Bí Ẩn Về Tiền Kiếp Hậu Kiếp – Chương 4

Những trường hợp điển hình.

Có một điều mà ai cũng nhận ra ngay bản thân mình chúng ta nhiều khi cảm thấy yêu mến nơi mình đã sống hay một nơi nào đó có một quốc gia mà ta chưa hề đến. Dĩ nhiên đối với quê hương xứ sở nhiều người sẽ bảo rằng vì nơi ấy nhiều kỷ niệm đã in sâu vào trong trí óc ta từ lúc trẻ thơ đến khi khôn lớn làm ta khó quên. Tuy nhiên có nhiều người dù ở một nơi từ nhỏ đến già họ vẫn cảm thấy thích một xứ khác một nước khác. Có người chỉ học địa lý các nước, tự nhiên họ cảm tình sâu đậm với nước nào đó dù rằng nước ấy không giàu, không văn minh. Ngay trong một quốc gia, có người tự nhiên cảm thấy yêu mến, cảm tình với một tỉnh lẻ nào đó qua tên gọi hoặc qua phong tục tập quán hay khí hậu. Dù rằng những địa danh, phong tục, tập quán khí hậu hay con người ở đó chẳng có gì đặc sắc cũng như họ chẳng có kỷ niệm nào. Ai trong chúng ta cũng chẳng đã một lầy ý nghĩ ấy. Người ta tự hỏi do nguyên nhân nào mà một vùng xứ sở kia lại có liên hệ với người này dù không đem lại lợi nhuận hay kỷ niệm gì? Có những người đã vượt đại dương rời bỏ quê hương xứ sở có khi rất trù phú để tới một vùng đấy xa lạ khốn khổ khô cằn và sống cho đến già.

Trường hợp Jocélyn Crane: là một cô bé ra đời vào năm 1959 tại tỉnh Saint Louis. Lúc còn bé mỗi lần nhìn vào bảng đồ thế giới là cô nói với mẹ: “Con thích chỗ này, con muốn tới đây”, chỗ cô bé là vùng đất Á Châu. Điều kỳ lạ là từ nhỏ cô bé đã ham thích các loài sinh vật, điều mà cả gia đình chẳng có ai thích ấy. Khi lớn lên Jocélyn tốt nghiệp ngành sinh vật học (1930) và sau đó đến sống ở Á Châu để nghiên cứu về sinh vật học.

Trường hợp bà Lise Meitner: là nhà nữ vật lý học nổi tiếng ở thành phố Vienna nhưng lại yêu mến nước Thụy Điển và bà đã nhập quốc tịch tại đây và chọn Thụy Điển làm quê hương thứ hai của bà. Nhiều người Âu Mỹ tự nhiên ham thích và cảm thấy yêu mến vùng đất Phi Châu hoang dã, nghèo nàn và quyết tâm đến sống chung cùng các thổ dân xa lạ nhưng họ cảm thấy thích thú, hạnh phúc vô cùng. Hoặc trường hợp của nhà lafcadio Heam người Hy Lạp nhưng lại chỉ thích qua Nhật sống và biết rất rành về văn hóa Nhật.

Trường hợp bà Alexandra David Neel: là một nữ phóng viên nổi tiếng. Từ nhỏ bà đã say mê đất nước Tây Tạng, không phải vì đất nước này giúp bà viết những bài báo hấp dẫn lạ kỳ, huyền bí mà theo bà, khi còn ở nhà trường, học lịch sử, nghe thầy giáo giảng về xứ sở của Đỉnh Trời này thì tâm hồn của bà dậy lên lòng cảm mến dạt dào và bà ước có ngày sẽ đặt chân đến đó. Mặc dầu vào những năm 1900, Tây Tạng được xem như là một xứ sở khắc nhiệt về nhiệt độ, cuộc sống và luật lệ. Tại đây luật lệ đặt ra chặt chẽ, không nhận sự hiện diện của một người ngoại quốc trên Tây Tạng nhất là những kẻ “mặt xanh mũi lõ”. Vậy mà vào năm 1914 bà Alexandra David Neel vẫn quyết tâm tìm đường đến Tây Tạng, bà phải giả làm một người hành khất mới lọt được vào sâu trong lãnh đạo đất nước này. Nhưng khi gần đến thủ đô, bà tìm đến một ngôi chùa và vào đó xin cơm và may mắn gặp một nhà sư, bà ngỏ ý xin quy y. Thế là bà trở thành sư nữ và cũng từ đó bà trở thành người Tây Tạng và dân chúng quanh vùng đều biết đến bà. Trong cuốn nhật ký của mình bà có ghi chú những câu đáng lưu tâm như sau:

