Bí Ẩn Về Tiền Kiếp Hậu Kiếp – Chương 2

Đạo Lý Luân Hồi.

Đạo lý luân hồi tùy thuộc và bổ túc cho hệ thống nhân quả thứ hai, nhân quả dị thục. Đạo lý luân hồi cốt chứng minh hai điều:

– Năng lực của hành động tạo ra đời sống.

– Đời sống ấy, như vậy, có thể hóa cải được bằng năng lực của hành động.

Tất cả nguyên lý của sự tu hành thiết lập trên căn bản này. Căn bản này thuật ngữ gọi là “nghiệp quả”. Không biết hai điều ấy của nguyên lý nghiệp quả thì như trước đã nói, “tu hành nghĩa là hóa cải đời sống bằng cách sửa đổi hành động”, vậy nếu hành động không liên quan gì đến đời sống và đời sống cũng như hành động không thể hóa cải được thì tu hành sao được và tu hành làm gì. Nhưng thực tế, đời sống của con người do chính năng lực hành động của con người tác động và chi phối, vì lẽ đó mới phải tu hành và có thể tu hành được. Hiểu như vậy là đã biết được đại ý và mục đích của đạo lý luân hồi rồi đó. Không cần phải lặp lại một lần nữa, người tại gia cũng đủ thấy do theo sự hiểu biết như vậy mới xác nhận hình thức sinh hoạt của con người cần phải hóa cải và có thể hóa cải được bằng cách hóa cải hành động, đổi bỏ hành động ác thay thế vào bằng hành động thiện thì hình thức sinh hoạt của con người sẽ hình thành một màu sắc an lạc chân thật.

Nhưng năng lực hành động là gì và tạo ra sự sống như thế nào? Sự sống là gì? Đó là những câu hỏi để giải thích thế nào là luân hồi.

Trước hết, điều mà bất cứ khi cắt nghĩa về sự phát sinh của một hiện tượng gì, mọi người Phật tử phải nhớ rằng lý thuyết của phật giáo chủ trương rằng do “chủng tử phát hiện”. Do theo thuyết ấy, chúng có thể hình dung thấy vũ trụ là một bể cả gồm có vô số lượng, vô số làn sóng chủng tử. Tất cả hiện tượng chỉ là sự phát hiện của chủng tử đó. Và chủng tử là gì? là năng lực mà bản thân của chúng là chuyển động và hoạt động liên tiếp. Sự hoạt diễn liên tiếp của chủng tử là các hiện tượng. Mọi hiện tượng, như vậy, là gì? chỉ là những vòng lửa do chủng tử liên tiếp hoạt diễn mà thành, giống như cây hương quay vòng một cách nhanh chóng rồi, vì không thấy kịp, chúng ta ngó như có một vòng lửa. Mọi hiện tượng cũng y như vậy. Chúng có ra và tồn tại là do sự hoạt diễn và hoạt diễn liên tiếp của chủng tử mà vì thiếu “tuệ giác bát nhã”, chúng ta thấy như là có và sống với cái thấy ấy.

Sự sống cũng vậy, cũng là một tổ chức có nhịp nhàng một chút do sự hoạt diễn của vô số chủng tử sắc tâm (vật lý và tâm lý) Và như trước đã cắt nghĩa, làm cho sắc tâm ấy hóa hợp (sinh mạng), hoạt diễn nhịp nhàng (sống) trong một màu sắc (quả báo) hoặc khổ hoặc sướng. Trong một thời gian (đời sống) hoặc dài hoặc ngắn, là do năng lực của hành động. Năng lực của hành động ấy cũng là một loại chủng tử: chủng tử của nghiệp, động lực của ý chí manh động (vô minh) và khuynh hướng vị ngã (tham ái). Đức Phật có nói rằng làm cho nắm đất rời rạc thành một vắt là nước, cũng y như vậy, tạo nên sự sống là nghiệp, nghiệp của si và ái.

Ta có thể hình dung sự sống của ta như một bộ máy lớn lao và phức tạp, được chạy bởi điện lực. Mọi bộ phận phức tạp gồm thành bộ máy ấy giống như mọi hiện hành sắc tâm có chủng tử riêng biệt mà tổ hợp lại thành sinh mạng. Nghiệp lực làm cho sinh mạng sống cũng như y điện lực làm cho các bộ phận ấy hoạt động với nhau nhịp nhàng trong một bộ máy lớn. Như vậy điện lực có thì máu chạy, điện lực tắt thì máy đứng; nghiệp lực còn thì sanh mạng liên tục mà nghiệp lực chết hết thì sự sống khổ não sẽ giải thoát.

