Phật Học Ngụ Ngôn – Bách Dụ Kinh

80. UỐNG LỘN THUỐC RỬA

Xưa có người đau hạ-bộ, thầy thuốc bảo phải dùng thuốc rửa mới khỏi. Người ấy nghe, sắm-sửa đủ các vật-liệu để rửa. Thầy thuốc chưa kịp đến, người ấy lấy ngay thuốc rửa uống. Uống vào, bụng chương lên, sắp chết. Thầy thuốc đến thấy lạ hỏi. Người ấy nói: “Ban nãy tôi lấy thuốc rửa uống nên thế!” Thầy thuốc trách: “Sao ngươi ngu thế, không hiểu phương-tiện là gì cả!” Vừa trách vừa vội-vàng lấy thuốc khác cho người ấy uống, thổ ra được, khỏi ngay.

Phàm-phu cũng thế, muốn tu-học pháp thiền-quán, cần quán “bất-tịnh” trước lại quán “sổ-tức”; cần quán “sổ-tức” lại quán “lục-giới”[38], trên, dưới lộn-lẫn, không có căn-bản, uổng mất thân-mệnh và chịu sự vất-vả. không hỏi bậc lương-sư tu thiền quán lộn-lẫn, như người ngu uống thuốc bất-tịnh vậy!

81. GẤU CẮN, BẮN TIÊN

Xưa hai cha con nhà kia đi chơi với bạn. Người con đi lang-thang vào rừng bị gấu cắn, nát cả thân-thể. Người con cố-gắng bò về chỗ cha. Cha trông thấy mình con rách-nát, lạ hỏi: “Mình con sao bị thương vậy?” Người con nói: “Thưa cha, con vào rừng có con vật gì lông mình xồm-xoàm, nó lại hủy-hoại con!” Người cha giận quá, tay cầm cung-tên vào rừng, trông thấy ông Tiên râu tóc rất dài, người cha tưởng là con thú hại con mình, dương cung định bắn. Những người gần bên thấy thế hỏi: “Sao ông lại bắn người ấy, người ấy không làm hại ai cả, ông nên tìm trị những kẻ có lỗi chứ!”

Những kẻ giả-dối vô-đạo ở đời chỉ muốn hãm-hại những bậc lương-thiện có đức, như người cha kia, con bị gấu cắn lại định sát-hại ông Tiên!

82. KHÊNH GIƯỜNG GIEO MẠ

Xưa có người nhà quê đi qua khu ruộng thấy mạ mọc xanh tốt mườn mượt, mới hỏi người điền-chủ: “Ông làm sao mà mạ được mọc xanh-tốt vậy?” Người điền-chủ đáp: “Cần làm đất bằng-phẳng, phân, nước đều là được thế!”

Người ấy về, y theo phương-pháp ấy làm, nghĩa là cũng làm ruộng bằng-phẳng, điều hòa phân, nước rồi gieo mạ xuống đất. Trong khi gieo người ấy sợ chân mình dẫm xuống đất, làm đất dắn lại, mạ không mọc được, mới nghĩ: “Ta nên ngồi trên giường, sai người khênh, ở trên ta rắc mạ xuống, như thế tốt hơn!” Nghĩ rồi, người ấy sai bốn người mỗi người khênh một chân giường, vào ruộng rắc mạ thành đất càng dắn thêm, lại bị người ta chê cười: “Chà, sợ hai chân thành tám chân!”

Phàm-phu tu giới-điền (giới-luật như mảnh ruộng) mầm lành sắp mọc, cần phải có thầy dạy, phải theo đúng mới được. Nhưng, lại trái phạm, làm nhiều điều ác, làm cho mầm-mống của giới-luật không mọc được, như người ngu sợ hai chân, thành tám chân vậy!

83. KHỈ OÁN TRẺ CON

Xưa có con khỉ bị người lớn đánh, không làm sao được, quay lại oán trẻ con.

Phàm-phu ngu-si, trước giận-tức người, việc ấy đã thay-đổi, đã tan-diệt trong dĩ-vãng rồi, thế mà những sự nối-tiếp về sau, vẫn cứ cho là nó thuộc về những sự trước, rồi sinh giận-tức càn, làm cho sự độc-hại của giận-tức càng sâu-dầy, khác gì con khỉ bị người lớn đánh, lại quay ra oán trẻ con!

84. NGUYỆT-THỰC ĐÁNH CHÓ

Thần-thoại xưa cho rằng A-tu-la [39] thấy mặt trời, mặt trăng trong sáng lấy bàn tay che kín. Người thường không hiểu sao, đem chó ra đánh.

Phàm-phu đã bị tham, sân, si làm khổ thân, lại còn nằm trên gai-góc, lửa nóng đốt mình, như người ngu thấy nguyệt-thực đem chó ra đánh!

