lo trang trí quét dọn ở trong chùa. Họ cật lực chung sức làm việc với nhau để chuẩn bị cho ba ngày Tết sắp đến. Họ vừa làm vừa trò chuyện với nhau rất là thân mật vui vẻ. Đồng thời, cũng có một vài bà Phật tử đến chùa để phụ giúp lo gói bánh tét, bánh chưng cùng với bà bảy. Người thì gói bánh, kẻ thì lo dọn quét lau chùi sạch sẻ ở khu nhà bếp. Người nầy làm xong thì lại giúp cho người kia. Họ làm trong tinh thần hòa ái yêu thương và tương trợ lẫn nhau.

Trong lúc mọi người làm việc ở ngoài khu vườn, thì thầy trụ trì lại lo o bế chăm sóc lại mấy cây kiểng ở trước sân chùa. Nhờ bàn tay khéo léo thẩm mỹ nghệ thuật của nhà sư, nên người ta thấy cả một khu vườn kiểng rất xinh đẹp. Có những chậu kiểng rất có giá trị. Ai nấy trông thấy cũng đều trầm trồ khen ngợi. Người ta thích nhất là mấy chậu hoa mai vàng. Có những cây ít lá mà bông nhiều. Nhìn thấy hoa mai khoe hương khoe sắc là người ta thấy được cái không khí của những ngày Tết sắp đến.

Mai xuân hé nụ tươi cười
Khoe hương sắc thắm giữa trời bao la
Xuân về nắng ấm chan hòa
Suối reo chim hót bóng tà mây nghiêng

Xuân về vui khắp mọi miền
Cỏ cây tươi thắm an nhiên cõi trầ
Lắng tai nghe tiếng chuông ngân
Mai vàng nở rộ mấy lần xuân qua

Bao xuân ta nhớ quê nhà
Nhớ nguồn cội gốc ông bà tổ tiên

Có lần, thầy Huệ Văn cảm hứng sáng tác một bài thơ nói về hoa mai và cái không khí của những ngày đầu xuân. Mục đích thầy làm bài thơ nầy là để chúc mừng ngày đầu năm mới cho quý Phật tử. Làm xong thầy liền đọc cho vị sư đệ của mình nghe. Thấy hay quá nên chú Huệ Minh liền đem trình với sư phụ. Đồng thời, cũng là để xin phép sư phụ treo nó lên trên cành mai để chúc mừng mọi người có dịp về chùa lễ bái hái lộc đầu năm. Nhà sư xem qua như đắc ý mỉm cười. Tuy rằng ý thơ không có gì sâu sắc lắm, nhưng cũng có chút tâm thành ngộ nghỉnh cầu chúc cho mọi người. Xét thấy cũng phù hợp với đạo lý nên ngài cho phép treo bài thơ nầy trên cành mai. Thế là chú Huệ Minh nói với sư huynh Huệ Văn nên viết theo kiểu chữ thư pháp để treo lên. Bởi thầy Huệ Văn biết viết thư pháp với nét bút rất đẹp và điêu luyện. Viết xong, thầy đưa cho chú Huệ Minh. Sau khi treo xong, chú Huệ Minh ngắm nghía thấy cũng xinh lịch đẹp mắt. Phật tử đến chùa ai nấy xem qua và rồi cũng trầm trồ khen ngợi hết lời về nét bút thư pháp và ý nghĩa của bài thơ.

Mai vàng nở rộ khoe màu sắc
Báo hiệu xuân về khắp Á Đông
Xuân nầy cầu chúc quý ông
Quý bà quý bác vui trong an lành

Trà “Từ Bi” ông bà cứ uống
Bánh “Vị Tha” dùng mãi trọn năm
Giữ gìn chánh đạo trong tâm
Đừng cho phai lạt suốt năm vui hoài.