“Tôi luôn luôn có cảm tưởng rằng Tây Tạng là quê hương thân thuộc của mình. Tây Tạng như có mãnh lực lạ kỳ lôi cuốn tôi theo. Điều kỳ dị là có nhiều vùng xa lạ nhưng tôi lại có cảm tưởng như mình đã đi qua nhiều lần trong đời, điều đó làm tôi suy nghĩ rằng phải chăng ở tiền kiếp tôi đã làm người dân Tây Tạng?

Có lần ông Cayce đã tìm hiểu tiền kiếp của một Nha sĩ khi thấy ông này ham thích vùng đồng quê hoang vắng, giấc ngủ thôi miên đã giúp ông Cayce biết được tiền thân của ông này là một người Đan Mạch di cư đến vùng Bắc Mỹ trong thời kỳ có chiến tranh thuộc địa. Hình ảnh những vùng hoang dã, tĩnh mịch đã đi sâu vào ký ức ông đến độ ở kiếp hiện tại vẫn còn ảnh hưởng khiến ông ham thích môi trường sống cũ một cách say mê.

Một trường hợp lạ lùng khác mà nhiều người trong chúng ta ai cũng đã một lần trải qua. Đó là đôi khi đến một vùng nào đó tự nhiên trong tâm trí ta xuất hiện câu hỏi rằng chỗ này hình như có lần ta đã đến đó rồi, cũng hàng câu ấy, dãy nhà ấy, khúc đường ấy ánh nắng và tiếng động ấy… không phải ngay trong một tỉnh khác và ở nước khác nữa hình ảnh, nơi chốn, không gian, thời gian khiến ta như chợt nhớ rằng nơi đây mình đã sống qua hay đã đi qua.

Phải chăng đó là dấu tích của tiền kiếp? Câu hỏi tại sao mọi người trong chúng ta ai cũng đã một vài lần cảm nhận điều đó thì câu trả lời có thể rằng mọi người ai cũng đều phải trải qua nhiều kiếp và trong tiền kiếp có lần ta đã sống ở đó, ghé lại đó và hình ảnh ấy vẫn còn tồn tại trong tiềm thức tuy không rõ ràng ở kiếp hiện tại. Chính hình ảnh môi trường chợt hiện lên trong trí óc ta đó là dấu tích của luân hồi.

Trường hợp bé David: Đại Đức Dhamananda đã thuật lại câu chuyện lạ lùng về một cậu bé tên là David sống ở Luân Đôn (Anh Quốc) như sau:

Lúc cậu bé David vừa tròn 5 tuổi, cậu đã làm cho gia đình ngạc nhiên nhiều lần vì lời phát biểu của cậu, cậu bé thường nói một cách tự nhiên:

“Hồi trước con làm việc nhiều lắm, lúc đó, con là một người chuyên đi xem xét kiểm tra đôn đốc các hàng hóa, con còn được đi thăm nhiều nơi và hồi đó con còn gặp nhiều điều lạ lùng”.

Một hôm, David được mẹ dẫn đi theo trong một chuyến du lịch sang La Mã. Tại đây, hai mẹ con đi theo một nhà khảo cổ để đến một ngôi làng vừa mới được các người phu khai quật lên. Khi đến một gian phòng nọ, David bỗng thấy cái bồn tắm xưa cũ vội chạy đến lần mò tìm kiếm các chữ khắc trên thành bồn, rồi cậu la lên: A! Đây chính là cái bồn tắm của con! Người mẹ nghe nói chẳng hiểu cậu nói cái gì chỉ kêu: “Ái chà! Con nói gì tầm phào thế, thôi dậy đi thôi…

Nhưng David vẫn không đứng dậy, cậu mân mê miếng ngói vỡ vừa nhặt lên trong tay vừa nói với mẹ: “Mẹ ơi! Hồi đó con thường lấy các mảnh ngói như thế này để chơi, mỗi mảnh chúng con đập cho có dạng thể một con vật… A! Đây là mảnh giống con cá, ngày xưa Macus rất thích mẫu cá…

