Phật Học Ngụ Ngôn – Bách Dụ Kinh

40. CHỮA ĐẦU KHÔNG TÓC

Xưa có người đầu không tóc, mùa Đông bị rét quá, mùa Hạ bị nóng quá, lại bị ruồi muỗi bám-rỉa ngày đêm, khổ-não khó chịu.

Biết ông thầy thuốc có nhiều phương-thuật, người ấy đến nói chuyện: “Xin thầy làm ơn chữa giúp tôi cái đầu không tóc này!” không ngờ, ông thầy thuốc đầu cũng không tóc, ông nhấc mũ bảo: “Ông trông đầu tôi, tôi cũng bị bệnh ấy, đau-khổ lắm. Nếu tôi chữa được, tôi chữa khỏi bệnh tôi trước rồi sẽ giúp ông!”
Người đời bị sinh, lão, bệnh, tử xâm-phạm tổn-não, muốn cầu trường sinh bất tử. Nghe biết ở đời có những bậc Sa-Môn, Bà-la-môn, lương-y v.v… chữa lành mọi bệnh, người đời đến những nơi đó nói: “Kính xin ngài làm ơn trừ-khử giúp tôi bệnh vô-thường sinh-tử, để được ở nơi yên-vui mãi mãi không biến-đổi!” Bà-la-môn… đáp: “Chúng tôi cũng lo bệnh vô-thường, sinh, lão, bệnh, tử ấy và chúng tôi cũng mong cầu thấy được nơi trường-tồn mà mãi vẫn không được. Nay chúng tôi nếu làm cho ông được, chúng tôi hãy tự làm cho chúng tôi đã!” Như người đầu không tóc kia, không biết, làm nhọc-mệt mình mà không thể khỏi được. [21]

41. HAI QUỈ TRANH NHAU

Xưa có hai con quỉ Tỳ-xá-xà (Pisàca) [22] chung nhau một cái rương, một cái gậy, một đôi guốc. Một hôm hai con cãi nhau, tranh nhau, con nào cũng muốn mình được cả. Hai con phân-vân suốt ngày không sao xử bình được. Khi ấy có người đi lại thấy thế, hỏi: “Rương, gậy, guốc này có cái gì kỳ-dị mà các ngươi cãi nhau, tranh nhau và giận nhau đến thế?” Hai quỉ cùng đáp: “Rương của chúng tôi hiện đủ tất cả quần áo, giường đệm, chăn gối, vật-thực, đồ dùng…; gậy này khi cầm vào tay, oán-địch đều quy-phục không dám tranh-đấu; guốc này đi vào, bay đi tự-tại không chút ngăn-ngại!”

Người ấy nghe rồi bảo: “Các ngươi đứng xa một chút, ta sẽ vì các ngươi chia đều các vật này cho!” Hai quỉ nghe lời đứng ra xa, tức thì người ấy ôm rương, cầm gậy và xỏ guốc bay mất. Hai quỉ ngạc-nhiên, không được gì cả. Bay đi người ấy ngoái lại bảo hai quỉ: “Các ngươi cãi nhau, tranh nhau, ta lấy đem đi để các ngươi không còn tranh nhau nữa!”

Quỉ Tỳ-xá-xà ví-dụ vào các ma, ngoại-đạo. “Bố-thí” như rương, các đồ dùng của trời, người… trong năm đường đều từ đấy phát-sinh. “Thiền-định” như gậy, tiêu-phục như giặc-giã phiền-não, ma-oán. “Trì-giới” như guốc, quyết-định sinh lên Nhân, Thiên. “Các ma, ngoại-đạo tranh rương” ví-dụ vào chúng-sinh trong sinh-tử (hữu-lậu) gượng cầu quả-báo không được gì cả. Nếu tu-hành được hạnh lành, bố-thí, trì-giới, thiền-định sẽ thoát khổ và được đạo-quả! [23]

42. CON LẠC-ĐÀ CHẾT

Xưa có ít người lái buôn cùng đi buôn bán với nhau. Một chuyến đi, nghỉ giữa đường, tự nhiên con lạc-đà chết. Trên lưng lạc-đà chở nhiều thứ trân-bảo, vải tốt và các tạp-vật. Nay lạc-đà chết các vật phải mang xuống để lột da. Lột rồi người chủ đi bảo hai người đệ-tử ở lại: “Các anh ở lại coi da lạc-đà này cho khéo, đừng để bị ướt, rữa nhé!”

Sau đó trời mưa, hai người ngây-ngô đem hết vải tốt che tấm da, làm vải tốt hỏng hết; nếu tính giá vải với giá da, thì đắt hơn ngọc! Ngu-si mới đem vải tốt che da vậy!

