Hiểu Lầm

Có cặp vợ chồng trẻ từ Huế vào Nam để lập nghiệp. Trên con đường tiến bước trong bầu trời nóng nực của mùa hè, họ không tìm được chỗ nào thích hợp để dừng chân. Đi không bao lâu họ tìm thấy và tạm nghĩ ở một quán bán nước mía cho khách vãng lai trên đường. Vừa ngồi xuống, thì một cậu bé rất trẻ nhanh nhẹn chạy đến để tiếp khách.

Sau khi đã giải khát với ly nước mía thơm ngon, nhưng bầu trời quá nóng nực nên uống xong người vợ có ý kêu thêm một ly nước liền gọi cậu bé lại và nói:

“Cho cô thêm ly nước”.

Khoảng vài phút sau, cậu bé mang ra một ly nước mía và đặt trên bàn. Người vợ ngạc nhiên bèn nói nhỏ với chồng:

“ Em kêu nước mà sao cậu ta mang nước mía”.

Ông chồng định kêu cậu chạy bàn đến để phàn nàn thì người vợ cản và bảo:

 “ Chắc cậu ta nghe lộn, thôi anh ráng uống dùm em” .

Một lần nữa, người vợ lại gọi cậu bé đến và cố tình nói thật chậm: “ Xin.. cho ..cô ly… Nước”. Cũng vài phút sau cậu ta lại mau mắn mang ra một ly nước mía nữa. Lần này thì người vợ quá sức ngạc nhiên và thầm nghĩ: “cậu bé có phải đang đùa với mình chăng, hay khônng thích tiếp khách người từ miền ngoài?”. Nhưng nghĩ lại thương cho cậu bé, cũng trạc tuổi con cháu mình, đi làm kiếm tiền cũng cực khổ, nên bỏ qua nhưng sợ chồng giận, cô ta nói:

 “ Không sao, em kêu bỏ bịch, chút nữa khát, em uống”.

Lần này thì ông chồng rất tức giận, nhưng nghe vợ nhắc lại lời Phật dạy là nên có tính nhẫn nhục với mọi người, nên cố dằn cơn nóng giận và bảo với vợ rằng:

 “ Thôi mình tính tiền rồi mau lên đường, nếu không anh quên mất lời dạy của Phật thì không tốt”.

Khi tới quầy tính tiền, may mắn làm sao ông chủ tiệm nước mía hỏi:

“Sao! Cô cậu thấy, nước mía quán chúng tôi có ngon không”?.

Lúc đó ông chồng vừa buồn giận nhưng lại thấy vui khi nghe câu hỏi của ông chủ quán vì tự nghĩ mình có thể nói với ông rồi đây. Ông chồng trả lời với giọng nói không hài lòng cho lắm với cách tiếp khách của người làm. Ông nói:

“Vợ tôi gọi Nước, mà sao cậu bé cứ mang nước mía ra hoài”.

Ông chủ bèn gọi cậu giúp việc đến để hỏi sự việc thì mới hiểu ra rằng, cậu ta không nghe được tiếng Huế rặc. Người vợ nói “Cho cô ly Nước” người Trung giọng nặng nên chữ “Nước” nghe giống như “Nược” mà qua tai cậu bé tưởng là “Cho cô ly nữa”, thành ra cứ mang nước mía ra hoài.

Sau khi hiểu được sự việc, vợ chồng mỉm cười và lòng tức giận cũng biến mất. Ông chủ tự hiểu ra, cậu bé cũng may gặp được cặp vợ chồng bản tánh hiền lành, nếu không cậu bé cũng đã bị mắng một trận. Ông đã xin lỗi về sự hiểu lầm này và không tính tiền hai ly nước mía sau để tỏ lòng.

Người vợ thấy ông chủ biết chuyện đối xử quá tử tế, nên xin trả tiền bịch nước mía đem về. Cả hai bên đều vui vẻ. Cặp vợ chồng quay lưng đi mà còn nghe văng vẳng tiếng của ông chủ nói với cậu bé:

 “ Lần sau nhớ cẩn thận, hỏi khách cho kỹ nghe con”.

Tôi ước Cha tôi còn sống, để tôi kể người nghe câu chuyện này. Cha tôi cũng là người Huế, nhưng may mắn chưa gặp phải trường hợp hiểu lầm như trên. Nếu ai cũng có thể nghĩ tới Phật trong mọi tình huống như thế, thì cuộc đời này sẽ luôn đẹp và tươi thắm như mùa xuân.

Nhớ đến câu chuyện này tôi tự nhũ với mình qua mấy câu thơ như sau:

Ở đời khi giận nhớ là
Mất khôn dẫn đến phiền hà tốt chi
Giữ tâm thanh tịnh từ bi
Cuộc đời tạm bợ chuyện chi điên cuồng
Cái gì cũng có cội nguồn
Xét mình trước đã đừng buồn chi ai
Nhũ lòng làm việc chi sai
Theo lời Phật dạy sửa ngay tâm lành
Ði đôi học phải biết hành
Niết Bàn vĩnh cửu đạt thành ước mơ.

Bạch Ngọc

http://www.tangthuphathoc.net/truyenpg/hieulam.htm

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.