Khi đề cập đến các loại hoa mai, thì theo người Trung Hoa, họ thống kê có đến khoảng 250 loại mai khác nhau. Riêng ở Việt Nam ta, thì có 4 loại hoa mai chính: Bạch mai, hoàng mai, mai tứ quý và mai chiếu thủy. Trong vườn kiểng của chùa, người ta thấy đều có đủ bốn loại hoa mai nầy. Mỗi loại đều có mỗi vẻ đẹp quý giá đặc biệt khác nhau. Chú Huệ Minh thì hay chăm sóc và thường ngắm nghía cây hoàng mai. Vì hoàng mai là loại hoa mai màu vàng rất đẹp. Ngược lại, thầy Huệ Văn thì lại thích mai tứ quý. Loại mai nầy bốn mùa đều có trổ bông. Nhờ vào sự khéo tay chăm sóc của vị sư trụ trì, nên những cây mai nầy rất đẹp và rất có giá trị.

Ai cũng biết, mai là loại cây không cứng chắc lắm. Tuy là mềm yếu, nhưng nó cũng có sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai. Mùa đông tuy thời tiết lạnh lẻo nhưng đối với nó cũng có đủ sức chịu đựng để vươn lên và vượt qua. Vượt qua để rồi chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng để chờ mùa xuân đến thì lại trổ hoa khoe hương khoe sắc. Những đóa hoa mai xinh đẹp mỹ miều, duyên dáng, trông giống như những nàng thiếu nữ thùy mỵ đoan trang, với nét đep kiều diễm như đang nép mình trong vườn hoa xinh đẹp. Hoa mai có mùi thơm thật êm dịu không ngọt ngào như các loài hoa khác. Tuy vậy, nhưng nó cũng có sức quyến rũ hấp dẫn đối với các loài ong bướm.

Trong lúc nhà sư đang chăm sóc cắt tỉa bớt lá những cây hoa mai, và uốn cành cho đẹp, thì chú Huệ Minh đến gần bên sư phụ như để cần gì sư phụ sai bảo. Nhìn thấy chú, nhà sư tay vừa cắt tỉa miệng vừa nói: Con thấy mấy cành mai nầy trổ bông có đẹp không? Chú Huệ Minh không chút ngần ngại vội đáp:

– Bạch sư phụ bông mai rất xinh xắn tươi đẹp.

Nhà sư hỏi tiếp: con có biết tại sao nó tươi đẹp không?

– Dạ! tại vì nhờ có sư phụ thường xuyên chăm sóc nó.

– Con chỉ trả lời đúng có một phần thôi.

– Sao lại chỉ có một phần vậy hả sư phụ?

– Sư phụ chỉ là cái chánh nhân để làm giúp cho cây mai phát triển tươi tốt đó thôi. Còn lại, phải còn nhờ đến nhiều thứ khác nữa để giúp cho cây mai hình thành tốt đẹp.

– Dạ! bạch sư phụ nhiều thứ khác là những thứ gì vậy sư phụ?

– Đó là phải nhờ có ánh nắng mặt trời, đất, nước, phân, không khí, sương, thời tiết v.v… nói chung là phải nhờ đến những môi trường chung quanh tốt, thì cây mai mới tăng trưởng tốt đẹp được đó con.

Nhà sư ngừng lại vài giây như để cho người đệ tử của mình chú ý thêm. Đồng thời cũng là để hít thở không khí trong lành trong chánh niệm. Qua vài giây yên lặng, nhà sư nói tiếp: cũng vậy đó con, đời sống hay sự tu học của con cũng rất cần đến môi trường tốt. Môi trường đó phải có một đời sống đúng theo chánh pháp. Ngôi chùa, thầy bạn, những thiện hữu tri thức xa gần, những Đàn na thí chủ v.v… tất cả đều có tác động ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tu học của con. Nếu như những điều đó tốt, thì giúp cho con có thêm một đời sống lành mạnh tốt đẹp hơn. Môi trường sinh thái tốt đó là tăng thượng duyên giúp cho đời sống của muôn loài được có thêm nhiều tốt đẹp. Vì vậy, môi trường sống rất là quan trọng mà con cần phải ý thức để bảo vệ. Con thấy không, những cảnh vật chung quanh đây sở dĩ được tươi tốt như thế nầy đều do thầy trò mình khéo biết chăm sóc bảo vệ đó. Người ta cứ nghĩ rằng, sự sống như là một sự biệt lập khu biệt của mỗi cá nhân, nhưng họ đâu có biết rằng sự sống được hình thành trong sự tương quan tương duyên với nhau rất là chặt chẽ.

