Quán Cháo Trắng Của Giới Sân

Nén nhang của ông lão họ Trần

Chùa Thiên Minh có một ông lão họ Trần, năm nay đã hơn 70 tuổi, thường ngồi bán nhang ở góc chùa. Nhà ông ở dưới chân núi, mỗi sáng sớm ông đều lên chùa, chiều tối mới dọn dẹp hàng, đem nhang bỏ vào một căn phòng trống phía sau chùa.

Ông lão bán nhang rất thích Giới Si và Giới Trần. Ông thường ngồi im nhìn hai chú vui đùa trong sân, thỉnh thoảng lại làm trò ảo thuật biến ra kẹo cây cho hai chú. Vì vậy, Giới Si và Giới Trần thường quẩn quanh bên ông để được kẹo.

Ông lão rất tin kính Phật. Mỗi ngày, sau lúc dọn hàng, ông đều thắp nhang lạy Phật rồi mới xuống núi về nhà.

Bất luận ngày nắng hay mưa, giỏ nhang của ông cũng chưa bao giờ vắng ở góc sân chùa. Thậm chí, vào những ngày đông tuyết rơi dày đặc, ông cũng lên chùa thắp nhang rồi về.

Có dạo, không biết vì lý do gì mà mấy ngày liền không thấy ông Trần lên chùa bán nhang. Ông ở trong trấn không người thân thích, nên trong chùa ai nấy cũng đều lo lắng cho hoàn cảnh của ông. Quý sư phụ quyết định dẫn mấy tiểu chúng tôi xuống núi thăm ông lão.

Đến nhà lão Trần. Ông đang nằm trên giường, không ngớt ho khan. Thấy chúng tôi đến, ông liền cố ngồi dậy. Sư phụ Trí Huệ bảo ông cứ nằm dưỡng bệnh, tiện tay rờ vào trán ông, nghe nóng đến giựt mình. Sư phụ vội vàng bảo chúng tôi mời bác sĩ đến khám bệnh. Ông lão cười, nói chỉ là bệnh vặt thôi, không có gì quan trọng. Nhưng gương mặt ông rất tiều tụy, khiến người khác phát lo.

Bác sĩ trong trấn nhanh chóng có mặt, chẩn đoán ông bị cảm nặng, đoạn kê toa thuốc. Quý sư phụ bảo Giới Ngạo ở lại chăm sóc ông. Giới Si, Giới Trần cũng đòi ở lại nhưng quý sư phụ sợ hai chú làm ồn, phiền lão nghỉ ngơi nên không đồng ý.

Về đến chùa, sư phụ Trí Huệ cầm một phong thư đưa cho Giới Sân, bảo tiểu xuống trấn gởi đi dùm.

Nhìn phong bì, tiểu thấy hình như không phải là địa chỉ của nhà sư phụ. Sư phụ Trí Huệ nói, phong thư này gởi cho con trai ông lão Trần.

Hóa ra ông lão bán nhang vẫn còn thân nhân, chỉ là không hiểu tại sao hồi đó tới giờ không thấy lai vãng.

Tối đến, Giới Sân nghe sư phụ kể, thì ra người vợ quá cố của ông thân thể ốm yếu, nên hai người sinh con rất trễ, mãi đến 40 tuổi mới có đứa con trai.

Khoảng mười năm trước, hai bố con xảy ra việc tranh chấp gì đó, họ cãi nhau trong chánh điện. Trong lúc nóng giận, đứa con trai không cẩn thận làm bể đồ vật trong chánh điện, ông lão liền tát vào mặt anh ta.

Do vậy mà con trai ông bỏ lên thành thị, thỉnh thoảng cũng ghé qua trấn Diểu, nhưng do tính tình hai cha con đều bướng bỉnh, nên mối liên hệ của hai người rất tồi tệ.

Không bao lâu, ông lão bán nhang bình phục, lại bắt đầu lên chùa trở lại. Quý sư phụ bảo ông ta nghỉ dưỡng thêm, nhưng ông lão không chịu.

Trải qua thời gian, vào một buổi chiều, Giới Sân đang quét sân thì nhìn thấy một thí chủ rất kỳ lạ. Anh ta khoảng 30 tuổi, cứ đứng thập thò trước cửa chùa không chịu vào, nhìn trân trân ông lão. Đang bận bán nhang cho khách, vừa quay đầu lại thấy anh thanh niên, ông lão lập tức cũng đứng bất động. Hai người cứ nhìn nhau như thế, thần tình rất quái lạ. Giới Sân lơ ngơ nhìn hai người, chợt hiểu ra mối liên hệ giữa họ. Đúng là con trai ông lão về thăm ông đây mà.