Người đời cũng thế. Người không sát-sinh như tấm vải tốt, da lạc-đà như của-cải; trời mưa ướt rữa như kẻ phóng-dật làm bại-hoại hạnh lành. Giới không sát-sinh là nhân tốt hơn hết của Pháp-thân [24] Phật. Song, không chịu tu, chỉ đem của-cải xây các tháp-miếu, cúng-dàng chúng Tăng, bỏ gốc lấy ngọn, không cầu căn-bản như thế được phúc ít-ỏi, và có thể sẽ phải lưu-chuyển trong năm ngả, không tự ra khỏi được. Các người tu-hành phải tinh-tâm giữ giới bất sát!

43. CON TRÂU ĐÁ

Xưa có người đục giữa một hòn đá lớn, trải bao ngày, tháng, bao công-sức mới thành con trâu nhỏ để chơi. Dụng-công nhiều mà kỳ-vọng ít!

Người đời cũng thế. “Đục-giũa hòn đá lớn” ví-dụ cho sự học-vấn tinh-cần lao-khổ; “thành con trâu nhỏ” ví-dụ cho tiếng đồn phải, trái lẫn-lộn. Người học, nghiên-cứu kỹ, suy-nghĩ chín, thông hiểu rộng cần phải nói theo thực-hành, cầu những kết-quả thù-thắng cao-xa. Nếu cầu danh-dự nhất thời, kiêu-mạn ngông-nghênh chỉ tăng thêm tội lỗi mà thôi!

44. THÀ ĂN NỬA BÁNH

Xưa có người đói ăn bảy cái bánh nướng. Ăn được sáu cái rưỡi, thấy no no, tự nhiên người ấy tức lên, đập tay phàn-nàn: “Nay ta nói là do nửa cái bánh này no được, thà trước ta ăn nó xong!”

Người đời cũng thế. Từ trước tới nay thường không có sự vui-sướng nhưng, do si-mê điên-đảo tưởng càn là vui-sướng. Như người si kia, tới nửa cái bánh sau cùng sinh ra tư-tưởng no đủ. Ôi, giầu-sang khi cầu nó rất khổ, được rồi giữ nó cũng khổ, sau bị mất đi lo-nghĩ càng khổ! Trong ba thời ấy đều không có gì vui cả! – Như ăn mặc… cho là vui-sướng, trong tân-khổ sinh là lạc-tưởng! – Chư Phật nói: “Ba cõi (Dục, Sắc, Vô-Sắc) không yên, đều là đại-khổ; phàm-phu mê-lầm điên-đảo, tưởng càn là vui-sướng vậy!”

45. NGƯỜI Ở GIỮ CỬA

Xưa có người xắp đi xa, gọi người ở bảo: “Ta sắp đi xa, ngươi ở nhà coi cửa, coi cái dây và coi con lừa này cho khéo nhé!”

Sau khi chủ nhà đi khỏi, bên hàng xóm có tổ-chức cuộc tấu-nhạc vui. Người ở muốn đi nghe nhưng, tâm không yên, liền nghĩ một kế là lấy dây buộc cánh cửa để lên lưng lừa, dắt lừa đến chỗ tấu-nhạc, nghe. Khi người ở dắt lừa đi, của-cải trong nhà kẻ trộm vào lấy hết. Chủ nhà về hỏi: “Của-cải trong nhà đâu cả rồi?” Người ở đáp: “Khi ông chủ đi giao cho tôi coi cửa, coi dây, coi lừa thôi, ngoài ra tôi không biết chi cả!” Ông chủ nói: “Bảo ngươi coi cửa chính vì những của-cải trong ấy, nay của-cải mất dùng cửa làm chi!”

Người ngu trong sinh-tử bị tôi-tớ “tham-ái” cũng thế. Chư Phật dạy thường phải giữ-gìn cửa ngõ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mình, đừng tham-đắm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; giữ con lừa “vô-minh” coi sợi dây “tham-ái”. Mà những người tu đạo giải-thoát không vâng lời Phật dạy tham-cầu lợi-dưỡng, giả-hiện thanh-bạch, ngồi nơi an-tĩnh, tâm-ý giong-ruổi tham-đắm ngũ-dục, bị sắc, thanh, hương, vị mê-loạn, vô-minh che-lấp chân-tâm, dây “tham-ái” ràng-buộc, của báu đạo-phẩm, chính-niệm, giác-ý (tâm-ý ứng-hợp sự giác-ngộ) đều tan mất!

46. TRỘM TRÂU ĂN THỊT

Xưa có một làng chuyên đi ăn trộm trâu về giết thịt. Người mất trâu dò theo lốt chân trâu đến làng kia tìm, gặp người trong làng người ấy hỏi:

Ông có ở làng này không?