Con có còn nhớ bài thơ “Nguồn Sống” mà hôm trước thầy có đọc cho các con nghe đó không?

– Dạ! bạch sư phụ con còn nhớ.

– Vậy đâu con đọc lại cho thầy nghe thử.

Chú Huệ Minh vâng lời thầy sửa lại cổ áo và lấy giọng đọc bài thơ đó cho sư phụ của mình nghe. Bài thơ nầy chú đã học thuộc lòng và nhuần nhuyễn như ăn cháo. Cho nên hôm nay nghe sư phụ bảo chú không chút ngần ngại đọc liền:

Anh bảo vệ rừng cây
Em bảo vệ núi sông
Anh với em đồng lòng
Nguyện chung sức xây dựng non sông.

Nầy em ơi cuộc sống
Sống không phải riêng ta
Sống cho tất cả muôn loài
Sống như thế mới thật là an vui.

Nầy ai ơi cuộc sống
Sống không phải riêng ta
Sống trải rộng chan hòa
Sống thương khắp mới thật là an vui.

Hãy nhìn xem rừng nú
Mang sức sống cho ta
Ta là rừng núi bao la
Rừng núi ấy cũng chính là ta.

Chú Huệ Minh rất thông minh và có trí nhớ dai không thua vì thầy Huệ Văn. Dù bản chất thông minh, nhưng không vì thế mà chú lại chễnh mãng lười biếng trong việc học hành, mà trái lại chú rất chăm chỉ siêng năng. Vì vậy chú rất được sư phụ mến thương.

Chú Huệ Minh vừa đọc xong, nhà sư nhìn vào đôi mắt sáng hoắc thông minh của chú và rồi nói tiếp: “Con nên biết rằng, trên đời nầy không có một vật gì độc lập không nhờ những thứ khác mà có thể sinh tồn được. Thầy hỏi con, mọi thứ tiện nghi vật dụng hằng ngày thầy trò mình có được để sinh sống ở đây, có phải là nhờ tất cả hay không? Như cây cuốc, cây dao, cái áo con đang mặc, cơm con ăn, nói chung là mọi thứ nhu cầu cho sự sống của con, đâu có phải tự con làm ra. Mà tất cả đều do những người khác làm ra cả. Nói cụ thể hơn, là mọi thứ đều do quan hệ trong lý duyên sinh mà hình thành. Cái nầy có là cái kia có, ngược lại cái nầy không là cái kia không. Thậm chí như đất, nước gió, lửa, đều là những thứ trực tiếp giúp cho con và muôn loài được sống còn. Thiếu một trong những điều kiện đó, thì con không thể nào sống được. Như con có ưng thiếu không khí được không? Hay không có nước được không?”

– Dạ! bạch sư phụ đời sống của mình làm sao mà có thể thiếu được những thứ đó?

– Đúng rồi. Nếu không có những thứ đó thì mình không thể sống được phải không? Vậy thì con muốn sống còn tất nhiên là con cần phải bảo vệ môi sinh đừng bao giờ có tâm hủy hoại tàn phá chúng nó một cách vô cớ. Dù là một cành cây hay một ngọn cỏ, cũng đều có ảnh hưởng ít nhiều đến sự sống của chúng ta cả. Rộng ra là cả muôn loài vạn vật. Do đó, nên trong kinh Phật nói là mọi vật đều có ân sâu nghĩa nặng với mình, nên mình cần phải biết tôn trọng và tri ân muôn loài. Đó là thầy nói qua một chút về lý nhân duyên sinh thành vạn hữu cho con biết sơ qua. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm Phật nói là trùng trùng duyên khởi đó con. Bây giờ thầy nói đến sự tu hành trong thực tế cho con rõ.

Nói xong, nhà sư đưa cây kéo vào một cánh lá nhỏ và người chậm rải nói: Con có thấy không, cái lá nầy nó bị héo úa tàn phai, thì mình phải hái bỏ nó đi. Vì để nó lại chỉ làm xấu đi và ảnh hưởng đến cây mai không tốt đó thôi. Mình hái bỏ nó đi thì nó sẽ ra lá khác tốt đẹp hơn.