Nhưng làm ra máy cũng như lắp máy, tạo ra điện lực cũng như cho điện lực chạy, tất cả việc ấy là bàn tay của trí thức con người, cho đến thay đổi bộ máy ấy làm ra bộ máy khác, bộ điện lực chiều này ra một chiều khác, cũng là bàn tay trí thức của con người. Tạm thí dụ như vậy để thấy tất cả và hết thảy mọi hiện tượng hiện tại (được mệnh danh là y báo chánh báo đau khổ) là do tạng thức, mà đổi bỏ đi, thay thế vào mọi hiện trạng sau khi giải thoát (được mệnh danh là y báo chánh báo an lạc) cũng là tạng thức.

Tạng thức ấy, học giả Duy thức học xưa đã thí dụ, giống như một bể cả tùy chiều gió mà các đợt sóng nổi lên thế này hay thế khác, hay giống như một tấm vải, tùy thuốc nhuộm mà có màu sắc này hay màu sắc khác. Nhưng, thế này hay thế khác cũng đều là tạng thức. Và làm cho thế này mất đi hay mà thay thế vào thế khác là bàn tay của người thợ nhuộm. Cũng y như vậy đó, luân hồi hay giải thoát đều là tạng thức nhưng làm cho luân hồi diệt mất mà hiện thành giải thoát là năng lực của hành động.

Hành động ác thì do chủng tử ác ấy hiện hành ra đời sống khổ não, đó là luân hồi. Đổi bỏ hành động ác bằng hành động thiện thì do chủng tử thiện đó mà hiện hành ra đời sống giải thoát. Đạo lý luân hồi, như vậy, là đạo lý căn bản dạy cho ta thấy đời ta, ta có thể hóa cải và cần phải hóa cải bằng chính hành động của ta. Và như vậy, đạo lý luân hồi không cốt khăng khăng chứng minh có đời sau mà lại cốt làm cho đời sống giải thoát, điều ấy không cần phải biện luận nữa.

Ngoài ra nguyên nhân gây nên vòng luân hồi nghiệp báo xoay chuyển không ngừng thật ra chính là do sự mê mờ u tối, do vô minh che lấp không nhận thức được đâu là thật, đâu là giả, đâu là nguyên nhân của mọi sự, mọi vật. Không biết rằng “cái ta”, cái thân xác của mình cái bản ngã của mình chỉ là hư ảo tạm bợ, mà cứ nhầm tưởng là thật.

Ngay cả cái cảnh giới mà con người đang sống, cũng không phải là thật, không phải trường tồn, bất diệt. Vì cứ tưởng tất cả đều là thật, là bất diệt, vĩnh cửu nên cứ giữ mãi, tiếc rẻ. Do đó mà sinh ra tham muốn, chấp ngã (giữ lấy cái ta, nhận lầm là có cái ta). Cũng chính bởi quá vì cái ta đó mà phát sinh sự vị kỷ, ham lợi, danh, vật chất. Ham sống, sợ chết, phân biệt ta và kẻ khác. Không biết rằng mọi vật luôn luôn thay đổi biến hóa. Cái thân của ta luôn luôn thay đổi từng giây từng phút. Nên cái thân vô thường. Cái tâm của con người cũng thay đổi đó là cái tâm vô thường, môi trường mà con người đang sống cũng luôn luôn thay đổi biến hóa, đó là hoàn cảnh vô thường. Sự thật hiển nhiên ấy lại khó được con người hiểu thấu vì lẽ như đã nói trên là vì con người đã bị cái “vô minh” mê mờ che lấp.

Tuy nhiên, trên thế gian vẫn không phải không có những con người sớm giác ngộ và có khả năng thoát dần ra khỏi cái vô minh che lấp ấy.

