Phật Học Ngụ Ngôn – Bách Dụ Kinh

90. ĐƯỢC TÚI TIỀN VÀNG

Xưa có người nghèo đi đường, tình-cờ bắt được túi tiền vàng, mừng quá đổ ra đếm. Đếm chưa xong, người chủ của túi tiền ấy đến, người ấy phải trả lại tất cả. Trả rồi, người ấy ân-hận là bắt được không đi nhanh đi, còn ở lại đếm, thành tiếc quá!

Người đời gặp được Phật, Pháp, Tăng là ruộng phúc, không chăm tu-hành nghiệp-lành, phút-chốc đi sa vào ba đường ác, khác gì người ngu kia phải trả tiền lại cho chủ cũ mang đi, để mình hối-tiếc không kịp. việc đời như bài kệ sau đây:

Hôm nay tu sửa việc này.
Bao nhiêu việc khác chất đầy ngày mai!
Đắm say, biết khổ nào ai?
Vô-thường vụt đến bên tai chẳng tường!
Bộn-bề bao việc thế-thường,
Người quanh-quẩn vẫn trong đường quẩn-quanh.
Kìa anh tiền được rành-rành,
Vội-vàng đếm, đếm để thành tiếc không!
Việc đời chung một luật chung!

91. NGHÈO MUỐN BẰNG GIẦU

Xưa có người nghèo, trong nhà có ít của-cải, trông thấy nhà đại-phú sang-trọng, ý chỉ muốn bằng nhưng, không sao bằng được. Người ấy buồn, định có ít của quăng xuống sông hết. Hàng xóm thấy bảo: “tài-vật của ông tuy ít nhưng, nó có thể giúp ông sống được vài ngày, sao ông lại đem quăng xuống sông?”

Người ngu tu đạo giải-thoát, thấy được ít lợi-dưỡng, trong tâm mong-mỏi sao bằng được các bậc cao-đức, để được nhiều lợi-dưỡng. Có ý-tưởng ấy nên thấy những bậc kỳ-cựu có đức, có tài, học rộng được nhiều người cung-kính cúng-dàng, chỉ muốn làm sao bằng được. Không được, buồn, muốn bỏ đạo. Khác gì người ngu kia muốn bằng nhà giầu, không bằng, định quăng ít của của mình đi!

92. TRẺ ĐƯỢC VIÊN THUỐC

Xưa có người vú già bế đứa trẻ đi đường, mệt quá nằm ngủ. có một người đi qua cho đứa trẻ một viên thuốc hoan-hỷ. Đứa trẻ được viên thuốc, ham mùi ngon không tưởng gì đến những vật nơi mình nữa, tức thời người kia cổi hết những kiềng, khóa, vòng anh-lạc, quần-áo, vật-dụng… mang đi.

Người tu đạo giải-thoát ham ở những nơi huyên-náo, lắm việc tham-cầu chút lợi-dưỡng, bị giặc phiền-não cướp mất tất cả vòng báu công-đức của giới-luật. Cũng như đứa trẻ kia tham chút mùi ngon, bị giặc cướp bóc-lột hết thảy!

93. BÀ GIÀ BẮT GẤU

Xưa có bà già nằm dưới gốc cây nghỉ mát, bỗng dưng có con gấu lại vồ. Bà tránh kịp, chạy vòng quanh cây. Con gấu tìm đuổi. Một tay gấu bám cây, một tay định quơ lấy bà. Bà lanh ý, cấp-thời giơ tay quàng nắm lấy hai tay gấu, gấu không cựa-cậy được.

Tình-cờ bà trông thấy một người đi qua, bà gọi: “Ngươi lại đây giết con gấu này với ta, ta chia thịt cho!” Người kia tin lời bà, chạy ngay lại giữ con gấu cho bà. Có người giữ rồi, bà liền bỏ chạy. Người kia sau bị con gấu làm khốn!

Phàm-phu làm các bộ luận kỳ-dị, nội-dung không đẹp, lời văn rườm-rà, nhiễu lỗi. Chưa xong hoàn-toàn, người ấy chết đi, người sau xem đem chú-thích, không đạt được ý thêm khốn-đốn vào mình. Cũng như người dại-khờ kia thay bà già giữ gấu, bị hại ngay mình!

94. LỖ HỔNG MA-NI [44]

Xưa có người tư-thông với vợ người khác. Trong lúc ái-ân, người chồng từ ngoài vào biết, mới đứng ngoài cửa đợi tình-địch ra thì giết.
Khi ấy, người vợ bảo với tình-nhân: “Chồng em biết rồi, không có lối ra, ước gì bây giờ có cái lỗ hổng Ma-ni mới có thể thoát ra được!” Tình-nhân nói thế, tưởng lầm là trong buồng có ngọc Ma-ni, tham-tiếc, không biết để chỗ nào, mới bảo: “Không thấy ngọc Ma-ni anh quyết không ra đâu!” Vì vậy, trong chốc-lát bị người chồng kia giết chết.

