Tây Tạng, nơi hội tụ những sắc màu huyền bí

1.Thế giới của bích họa và Chuyển luân kinh

Đi đến bất kỳ ngôi chùa nào của Tây Tạng, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy vô số những bức bích họa thật lớn trên các bức tường. Đặc biệt là ở cung Potala, một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Tây Tạng. Cung Potala cao hơn 117m, chiều dài từ Đông sang Tây dài 360m, dựa lưng vào ngọn Hồng Sơn (Marpori) phủ tuyết suốt mùa Đông, gồm 13 tầng, diện tích 12.000m, và là di sản văn hóa thế giới. Cung Potala có Phật điện thật nguy nga, kim đỉnh huy hoàng với hơn 15 gian gồm Phật đường, kinh đường, tháp điện. Đây là ngôi chùa lớn nhất Tây Tạng và là nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma. Tại đây, kiến trúc Mật giáo rõ nét nhất. Các bức tường được tô màu bằng hai màu truyền thống trắng và nâu đỏ, các bức Mandala, bích họa, bảo tháp làm bằng đồng thếp vàng. Cung Potala được chia làm 3 phần: Hồng cung, Bạch cung, Sơn cước hạ tuyết, và cũng là nơi ở của Đức Lạt Ma thứ 14, nơi lưu trữ một bộ Tam tạng kinh được viết bằng 3 thứ tiếng: Tây Tạng, Hán, Mãn Châu.

Ở một nơi nữa, nơi mà tôi cảm thấy như lạc vào thế giới của những ngọn nến bằng bơ, của những bức bích họa, của bức tượng Phật, Bồ – tát nơi mà ta cảm nhận từng bước chân an lạc. Tới Jokhang (chùa Đại Chiêu), ta có cảm giác như sống lại thời xa xưa của khởi nguồn Phật giáo Tây Tạng. Chùa Jokhang tọa Đông hướng Tây, kết hợp giữa gỗ và đá, cao 4 tầng. Trên đỉnh chùa được kiến trúc theo phong cách Mật giáo Tạng truyền chính và mang một sống phong cách kiến trúc đời Đường Trung Hoa. Theo lịch sử Tây Tạng, thời vua Songsten Gampo (Tùng Tán Cán Bố) có 2 hoàng hậu, một là Xích Tôn – công chúa Nepal, một là Văn Thành – công chúa nhà Đường. Đây cũng là hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Tàrà sinh ra từ nước mắt Quán Thế Âm, nàng công chúa Nepal chính là Tàrà sắc lục, Văn Thành công chúa là Tàrà sắc trắng. Khi Văn Thành công chúa lấy chồng, nàng mang theo pho tượng Thích Ca Mâu Ni 12 tuổi và rất nhiều kinh Phật khác. Phần lớn các tranh tượng đều ở tầng 1, tổng thể diện tích trên 2.500m và được chống đỡ bằng các cột gỗ. Các cột gỗ này có từ thế kỷ XVII cho đến nay. Đặc sắc nhất là các bích họa ngoài hành lang của chùa. Trong Phật điện còn bảo tồn được các loại pháp khí đời Đường, tương truyền cho công chúa Văn Thành mang sang. Chúng được chế tác từ đá.

Trong các chùa Tây Tạng, các Chuyển luân kinh đều được thiết lập dọc đường đi. Bên ngoài khắc 6 chữ: Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn. Bất kỳ một ngôi chùa nào ở Tây Tạng cũng đều có trang trí bảo bình, bảo cái, pháp luân… Trước Phật điện có biểu tượng Chuyển pháp luân tại vườn Nai. Những Phật tử hành hương về Tây Tạng, tay cầm kinh luân, xoay chuyển cho kinh luân quay đều, dường như cả vũ trụ thần bí đang âm thầm ở trong lòng bàn tay những con người nhỏ bé đó! Họ đang đi theo dòng chảy của Phật giáo, vừa đi vừa niệm “Ommanipadminhum”, hoặc đi theo thế “tam bộ nhất bái, ngũ thể đầu địa”, hành hương tới đất Phật với một niềm tin bất diệt.