Có lần, David được dẫn đi viếng một động đá huyền bí trên đảo Channel thuộc Guernsey, (một vùng đảo nằm ở vị trí gần bờ biển nước Pháp). Sau khi đi một vòng trước động đá, David bỗng như nhớ ra điều gì, chạy lại nắm tay mẹ nói:

“Trong động này có một người tù bị lính Pháp dẫn vào đây để giết, bọn lính Pháp đóng đinh người tù vào thành động rồi xây gạch bít kín lại”. Người mẹ vừa sợ vừa không tin nên bảo David đừng nói bậy, nhưng cậu bé vẫn nhất mực quả quyết đó là chuyện có thật… Cậu phân bua với mẹ:

“Hồi đó, con là một lao công chiến trường, chính con đi theo đoàn lính này khuân đồ đạc…”

Về sau, chính quyền của xứ Guernsey đã cho người tới quan sát động đá và khám phá ra điều cậu bé David đã nói với mẹ. Cuối động đá, sau một bức vách được xây thêm là bộ xương của một người đàn ông bị đóng đinh dính vào vách động đá.

Tuy nhiên, mẹ của cậu bé David lúc nào cũng nhìn con trai mình qua hình ảnh một cậu bé con mà thôi. Có lần, David theo mẹ đi thăm viện bảo tàng nước Anh. Khi đến khu vực trưng bày các đồ vật xưa cổ thuộc xứ Ai Cập huyền bí, cậu bé vội vã chạy ngay đến bên những chiếc hòm gỗ, chỉ cho mẹ xem rồi nói:

“Mẹ biết không! Hồi con còn làm chức vụ thanh tra, con thường kiểm soát nhiều hàng hóa đồ vật. Chính các hòm này phải qua sự kiểm nhận của con. Nếu mẹ không tin, thì hãy lật xem ở dưới đây các hòm này đều có dấu kiểm nhận của con cả. David muốn mẹ tin mình hơn nên đã dùng cái que nhỏ viết lên nền viện bảo tàng những mẫu chữ tượng hình Ai Cập. Những mẫu chữ mà từ ngày được sinh ra đến bây giờ, cậu bé chưa bao giờ biết tới cũng chưa bao giờ được thấy.

Trong một tài liệu tương tự đã kể lại trường hợp một người Anh tên là Lawrence, người này mặc dầu là dân Anh chính gốc nhưng từ nhỏ chỉ thích giao du với người Ả Rập mà thôi. Khi khôn lớn, ông quyết định rời bỏ quê hương mình để đến đất nước xa xôi cằn cỗi của vùng bán đảo A Rập để có dịp sống chung với người dân xứ này. Từ đó ông ăn mặc và hành xử hoàn toàn giống như người Ả Rập.

