Phật Dạy Chăn Trâu

Không hung hăng tàn bạo, bản tánh vốn thuần hậu dễ sai khiến, siêng năng và nhiều nhẫn nại; nhưng lại hay làm bậy do sự si ngốc. Đó là đặc tính của trâu, mà cũng là đặc tính của chúng sinh. Phật không nhất thiết coi chúng sinh như trâu bò. Kinh Phật mà nói đến trâu, là nói đến bản tính si ngốc, vô trí nơi mỗi loài chúng sinh. Hiệu của Phật là Điều ngự sư, nên ngài là một người chăn, hay một người đánh xe khéo léo, đưa chúng sinh đến thành trì an lạc của giải thoát.

Sự si ngốc của chúng sinh không chỉ có một. Nó si ngốc tùy theo loại, nên cũng có cấp bực, có mỗi cách điều phục riêng biệt. Từ các hàng phàm phu, cho đến các hàng Thanh văn, Bồ tát, và cả đến các thiền sư, ngoại hạng, mỗi hành động và mỗi nỗ lực cho hành động, đều được ví với các cách chăn trâu.

TRÂU CỦA PHÀM PHU :

Kinh pháp cú, bài kệ I, phẩm Song yếu, nói :

Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu ai nói năng hay hành động với tâm bất thiện, khổ não sẽ đi theo như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe.”

Trong bài kệ này, nghiệp được ví như con vật kéo xe, mà nguyên ngữ Pàli là vahato, không nhất thiết phải là trâu. Nhưng cũng có thể nói đó là trâu.

Nghiệp được ví là trâu, vì tất cả nghiệp tạo tác đều được điều động bởi vô minh, cũng như con trâu được điều động kéo xe vì sự si ngốc của nó.

Kinh pháp cú, bài kệ 135, phẩm Đao trượng, nói :

“Như người chăn trâu cầm gậy lùa đàn trâu ra đồng cỏ. Cũng vậy, tuổi già và sự chết xua đuổi mạng sống ra đi.”

Mạng sống, hay tuổi thọ của mỗi chúng sinh, được ví như một con trâu, tuổi già là cây gậy, đồng cỏ là sự chết, và thằng chăn là nghiệp lực. Đời sống của chúng sinh bị nghiệp lực xua đuổi đi tới sự chết bằng tuổi già, như con trâu bị thằng chăn xua đuổi ra đồng cỏ bằng cây gậy. Con trâu nhắm tới đồng cỏ, sự sống nhắm tới sự chết. Chúng sinh không tự chủ trong hành động, cũng như trâu không tự chủ trong sở thích của nó.

TRÂU CỦA THANH VĂN:

Tần-bà-ta-la, quốc vương xứ Ma-kiệt-đà, thỉnh Phật và năm trăm đệ tử Phật cúng dường trong ba tháng. Vương dọn sữa tươi cúng Phật và chúng Tỳ kheo tăng, nên cho gọi những người chăn trâu ngày ngày mang sữa tươi đến. Sau ba tháng, quốc vương thương cảm những người này, muốn cho họ đến hầu Phật. Họ đến hầu Phật, sung sướng được chiêm ngưỡng dung nhan của Phật. Nhưng không biết gì để thưa hỏi. Vì họ là những người chăn, nên chỉ biết việc chăn mà thôi. Họ đem việc đó hỏi Phật, chăn thế nào cho có hiệu quả thiết thực. Phật dạy :

Nếu biết giữ mười một điều thì người chăn có thể làm cho bầy trâu mạnh khoẻ và nhiều thêm.

Nhân đó, Phật cũng dạy các thầy Tỳ kheo phải biết mười một pháp, để cho thiện pháp được tăng trưởng.

Đây là mười một điều tâm niệm của người chăn, tương xứng với mười một điều tâm niệm của thầy Tỳ kheo :

1) Biết sắc. Biết các sắc của trâu: sắc đen, sắc trắng, sắc tạp.

Tỳ kheo cũng thế. Biết hết thảy sắc pháp đều là tứ đại và tứ đại sở tạo.

2) Biết tướng. Biết trâu có tướng tốt hay không có tướng tốt. Do so với các bầy trâu khác mà biết. Tỳ kheo cũng vậy. Thấy tướng thiện nghiệp thì biết là người trí, thấy tướng ác nghiệp thì biết là người ngu.