Theo các vị Lạt Ma Tây Tạng thì trên thế gian vẫn có nhiều người tuy bị luật sinh tử luân hồi chi phối, nhưng vì họ có trí óc sáng suốt, phát triển về tâm linh và trí tuệ hơn người nên biết rõ mục đích mình phải đến và tránh các cạm bẫy do vọng tưởng và cái bản ngã chi phối. Chính nhờ cái ý tưởng cao cả, cương quyết, trong sáng và hướng tới mục đích vị tha theo tâm nguyện mà họ không bị lôi cuốn vào những con đường bất định trong khi luân hồi chuyển kiếp. Vì thế cuộc đời họ ít chịu cảnh khổ đau. Nhưng nhiều người về sau tuy có thể thoát khỏi vòng ràng buộc của sự tái sinh, họ vẫn có ý hướng muốn quay trở lại cái vòng luân hồi lần nữa với mục đích vị tha bằng cách chọn kiếp đầu thai theo mục đích mình.

Đây là trường hợp của những nhà tu hành, những vị chân tu ở Tây Tạng. Người Tây Tạng thường tự hào qua kinh sách rằng nơi rặng Tuyết Sơn hàng năm có nhiều vị Lạt Ma đã quyết định chọn kiếp luân hồi nào đó để hoàn tất lời nguyện của mình. Họ là những người muốn rằng sau khi chết, họ phát nguyện đầu thai vào một nhân vật nào, ở vùng nào đó với mục đích là cứu giúp nhân loại hoặc vì họ nhận thấy khi sống ho họ chưa hoàn tất ý nguyện mình nên muốn đầu thai lại để tiếp tục công việc còn bỏ dở. Người Tây Tạng gọi họ là các vị Hóa thân mà cao hơn nữa là những vị Phật.

Theo kinh Phật giáo thì những vị Bồ Tát đôi khi có nhiều ý chí vô cùng to lớn. Những ý chí ấy được gọi là nguyện (pranidhàna) hay nguyện lực (pùrvapranidhàna) Phật A Di Đà (Amitàbha) có 48 nguyện Đức Địa Tạng (Ksitgarha) có 10 nguyện, cũng giống Đức Phổ Hiền Bồ Tát (Sarmantabhadra có 10 nguyện). Mỗi vị có nhiều điều mong mõi cứu độ chúng sanh khác nhau như Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjusri) mong bất cứ ai đến với ngài đều có được trí tuệ siêu việt hoặc Đức Phật A Di Đà muốn chúng sanh sau khi chết đến được cõi an lành tịnh độ và thành Phật đạo.

Những vị Bồ Tát (Bodhisattwa) là vị Phật đáng lý nhập Niết Bàn nghĩa là đã thoát khỏi sự tái sanh, luân hồi, nghiệp quả, nhưng vì họ còn thấy chúng sanh đau khổ trong bể trầm luân nên không nỡ nhắm mắt bước vào hẳn trong cõi Niết Bàn an lạc mà tự nguyện đầu thai trở lại mong cứu giúp kẻ phàm trần thấy rõ con đường phải đi, không còn lầm lạc.

Thuyết Luân Hồi Và Những Tôn Giáo Khác

Như đã nói từ trước, thuyết Luân Hồi thật sự từ ngàn xưa đã lan tràn hầu như khắp thế giới, nhất là các nước ở Á Châu. Nhiều tài liệu sách vở nói về thuyết luân hồi đã ảnh hưởng không nhiều thì ít lên các tôn giáo về sau.