2. Chùa Zhaibung (Triết Bạng) và Samye (Tang Da)

Tại chùa Triết Bạng, ngôi chùa lớn nhất của Hoàng giáo Taya, vẫn duy trì hình thức biện kinh. Từ trên chùa Niết Bạng nhìn xuống, thung lũng đầy mây trắng, hơi nước mờ ảo vẫn còn đọng lại trên những chiếc lá. Biện kinh là một sinh hoạt thường nhật của chưa Tăng Tây Tạng. Biện kinh cũng giống như hỏi thi vấn đáp của Việt Nam ta, nhưng ở đây, chư Tăng sinh hoạt ngay trên sân, và ngồi quây quần với nhau. Sau đó, một vị Tăng đứng lên đặt ra câu hỏi, và chỉ định người trả lời. Chính vì hình thức hỏi thẳng, đáp nhanh, đúng trọng tâm vấn đề, nên kinh sách và khả năng hùng biện, thuyết pháp, thường được truyền bá rất nhanh và hiệu quả.

Ấn tượng nhất là khi đến thăm Tang Da, ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ VIII, cách Lhasa 300km. Đường đi vô cùng nguy hiểm trên hoang mạc cát, nơi Bồ tát Liên Hoa Sinh (Padma sambhava) đã đến đây và xây dựng chùa Tang Da. Và đây là ngôi chùa có nhiều tượng Phật nhất thuộc Hồng giáo. Tương truyền rằng Tổ Liên Hoa Sinh vốn sinh ra từ hoa sen tại miền linh địa Ô – trượng – na (Tây Bắc Kashmar). Tổ Liên Hoa Sinh đã dẹp trừ được các thần ma quái, đưa họ về chính pháp, lập ra phái Hồng giáo và để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử Hồng giáo Tây Tạng. Chùa Tang Da nổi tiếng nhất qua 4 bảo tháp trấn  bốn phương. Hồng tháp (Pháp luân tháp – theo phong cách Bồ tát thừa), Bạch tháp (Đại Bồ đề tháp – theo phong cách của Thanh Văn thừa), Lam tháp (Thiên long tháp – theo phong cách Như lai thừa), Hắc tháp (Niết bàn tháp – phong cách Phật thừa)… Ngoài ra, chúng ta quan sát có thể thấy hàng ngàn tháp được đặt trên tường bao quoanh toàn bộ chùa Tang Da.

3. Sắc màu huyền bí

Đến Tây Tạng, dẫu lòng người vô tình đến đâu thì cũng có lúc chùng xuống nao lòng trước vẻ đẹp của một nơi dường như chỉ toàn đất đá, hoang mạc, hay núi tuyết. Vẻ đẹp của Tây Tạng, một vẻ đẹp dường như làm ta ngỡ ngàng bởi đất, bởi nắng, bởi gió, tuyết và mây… Mây Tây Tạng thật tuyệt vời. Những áng mây bồng bềnh trên bầu trời, kết hợp với sự hùng vĩ của dãy Himalaya, mây và tuyết, tràn ngập trên những đỉnh núi, tạo nên những sắc màu diệu kỳ. Người viết thật có duyên, đã chụp được những bức ảnh: “Bạch Tuyết Kỳ Phong, Phật Nhật Tường Vân, Bạch Vân Thanh Sơn, Thiên Quang Vân ảnh, Sơn Tự Tại, Bạch Vân Thuỵ Tuyết”… nhưng dường như vẫn chưa thể nào diễn tả được hết vẻ đẹp của những ngọn núi cô liêu phủ đầy tuyết trắng. “Bạch vân phi khứ thanh sơn tại/Thanh sơn thường tại bạch vân trung”. Những hoang mạc cát bồng bềnh mây trắng không một bóng chim kêu. Sự im lặng của không gian bao trùm. Phong cách đẹp một cách kỳ lạ, và cảm hứng đã ùa tới, khó kìm nén: “Sơn sắc khê thanh chân thật nghĩa/Thiên quang vân ảnh khứ lai thân”… Thật may mắn khi được chấn kiến cảnh sắc miền đất thánh, dường như ta đang bước nhẹ nhàng vào cõi sắc giới. Khi chụp những bức ảnh này, người viết linh cảm chúng sẽ gây hiệu quả bất ngờ cho chính mình bởi sự huyền ảo và độc đảo, đầy huyền bì về mây, tuyết, và những sa mạc cát hoang vu…

