Quán Cháo Trắng Của Giới Sân

Ly nước nhân sinh

Đó là câu chuyện của mấy năm về trước. Năm đó, chính quyền trấn Diểu muốn mở một vài khu du lịch, nên mời các công trình sư lên núi thiết lập kế hoạch.

Những năm đó, khách thập phương đến chùa Thiên Minh không bằng bây giờ, đôi khi cả ngày cũng không có người nào đến thắp hương, nên những công trình sư được chính quyền mời đến đều ở tại chùa.

Trong số các công trình sư đó có một chú trung niên, trông dáng rất phúc hậu, tiểu còn nhớ nụ cười ôn hòa của chú. Chú đối xử với Tăng chúng trong chùa rất khách sáo, nếu như giữa sân mà nhìn thấy quý sư phụ thì liền chắp tay xá, đợi chúng tôi chắp tay đáp lại, chú lại lần nữa hướng đến chúng tôi xá tiếp, thường xá qua xá lại rất lâu mới kết thúc. Do đó, chúng tôi ngại gặp chú vô cùng.

Nghe nói, kế hoạch của các công trình sư phải chờ quyết định cuối cùng của lãnh đạo nên tiến trình bị trì hoãn, mọi người đều rảnh rỗi, vài vị tranh thủ dịp này đi vòng vòng tham quan, riêng chú trung niên không đi, mỗi ngày chú đều ngồi trên hòn đá bên cổng chùa nhìn lá rơi, có khi ngồi đến mấy giờ liền không động đậy.

Tiểu Giới Sân nhìn thấy dáng mạo của chú, đột nhiên nhớ lại việc sư phụ Trí Duyên từng ngồi trên hòn đá nhìn lá rơi, nghĩ chú này chắc có tâm sự nhưng chú không muốn biểu lộ, chỉ ngồi yên đó. Giới Sân thật không nén nổi nghi hoặc, lại ngồi cạnh bên chú.

Đột nhiên chú ấy thở dài, hỏi tiểu: Con người chúng ta làm sao để cảm thấy hài lòng với những việc bình thường?

Giới Sân bất chợt không tìm ra câu trả lời. Chú ấy liền kể chuyện quá khứ của chú cho tiểu nghe.

Thì ra chú tốt nghiệp từ một trường rất nổi tiếng. Khi tốt nghiệp, chú đã thiết lập cho mình nhiều mục tiêu, hy vọng trở thành người xuất chúng; đến lúc mới ra làm việc, chú không ngừng nỗ lực để đạt đến mục tiêu, nhưng lại luôn gặp nhiều trở ngại. Mục tiêu trước sau vẫn chưa thực hiện được.

Sau đó, chú kết hôn, rồi có con. Năm đó, những mục tiêu cũng chỉ là con số 0. Đến hôm nay, mục tiêu càng lúc càng mờ mịt!

Cuộc sống lắm khi bận rộn khiến chú quên đi lý tưởng, gần đây rảnh rỗi, chú đột nhiên nhớ lại mộng xa xưa, nhưng chú đã từng muốn buông bỏ mộng tưởng để trở lại làm người bình thường.

Vì vậy mà chú hỏi tiểu: Con người chúng ta làm sao hài lòng với những điều bình thường?

Giới Sân đến Phật đường cầu cứu sư phụ Trí Duyên. Sư phụ suy nghĩ, cầm ly nước ra sân, đến trước mặt chú, rồi đổ ly nước xuống chiếc bàn đá. Nước rơi đầy bàn, phần lớn theo mặt bàn chảy xuống đất, chỉ có một vài giọt đọng lại trên mặt đá.

Chú cứ ngơ ngác nhìn sư phụ Trí Duyên, không biết sư phụ đang chuẩn bị làm gì. Sư phụ nói: Ngày mai ta sẽ trả lời cho câu hỏi của chú.

Sáng sớm ngày hôm sau, chú ấy thức dậy rất sớm, đứng trước bàn. Chú nhìn thấy những giọt nước ít ỏi ngày hôm qua đã khô tự khi nào.