Báo chí Hoa Kỳ trong năm 1992 cũng đã đăng tải một câu chuyện liên quan đến vấn đề nêu trên, đó là trường hợp Derek Klinger: Câu chuyện có thật do chíng Derek Klinger, giáo viên người Anh dạy học tại trường trung học ở Waterford kể lại. Lúc còn bé ông đã có cảm tình với nước Đức nhưng ông cũng không hiểu tại sao. Càng lớn lên, ý nghĩ ấy vẫn không giảm trong trí óc ông. Thế rồi nhân một lần nghỉ hè, ông quyết định đi du lịch nước Đức (lúc đó ông 32 tuổi). Tại Đức ông đã đi nhiều nơi và điều kỳ lạ là có nơi khi đến ông có cảm tưởng như đã đến đó một vài lần. Cảnh trí nơi ấy đối với ông có vẻ rất quen thuộc. Tuy nhiên vấn đề không làm ông quan tâm. Hôm gần quay về nước Anh, ông tìm tới một tiệm đồ cổ mong mua được một vài thứ lạ làm kỷ niệm vì ông rất thích đồ xưa. Tiệm đồ cổ này nổi tiếng ở Munich vì có đủ thứ. Tại đây ông đã trầm ngâm trước một tấm ảnh chụp rất xưa, nước thuốc đã ngả sang màu nâu vàng. Tấm ảnh chụp 14 người lính Hải Quân Đức. Nhưng đối với ông lại vô cùng kỳ lạ vì làm ông nhớ lại quá khứ xa xôi vào khoảng thời gian mà ông là một trong 14 người lính đó. Dần dần ông nhớ lại tên từng người một trong ảnh. Ông đứng ngẩn ngơ chăm chăm nhìn bức ảnh và ông nhớ lại năm đó là 1942 ông cùng 13 đồng đội, cùng ở trong một chiếc tàu ngầm và đang có cuộc hải chiến trong vùng. Một chiến hạm Anh đã phóng ngư lôi vào trong vùng. Một chiến hạm Anh đã phóng ngư lôi vào ngay bụng chiếc tàu ngầm làm cho nổ tung lên khiến ông và 13 đồng đội tử thương… Ông Derek vội vã mua ngay tấm ảnh và tức tốc hỏi nhân viên cảnh sát Đức địa điểm của vân khố chiến tranh rồi tìm đến để hỏi về trường hợp chiếc tàu ngầm. Được biết cơ sở này là nơi lưu trữ,sưu tập, phân tích các sư kiện đã xãy ra trong cuộc chiến tranh giữa cuộc chiến tranh giữa Đức và Đồng Minh. Cơ này có vô tài liệu và tự hào là có thể trả lời trong một thời gian ngắn về những gì có liên quan tới cuộc chiến tranh, kể cả các cuộc hành quân của Đức. Khi Derek Klinger yêu cầu muốn biết số phận của các chiếc tiềm thủy đỉnh mà ông đã nhớ số hiệu và cuộc hải hành cùng năm tháng thì được chuyên viên văn khố chiến tranh cho biết như sau: “Chiếc tàu ngầm này có 14 người. Đó là tàu ngầm chữ U của Đức, tàu ngầm này bị Hải Quân Anh đánh chìm ở Bắc Hải và trước khi tàu chìm, trung tâm hành quân thuộc bộ Hải Quân có nhân được điện kêu cứu…” Ngày nay, Derek Klinger vẫn còn lưu giữ tấm ảnh lạ lùng này nhưng ông rất sợ nhìn nó vì theo ông, mỗi lần nhìn vào tấm ảnh ông lại có cảm tưởng xao xuyến lạ thường và bên tai như có tiếng nổ vang rền và tiếng la hét của 13 người đồng đội. Ông nói với các phóng viên nhà báo như sau:

“Tôi thấy rõ hình ảnh tôi lúc đó trong ảnh. Đó là hình ảnh của tôi ở tiền kiếp. Khi đó tôi là 1 quân nhân Đức. Giờ đây tôi là một giáo viên người Anh. Tôi chắc chắn lúc trước tôi là người Đức, điều dễ hiểu là từ nhỏ tôi đã có cảm tình với nước Đức và trong lần du lịch sang Đức, nhiều nơi tự nhiên có vẻ rất quen thuộc đối với tôi. Lúc đó tôi có phần ngạc nhiên nhưng giờ tôi đã biết rõ vì sao…”

Trường hợp của danh tướng George S. Paton.

George S. Paton là một danh tướng, một nhà chiến lược kỳ tài mà cả thế giới đều biết. Tánh tình nghiêm khắc và luôn luôn chỉ biết có “kỷ luật sắt, kỷ luật là sức mạnh của quân đội”. Con người hùng ấy lại có một bộ óc lạ lùng là luôn luôn tin vào thuyết luân hồi. Ông thường bảo: “cuộc đời và cuộc sống là cái vòng tuần hoàn chuyển tiếp nhau. Đời tôi cũng nằm trong một cái vòng tuần hoàn chuyển tiếp đó”.

Một sĩ quan cao cấp đã kể lại câu chuyện có thật về tướng Patton: “Hôm đó tướng Patton đến thăm một vùng đất lịch sử tại Ý. Đó là vùng đất nằm cạnh sông Métaure, nơi mà xưa kia, trong trận chiến hãi hùng giữa Carthage và Rome với những đoàn quân dũng mạnh của 2 phe đã để lại trên chiến trường hàng ngàn tử thi đẫm máu, mặc dầu hai bên đều đã được những chiến lược gia, những danh tướng điều khiển.