Nhà sư nói tiếp, sự tu hành của mình cũng vậy đó con. Những phiền não trong tâm thức của mình cũng giống như là những lá héo úa nầy vậy. Mình cần phải thanh lọc trừ khử nó để thay vào đó những đức tánh tốt. Vì nếu mình cứ để nuôi dưỡng nó thì thật không có lợi lạc gì cho sự tu hành của con cả. Như con cứ để nhứng lá héo úa nầy, thì chỉ làm xấu đi cây mai mà thôi. Đồng thời cây mai cũng không phát triển tốt được.

Nhà sư vừa nói tới đây, thì thầy Huệ Văn cũng vừa đến đứng bên sư phụ. Thấy thế, nhà sư xoay qua thầy Huệ Văn và hỏi:

– Công việc ngoài vườn tụi con đã làm xong chưa?

– Dạ! bạch sư phụ cũng sắp xong rồi.

– Vậy con mời các em Phật tử vô chùa để chuẩn bị dùng cơm trưa.

– Mô Phật. Nhưng bạch sư Phụ, con có một việc muốn hỏi sư phụ.

– Việc gì thì con cứ hỏi.

Thầy Huệ Văn chưa kịp mở lời để hỏi sư phụ, thì chú Huệ Minh liền nhanh miệng xin phép sư phụ vào trong chùa lo dọn cơm để chuẩn bị cúng dường ngọ trai. Nhà sư bảo, thôi con hãy vô phụ dọn cơm với bà bảy. Chú Huệ Minh chắp tay xá chào sư phụ và sư huynh Huệ Văn rồi vội vả đi thẳng vào trong chùa.

Xong rồi, nhà sư hỏi thầy Huệ Văn, con muốn hỏi sư phụ điều gì thì con cứ hỏi đi.

Thầy Huệ Văn từ tốn chậm rải thưa:

– Bạch sư phụ, con nhớ hôm qua trong lúc uống trà, sư phụ có nói đến hoa mai. Sư phụ nói hoa mai không những là một loài hoa tinh khiết quý giá trong nhơn gian thôi, mà nó còn được người ta chú ý và đề cao những đức tính cao quý cốt cách thanh nhã đẹp đẻ của nó trong nền văn học dân gian, cũng như biểu trưng cho ý nghĩa siêu thoát trong nền văn học Phật giáo. Vậy cúi xin sư phụ có thể nói rõ hơn cho con biết là hoa mai đã được ca ngợi biểu trưng trong văn học nhất là qua thi ca như thế nào? Và sự biểu trưng ý nghĩa siêu thoát trong Phật giáo qua một vài thi kệ của các vị Thiền sư ra sao? Kính mong sư phụ từ bi chi dạy cho con.

– Con ạ! những vấn đề mà con thắc mắc nêu ra đó, thật không phải là những vấn đề đơn giản đâu. Phải nói đây là một vấn đề rất hệ trọng trong văn học dân gian cũng như trong văn học Phật giáo. Sở dĩ thầy nói hệ trọng, bởi vì đã có nhiều nhà văn, nhà thơ đã nghiên cứu viết về hoa mai, nhất là đối với các thi nhân Trung Hoa, họ cũng đã ca tụng khen ngợi về hoa mai rất nhiều. Trong nền văn học nước ta, cũng có nhiều văn nhân hay thi nhân, rải rác họ cũng đều có đề cập đến hoa mai. Họ cũng ca tụng khen ngợi hết lời. Ở đây, thầy chỉ nói đại khái hay đơn cử tiêu biểu qua một vài bài thơ hay một vài thi kệ mà các thi nhân Trung Hoa và Việt Nam ca ngợi thôi. Còn trong văn học Phật giáo thì thầy chỉ dẫn chứng cho con thấy một bài kệ tiêu biểu, đó là bài kệ nói về cành mai của Thiền sư Mãn Giác đời Lý.

Nhưng trước hết thầy đọc cho con nghe một vài bài thơ mà các thi nhân Trung Hoa đã nói đến hoa mai. Như bài thơ ca ngợi hoa mai tuyệt vời của thi sĩ Vương Duy đời Đường như sau:

Quân tử cố hương la
Ưng tri cố hương sự
Lai nhật ý song tiền
Hàn mai trước hoa vị

Nghĩa là:

Anh từ quê cũ đến
Chắc biết chuyện quê nhà
Xuân về bên cửa sổ
Có thấy mai trổ hoa.