3) Biết mổ xẻ. Khi trâu bị các trùng độc hút máu, các vết thương lở ra. Biết mổ xẻ thì trừ được các điều có hại. Tỳ kheo cũng vậy. Thấy cái đó là ác, thì biết là loài trùng độc hút máu thiện căn làm vết thương của tâm lở thêm ra. Biết trừ đi thì được an ổn.

4) Biết che vết thương. Hoặc lấy vải, hoặc lấy lá cây, che các vết thương, không để cho ruồi muỗi châm chích. Tỳ kheo cũng vậy. Niệm pháp chánh quán để che vết thương lục tình, không để cho các trùng độc phiền não tham dục, sân nhuế, ngu si châm chích gây ra vết thương.

5) Biết nhóm khói. Nhóm khói là để trừ các loài ruồi muỗi. Trâu nhìn xa thì nhằm chỗ đó mà về nhà. Tỳ kheo cũng vậy. Đúng như điều được nghe mà thuyết để trừ các loài ruồi muỗi kết sử, lấy ngọn khói chánh pháp để dẫn chúng sinh về trong nhà vô ngã, thật tướng, tánh không.

6) Biết đường tốt. Biết con đường đi về của trâu tốt hay xấu. Tỳ kheo cũng vậy. Biết con đường bát thánh có thể đi đến Niết-bàn, lìa con đường xấu chấp đoạn chấp thường.

7) Biết chỗ trâu thích hợp. Biết nơi nào thích hợp cho trâu sinh sôi nảy nở, ít bịnh. Tỳ kheo cũng vậy. Khi giảng thuyết Phật pháp thì được pháp hỉ thanh tịnh, các thiện căn thêm lên.

8) Biết đưa qua sông. Biết chỗ dễ lội xuống, dễ đi qua, không có sóng dữ, không có trùng độc. Tỳ kheo cũng vậy. Thường đến chỗ của những Tỳ kheo đa văn mà hỏi pháp, tâm sáng hay tối, phiền não nặng hay nhẹ, khiến cho được vào bến tốt, an lành mà được độ thoát.

9) Biết an ổn. Biết chỗ ở có hay không có cọp beo, sư tử, ác trùng, độc thú. Tỳ kheo cũng vậy. Biết bốn niệm xứ là chỗ an ổn, không có ác ma, độc thú, phiền não. Tỳ kheo vào ở chỗ đó sẽ được an ổn, không lo ngại.

10) Biết giữ sữa. Trâu mẹ thương yêu trâu nghé nên lén cho sữa. Nếu biết giữ sữa còn lại cho trâu mẹ hoan hỉ, trâu con không bị khát sữa. Như vậy, chủ trâu và người chăn trâu ngày ngày có thêm điều ích lợi. Tỳ kheo cũng vậy. Bạch y cư sĩ cung cấp các thứ y phục, ẩm thực, nên biết tiết lượng, không để khánh kiệt; đàn việt sẽ hoan hỉ, tín tâm do đó không dứt. Mà người thọ nhận sẽ không bị thiếu hụt.

11) Biết nuôi trâu đầu đàn. Con trâu nào lớn nhất, có thể giữ được cả đàn trâu, nên phải giữ gìn không để tiều tụy. Uống thì cho dầu lạc, trang sức thì cho vòng hoa, tiêu biểu thì lấy sừng sắt cọ mài, vuốt ve khen ngợi… Tỳ kheo cũng thế. Trong chúng tăng có bậc đại nhân có uy đức, hộ trì chánh pháp, hàng phục ngoại đạo, có thể khiến cho tâm chúng được gieo các thiện căn, nên tùy sở nghi mà cung kính cúng dường…

Những người chăn trâu sau khi nghe Phật giảng các cách chăn trâu cặn kẽ như vậy, rất lấy làm thán phục. Họ kinh ngạc, không tưởng được một hoàng tử suốt đời chưa từng chăn trâu, mà lại biết rành rẽ về các cách chăn trâu như vậy. Họ nói với nhau rằng, trong nghề của mình, biết nhiều lắm ba hoặc bốn chuyện. Dù đến bậc thầy chăn trâu cũng chỉ biết năm hay sáu chuyện là cùng. Phật lại biết cả mười một cách, quả ngài là bậc Nhất thiết trí. Theo họ, Nhất thiết trí, một danh hiệu thường được dùng tôn xưng đức Phật, có nghĩa là cái gì cũng biết, cả đến việc chăn trâu cũng phải biết.