Hình ảnh hùng tráng rùng rợn ấy đã đi vào quá khứ và cách thời đại của tướng Patton đến 1800 năm nhưng khi tướng Patton cùng các tướng lãnh và số sĩ quan chuyển về sử học tháp tùng đến thăm vùng đất này và thử ôn lại những chiến thuật và chiến lược của trận đánh ấy thì điều kỳ dị mới xảy ra. Nhân lúc một Đại Tá trình bày những nơi đóng quân của hai phe Carthage và Rome cho tướng Patton nghe thì ông này nhiều lần tỏ ý không hài lòng. Sau cùng tướng Patton cắt ngang lời viên Đại Tá và nói như sau: “Tôi xin lỗi Đại Tá, mặc dầu Đại Tá là chuyên gia nghiên cứu về các trận chiến trong cuộc chiến tranh La Mã nhưng tôi khẳng định rằng đoàn kỵ binh của tướng Hasdrubul lúc bấy giờ (trong trận này) không phải đóng tại địa điểm mà Đại Tá đã trình bày mà là ở vị trí đầu kia kìa. Tôi quả quyết điều đó vì… một điều rất dễ hiểu là thời đó, chính tôi đã có mặt ở đó…”

Và để tăng cường cho sự tin tưởng của mọi người có mặt quanh mình, tướng Patton nghiêm nét mặt, đưa cao chiếu can cầm ở tay lên chỉ về một điểm ở trước mặt và lập lại câu nói thậm chậm rãi, rõ ràng.

“Đó! Địa điểm mà đoàn kỵ binh của Hasdrubul là ở đó và tôi nhắc lại là lúc ấy tôi đã ở đó!”.

Trong những lần dừng chân nơi chiến trận hay những lúc nghỉ ngơi, tướng Patton thường nói đến những địa danh và những mặt trận cổ xưa mà ông đã có mặt tuy rằng những nơi đó đã đi vào quá khứ xa xăm hay chỉ còn lại trong các bộ sử nơi thư viện.

Trong nhật ký của mình, tướng Patton thường gi lại các cảm nghĩ lạ lùng của mình về những gì mà ông gọi là kiếp trước, có đoạn viết:

“Tôi tin là có tiền kiếp và hậu kiếp, tôi tin, thật sự là tôi biết rằng tôi đã có ít nhất là một quãng đời trước đây trong binh nghiệp và hiện nay tôi lại “Đầu thai” lần nữa vào đời binh nghiệp…”

Về sau, trong một hội nghĩ Quốc Tế với chủ đề là “Ứng dụng về khoa tâm lý học” tổ chức lần thứ 14 vào năm 1961, một nhân vật có tên tuổi là Aldous Huxley đã trình bày những trường hợp của tướng Patton cùng câu chuyện lạ lùng xảy ra trong lần đi thăm chiến trường La Mã cổ xưa ấy. Trường hợp này đã được báo Paris Match đăng tải và bình luận ngày 23 tháng 3 năm 1989). Trong lần diễn đàn này, Aldous Huxley đã phát biểu như sau: không riêng gì tướng Patton, mà ngay cả chúng ta đây, đôi lúc ở một thời điểm nào đó trong đời ta bỗng có cái cảm giác, cái suy nghĩ, cái nhìn kỳ lạ mà ý thức của chính ta như bỗng nhiên hé mở có khi ta bắt gặp một hình ảnh, một sinh hoạt, một tiếng nói, một cảnh tượng, một con người mà hình như có lần ta đã thấy, đã nghe, đã ở, đã đi qua, mặc dầu trong cuộc đời chưa hề gặp bao giờ. Đó là quá khứ, quá khứ ấy không phải trong một cuộc đời hay nói khác đi là trong “một kiếp” mà trước đó nữa. Cảm nhận ấy đôi khi vượt ra khỏi cái cảm nhận của giác quan thông thường ở mỗi con người… để đi về quá khứ xa xăm hay có thể gọi là tiền kiếp…”

Những dấu tích luân hồi thật ra bàng bạc, tản mạn trong mỗi đời người. Nó như dấu ấn chứng nhận cho một người phải đi qua nhiều trạm gác, nhiều biên giới của các quốc gia, chúng ta cũng còn thấy được dấu tích ấy ở mối liên hệ cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bè bạn.v.v. và có thể nói đó là dấu tích luân hồi rõ ràng và thâm diệu nhất.