Thầy cũng nói rõ thêm cho con biết, là người xưa coi ba loại hoa Mai, Tùng và Trúc như là ba người bạn thân tâm giao mật thiết với nhau vậy. Cho nên mới có câu nói là: “Ngự sử mai, trượng phu tùng,và quân tử trúc”. Ngoài ra, con còn thấy người ta kết hợp bốn loại hoa lại thành ra có tên gọi là tứ quý. Đó là: “Mai, Lan, Cúc, Trúc”. Bốn loại hoa nầy mỗi loại đều được biểu trưng đặc biệt cho mỗi mùa. Chung lại là bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Vì hoa mai có những đức tánh cao quý tinh khiết như thế nên người xưa cho hoa mai có đầy đủ phẩm chất cao quý của người quân tử.

Một nhà thơ nổi tiếng khác là Lý Bạch, ông cũng đã từng ca ngợi hoa mai. Nhân lúc ngồi uống rượu trên lầu Hoàng Hạc, nghe tiếng sáo thổi khúc nhạc “Lạc Mai Hoa” từ xa vọng lại, ông xúc động cảm hứng vì nhớ lại hình bóng cây mai ở Trường An mà sáng tác bài thơ:

Nhất vi thiên khách khứ Trường sa
Tây vọng Trường An bất kiến gia
Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch
Giang thành ngũ nguyệt Lạc Mai Hoa

Nghĩa là:

Một mình làm khách chốn Trường Sa
Hướng vọng Trường An chẳng thấy nhà
Ngự ở lầu Hoàng nghe sáo thổi
Giang thành mai rụng tháng năm qua.

Đó là hai nhà thơ nổi tiếng ở Trung Hoa đời Đường đã cảm tác những vầng thơ khi nghĩ đến hoa mai. Còn và còn rất nhiều nhà thơ khác cũng có sáng tác nhiều bài thơ nói về hoa mai. Nhưng ở đây thầy chỉ nêu ra hai vị tiêu biểu đó thôi.

Các thi nhân ở Việt Nam, cũng có nhiều nhà thơ ca ngợi ái mộ những nét đặc thù của hoa mai. Chẳng hạn như thi sĩ Đông Hồ có bài thơ diễn tả cành mai đẹp tỏa hương thơm ông viết như sau:

Cành mai nghiêng ngả bên đồi
Cành mai ấy của thơ trời điểm trang
Cành mai trước gió dịu dàng
Cành mai dưới tuyết đoan trang tinh thần
Vườn trời tỏ mặt Đông quân
Hương trời thoang thoảng non thần cung tiên.

Nhà thơ Kim Tuấn cũng có bài thơ “Anh cho Em Mùa Xuân”, ông mượn hình ảnh của đóa hoa mai để gởi tặng cho người yêu:

Anh cho em mùa xuân
Nụ mai vàng mới nở
Chiều Đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn hè phố
Mắt buồn vin ngọn cây.

Đại khái, thầy chỉ đơn cử hai nhà thơ tiêu biểu tượng trưng thôi, ngoài ra còn rất nhiều nhà thơ khác cũng đã diễn tả qua nhiều sắc thái nói về hoa mai. Sau nầy, con muốn tìm hiểu sâu rộng thêm, thì thầy khuyên con nên tìm những bài văn hoặc những bài thơ nói về hoa mai để mà đọc. Hôm nay, thầy chỉ nêu ra bấy nhiêu đó thôi.

Nhà sư nói đến đây, thì thầy Huệ Văn liền thưa:

– Bạch sư phụ, khi nảy sư phụ có đề cập đến thi kệ của Thiền sư Mãn Giác đời Lý, nói về cành mai, vậy con kính mong sư phụ giảng giải cho con hiểu rõ về ý nghĩa thâm thúy của bài kệ đó.

– Được. Thầy sẽ giảng sơ qua cho con nghe ý nghĩa của bài thi kệ đó. Nhưng hôm nay, mình không có đủ thời giờ để giảng đi sâu vào ý nghĩa thâm trầm của bài kệ đó đâu con, thầy sẽ giảng cho tụi con nghe vào một buổi học giáo lý khác.