TRÂU CỦA BỔ TÁT :

Trước đây, trong quyển tranh chăn trâu, do An tiêm xuất bản, tôi có cho in các bài văn ngắn của các cao tăng Trung hoa thời xưa, và trích dịch 30 bài thơ, vừa xướng vừa họa, cũng của các cao tăng Trung hoa, về tranh chăn trâu. Nay nhân dịp này, tôi dịch ra đây mười bài thơ khác, trích trong quyển Tịnh độ chứng tâm tập, của Vạn Liên, đời Thanh, trước thuật.

Đại thừa lấy việc chăn trâu dụ cho việc luyện tâm. Cái tâm đó, nguyên lai thuần hậu, nhưng đã bị đánh lạc mất, để nó chạy rông, buông lung theo sở thích không biết gì đến những hiểm nguy rình rập, cho nên phải tìm lại, và chế ngự cho thuần tánh. Từ khi tìm trâu để chăn cho đến khi việc chăn thành tựu, trải qua mười giai đoạn,

1) TÌM TRÂU :

Giá điều tuấn lĩnh thảo ly ly
Hoa lạc lâm gian bát nhãn mi
Đáo thử dĩ tương trân thế cách
Na biên ưng bả tục tình di
Trùng trùng hàng thọ hàm thù thắng
Yết yết dư hà đĩnh tú ti
Mịch biến khê sơn vô tích thú
Hồn nhiên đại khởi nhất đoàn nghi.

Núi cao cây cỏ mịt mùng
Vén mày tìm lối hoa rừng mà qua
Chợ đời một cõi cách xa
Tình đời thôi hãy gác ra cõi ngoài
Chập chùng biết mấy hàng cây
Ráng chiều vời vợi vẻ ngày lên cao
Nầy non kìa suối tìm đâu
Lòng ôm một nỗi mấy bầu hoài nghi

2) THẤY DẤU :

Thanh phong xuy phá bích vân yên
Trực thượng cao phong tuyệt đảnh biên
Khê lộ điều điều lai nhãn để
Đề ngân ẩn ẩn đáo ngân tiền
Tương phùng tợ suyển tùng sao nguyệt
Tạc hiến như khuy tỉnh lý thiên
Truy hướng Qui sơn cừ diện mục
Giá hồi y cựu bất năng xuyên

Gió lành thổi dạt mây mờ
Trèo lên tuyệt đỉnh trơ vô tuyệt vời
Liếc chừng con suối chảy xuôi
Dấu chân thấp thoáng đây rồi phải chăng
Tuồng chi thông réo vờn trăng
Vẻ chi đáy giếng mà trong bóng trời
Non Qui chắc có mặt mầy
Rồi ra chẳng biết đường dây mối nào

3) THẤY TRÂU

Ngưu nhi nhất kiến tự vong ưu
Đầu giốc tranh vanh tượng ngoại du
Bất hưởng cốc trung hô bất trụ
Vô âm dương xứ hoán vô hưu
Chân hình lộ địa tiền sinh ngo
Thật trí huy thiên xuất thế lưu
Không bả tị thằng nan hạ thủ
Ngưng mâu trực thị cánh thâm u

Thấy trâu lọ phải ưu sầu
Sừng chông chênh chếch ra màu xa khơi
Kêu vang hốc núi dội lời
Mà đâu thanh khí cho hoài công lao
Duyên đời rồi sẽ gặp nhau
Trí lay trời rộng cõi nào sánh ngang
Làm sao xỏ mũi tay thừng
Tròn xoe con mắt trông chừng xa xa

4) ĐƯỢC TRÂU

Đốn triệt thiên nhiên thân ngoại thân
Dã hồ tinh mị cảm đồng luân
Ngang đầu cố thị hòa thân chuyển
Ồn bộ du hành thoát tục trần
Đạp khước hoá thành tam bách chủng
Canh lai pháp địa thập phấn xuân
Đoan đoan tị khổng thâm thâm quán
Bảo thọ âm trung hảo dưỡng thần

Rõ ràng vóc dạng rồi nha !
Chồn kia cáo nọ không là giống chi
Ngẩn đầu quay lại bước đi
Thong dong dạo bước mơ gì trần ai
Ba trăm quán trọ qua ngay
Về nơi đất pháp công cày nên xuân
Sít sao mũi buộc dây thừng
Cây sao bóng rủ kề lưng giấc hòe

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.