Dấu Tích Luân Hồi Biểu Hiện Qua Những Người Liên Hệ, Thân Thuộc

Những người liên hệ thân thuộc là những người liên quan về gia đình như cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè. v.v… Nhìn chung, những người đó chỉ có sự ràng buộc về huyết thống, tình nghĩa. Mỗi người thường có cuộc sống và thể cách riêng. Tuy nhiên từ lâu trong dân gian và ngay cả những nhà nghiên cứu về nhân chủng học, tâm lý học, đều có một nhận xét về sự tương quan nào đó thuộc về dáng dấp, diện mạo của những người ấy với nhau. Nếu xét về mặt di truyền học thì dĩ nhiên con cái có những nét giống cha mẹ. Ở đây chỉ xét về trường hợp vợ chồng.

Trường Hợp Vợ Chồng.

Trên thế giới nhiều người đã có sự nhân xét giống nhau về một vấn đề: đó là sự tương quan về nhân dáng diện mạo giữa vợ và chồng. Phần lớn một cặp vợ chồng thường có những nét giống nhau về gương mặt và đôi khi cả tính tình. Có nhiều vợ chồng thoạt mới nhìn qua ai cũng tưởng đó là hai anh em. Nếu xét riêng về mặt tính tình thì có thể bảo rằng vì sống gần nhau họ sẽ chịu ảnh hưởng về cá tính của nhau. Nhưng trên thế giới, thật sự những người có tánh tình tương tự nhau mới hợp được nhau, mới khiến họ tìm đến nhau và dễ tiến tới hôn nhân (đồng thanh tương ứng, đồng chí tương cầu là vậy). Nếu xét về diện mạo thì khó mà giải thích theo lập luận nào. Vì quả thật vợ chồng không chung huyết thống, mỗi người thuộc một dòng dõi riêng. Vậy mà như đã trình bày ở trên, có lắm cặp vợ chồng có gương mặt tương tự nhau và ai trong chúng ta cũng có lần thấy rõ điều đó. Nguyên nhân nào đã khiến những người này liên hệ, kết hợp với nhau để thành vợ chồng? Theo các nhà tâm lý học thì một trong những nguyên nhân đáng kể là sự “gặp lại hình ảnh của chính mình”. Những cặp vợ chồng ấy trước đây sống riêng lẻ, khi mới gặp nhau, quen biết nhau, họ đối mặt nhau và mỗi người tự cảm nhận một hình ảnh thân thuộc lạ lùng từ người kia mà họ chưa định rõ là gì. Cái hình ảnh thân thuộc ấy chính là những nét giống họ về gương mặt mà thường ngày họ bắt gặp trong lúc soi gương… Tuy nhiên, điều cần lưu ý là không phải cặp vợ chồng nào cũng đều có gương mặt tương tự nhau mà trái lại có những cặp vợ chồng lại khác nhau một trời một vực về diện mạo và cả tính tình. Những nhà nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh đã dựa vào một vài thuyết tôn giáo, trong đó có thuyết luân hồi để giải thích và làm sáng tỏ phần nào vấn đề này.

Hôn nhân có nguồn gốc từ tiền kiếp. Ở kiếp này khi hai người nam nữ cùng nhau đi đến hôn nhân vợ chồng, quyết định sống bên nhau trọn đời thì thật ra điều đó không có nghĩa là điều mới được quyết định, theo thuyết luân hồi, chính nhân duyên từ kiếp trước đã quyết định, thế nào họ cũng gặp nhau vì nhân duyên (nhân duyên được hiểu giản đơn là Nhân cái này mà sinh ra cái kia (quả) như nhân có hạt giống mà sinh ra quả.

Nhân duyên có 12 thứ: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, thủ, hữu, sinh, lão và tử, xem ý nghĩa 12 nhân duyên Duyên giữa trai gái để trở thành vợ chồng. Nguyễn Du có câu thơ: Có nhân duyên, có vợ chồng).