Nói đến đây, nhà sư nhìn lên trên nền trời trong xanh không một đám mây gợn, như để hít vào một hơi dài cho khỏe và rồi người nhìn vào cành mai như để thầm nhắc người đệ tử của mình hãy trở về với thực tại. Hãy chú tâm vào cành mai trước mắt để giữ chánh niệm. Không nên để tâm phiêu lưu vào những cảnh giới không đâu hay đang thả dòng tâm thức suy tư vào thế giới hai đầu quá khứ và tương lai, mà quên mất đi hiện tại. Nếu thế, thì những lời giảng giải của nhà sư người đệ tử sẽ không thể nào lãnh hội yếu chỉ được.

Qua vài giây trở về với hơi thở chánh niệm, bấy giờ nhà sư nói tiếp. Trước khi thầy giải thích ý nghĩa của bài kệ đó, thầy muốn con đọc lại nguyên văn chữ Hán của bài kệ cho thầy nghe.

Nghe sư phụ bảo thế, thầy Huệ Văn như không cần suy nghĩ, thầy liền ứng khẩu đọc liền.

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền hóa
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhứt chi mai.

Đọc xong, nhà sư bảo được rồi. Nhưng con có còn nhớ nghĩa của bài kệ đó không?

– Dạ! bạch sư phụ, con còn nhớ nghĩa của bài kệ mà sư phụ đã từng dạy cho tụi con.

– Đâu con đọc lại cho thầy nghe thử.

– Dạ! con xin đọc.

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Việc đời trôi trước mắt
Trên đầu già đến nơi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.

Đọc xong, nhà sư liền nói: Đúng rồi. Con nhớ không sai một chữ. Bây giờ thầy sẽ giảng sơ qua ý nghĩa của bài kệ đó cho con nghe.

– Dạ! con xin hết lòng chăm chú lắng nghe.

Con à, như con biết, nói đến xuân là nói đến sự vận hành luân lưu của thời tiết. Vì thời tiết người ta chia ra làm bốn mùa. Mà mùa xuân là khởi đầu của bốn mùa. Mùa xuân là mùa mang nhiều sắc thái tươi đẹp. Hoa nở hay hoa tàn là theo thời tiết nhân duyên. Sự chuyển biến theo dòng thời gian mà cảnh vật luôn luôn thay đổi. Không có một sự vật nào đứng yên định hình một chỗ. Như con và thầy cũng theo dòng thời gian mà lớn lên rồi sẽ già nua cằn cổi đi. Bây giờ con thấy trên đầu của thầy tóc đã bạc hoa râm đã ngã màu tuyết trắng rồi đó. Ngày xưa, khi thầy còn bằng tuổi của con thì thầy cũng như con bây giờ. Tóc của thầy cũng vẫn đen huyền và cũng vẫn trẻ đẹp như con. Nhưng ngẫm lại, không mấy chốc thì tóc đã bạc màu. Đó con thấy đời người chỉ là một thoáng qua. Khác nào như những hạt sương mai. Mới thấy đó rồi chợt mất. Quả thật, xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây.

Con ơi, sự vật ở đời nó luôn luôn đi qua trước mắt mình không bao giờ dừng, khác nào như một dòng nước chảy trôi. Con thấy, ngày con mới đến đây xin thầy để được thế phát xuất gia, chỉ mới trải qua mấy năm thôi, mà cảnh vật chung quanh ở nơi đây cũng như thầy và các con thảy đều thay đổi hết. Con thấy, ngày xưa vườn kiểng cũng như khu vườn mà các con lao tác trồng trọt, đâu có được như bây giờ. Rồi khu vườn kiểng nầy và khu vườn kia nó cũng sẽ đổi thay theo dòng thời gian. Nói chung, vật lý, sinh lý, tâm lý đều luôn luôn biến đổi đi qua vùn vụt trước mắt con. Nó biến dịch thay đổi từng sát na, nhưng tại vì con không chú ý nên con không thấy sự thay đổi sinh diệt, diệt sinh của nó đó thôi. Đã biết cảnh vật vô thường sinh diệt như thế, mà người ta vẫn cứ mãi bám chấp vào chẳng khác nào như gắng sức cố công để nắm bắt một cái bóng trong gương hay một làn sương khói mỏng của buổi chiều tà.