Phàm-phu cũng thế. Có người bảo: “Trong sinh-tử, vô-thường, khổ, không, vô-ngã… cần xa-lìa thường-kiến, đoạn-kiến mà ở trong trung-đạo; qua trung-đạo sẽ được giải-thoát!” Phàm-phu hiểu lầm bèn tìm trong thế-giới hữu-biên, vô-biên và nơi chúng-sinh hữu-ngã, vô-ngã, hoàn-toàn không quán được lý trung-đạo nào cả, bỗng dưng chết đi do vô-thường giết hại, phải sa vào ba đường ác. Khác gì người ngu kia đi tìm Ma-ni, bị người giết hại. [45]

95. ĐÔI CHIM BỒ-CÂU

Xưa có đôi chim bồ-câu: – con đực, con mái – cùng ở chung một tổ. Mỗi mùa thu khi hoa-quả chín hai con đi công quả về để đầy tổ. Sau quả khô-héo sụt suống còn nửa tổ, con đực giận, ngờ mắng con mái: “Ta đi lấy quả vất-vả, mi ở nhà ăn vụng đi còn nửa tổ thế hở?” Con mái đáp: “Em có ăn vụng đâu, tự quả nó héo sút đi đấy chứ!” Con đực không tin, giận quá: “Không phải mi ăn vụng tại sao ít đi, còn cãi?” Quát rồi, chim đực lấy mỏ mổ chim mái chết.

Sau ít ngày, trời mưa to, quả ngấm nước lại nở ra đầy tổ như cũ. Bấy giờ chim đực hối-hận: “Nó thực không ăn, ta giết lầm nó chết rồi!” Chim đực thương-xót, kêu khóc: “Em ơi, em ở đâu về với anh!!!”

Tâm phàm-phu điên-đảo, thường ôm-ấp, ham-đắm dục-lạc, không quán-sát lẽ vô-thường, phạm vào giới-trọng, sau hối-hận không kịp, chỉ còn biết than-tiếc như con bồ-câu đực kia vậy!

96. NÓI DỐI MẮT LÒA

Xưa có một người thợ làm việc cho nhà vua, không chịu được khổ-cực, mới nói dối là mắt bị lòa. Người thợ khác nghe thấy thế cũng muốn tự-hoại mắt mình, để tránh việc khổ nhọc. Có người bảo: “Sao ngươi lại hủy mình để chịu sự đau-khổ vậy?”

Phàm-phu vì chút danh-dự, lợi-dưỡng, cố nói dối làm hủy-hoại mất tịnh-giới, chết đi phải sao vào ba đường ác. Cũng như người ngu kia vì chút lợi nhỏ, hoại mắt mình vậy!

97. MẤT ÁO LĨNH-ĐIỆP

Xưa có hai người làm bạn với nhau, một hôm cùng đi trong khoảng đồng rộng, một người mặc áo lĩnh-điệp, bị giặc xông ra lột mất, còn một người sợ chạy trốn vào bụi rậm.

Cổ áo lĩnh-điệp trước kia người ấy có giấu một đồng tiền vàng. Người ấy bảo bọn giặc: “Thưa các ông, áo này chỉ đáng giá một đồng tiền vàng, nay tôi muốn đem một đồng tiền vàng chuộc lại áo, các ông có vui lòng không?” Bọn giặc hỏi: “Tiền vàng ngươi để đâu?” Người ấy liền mở cổ áo lấy tiền vàng ra cho bọn giặc xem và bảo: “Đây là vàng thực, nếu các ông không tin lời tôi, các ông đem đến hỏi ông thợ vàng đang trốn trong bụi rậm kia thì sẽ rõ!” Thế là bọn giặc thấy thêm người kia, lại lấy cả áo. Thành ra người ngu làm mất cả áo lẫn vàng; tự mất của-cải của mình, lại làm mất lây đến người khác nữa.

Phàm-phu tu-hành đạo-phẩm, làm các công-đức, bị giặc phiền-não cướp-bóc mất mát thiện pháp, mất mát công đức. Không những mất lợi-lạc nơi mình, lại khiến người khác mất cả đạo-nghiệp, chết đi phải sa vào ba đường ác, như người ngu kia vậy!

98. ĐỨA TRẺ THẢ RÙA

Xưa có đứa trẻ chơi đùa trên bờ ao, được một con rùa lớn. Ý nó muốn giết con rùa nhưng, không biết làm sao được, mới hỏi một người đi qua: “Làm sao giết được con rùa này ông?” Người ấy bảo: “Em đem thả nó xuống nước, tức thời giết được nó!” Đứa trẻ tin lời, đem thả xuống nước, con rùa được nước bơi mất.
Kẻ phàm-phu muốn gìn-giữ sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý để tu các công-đức nhưng, không biết làm sao mới hỏi người ta: “Làm nhân-duyên gì được giải-thoát?” Những kẻ ngoại-đạo tà-kiến, ma-vương, bạn ác bảo: “Ngươi cứ thả lỏng tình-ý vào sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cùng những dục-vọng… quyết được giải-thoát!” Người ngu không suy nghĩ kỹ, tin dùng lời nói ấy, sau khi chết đi phải sa vào ba đường ác, như đứa trẻ tin-tưởng, thả rùa mất hút vậy! [46]

99. TỈNH GIẤC MƠ HOA

Xưa kia khi đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật (Grdhrakùta), thành La-duyệt-kỳ (Ràjagrha), trong thành có một dâm-nữ mà người ta thường gọi là nàng Liên-Hoa. Nàng có một hình dáng đẹp-đẽ, cả nước không ai sánh kịp. Vì thế, em các đại-thần ai cũng tìm đến nơi nàng và đều kính mến nàng như ngọc.