Sư phụ Trí Duyên nói: Nước trong ly hôm qua, có một chút đọng lại trên mặt bàn, trải qua thời gian bốc hơi bay lên không trung, còn phần nhiều đã chảy thấm vào đất. Mỗi một giọt nước đều mơ là mình sẽ được bốc lên không trung. Nhưng chỉ một ít là có thể, còn lại thì thấm vào đất, tích tụ thành nước giếng, trở thành từng ly, từng ly đẫm hương trà thơm tho. Số khác đọng lại ở gốc cây, lặng lẽ lưu động, biến thành nước nuôi dưỡng từng chiếc lá.

Ai dám nói là những giọt nước chảy vào đất là không có giá trị? Chúng chưa tầm thường bao giờ!

Kết quả của bức vẽ

Trước đây vài ngày, một họa sĩ vẽ rất xuất sắc ở trấn Diểu là Phật tử họ Hạ đến chùa, cùng đi với ông còn có một người mập mập khác. Ông Hạ ngồi trong phòng sư phụ Trí Duyên hầu chuyện, thì ra người mập mập nọ là một vị họa sĩ nổi tiếng trong thành thị, nghe nói phong cảnh trấn Diểu rất đẹp, liền đến xem. Lần này, mục đích của ông Hạ chính là dẫn họa sĩ đó đến chùa trú vài bữa, sẵn dịp vẽ vài bức tranh thủy mặc. Sư phụ Trí Duyên vui vẻ nhận lời.

Ông Hạ thường chỉ cách cho Giới Trần vẽ, nghe nói ông Hạ tới nên Giới Trần chạy ra chào. Giới Trần dựa vào cánh cửa, thò nửa đầu vào cười duyên, chưa chịu bước vào, đến khi ông Hạ vẫy tay hắn mới e dè đi đến bên cạnh.

Ông Hạ xin phép sư phụ Trí Duyên cho Giới Trần cùng vẽ với họ. Giới Trần hướng về sư phụ Trí Duyên, sư phụ gật đầu, hắn mừng rỡ chạy đi.

Hai vị họa sĩ trú trong chùa nửa tháng. Thời gian đó, Giới Trần hầu như mỗi ngày đều cùng với hai ông lên núi để vẽ, sau khi về chùa, mỗi người đều ở trong phòng miệt mài vẽ.

Hôm hai vị họa sĩ cáo từ, Giới Trần được họ tặng cho vài quyển sách. Kể từ hôm đó, hắn luyện vẽ nhiều hơn trước. Lúc trước, khi nào rảnh rỗi Giới Trần mới vẽ, lúc này, hình như hắn toàn tâm toàn ý đầu tư vào công việc này.

Kỹ năng của Giới Trần càng ngày càng tiến bộ, có khi bức tranh hắn vẽ khiến cho người ta kinh ngạc, chính chúng tôi còn không tin là do hắn vẽ nữa. Càng vẽ, hắn càng trầm mặc, trông rất lạ.

Hôm nọ, sư phụ Trí Duyên nói với Giới Trần: Sau này ít vẽ lại đi, rảnh rỗi đi ra ngoài chơi.

Giới Trần buông bút, lại cùng với Giới Si chạy lên núi.

Không lâu sau, trình độ vẽ của hắn lại càng tiến bộ.

Lần nọ, Giới Sân hỏi sư phụ Trí Duyên, vì sao không để Giới Trần phát triển năng khiếu hội họa.

Sư phụ Trí Duyên nói: Vì Giới Trần mất đi cái tâm hội họa ban đầu rồi.

Chúng ta đối với việc lý giải sự thành công nên định nghĩa thế nào? Là đạt được vụ mùa bội thu? Hay đạt được thành tích khiến người ca ngợi? Có lẽ nên mang theo niềm hỷ duyệt trên con đường thành công.

