Đức Phật đối thoại với gã chăn cừu

Đức Phật đối thoại với gã chăn cừu – Phần 1

“Trí tuệ gắn liền với từ bi, từ nguồn trí tuệ mà suối từ bi tuôn chảy và nhờ suối từ bi nên cây trí tuệ tươi tốt trổ hoa”.

Trong hơn 15 năm qua bác sĩ-cư sĩ Trịnh Đình Hỷ [1] dưới bút danh Trịnh Nguyên Phước đã đăng trên các báo in và báo mạng nhiều bài viết về một số vấn đề Phật học hiện đại đang được giới lý luận tôn giáo bàn thảo. Mới đây một số tiểu luận ấy được tập hợp in thành sách trong cuốn: “Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu” (Nxb Văn Nghệ, 12/2009, 326 trang).

Thiết nghĩ, những ai quan tâm tới vấn đề tôn giáo nên tìm đọc sách này, nhất là khi đạo Phật ở ta đang được khuyến khích phát triển tới mức trở thành một hiện tượng xã hội đáng suy ngẫm [2].

Nội dung sách gồm 4 chương: Vài câu chuyện Thiền; Tản mạn về một vài vấn đề; Tương quan giữa đạo Phật và khoa học; Giáo lý căn bản của đạo Phật.

Mấy câu chuyện thiền ở chương I: Đối thoại trong im lặng; Tắt đèn; Những tiếng meo; Người cha già đều có nội dung sâu sắc, ý vị, nhắc ta chớ để đầu óc mình bị ám ảnh với những cái gọi là vọng tưởng (vọng: viển vông, xằng bậy). Nhiều hủ tục trong xã hội đều xuất phát từ các vọng tưởng.

Con người hay tạo dựng trong tâm thức của mình những cái không có thực rồi cứ yên trí đó là sự thực và vì thế bị chúng ám ảnh, che giấu mất thực tại; đạo Phật khuyên ta gạt bỏ các vọng tưởng, trở về sống với thực tại. Thiền chính là cách giúp ta đạt được như vậy.

Chương II gồm 4 vấn đề. Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu là một mẩu chuyện trong tiểu thuyết Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis [3] từng có ảnh hưởng sâu đậm đến quan điểm sống của bác sĩ Hỷ.

Qua mẩu chuyện này, tác giả muốn bác bỏ quan niệm sai lầm của nhiều người cho “đạo Phật là khổ hạnh” Đúng thế, đạo Phật chủ trương diệt khổ, cớ gì lại đi tìm cái khổ thân xác; con người cần hiểu được hạnh phúc hay khổ đau chính là tự cái tâm của mình mà thôi; khi đã luyện tập được tới mức làm chủ cái tâm của mình rồi thì sống ở đâu cũng hạnh phúc.

Đây là một quan niệm mới từng được tác giả trình bày trong một bài viết rất nên đọc Sự truyền bá đạo Phật tại Tây phương: một cuộc Chuyển Pháp luân mới? [4]

Mục Phiếm luận về thời gian chủ yếu trình bày những quan niệm về thời gian của các phái trong Phật Giáo. Phái Hữu bộ nói cả ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai đều có mặt; tất cả các pháp đều tự nó có mặt, chúng vô thủy, vô chung và chỉ chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác; ví như một phụ nữ vừa là bà mẹ vừa là bé gái. Phái Kinh Lượng bộ cho rằng chỉ hiện tại mới thực sự có mặt và thời gian chỉ là một ảo tưởng.

Phái Trung quán nói thời gian chỉ là Không, nhưng không phải là hư vô, không có gì; do đó thời gian không phải là vấn đề, mà chỉ có trên hiện tượng. Phái Duy Thức quan niệm thời gian chỉ là sản phẩm của ý thức, do thức mà có. Từ các quan niệm đó dẫn tới vũ trụ quan của Phật Giáo: nói chung đạo Phật cho rằng vũ trụ không có giới hạn trong không gian cũng như thời gian, vô thuỷ vô chung, không có điểm khởi đầu và điểm kết thúc – điều này không trái với vật lý hiện đại.