Hoạ sĩ Tây Tạng là những người làm mandala, có những bức mandala, có những bức mandala thật to, nhưng cũng có bức nhỏ, tùy theo nhu cầu. Họ thường làm theo nghề truyền thống, cha truyền con nối, hay nói cách khác là nghề gia truyền. Màu sắc trên những bức mandala, thanka thường là các màu nguyên thủy từ đá và cây, nhưng cũng có sự sáng tạo của các họa sĩ. Họ là những người góp phần tạo nên một Tây Tạng huyền bí và linh thiêng.

Tây Tạng, một miền đất mà dường như vẫn còn sức hút mầu nhiệm linh thiêng với tôi. Trên nền đất nâu kia, nơi mà phía xa xôi, trên đỉnh núi gập ghềnh kia, còn là những thất cốc cô độc, nơi ẩn cư của những vị Lạt Ma. Đường đi tới đó, thật là khó khăn, “Núi không cao thì cảnh chẳng kỳ/ Đường không dài, thì lòng người khôn tỏ”, nhưng có kẽ, con đường tu tập là vậy. Các vị Lạt ma sẽ ngồi thiền định ở đó, cách biệt thế giới bên ngoài, chỉ liên lạc với bên ngoài bằng một cái ô nhỏ, để bên ngoài đặt thức ăn vào đó. Qua 6 tháng, 12 tháng, 2 năm, 6 năm, 20 năm… Từng đơn vị thời gian nhập thất tăng lên…, đã có vị Lạt ma, qua 12 năm, rồi một ngày nào đó, khi thị giả không thấy thầy mình lấy thức ăn nữa, mở mật thất bước vào, thì Lạt ma đã thị tịch. Khỏi ai không bâng khuâng trước những mật thất như vậy…?

Sắc màu của Tây Tạng có sức lôi cuốn đến lạ kỳ. Từ màu sắc truyền thống trên các bức tường của các đền chùa như nâu, trắng, đỏ, rồi màu đỏ của y phục Tây Tạng, màu tuyết trắng xóa, và màu của mây núi trên cao xanh kia… màu xanh lam lững lờ của dòng sông huyền thoại Yarlung Tsangpo, nơi khởi nguồn của những con sông lớn như Hoàng Hà, Mê Kông, hay màu đỏ hồng trên đôi má đứa trẻ đang nhìn mẹ lần tràng hạt, màu của những của các pho tượng Phật…, tất cả những sắc màu đó, hiển hiện, và trường tồn qua thời gian.

Rời Lhasa Tây Tạng, cảm xúc huyền nhiệm vẫn hiện về, nơi những miền đất chịu nhiều khí hậu khắc nghiệt, nơi “Thượng sơn thượng thủy thượng Laha – sha/ Triều Phật triều thần triều Tà – ra”, nơi Phật giáo đã trải qua biết bao thăng trầm nhưng vẫn tồn tại và phát triển, lòng chợt lưu luyến, nhớ về nơi mà ánh sáng của Đức Phật soi rọi, chiếu sáng trong tâm hồn mỗi người.

SƠN NAM – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 26

http://tapchivanhoaphatgiao.com

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.