Chính sợi dây duyên nghiệp sẽ nối kết trói buộc hai người này lại với nhau. Khi hai người nam nữ gặp nhau, cảm tình với nhau, mong ước được cùng nhau sống hạnh phúc dưới một mái nhà, họ vẫn tưởng họ là hai người xa lạ không quen biết nhau mà chỉ gặp nhau qua sự giới thiệu hoặc sự tình cờ nhưng thật sự họ ĐÃ QUEN BIẾT NHAU TỪ KIẾP TRƯỚC, hay nói khác đi là họ đã có duyên nghiệp với nhau từ kiếp trước. Duyên nghiệp gồm có nghiệp và duyên theo nhau để tạo nên quả báo. Có thể trước đây người này đã gây đau khổ cho người kia (về khía cạnh nào đó) và trái lại. Hoặc trước đây hai người vẫn còn mối liên hệ ràng buộc nào đó chưa dứt cần phải có thêm thời gian nữa mới mong trả hết cho nhau. v.v… Vì thế mà họ phải gặp nhau lại ở kiếp kết tiếp. Có thể trước đó họ là anh em trong một nhà, hay cùng một giòng giõi, thân thuộc, do đó không lạ gì khi có những ca85p vợ chồng có gương mặt thưởng giống nhau như hai anh em. Ngoài ra tùy theo duyên nghiệp mà cặp vợ chồng sống với nhau thuận hòa hạnh phúc hay lại xung đột, cãi vã, bất hòa khổ đau, chán chường để rồi đi đến ly hôn, ly dị, đôi khi còn coi nhau như kẻ thù, có những cặp vợ chòng mới cưới nhau một thời gian ngắ đã vội lìa nhau. Thời gian chung sống với nhau ấy tùy thuộc vào nghiệp quả (giống nghiệp báo chỉ sự báo ứng của những gì mà trước đó người này đã tác động lên người kia nhiều hay ít, dữ hay lành…)

Nhiều người ở tiền kiếp đã có nhiều nghiệp duyên với người khác và nếu chưa trả hết thì đến kiếp này họ phải trả. Vì thế có nhiều người đã phải trải qua nhiều cuộc hôn nhân mà không được hưởng hạnh phúc của một vợ một chồng. Theo những nhà nghiên cứu và thực hành phương pháp tìm về quá khứ hay tiền kiếp của con người như nhà vật lý học Pháp P. Drouot, Morris Nettherton, Cayce, N. Kchan… thì nhiều người trong những thời gian của những tiền kiếp khác nhau đã là vợ chồng của nhau nên bị cái hấp lực mạnh của nhau tác động vào vì thế đến kiếp này họ vẫn còn liên hệ ràng buộc với nhau theo kiểu tự nguyện. Dĩ nhiên phần lớn những trường hợp này họ dễ hòa thuận với nhau hơn là xung khắc vì họ đã biết nhau nhiều hơn qua nhiều kiếp và chắc chắn họ sẽ dễ đạt thành công trên đường đời. Có nhiều trường hợp ở tiền kiếp người này vì có nghiệp duyên với người kia quá nặng nên đến kiếp này họ tự nhiên bị ám ảnh bởi một sự hối thúc tìm gặp người kia và đôi khi người kia chẳng hề biết.