85. SỢ SẼ ĐAU MẮT

Xưa có cô gái sợ sẽ đau mắt, nên làm đau trước. Có người quen hỏi cô: “Mắt cô đau ư?” Cô đáp: “Đau! Có mắt phải đau chứ! Mắt tôi chưa đau, tôi sợ sau nó sẽ đau, nên tôi làm cho nó đau trước!” Những người ấy nói: “Chà, mắt còn, dù đau hay không đau có hề chi nhưng, mắt không còn thì suốt đời đau-khổ mãi!”

Phàm-phu ngu-si nghe nói sự giầu-sang là gốc của sự suy-hoạn, nên không dám bố-thí, sợ sau được quả-báo nhiều của báu, lại phải chịu thêm sự khổ-não. Có người bảo: “Ông cứ bố-thí, dù sau được quả-báo khổ hay vui không cần nghĩ nhưng, nếu không bố-thí sẽ bị nghèo-cùng khổ quá thì sao?” Như cô gái kia không nhịn được sự đau gần lại đem khoét mắt đi để mang khổ mãi mãi!

86. CHA GIỮ KHUYÊN [40] CON

Xưa hai cha con một nhà đi một đường. Giữa đường, bọn cướp xông ra định bóc-lột. Trên tai người con có đôi khuyên vàng, người cha sợ cướp giựt mất, mới lấy tay dứt. Chặt quá dứt không được, cùng-quẫn người cha liến chém đầu con đem giấu một chỗ. Giây-lát bọn cướp đi, người cha đem đầu lắp lại với mình, thì ôi thôi không liền được nữa!

Phàm-phu vì danh-lợi tạo mọi trò hí-luận, như nói: “Có hai đời, không có hai đời; có trung-ấm [41], không có trung-ấm; có tâm-số-pháp [42], không có tâm-số-pháp. Mọi thứ vọng-tưởng (tưởng càn), không có thực pháp!” Đến khi người khác đem luận-thuyết như-pháp phá luận-thuyết ấy, thì người ấy lại nói: “Trong luận của tôi không có thuyết ấy!”

Như thế, người ngu-si chỉ vì chút danh-lợi, cố nói dối để làm mất đạo-quả của bậc Sa-Môn, sau khi thân-mệnh tan-mất phải sa vào ba đường ác, khác gì người ngu vì chút danh-lợi nhỏ chém đầu con vậy!

87. KẺ CƯỚP CHIA CỦA

Xưa có bọn cướp đi ăn cướp về, lấy được nhiều của đem chia cho nhau. Chỉ còn vài cái áo Khâm-bà-la (Kambala) [43] nơi Lộc-giã không được thuần-hảo, nhiều người cho là của xấu, đem chia cho người kém nhất. Người được, bực quá, đem vào thành bán, không ngờ các nhà trưởng-giả, quí-phái lại trả một giá rất đắt, nếu tính ra thời một áo này giá-trị còn hơn tất cả tài-vật của cả bọn. Người ấy thích quá.

Người đời bố-thí không biết có được quả-báo hay không nhưng, đến khi được sinh lên cõi trời, được nhiều sự vui-vẻ, khi đó mới hối-hận là trước đây ta không bố-thí nhiều. Áo Khâm-bà-la sau khi được giá đắt người ấy mới sinh tâm vui-mừng cũng như sự bố-thí; bố-thí ít được nhiều, lúc đó mới vui-mừng, hối-hận không làm thêm nhiều sự lợi-ích nữa!

88. KHỈ NẮM NẮM ĐẬU

Xưa có con khỉ nắm một nắm đậu, lỡ rơi một hạt xuống đất, nó liền bỏ những hạt đậu trong tay ra, đi tìm nhặt hạt đậu rơi kia. Hạt đậu rơi chưa tìm được, những hạt đậu bỏ ra gà vịt mổ ăn hết.
Phàm-phu tu đạo giải-thoát, trước hủy một giới không biết sám-hối, phóng-túng tăng thêm thành bỏ cả. Như con khỉ đánh rơi một hạt đậu thành mất cả vậy!

89. ĐƯỢC CON CHUỘT VÀNG

Xưa người đi đường được con chuột bằng vàng, thích quá bỏ vào bọc đi. Đến bên sông, người ấy cổi áo định qua sông, tức thời con chuột vàng biến thành con rắn độc. Người ấy nghĩ: “Thà bị rắn độc cắn chết, cũng cứ mang đi, chứ không vứt bỏ” – chắc tâm người ấy ngầm-cảm là thế nào nó cũng trở lại vàng. – Mãi mãi ngồi bên bờ sông, người ấy thấy con rắn độc biến thành rắn thực, không trở lại vàng nữa, mới bảo: “Ô, nó thường mãi vậy à!” Nói rồi người ấy cứ liều bắt con rắn độc bỏ vào bọc, bị rắn độc cắn chết ngay.

Người ngu ở đời thấy làm việc thiện được lợi, tâm họ không có chân-thực, chỉ vì lợi-dưỡng mà bám vào thiện-pháp ấy thôi, nên sau khi mất đi họ phải sa vào các ngả ác, như người bắt rắn độc bị nó cắn chết vậy!

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.