Phật Giáo Và Thực Tiễn Cuộc Sống

Sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, trong bốn mươi chín năm, Đức Phật đã thuyết pháp hơn ba trăm hội. Để đáp ứng nhu cầu của nhiều người ở nhiều trình độ, trong những hoàn cảnh và thời gian khác nhau, Ngài đã giảng dạy vô số pháp khác nhau mà kinh thường diễn tả là tám mươi bốn ngàn pháp môn. Tất cả các pháp không đồng ấy đều giúp cho người đạt đến cứu cánh an lạc giải thoát và trí tuệ siêu việt.

Năm trăm năm sau khi Phật Niết bàn, lập cước trên tinh thần Phật dạy, tùy thời, tùy chỗ, tùy người mà sử dụng giáo pháp thích nghi lợi lạc cho ta và mọi người, Phật giáo phát triển ở Ấn Độ đã làm cuộc canh tân. Thật vậy, các nhà tâm huyết Đại thừa thấy rõ sinh hoạt lạc hậu theo lối mòn của Phật giáo đang xuống dốc trong một xã hội phát triển với tư tưởng văn minh của Hy Lạp truyền đến, cùng với lý luận sắc bén của giáo lý Vệ Đà. Để Phật giáo có thể tồn tại trong thời phục hưng của Bà La Môn giáo, họ đề xướng vận dụng áo nghĩa của giáo lý cho phù hợp với thời đại, văn minh của loài người tiến bộ đến đâu, thì ít nhất tri thức Phật giáo phải mở rộng đến đó. Tư tưởng duy tân ấy được thể hiện rõ nét trong các bộ kinh Đại thừa, khởi đầu là kinh Duy Ma.

Tiếp theo, một ngàn năm sau, đối trước sự phát triển cao độ về văn hóa của xã hội ở đời Đường, chúng ta liền thấy Phật giáo ở Trung Hoa cũng phải thực hiện một cuộc cải cách mạnh mẽ. Phát xuất từ tinh thần canh tân đó mà Đường Huyền Trang và Đường Nghĩa Tịnh đã khổ công băng rừng, trèo núi, vượt sa mạc để tìm cho được giáo pháp quý báu có khả năng thay thế những gì cằn cỗi già nua không còn thích hợp của Phật giáo và có thể góp mặt với văn hóa mới của xã hội. Quan sát Phật giáo Nhật Bản, chúng ta cũng thấy có sự canh tân trong những giai đoạn khác nhau.

Vào thế kỷ XII, nước Nhật bị tàn phá khốc liệt vì thiên tai, nội chiến, ngoại xâm đe dọa và Phật giáo Nhật Bản bị pha trộn tà giáo nặng nề. Nhật Liên Thánh nhân cũng như các vị Tổ sư khác đều đưa ra những đường lối cải cách giúp cho Phật giáo trở lại trong sáng, tồn tại thích hợp và giải quyết được những khó khăn của đất nước. Sau Thế chiến thứ hai, một lần nữa, Phật giáo Nhật lại thay đổi với sự xuất hiện của tổ chức gọi là Tân hưng Phật giáo. Để thích nghi với hoạt động của một nước công nghệ hóa và đô thị hóa, dân chúng tập trung sống ở thành phố đông hơn, bận rộn công việc nhiều hơn, các nhà lãnh đạo Phật giáo Nhật Bản đã đưa sinh hoạt Phật giáo vào đô thị. Họ tổ chức tín đồ thành nhiều nhóm nhỏ, tu học, tụng niệm tại các chung cư. Mục tiêu của sinh hoạt nhắm vào việc đào tạo Phật tử trở thành mẫu người tốt, giỏi, lợi ích cho xã hội. Hoạt động mạnh nhất theo hình thức này là Sokai Gakkai với mười sáu triệu tín đồ. Về nghi lễ tụng niệm thường đơn giản, ngắn gọn, nhưng chính yếu hoạt động phong phú về văn hóa, kinh tế, xã hội, văn nghệ, kể cả thể thao. Nhờ vậy, đáp ứng được yêu cầu của quần chúng và đặc biệt thu hút được giới trẻ, có đến tám triệu thanh thiếu niên (trong số mười sáu triệu tín đồ).

Trong thời cận đại, tại Trung Quốc, dưới sự hướng dẫn khéo léo của Thái Hư Đại sư, Phật giáo cũng tăng thêm nhiều khởi sắc. Ngài đưa ra sinh hoạt đổi mới trong lãnh vực diễn giảng, báo chí, truyền bá chánh pháp, thành lập trường Phật học được giới Tăng Ni trẻ và hàng trí thức ủng hộ mạnh.

Tại Đại Hàn, trong những tuần lễ vừa qua, chúng ta thấy xuất hiện hình ảnh Đức Phật với quả bóng đá. Điều này chẳng có gì kỳ lạ, khó hiểu. Một khi môn thể thao bóng đá được dân chúng ưa thích, giới trẻ say mê, thì Phật giáo Đại Hàn vận dụng phương tiện đó để gần gũi mọi người, tạo cho họ gắn bó với đạo và từ đó xây dựng thêm được điều gì tốt đẹp cho đạo mới thực sự có giá trị.

Riêng Phật giáo Việt Nam tồn tại và phát triển đến ngày nay cũng nhờ công sức canh tân thích ứng từng thời kỳ khác nhau của biết bao vị cao Tăng thạc đức tiền bối. Và gần đây nhất, chúng ta thừa hưởng sự nghiệp tốt đẹp của công cuộc chấn hưng Phật giáo do các vị Tổ sư là Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh v.v… thực hiện.

Tóm lại, trong quá trình lịch sử phát triển Phật giáo ở bất cứ nước nào, từng giai đoạn khác nhau đều có những tư tưởng và hoạt động cải cách để phù hợp, tồn tại, phát triển với trào lưu tiến hóa của xã hội. Thiết nghĩ chúng ta cũng không đứng ngoài quy luật ấy. Thấy rõ lớp trẻ tiêu biểu cho sự sống còn dài xa của đạo pháp nghĩ gì, cần gì, theo đó mà đáp ứng. Đào tạo được lớp Tăng Ni trẻ trí thức, cùng hàng cư sĩ hộ đạo nhiệt tâm, thâm nhập Phật pháp. Đưa những bông hoa tươi tốt này vào đời, hòa nhập cùng xã hội, mang an vui, lợi ích cho người. Đó là trọng trách của hàng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷXXI.

Báo GN số 12, ngày 22-6-1996

http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien/sach/tu-tuong-phat-giao-1/phat-giao-va-thuc-tien-cuoc-song

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.