Người ăn trộm đáp: Tôi không ở làng này.

Hỏi: Làng ông có ao và có người ngồi bên ao ăn thịt trâu không?

Đáp: Không có ao.

Hỏi: Bên ao có cây không?

Đáp: Không có cây.

Hỏi: Các ông đi ăn trộm trâu ở phương Đông phải không?

Đáp: Không có phương Đông.

Hỏi: Các ông ăn trộm trâu giữa trưa ư?

Đáp: Không có giữa trưa.

Người tìm trâu nói: Có thể không có làng, không có cây, chứ trong thiên-hạ há lại không có phương Đông, không có thời, như thế biết là ông nói dối không thể tin được, vậy chính ông là người ăn trộm trâu về giết thịt ăn phải không?

Đáp: Thực có ăn.

Người phá-hủy giới-cấm cũng thế. Người ấy che-dấu tội-lỗi không chịu dãi-bày, chết phải sa vào địa-ngục, chư thiên, thiện-thần dùng thiên-nhãn quán-sát không thể che giấu được. Như kẻ ăn trộm trâu kia không thể nào nói dối được.

47. GIẢ TIẾNG UYÊN-ƯƠNG

Xưa nước kia có ngày khánh-tiết, các phụ-nữ đều cầm hoa sen. Có một nhà nghèo vợ bảo chồng: “Hôm nay anh làm sao kiếm cho em được bông hoa sen để góp mặt với đời thì em sẽ là vợ anh, bằng không em sẽ bỏ anh em đi, không lấy anh nữa!”

Người chồng trước đây khéo kêu giả tiếng uyên-ương. Giữa lúc khó tính, người ấy liền đánh bạo vào trong ao sen nhà vua giả kêu làm tiếng uyên-ương để hái trộm. Người coi ao thấy tiếng sột-sạt mới hỏi: “Ai ở trong ao đấy?” Người kia buột miệng đáp: “Tôi là chim uyên-ương đây?” Người coi ao bắt, điệu về chỗ vua, giữa đường người ấy lại họa tiếng uyên-ương kêu. Người coi ao bảo: “Trước đây sao anh không kêu, bây giờ kêu ích gì!”

Người ngu ở đời cũng thế. Suốt đời làm mọi sự tàn-hại, ác-nghiệp, tâm không tập làm và sửa-đổi thành-nghiệp thiện, tới khi mất mới nói: “Nay tôi muốn tu thiện”, thì ngục-tốt đã điệu đến chốn Diêm-la [25], tuy muốn tu thiện cũng không kịp được. Như người ngu kia, đi đến chốn vua mới giả tiếng chim uyên-ương kêu vậy!

48. CÂY GẪY CÁO CHẠY

Xưa có cáo đồng ở dưới gốc cây, bị gió thổi gẫy cành rơi vào lưng. Bị tai-nạn, nó nhắm mắt bỏ cây ấy chạy đến chỗ trống khác, không thèm ngoái trông lại. Chạy mãi đến tối cũng không chịu trở về ổ cũ. Xa xa nó trông vào các cây, đều thấy gió thổi vào cành cây rung-chuyển cả gốc ngọn, nó mới nói: “Thôi ta trở về gốc cây cũ!”

Đệ-tử ngu-si cũng thế. Được xuất-gia được gần thầy, hơi bị quở-trách một chút là trốn ngay đi nơi khác. Sau gặp những ác-tri-thức não-loạn nhiều quá mới về chỗ cũ. Đi, lại như thế thực là ngu-mê!

49. TRẺ TRANH SỢI TÓC

Xưa hai đứa trẻ ra sông tắm, tình cờ chúng được nắm tóc, đứa cho là râu của các ông Tiên, đứa bảo là lông gấu.

Bên sông có một ông Tiên. Khi hai đứa cãi nhau mãi không thôi, chúng đem đến chỗ ông Tiên nhờ ông giải-quyết hộ. Ông Tiên lấy gạo và vừng (mè) bỏ vào miệng nhai, nhổ ra bàn tay, bảo: “Thứ trên bàn tay ta đây tựa như cứt chim sẻ này!” Ông Tiên chỉ nói thế, không đáp thẳng vào lời chúng hỏi chi cả!

Người ngu ở đời, khi nói pháp chỉ nói các pháp hý-luận không chịu đáp theo chính-lý, khác gì ông Tiên kia, lũ trẻ hỏi ông một đàng, ông đáp bóng một nẻo, bị người chê cười. Những kẻ chỉ nói phù-phiếm, dối-trá cũng thế!

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.