Cho nên Thiền sư Mãn giác mượn đóa hoa để diễn tả sự vô thường. Bởi bản chất của hoa là vô thường là biến đổi sinh diệt sớm nở tối tàn. Mượn hình ảnh của một đóa hoa để nói lên tất cả sự vật ở trên đời nầy đều biến dịch đổi thay như thế. Biết được lý vô thường sinh diệt như hoa nở hoa tàn và vạn vật đều trôi qua nhanh chóng trước mắt mình, thì thử hỏi con có còn cố bám chấp vào nó để rồi tạo nghiệp thọ khổ nữa hay không? Con phải ý thức đến sự sống của kiếp người chỉ là giả tạm khác nào như quán trọ tạm dừng chân trên bước hành trình đi và đi mãi mà thôi. Từ ngàn xưa đến nay, con thấy có ai và có sự vật nào tồn tại mãi với thời gian không? Hay là tất cả đều bị thời gian bao phủ chôn vùi và hủy diệt hết. Đó là ý nghĩa của bốn câu trong bài kệ trên mà Thiền sư Mãn Giác nhằm thức nhắc cảnh tỉnh chúng ta phải nhận ra lý vô thường sinh diệt ở nơi ngoại cảnh và chính nơi con người của mình. Từ đó mình định hướng cho mình một hướng đi để tìm lại những giá trị của đời sống tâm linh và nhận diện con người thật của chính mình.

Đến hai câu kết, ngài nêu ra cho chúng ta thấy trong cái vô thường nó ẩn chứa tiềm tàng cái chân thường trong đó. Ngài nói đừng nghĩ rằng, mùa xuân qua đi rồi tất cả đều rơi rụng hết. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy một mặt vô thường không thôi, thì chúng ta chưa nhận chân được cái lý vô thường. Nếu chỉ hiểu thế, thì người ta lại bi quan và chán đời không muốn làm gì hết và thậm chí họ còn lên án cho đạo Phật là ru ngủ con người ta đi vào con đường yểm thế bi quan và làm cản trở bước tiến của xã hội. Đó là người ta đã hiểu lầm về đạo Phật. Nhưng đạo Phật không phải chỉ cho con người ở mặt tiêu cực không thôi, mà đạo Phật còn chỉ bảo và hướng dẫn cho mọi người thấy và nhận ra ở mặt tích cực nữa. Hiểu được lý vô thường là người ta càng lạc quan yêu đời hơn, vì sự vật luôn luôn có sự đổi mới. Mà đổi mới là nguồn sống là niềm hy vọng thăng hoa tiến bộ của con người. Đó là thầy chỉ nói ý nghĩa tích cực trong mặt xây dựng con người và xã hội ở mặt tương đối thôi. Nếu đi sâu hơn thì con thấy câu kết của Thiền sư đã hé mở cánh cửa vô thường cho ta thấy được cái chân thường trong đó. Vì hoa mai tuy có rụng hết thật, nhưng mà cành mai vẫn còn. Cành mai là tượng trưng cho tánh giác của con, của thầy và của tất cả chúng sinh. Như vậy, đứng về mặt hiện tượng giới, thì Thiền sư đã chỉ cho mình thấy được cái lý vô thường của vạn hữu. Còn đứng về mặt bản thể, thì ngài chỉ cho chúng ta thấy được cái bản chất chân thật bất sinh bất diệt hằng hữu trong mỗi con người chúng ta. Nếu như con nhận và sống lại với cái bản tánh sáng suốt thanh tịnh hằng hữu nầy, thì con mới thấy được “Cành Mai” của Thiền sư Mãn Giác chỉ cho chúng ta. Đó là thầy chỉ giảng sơ qua cho con hiểu phần nào về ý nghĩa thâm sâu uyên áo của bài kệ đó thôi.

Nhà sư vừa giảng tới đây, thì chú Huệ Minh ra mời sư phụ và sư huynh của mình vào trong chùa để dùng ngọ trai. Cả ba thầy trò đi từng bước khoan thai chậm rãi từ từ tiến vào bên trong chùa để dùng buổi ngọ trai.

Thích Phước Thái

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.