Trong cuốn Du Nirvana Indien, Obry ghi nhận rằng: “Luân hồi là một triết thuyết tôn giáo lâu đời nhất, đã lan tràn khắp thế giới. Tín ngưỡng này phát triển mạnh vào thời cổ đại khiến một nhà Thanh giáo uyên thâm phải lo lắng quan tâm” theo Schopenhauer thì thuyết luân hồi bàng bạc trong dân chúng Ai Cập cổ đại, ở Hy Lạp và là giáo điều căn bản của tôn giáo của các tăng ni Gaulois. Thuyết luân hồi cũng có mặt trong một số giáo phái Hồi giáo ở Hindoustan” (giáo phái Bohrahs); Người Do Thái một số lớn cũng tin vào sự tái sinh, luân hồi thấy rõ qua kinh Talmud. Trong kinh này có nhắc đến sự chuyển sinh của linh hồn từ thân xác này qua thân xác khác như trường hợp linh hồn Abel đã chuyển hoán qua thân xác Moise sau khi đã nhập vào thân xác Seth. Đối với Ky tô giáo thì vào thời cổ xưa không hiếm những vị có chức sắc trong giáo hội đã giảng dạy một số điều liên hệ đến thuyết Luân Hồi Thánh Jerome, cũng như những vị khác có uy tín vào thời đó như: Thánh Gregory, Arnobius, giám mục Nyasa, Lactantius.v..v.. Justior Natryr, Origene, Clement d’Alexandrie, giám mục Mercier đều đã chống lại thuyết Luân hồi mà còn coi đó là vấn đề làm tăng cường rõ rệt sự phán xét công minh về tội lỗi của mỗi người. Hơn nữa thật sự Ky tô giáo cũng cho thấy phần nào đề cập đến thuyết Luân hồi tái sanh khi quan niệm rằng, rồi ra mỗi ngày cũng sẽ gặp lại mình nơi một thế giới nào đó sau ngày phán xét. Điểm đáng lưu tâm là khoảng vào thế kỷ thứ 17 khi chăm sóc những người nô lệ da đen bị chợ từ Phi Châu đến Y Pha Nho và bị đày đọa, vị tu sĩ nổi danh suốt đời tận tụy vì người khác tên là Pierre Claver đã khuyên nhủ họ những câu bao hàm những gì thuộc về Luân hồi nghiệp quả như: “Các con hãy nhớ rằng, những gì mà các con đang trải qua, đang đau khổ thì đó là kết quả của những tội lỗi mà các con đã gây ra từ trước. Giờ đây, các con nên ăn năn sám hối!”. Câu nói rõ ràng nhắc đến những tội lỗi xa xưa và phải chăng đó là những tội lỗi từ tiền kiếp của họ. Vì quả thật những người da đen thời bấy giờ bị bọn thực dân da trắng bắt đem bán làm nô lệ chẳng có làm gì nên tội. Tội lỗi nếu có chăng chính là tội lỗi do những người da trắng gây ra. Điều này khiến ta nhớ lại thuyết nguyên tội thường được nhắc đi nhắc lại nhiều trong Ky tô giáo. Theo Schopenhauer thì “thuyết nguyên tội, được hiểu như là thuyết phải trả cái tội lỗi của một cá nhân nào đã gây ra trước đó. Thuyết này thay cho thuyết Di hồn và chuộc tội đã phạm từ tiền kiếp” (Schopenhauer Metaphysique de la Mort).

Khi tìm hiểu sâu xa hơn qua cuốn Thánh kinh (Bible) của Ky tô giáo thì vô số lời khuyên bảo răn dạy của Chúa còn nói lên biết bao ý nghĩa thâm sâu về vấn đề luân hồi về kiếp trước và kiếp sau, về quả báo như sau:

– Ai gieo giống chi thì sẽ phải gặt lấy giống ấy (gieo và gặt – 5:13 – 6:18).

– Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả, trái lại, phải chúc phước. Ấy là vì điều đó mà anh em được gọi để phước lành. (thơ thứ nhất của Phi e rơ).

– Kẻ nào gieo sự bất công sẽ gặp điều tai họa (châm ngôn 22:8)

– Những ai tìm điều ác, tất cả sẽ ác đến với nó (châm ngôn 11:27).

– Kẻ nào đào hầm thì kẻ đó té xuống đó.

– Kẻ nào lăn đá, đá đó sẽ trở lại đè nó (châm ngôn 26:27)

– Kẻ nào bưng tai không khứng nghe tiếng kêu la của người nghèo khổ thì kẻ đó cũng sẽ lại kêu la mà chẳng có ai đáp lại (châm ngôn 21:13).

– Tai họa không hề lìa khỏi nhà kẻ lấy ác trả thiện (châm ngôn 17:13).

– Chẳng một tai nạn nào xảy đến cho người công bình. Song kẻ hung ác sẽ bị đầy đau đớn (châm ngôn 12:21).

– Kẻ nào giam cầm kẻ khác thì rồi cũng sẽ bị kẻ khác giam cầm lại. Kẻ nào sử dụng gương đao, kẻ ấy sẽ bị chết vì gươm đao (thiên Apocalypse – chương 13).

Còn nhiều và nhiều nữa những câu đầy ý nghĩa tương tự trong Kinh Thánh và đặc biệt hơn nữa, các nhà nghiên cứu, tôn giáo, kinh điển về Ky tô giáo và Phật giáo đều thấy những điểm tương đồng đôi khi tưởng chừng như hai tôn giáo là một.