Đột-nhiên thiện-tâm nàng phát khởi nàng muốn bỏ thế-sự, đi tu. Nàng tìm đến nơi Phật. Giữa đường có giòng suối, nàng nghỉ chân xuống nước. Khi rửa tay, khuôn mắt nàng hiện xuống nước, nàng trông thấy mặt mình hồng-hào, sáng-sủa, đầu-tóc xanh-mướt, hình-dánh đẹp-đẽ hơn người, lòng nàng thao-thức ân-hận: “Người ta sinh ra đời được hình-thể như vầy ít có, thế mà nỡ nào mình tự hủy bỏ, đi làm vị nữ tu-sĩ cho hoài! Ta nên thuận thời, thỏa-mãn tình riêng ta đã!” Nghĩ rồi, nàng quay về.

Đức Phật biết nàng Liên-Hoa đã đến lúc độ được, Ngài mới hóa làm một người đàn-bà đẹp tuyệt-trần, còn đẹp hơn nàng Liên-Hoa nghìn, muôn lần. Người đàn-bà này cũng đi trên con đường ấy nhưng đi ngược lại. Giữa lúc đang đi, nàng liên-Hoa trông thấy người đàn-bà kia, sinh lòng kính mến. Nàng liền hỏi người đàn-bà: “Bà từ đâu lại đây, chồng, con, cha, anh bà ở đâu mà bà đi một mình không có ai cùng đi vậy?” Bà kia đáp: “Tôi từ trong thành tới đây, bây giờ tôi muốn trở về nhà đây ạ!” Bà lại tiếp: “Chúng ta gặp nhau đây, tuy không quen biết nhưng cũng như quen, chúng ta lại bờ suối ngồi nghỉ nói chuyện cho vui đi!” Nàng Liên-Hoa thích quá, trả lời xin vâng.

Hai người trở lại bờ suối ngồi, cùng nhau bày-tỏ tất cả nỗi lòng u-ẩn cho nhau nghe. Một lúc, người đàn-bà kia nằm gối lên đầu gối nàng Liên-Hoa ngủ mất. Và, chỉ trong giây-lát người đàn-bà kia tắt thở, thây chương hôi rữa, bụng nứt, vi-trùng bò ra lúc-nhúc, răng long, tóc rụng, thân-thể, tay chân rã-rời. Nàng Liên-Hoa thấy thế, tâm nàng sợ quá mới nghĩ: “Người đẹp như thế, bỗng dưng chết đi, thân ta há được lâu dài! Thôi, ta nên tới chốn Phật tinh-tiến học đạo là hơn!” Nghĩ rồi, nàng vùng dậy đi đến chốn Phật. Đến nơi nàng lễ Phật, bạch Phật hết mọi sự mà nàng vừa trông thấy.

Đức Phật dạy: “Người ta có bốn sự không thể trông-cậy được. Bốn sự ấy là gì? – Một là, trai-trẻ rồi sẽ già. Hai là, mạnh-khỏe rồi sẽ chết. Ba là, thân-thuộc tụ-họp rồi sẽ biệt-ly. Bốn là, của báu tích-tụ rồi sẽ phân-tán. Tiếp đó, đức Phật nói bài kệ:

Mạnh sao, đau cũng xa đời!
Trẻ sao, già đến sắc người cũng suy!
Suôi tay ghi dấu biệt-ly,
Tấm thân ngà-ngọc ra gì nữa đâu!
Bình-sinh nghĩ tưởng dài lâu,
Lỏng buông ham-muốn, mong cầu sướng vui.
Việc hư đâu biết ngậm-ngùi?
Sự đời thay đổi biết lời gần, xa?
Thân nhơ dùng được chi mà!
Già, đau, chết-chóc la-cà bên thân.
Một mai ai-tín bất thần,
Cha, con thân-thích dễ phần cậy trông?

Nàng Liên-Hoa nghe pháp vui mừng, tâm-ý cổi-mở, quán thấy tấm thân như huyễn-hóa, mệnh người thực nhanh-chóng, chỉ có đạo-đức Niết-Bàn là an-vui lâu dài. Tức thì nàng tới trước Phật, bạch: “Lạy đức Thế-Tôn! Con muốn xuất-gia làm Tỳ-Khưu-Ni, kính mong đức Thế-Tôn hoan-hỷ chấp-thuận cho con!” Đức Phật dạy: “Lành thay!…” Nàng thành vị Tỳ-Khưu-Ni, suy nghĩ chính-quán, chứng quả A-la-hán.

Mọi người nơi giảng-đường nghe đức Phật nói ai cũng vui mừng.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.