Chúng ta phải chăng đang mê mải hướng về kết quả, phải chăng thường khổ não vì kết quả đó? Giống như tâm ban đầu của Giới Trần, vẽ là vì niềm vui, vì tu tâm dưỡng tánh, còn vẽ có đẹp hay không chỉ là vật phẩm kèm theo. Khi định vị mục đích của việc hội họa là để nâng cao trình độ hội họa mà không phải vì niềm vui, hắn liền đánh mất đi ý nghĩa vốn có của việc vẽ. Sư phụ Trí Duyên cản ngăn hắn vẽ là vì nguyên nhân này.

Trên con đường đi, những niềm vui mà chúng ta có được, không thể chỉ là cái giây phút lên đỉnh núi, mà niềm vui phải đến suốt quá trình lên núi đó.

Một Chút Kiên Trì

Dưới trấn Diểu có một tiệm bán hàng nhỏ của nhà họ Ích, tiệm tuy không lớn, nhưng buôn bán rất tốt, vì tài nghệ nấu ăn của đầu bếp thật cao siêu.

Có lần xuống núi đi công việc về chùa không kịp, chúng tôi ghé tiệm này dùng cơm, ông chủ tiệm đặc biệt trổ tài nấu thức ăn chay cho nhà chùa.

Ngày nọ, mấy tiểu đi ngang qua tiệm, phát hiện tại tiệm cơm có chiếc lồng, trong đó nhốt một chú chó nhỏ mập mạp dễ thương. Tiểu Giới Trần và Giới Si thích lắm, đứng trước cửa tiệm cùng giỡn với chú.

Đang đùa giỡn rất vui thì chủ bếp bảo rằng vài ngày nữa sẽ làm thịt chú chó. Giới Trần, Giới Si không đành lòng, muốn Giới Sân tôi tìm biện pháp giải cứu. Giới Sân bèn dũng cảm thương lượng với chủ tiệm ăn xem liệu có thể nào thả chú chó hay không. Chủ tiệm nói năng rất lịch sự, nhưng không đồng ý thả, nói là có khách đặt phần ăn rồi, nếu tìm chú chó khác, sợ khách sẽ không hài lòng.

Tiểu thấy khó quá, nghĩ hay là về chùa xin tiền sư phụ mua chú chó này?

Có vị khách đang ăn trong tiệm, nghe mấy tiểu thương lượng với chủ tiệm lâu quá, bèn muốn giúp các chú tiểu tiền mua chó. Nhưng ông khách nóng nảy quá, làm chủ tiệm ăn phát sân, nên gây chuyện với nhau. Cuối cùng, chủ tiệm quyết định không thèm bán chú chó dù với giá tiền nào, chắc chắn chú chó sẽ bị giết.

Chú chó nhỏ không được thả, khách ăn cũng đi khỏi.

Chúng tôi trở về chùa, cầu cứu sư phụ Trí Hằng đến thương lượng với chủ tiệm. Sư phụ mới nói với chủ tiệm vài câu, ông chủ bực mình bỏ mặc chúng tôi, trở vào trong tiếp khách.

Sư phụ cũng không tìm ông chủ tiệm nữa, dắt mấy tiểu đứng trước cửa tiệm hướng về chú chó tụng kinh. Giới Trần, Giới Si thường ngày tụng kinh không nhất tâm, hay bị sư phụ rầy, nhưng lần này, hai chú lại rất chú tâm. Chúng tôi tụng mấy giờ đồng hồ liền, chủ tiệm cũng mấy lần ra xem, muốn bảo chúng tôi đi khỏi, nhưng lại không biết làm sao mở miệng.

Hành động quái lạ của mấy thầy trò chúng tôi khiến cho khách qua đường lấy làm lạ, lần lượt đến giãi bày tình lý giúp chú chó. Chủ tiệm vốn có chút dao động, nhưng ngại mất mặt nên còn chần chừ. Cuối cùng, ông ta cũng quyết định thả chó. Sư phụ Trí Hằng đưa tiền, chủ tiệm không chịu nhận.

Làm việc gì, nếu có chút kiên trì nhẫn nại, có chút tâm tư, sự thành công đã ở trước mặt.

Sau đó, sư phụ Trí Hằng đặt pháp danh cho chú chó là Giới Ngôn.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.