Thí dụ Phật giáo có câu:

“Ví dầu ai có đi khắp bốn phương trời cũng không tìm thấy được ai là kẻ đáng thương hơn mình.

Ấy vậy là do mình đã thương mình.

Mình đã thương mình thì cũng đừng làm phiền người”.

Ky tô giáo có câu:

“Hãy kính yêu Chúa ngươi với tất cả tấm lòng và cả tâm hồn. Và ngươi hãy thương yêu kẻ đồng loại ngươi như ngươi vậy”

Trong mấy lời khuyên dạy (12:1 – 15:13) có câu:

“Ngươi phải yêu kẻ lân cận mình như mình yêu mình vậy”.

Kinh Phật giáo có câu: “Đem tình thương xóa bỏ hận thù”.

Kinh Thánh có câu: Đừng để điều ác thắng mình, hãy lấy điều thiện thắng kẻ ác (những lời khuyên 12:1 – 15:13).

Hoặc: “Đừng mắc nợ ai chi hết

Chỉ mắc nợ về sự yêu thương mà thôi”.

Hay: “Chớ lấy ác trả ác cho ai

Phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người”

Phật giáo có câu: Lấy oán báo oán, oán chất chồng.

Lấy đức báo oán, oán tiêu tan.

Ý nghĩa luân hồi quả báo thấy rõ qua các câu sau đây trong kinh thánh:

“Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình. Ai tát người má bên này, hãy đưa luôn má kia cho họ; còn nếu ai dựt áo ngoài của người thì cũng đừng ngăn họ lấy luôn áo trong. Hễ ai xin, hãy cho và nếu có ai đoạt lấy của cải của các ngươi thì đừng đòi lại. Các ngươi muốn người ta làm cho mình thế nào, hãy làm cho người ta thế ấy”.

Hoặc:

“… Hãy cho, người sẽ cho lại mình; họ sẽ lấy đấu lớn nhận, lắc cho đầy tràn mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào thì họ cũng sẽ lường lại cho các ngươi mực đó…”

Rõ ràng nhất về ý nghĩa của vấn đề quả báo được thể hiện ở những câu sau đây khi Chúa khuyên loài người hãy làm điều thiện để tự mình cứu chuộc tội lỗi do mình gây ra vì điều đó sẽ giúp tránh được nhân quả:

“Hãy làm điều thiện đối với những kẻ làm hại ngươi rồi ngươi sẽ cứu chuộc được những tội lỗi do chính ngươi gây ra cho kẻ khác”.

Hoặc: “Những gì mà ngươi đã gieo rắc thì sẽ được ngươi gặt lấy!” hoặc: “Kẻ nào gieo sự bất công sẽ gặp điều tai họa (châm ngôn 22:8).

Luật nhân quả luân hồi báo ứng thấy rõ trong lời Chúa răn dạy loài người sau đây:

“Sự báo thù ở ngay trong tay ta và ta sẽ trả nợ đó đầy đủ. Bởi vì mọi tai họa sẽ đến cho kẻ nào chưa giải quyết xong những món Nợ Cũ ấy”

Lời răn dạy của Chúa sau đây còn rõ ràng hơn nữa về sự chăm lo điều tốt lành phước đức để dành cho đời sau:

“Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức. Kíp ban phát, phân chia của cải mình có. Vậy là dồn chứa về Ngày Sau một cái nền tốt và bền vững cho mình để được cầm lấy sự sống thật” câu” cái “ngày sau ấy nổi lên ý nghĩa của sự trả vay và phải chăng đó cũng có nghĩa là ở đời sau hay kiếp sau?”.

Luật nhân quả đôi khi còn bao hàm, liên quan đến cả sự phúc đức, nghiệp quả, hành động gây nên bởi cha mẹ, con cái. Đó là thắc mắc lớn lao của một số tín đồ:

“… và khi Chúa bước qua, ngài trông thấy một người đàn ông bị mù (người này bị mù ngay từ lúc mới chào đời). Lúc ấy một môn đồ đã hỏi Chúa rằng: Bạch thầy! Ai là kẻ đã gây lên tội lỗi khiến anh ta bị mù từ lúc ra đời? Cha mẹ anh ta hay chính anh ta? (John 9:1 – 2 Myitalies).