Anh thanh niên từ từ tiến đến bên ông, ngồi lên chiếc ghế nhỏ, có vẻ trầm mặc, nhưng hình như anh đang muốn nói điều gì.

Ông lão im lặng, vẫn cứ bận bán nhang, nhưng có vẻ ông rất xúc động, vì bàn tay ông cầm nhang đưa cho khách mà cứ run rẩy.

Trời bắt đầu chiều. Ông lão, như thường lệ, vào chánh điện lạy Phật. Anh con trai lặng lẽ bước theo ông. Khi ông lão chuẩn bị ra về, sư phụ Trí Huệ chợt kêu anh con trai lại, bảo đợi một chút.

Ông lão không dừng lại, một mình xuống núi về nhà.

Sư phụ Trí Huệ mời con trai ông vào chánh điện, đưa cho anh ta một gói giấy, trong gói giấy có vài cọng tăm nhang. Anh ta nhìn sư phụ, lòng đầy thắc mắc.

Sư phụ Trí Huệ nói: “Ba anh mỗi ngày đều đến chùa thắp nhang. Mấy bữa nay tôi giữ lại mấy cọng tăm nhang mà ông thắp còn lại”.

Anh thanh niên vẫn chưa hiểu ý sư phụ.

Sư phụ nói tiếp: “Ông lão mỗi ngày đều thắp nhang như vậy. Rất nhiều lần tôi ở gần ông, nên tôi biết tất cả những lời khấn của ông đều là dành riêng cho anh”.

Mắt người con trai chợt đỏ. Anh cẩn thận gói bao giấy lại, cất vào người.

Hôm đó, lúc anh xuống núi, trời đã hoàng hôn, mưa rơi lất phất.

Nước mưa có thể hòa lẫn để che đi nước mắt của anh, nhưng không che được nỗi hối hận thương tâm trong lòng anh.

Trải qua vài ngày, Giới Sân nhìn thấy hai cha con vui vẻ vào chánh điện lạy Phật, hình như cũng không có gì buồn rầu.

Khi họ gần đi, tiểu chợt có vài điều thắc mắc, liền đến hỏi sư phụ Trí Huệ rằng: “Sự tranh chấp của hai cha con năm đó, rốt cuộc là ai sai ai đúng?”.

Sư phụ Trí Huệ nói: “Từ trước tới giờ, chưa có ai sai cả!”.

Quyển nhật ký

Mấy hôm trước, em họ của sư huynh Giới Ưu ở thành phố đến Trấn Diểu du lịch. Anh ta họ Tề, làm việc cho một xí nghiệp lớn, thu nhập hàng tháng rất cao, đãi ngộ cũng không đến nỗi nào, thật là một công việc lý tưởng mà mọi người đều mong muốn, nhưng anh thường không vui. Sư huynh Giới Ưu muốn khai đạo cho anh nên sẵn dịp này, dẫn anh ta đến chùa, hy vọng sư phụ sẽ giúp cho người em họ giải trừ được phiền não.

Hôm đó đúng vào lúc sư phụ Trí Duyên đang kể chuyện, anh ta ngồi trong góc chánh điện, tâm tư có vẻ nặng nề, cố gắng tập trung tinh thần nghe chuyện.

Kết thúc buổi kể chuyện, sư huynh Giới Ưu dẫn người em họ đến trước mặt sư phụ Trí Duyên, nói rõ nguyên nhân anh ta đến chùa. Sư phụ cười nói: “Thật ra lúc nãy nhìn thấy tướng chú không để tâm là biết ngay chú đang gặp phiền não rồi”.

Sư phụ tiếp: “Hãy nói phiền não của chú cho ta nghe thử xem”. Anh này than thở: “Con có rất nhiều phiền não”. Sau đó, anh lại đem trong hành lý tùy thân ra một quyển nhật ký. Quyển tập ghi đầy sự việc vài năm sau này khi anh ta làm trong xí nghiệp. Anh ta vừa lật từng trang nhật ký, vừa kể những khổ não trong cuộc sống của mình.

Sư phụ im lặng nghe, rồi bảo: “Chú nên ở lại trong chùa một đêm. Chiều mai, ta sẽ giúp chú giải quyết hết phiền não”.

Anh ta vừa kinh ngạc vừa mừng vui, thậm chí còn có chút hoài nghi.

Giới Sân lấy làm lạ. Sư phụ Trí Duyên có thần thông gì để có thể hóa giải những nội kết phiền muộn của anh ta? Nhưng tạm thời chú không tiện hỏi.