Tác giả kết luận: thời gian rất đa dạng và đầy nghịch lý; ta chưa thể trả lời một cách đơn giản thời gian là gì, có ý nghĩa gì. Điều quan trọng là hiểu được phải làm gì với thời gian, tận dụng thời gian, không lãng phí nó. Trong xã hội hiện đại, thời gian vô cùng quý báu; vì thế stress đã thành bệnh thời đại. Nếu chạy đua với thời gian thì con người chỉ có thua. Càng nắm chặt thời gian thì càng bị nó vuột mất. Vì vậy, con người cần phải làm chủ thời gian và áp dụng những giây phút chánh niệm để tìm được sự an lạc cho chính mình.

Vấn đề Tâm là gì? cũng rất thú vị. Ta thường nói Phật tại tâm, rồi thiện tâm, lương tâm… Vậy thì tâm ở đâu? Ở trái tim hay bụng dạ? Tác giả cho rằng tâm và não là một, và đưa ra những chứng cớ cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của não trong việc hình thành cái tâm của con người. Thiền là cách tập luyện cho cân bằng giữa hai não trái và phải. Đạo Phật chính là một trong các phương pháp tu luyện tâm não hữu hiệu nhất nhằm giải thoát con người.

Chương III Tương quan giữa đạo Phật và khoa học cho thấy đạo Phật phù hợp với khoa học, có chung một nền tảng là trí tuệ, không cần tới đức tin, đều khẳng định không có thần linh nào cả mà con người tự quyết định cuộc sống của mình, hoặc mê muội ngu si hoặc giác ngộ giải thoát, qua tu học mà đạt tới trí tuệ.

Đạo Phật cho rằng không có định mệnh, chỉ có luật nhân quả. Tất nhiên, đạo Phật ra đời trước khoa học hơn 2000 năm, cho nên có khác nhau. Khoa học dựa vào lý trí còn đạo Phật dựa trực giác, vượt khỏi lý trí.

Tác giả kết luận: các kinh nghiệm của đạo Phật không chống đối khoa học mà còn giúp nó phát triển, đặc biệt về khoa học tâm linh; các khám phá khoa học không phủ nhận những nguyên lý của đạo Phật mà còn rọi ánh sáng vào đó.

Do khoa học phát triển, con người đã làm chủ thiên nhiên trên hầu hết lĩnh vực, xã hội tiến sang thời kỳ hưởng thụ tiện nghi vật chất, đồng thời xuất hiện khoảng trống lớn về cái tâm, gây ra nỗi lo lắng, stress. Cuộc khủng hoảng văn minh này có thể giải quyết bằng cách kết hợp khoa học với đạo Phật để tìm ra một giá trị tinh thần mới, một con đường hướng dẫn tâm linh.

Sau mấy chục năm hành nghề thầy thuốc ở Pháp, bác sĩ Hỷ có đủ tư cách để trình bày hai vấn đề sinh đạo đức (bioethics) và trợ tử (euthanasia, giúp người bệnh tự tử theo ý muốn trong trường hợp mắc bệnh chắc chắn chết và không chịu nổi nỗi đau do bệnh), là những vấn đề mới mẻ của y học hiện còn tranh cãi.

Sinh học và y học trong 50 năm qua phát triển nhanh hơn trong 50 thế kỷ trước, và làm nảy sinh những vấn đề đạo đức mới gọi chung là sinh đạo đức.

Thí dụ vấn đề ghép nội tạng, ngừa thai, phá thai, thụ thai nhân tạo… đều nhằm làm cho đời sống con người tốt hơn, bớt khổ hơn; nhưng lại mâu thuẫn với luân lý đạo đức của một số tôn giáo thần khải, vì thế họ (thí dụ Ki Tô Giáo) phản đối các tiến bộ khoa học đó. Các tôn giáo này lấy Thượng Đế làm trung tâm, coi con người là hình ảnh của Thượng Đế; lại có những giáo điều xơ cứng, vì thế khó thay đổi để thích hợp với tiến bộ của xã hội.

Phật Giáo lấy con người làm trung tâm, không có các giáo điều xơ cứng tuyệt đối; mục đích duy nhất của đạo Phật là diệt khổ, cứu khổ, vì thế tác giả cho rằng các tiến bộ khoa học đó hợp với tinh thần của đạo Phật. Dĩ nhiên vấn đề này còn cần thảo luận nhiều.