Như vậy, rõ ràng có mối liên hệ ràng buộc, tác động qua lại giữa những hành động và hậu quả của những hành động mỗi con người sẽ phải nhận lấy không sớm thì muộn theo Luật Nhân Quả tự nhiên.

Hiện tượng tái sinh (born again) còn được thấy rõ ở một số đoạn trong kinh thánh. Điển hình nhất là sự phục sinh của Chúa và những người chết sẽ sống lại cùng với xác thân của họ. Trường hợp sự tái sinh của Thánh Jean Baptiste cũng đã được Chúa cho các môn đồ biết qua câu: “Ellie đã trở lại!” (Mathieu 17:12 – 13).

Trong công vụ các sứ đồ (26:23) có câu: “Chúa Jesus đã được nói đến la đấng được sống lại trước nhất từ trong những kẻ chết”.

Trong I phi e rơ (3:18) có câu ” Ngài là người đầu tiên được sống lại với thể thiêng liêng. Theo quan niệm của những người tin vào thuyết luân hồi thì Chúa là một vị Đại Bồ Tát hóa thân thân trở lại cõi trần để mong cứu chuộc loài người. Ngài đã phó sự sống mình làm giá chuộc. Mạng sống con người hoàn toàn của Jesus đã được hiến dâng để giải thoát nhân loại khỏi sự nô lệ của tôi lỗi và sự chết (Phi e rơ 1: 18, 19; Ê phê sô 1:7)

Trong Sáng thế kỷ 18:8: Hê bơ rơ 13:2 còn có đoạn nói về sự sống lại của Chúa Jesus với dấu tích bên hông (có thể được hiểu như là một hình ảnh của Dấu tích luân hồi) tuy rằng Chúa là Đấng tối cao cả không còn phải chịu luật luân hồi tái sinh nữa.

“… Nhưng vì lẽ sứ đồ Thô ma đã đặt tay vào lỗ thủng ở bên hông của Giê su, điều đó há không tỏ cho thấy rằng Giê su được sống lại từ cõi chết với cùng một thân thể đã bị đóng đinh trên cây khổ hình hay sao? Không đâu, vì Giê su chi biến dạng hay là mặc lấy hình người bằng xác thịt, giống như các thiên sứ đã làm trong quá khứ vậy. Để thuyết phục Thô ma rằng ngày chính là đấng Christ, ngài đã dùng một thân thể mang vết đâm thủng. Ngài đã hiện ra như là một người thật sự với khả năng ăn uống, giống như các thiên sứ mà Áp ra ham có lần đã tiếp đãi vậy (Sáng thế Ký 18:8: Hê bơ rơ 13:2).

Trong khi Giê su đã hiện ra cho Thôma với một thân thể giống như thân thể ngài xó lúc ngài bị xử tử, ngài cũng đã mặc lấy các thân thể khác nhau hiện ra cho các môn đồ ngài. Vì thế Ma ri Ma đơ len thoạt tiên đã lầm tưởng Giê su là người làm vườn. Có những lần khác các môn đồ của ngày đã không nhận ra ngài liền được. Trong những trường hợp đó, không phải hình dạng của ngài đã giúp họ nhận ra ngài, nhưng bởi một lời nói hoặc cử chỉ nào đó mà họ đã nhận ra ngài (Giăng 20:14 – 16; 21:6,7; Lu ca 24:30,31)

Mới đây, (tháng 4 năm 1993), hai nhà báo Arthur Dale và Jenny Lynn đã tìm thấy một số tài liệu bí mật cổ xưa (Lưu trữ tại tòa thánh Vatican) nói về đời sống sau khi chết. Hai nhà báo này đã viết một bài nhan đề: Found: the Vatican’s secret files on life after death, tài liệu này được đăng tải lần đầu tiên sau đó trong báo Sun ra ngày 13 tháng 4 năm 1993. Theo tài liệu này thì một số tu sĩ Ky tô giáo đã từng thấy những cõi thế giới kỳ lạ sau cõi chết. Trong một tập hồ sơ, tài liệu khá dày được tìm thấy trong một nhà kho lâu đời, nhiều bảng viết tay mà các chữ viết thảo của những vị chức sắc trng Giáo Hội, mô tả lại những hình ảnh họ thấy về những gì sau khi chết. Trường hợp cha Carlo Malatesta bị một cơn sốc tim ngất đi rất lâu. Sau một thời gian cứu chữa, cha Carlo tỉnh dậy (tính ra cha đã hôn mê trong 40 phút đồng hồ) và đã kể lại những gì mà trong thời gian tim coi như ngừng đập hay nói khác đi là “đã chết” đó, cha Carlo Malatesta đã cảm thấy mình nhẹ bổng một cách lạ lùng, rồi cha thấy những người bay lơ lửng có cánh giống các thiên thần đưa mình đến cái cổng lớn của một nơi tươi sáng lạ lùng và sau đó lại được các thiên thần đưa cha trở lại thể xác mình. Trong thời gian Cha Carlo cảm thấy mình nhẹ lâng lâng, chính lúc đó cha cũng cảm nhận được là mình đã chết rồi nhưng không có sự hối tiếc, sợ sệt nào hết. Những lời cha Carlo Malatesta kể cha đều ghi lại rõ ràng trong lưu bút của mình.