Đêm hôm đó, sư phụ gọi Giới Sân đến thiền phòng, đưa Giới Sân tiền, bảo tiểu sáng mai đến tiệm bách hóa mua một quyển tập viết nhật ký. Giới Sân không biết sư phụ có bí quyết gì, nhưng cũng vâng lời thầy dạy.

Chiều hôm sau, anh Phật tử họ Tề đã đứng ở chánh điện chờ sư phụ Trí Duyên từ sớm. Sư phụ đem ra quyển nhật ký mà Giới Sân mới mua về lúc sáng đưa cho anh ta.

Anh ta lật quyển nhật ký còn trắng tinh rồi nhìn sư phụ, mù tịt.

Sư phụ cười: “Cùng là một quyển tập đẹp đẽ, tại sao chú không viết những niềm vui, lại viết đầy những tâm tư phiền não như vậy?”.

Sư phụ chìa tay ra, bảo: “Đưa nó cho ta”.

Anh ta trơ ra, rồi chợt hiểu ý, trao vội quyển nhật ký của mình qua tay sư phụ.

Sư phụ dạy: “Quyển nhật ký đẹp đẽ và trắng tinh có thể ghi vào đó những niềm vui, hạnh phúc, cũng có thể ghi vào những phiền não, chú có quyền lựa chọn”.

Tâm người cũng giống vậy thôi, cũng như một quyển sách, tại sao chúng ta không ghi vào đó thật nhiều niềm vui mà lại ghi vào đó những phiền não chằng chịt như vậy?

Ly nước ít

Trong những thính giả đến chùa nghe kể chuyện, từng có một người rất kỳ lạ. Chú Phật tử này độ chừng 30 tuổi, dáng vẻ phong độ, nhưng khi đi đường lại luôn gục đầu bước tới, không có chút sinh khí nào.

Chú Phật tử nọ chắc không phải là người địa phương, nhưng thời gian đó ngày nào chú cũng đến chùa dạo cảnh, nếu như đúng vào lúc nghe kể chuyện, chú ta lại ngồi yên trong góc chùa, trầm mặc nghe xong chuyện rồi lặng lẽ ra về.

Cuối cùng, có ngày nọ, chú nghe xong chuyện kể, không vội rời khỏi, đi tới trước mặt sư phụ Trí Duyên, đứng im lại một chỗ, hình như muốn nói gì, nhưng chưa nói ra được. Sư phụ Trí Duyên nhìn chú ta, hỏi: “Hình như chú có phiền não gì phải không?”.

Chú ta gật gật đầu. Sư phụ bảo chú ngồi xuống ghế.

Chú bộc bạch: “Con là một người không chỗ dung thân”.

Sư phụ cười hiền: “Thế gian này lớn như vậy, làm sao mà có người không chỗ dung thân?”.

Chú ta thở dài: “Con từng gặp phải quá nhiều thất bại: học hành thất bại, công việc thất bại, tình duyên thất bại,… hết thất bại này đến thất bại khác, từ đó đến giờ không có chuyện nào thành công. Có lúc, con suy nghĩ rằng, có phải là sinh mệnh con đã định là phải sống trong thất bại hay không? Nên con đến trước Phật tìm câu trả lời nhưng chưa tìm ra đáp án, con nay hết cách nên đành thỉnh giáo sư phụ”.

Sư phụ Trí Duyên lại cười, cầm hai chiếc ly thủy tinh để trên bàn, một ly chứa khoảng ba phần nước, một ly chứa khoảng một phần nước. Sư phụ nói: “Trước mặt ta là hai ly nước, biểu thị cho hai người. Ly nước nhiều biểu thị cho người tương đối thành công; ly nước ít biểu thị cho người thất bại như chú”.

Rất nhiều người chắc sẽ thích ly nước nhiều, vì ý nói rằng người đó đã thu hoạch được khá nhiều thành công, nhưng nếu nhìn dưới góc độ khác, ly nước ít, thật ra rất đáng được trân quý; vì nước ít, nên nó có cơ hội chứa thêm nhiều nước, cũng như người hiện tại thất bại, nhưng ngày sau sẽ có nhiều cơ hội hưởng thụ niềm vui thành công.

Nhiều lần thất bại trong quá khứ, sẽ dự báo có nhiều cơ hội thành công trong tương lai.

Thành công và thất bại không nhất định. Thất bại của hôm nay không giống với thất bại của ngày mai, cũng không có nghĩa là ngày mai chắc chắn sẽ thành công.

Ly nước ít sẽ dung nạp được nhiều nước, nhưng chỉ là có thể. Nước trong ly không thể tự đầy, mà muốn cho nó đầy, chúng ta cần phải rót, đó chính là việc không ngừng nỗ lực hết lần này đến lần khác để đổ nước vào ly.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.