Giáo lý căn bản của đạo Phật (chương IV) luôn là vấn đề đáng quan tâm nhất tuy xưa nay đã được bàn nhiều nhưng không dễ nhất trí. Với kinh nghiệm 40 năm nghiên cứu Phật học, tác giả tái khẳng định Phật tại Tâm là chìa khoá mở vào cửa Phật. Ai muốn theo đạo Phật thì hãy ghi nhớ câu cửa miệng của mọi Phật tử chân chính: Phật tại tâm. Vì thế mà ca dao Việt có câu “Thứ nhất là tu tại gia…”, có nghĩa, chẳng cần ở chùa, bạn vẫn có thể tu tập trở thành người có đạo đức như Phật dạy.

Tu tại gia hoặc tại chùa, đều là tu sửa cái tâm của mình, cố giữ cho tâm trong sạch và an định, tĩnh lặng.

Đức Phật nói: ai cũng có Phật tính, Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Nghĩa là Phật ở trong lòng mỗi người chứ không ở tượng Phật, ở những viên xá lợi; ai đi tìm Phật ở ngoài mình đều uổng công vô ích. Phật tử chân chính luôn phải về với cái tâm của mình, tự hỏi mình đã làm được lời Phật dạy chưa.

Những người chưa nhận thức được như vậy thì thường phải dựa vào các sức mạnh bên ngoài, như đọc kinh sách Phật hoặc học hỏi tăng sĩ, song cách làm này thiếu hiệu quả thiết thực. Kinh Phật có cả trăm nghìn cuốn, hầu hết là kinh chữ Hán hoặc dịch từ chữ Hán, rất ít người thực sự hiểu được.

Toàn bộ kinh Phật đều do các Phật tử viết sau khi Phật Tổ mất rất lâu, thậm chí hàng trăm năm, khó có thể coi là lời Ngài dạy. Một nhà Phật học dành cả đời nghiên cứu kinh Phật từng nói: “Ba phần tư kinh điển Phật Giáo là vô ích”. Tốt nhất là hãy đọc những bài giảng giải đạo Phật của các học giả tinh thông Phật học (đăng trên nhiều báo in, báo mạng Phật Giáo).

Nhiều người kém hiểu biết còn dựa vào các sức mạnh huyền bí, thí dụ làm các nghi lễ cúng vái, cầu xin các vị Phật, Bồ Tát. Tác giả viết: người hiểu đúng đạo Phật không bao giờ làm như vậy, bởi theo luật nhân quả, chỉ có mình mới cứu vớt, giải thoát được mình.

Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa là bài bác các nghi lễ; nghi lễ rất cần để tăng tính tôn nghiêm, tính linh thiêng của tôn giáo; thiếu nghi lễ thì tôn giáo không tồn tại với tính chất là một lực lượng xã hội. Nhưng mỗi khi lễ lạy, tụng niệm, Phật tử cần hiểu rằng đó là lúc họ cần hướng về những sức mạnh tâm linh bên trong chứ không phải sức mạnh huyền bí xa xôi; tức là họ cần xem lại Phật tính trong lòng mình đã thức tỉnh chưa.

Đạo Phật nổi bật ở chỗ đề cao trí tuệ. Từ Phật (Buddha) có gốc là chữ Bud nghĩa là hiểu biết, giác ngộ. Đức Phật yêu cầu chúng sinh phải tự tu tỉnh đạt tới giác ngộ để tự thoát khỏi cảnh khổ. Người ta khổ là do vô minh. Kinh Bát Nhã coi trí tuệ là chiếc thuyền chở con người từ bờ vô minh phiền não vượt biển khổ sang tới bờ giác ngộ. Để phát triển trí tuệ, cần coi trọng thiền định. Sau 49 ngày thiền định dưới gốc cây Bồ đề, đức Thích Ca đã tìm ra triết lý giải thoát nhân loại. Ở đây thiền là cố nhìn vào cái tâm của mình, phát hiện cái tính Phật trong lòng mình.

Trí tuệ gắn liền với từ bi, từ nguồn trí tuệ mà suối từ bi tuôn chảy và nhờ suối từ bi nên cây trí tuệ tươi tốt trổ hoa – tác giả kết.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.