Riêng đối với loài người theo Ky tô giáo cũng sẽ có sự sống lại hay tái sinh. Tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả mọi người đều sẽ được sống lại. Kinh thánh đã cho biết là Giu đa Ích ca ri ốt là kẻ phản chúa Jesus sẽ không được sống lại. Nguyên nhân y là kẻ đã tạo nhiều điều ác, đã gieo nhiều nghiệp ác nên sẽ nhận quả ác tương xứng. Đức chúa trời cũng sẽ không làm sống lại những kẻ nào đã phạm tội cùng thành linh của ngài (Ma thi ơ 12:32; Hê bơ rơ 6:4- 6; 10:26 – 27).

Mỗi người theo thứ tự riêng của mình sẽ được phán xét và sống lại. Sau sự sống lại của đáng Christ thì đến lượt 144000 người (những môn đồ trung thành của ngài) được sống lại và họ là những người sẽ sống với đấng Christ trong cõi trời hay nước trời. Tiếp đến là một số lớn người chết khác được sẽ được sống lại để sống ngay trogn Đia đàng trên đất. Dĩ nhiên không phải tất cả mọi người đều được sống lại để bị xét đoán (Giăng 5:29) trong Ngày Phán Xét.

Do đó, Đức Chúa Trời sẽ tạo lại một con người mới cũng bằng xương bằng thịt với cùng một nhân cách với những đức tính riêng, ký ức và lý lịch mà người đó đã thu thập cho đến lúc chết. Thân thể mới này sẽ giống như thân thể mà người ấy đã có trước khi chết. Điều đó giúp cho những người đã quen biết nhau từ trước có thể nhận ra nhau một cách dễ dàng. Ở đây, sự tái sinh chi xảy ra một lần và ta có thể bảo rằng mỗi người có thể xem như có hai lần được sống. Tiền thân sẽ trải qua một lần phải chết và lần thứ hai sau khi được tái sinh thì hậu thân ấy sẽ có một sự sống khác tiếp theo đó, ấy là sự sống để sống trong Địa đàng trên đất. Điều đó xảy ra vào ngày phán xét.

Đối với Hồi giáo (Islam) tuy không có nói đến luân hồi nhưng tôn giáo này cũng nhấn mạnh lại sự phục sinh của con người. Con người đã được tiền định bởi những hành động của mình khi đang sống trên cõi thế. Nếu như con người gây tội lỗi thì sau khi chết sẽ vào Địa ngục để chịu xử phạt. Nơi đó linh hồn sẽ chịu cảnh đau đớn ê chề cùng với sự hành hạ tra tấn rùng rợn. Nhưng nếu con người lúc sống tạo sự tốt lành thì khi chết sẽ lên cõi Thiên đàng sung sướng. Ở đây Chết là đi vào một cái cổng dẫn đến đời sống miên viễn không còn tái sinh trở lại nữa. Ngày cả kẻ ác, sau khi chết cũng bị đày xuống địa ngục và ở đó đời đời.

Theo kinh Coran của Hồi giáo thì con người sống là nhờ sự kết hợp của linh hồn và thể xác. Thể xác và linh hồn sẽ được phục sinh trở lại khi đến ngày phán xét. Ngày đó, kẻ ác sẽ bị xử phạt xuống cõi địa ngục còn kẻ thiện tâm sẽ được tới cõi thiên đàng an lạc.

Đoàn Văn Thông

http://www.tuvien.com/chet_va_tai_sinh

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.