Ông Lê Xuân Nghĩa là một giáo viên đã kể một câu chuyện mà ông bảo rằng hoàn toàn có thật về người chị của mình là Lê Thị Mỹ người Mỹ Tho, sinh năm 1938. Chị là người tuy không đẹp nhưng lại rất có duyên. Nhiều chàng trai trong vùng ngấp nghé và nhiều nơi đến dạm hỏi nhưng chị không quan tâm. Mỗi lần gia đình hối thúc việc chồng con thì chị lại cương quyết từ chối bằng câu: “con đã có chồng và con phải tìm anh ấy.” Gia đình anh Nghĩa tưởng chị Mỹ nói đùa nhưng rồi một hôm cả nhà đang ngồi ăn cơm, chị Mỹ tuyên bố: “chồng con hiện đang bị giam ở khám chí hòa, con phải đi thăm anh ấy…” Cả nhà ngạc nhiên vô cùng khi nghe chị Mỹ nói, sự ngạc nhiên càng gia tăng khi chị Mỹ kể lại chi tiết câu chuyện như sau: “nhiều đêm nằm ngủ cô thường mơ thấy một người, người này cao và ốm, gương mặt choắt, đôi lông mày rậm, cổ đeo sợi dây chuyền có gắn cái vòng và giữa vòng là một chữ A hoa. Mặt người ấy luôn luôn buồn và mỗi lần người ấy hiện ra trong giấc mơ là cô lại nghe văng vẳng bên tai lời nói thì thầm: “người này là chồng của cô đó”. Mấy tháng nay cô lại mơ thấy anh ấy. Lần này trông anh ta ốm yếu hơn, tội nghiệp hơn, rồi cô lại nghe văng vẳng bên tai lời nói lạ lùng ấy: “chồng cô đã bị đi tù và hiện vị giam ở khám Chí hòa, phải tìm cách đến thăm anh ấy không thì quá muộn… anh ấy tên là Phan Thái An…” Liên tiếp nhiều đêm cô đều mơ một giấc mơ như thế và cô tỏ ý muốn đi thăm người chồng trong giấc mơ mộng với lòng quyết tâm lạ lùng của cô. Người nhà lúc đầu không chịu nhưng anh Nghĩa là một giáo viên, anh là là người sống nội tâm và hay tìm hiểu về các vấn đề siêu linh, nhà anh sách vở nhiều như thư viện nhỏ, chính anh đã thuyết phục gia đình và chịu dẫn chị Mỹ lên Saigon đến khám chí hòa thăm người “anh rể” trong mộng của chị mình. Tại Saigon, hai chị em trú tại nhà một người bà con ở đường Trương Minh Giảng chờ đi thăm nuôi, chị Mỹ có vẻ sốt ruột mong sớm gặp mặt “người chồng trong mộng”. Ngày thăm nuôi, hai chị em dậy sớm để cho đi cho kịp giờ. Chị Mỹ đã mua đủ thứ để bới xách, vì thật sự chị cũng chưa biết “anh ấy” thích món ăn gì và cần thứ gì. Khi gặp nhân viên lo việc thăm viếng thân nhân ở trại giam, chị Mỹ xin được gặp anh Phan Thái An để thăm nuôi. May mắn người giữ trật tự là học trò cũ của anh Lê Xuân Nghĩa nên chị được phép gặp người tù Phan Thái An dễ dàng. Mười phút sau anh An xuất hiện sau vòng dây kẽm gai và rồi người học trò dẫn anh ta ra gặp hai chị em tại phòng thăm nuôi. Thật là một cuộc thăm viếng lạ kỳ, không ai biết ai, chỉ có một mình chị Mỹ là nhận ra anh An mà thôi. Anh An cũng ngơ ngác không hiểu gì cả trong khi chị Mỹ nước mắt lưng tròng. Anh Nghĩa vội kể lại câu chuyện mà chị Mỹ đã kể lại cho anh An nghe. Nghe xong câu chuyện, anh An vẫn không hiểu ất giáp gì cả nhưng tỏ vẻ cảm động. Chị Mỹ đột nhiên nhìn vào mắt anh An và hỏi: trước khi bị bắt, anh có đeo sợi dây chuyền ở cổ không? anh An ngạc nhiên trả lời: “có sao cô biết?” chị Mỹ lại hỏi: Trên sợi dây chuyền ấy mang cái vòng có chữ A hoa phải không? anh An đáp “phải!” câu chuyện đã khiến cho Nghĩa và An vô cùng kinh ngạc. Anh Nghĩa nói:

– Dù câu chuyện thế nào thì sự thật vẫn có anh An đó và chị Tôi đây, biết đâu đó là vấn đề có liên quan đến kiếp trước của anh và chị tôi. Anh đừng ngại ngùng chi về cuộc viếng thăm này và nên nhận chút quà mà chị em tôi đem từ Mỹ Tho lên… Anh An vô cùng cảm động, anh nói:

– Tôi bị bắt oan, người ta nghi tôi là Cộng Sản nằm vùng vì có liên hệ tới một người hoạt động cho Cộng Sản. Anh ấy là bạn tôi nhưng tôi không biết anh là Cộng Sản, tôi thường đi chơi và chụp hình chung với anh ấy nhưng tôi không ngờ mỗi chuyến đi, anh ta đều chuyển tài liệu mật cho mật khu…

Câu chuyện không chấm dứt ở đó vì hai tháng sau, chị Mỹ nghe tin người ta chuyển toán từ nhân Cộng Sản về giam ở đảo Côn Sơn trong đó có anh An. Trên đường di chuyển không hiểu sao anh An lại có thể nhảy được ra khỏi xe để trốn thoát, nhưng vì xe chạy quá nhanh nên anh đã chết. Từ đó chị Mỹ như người mất hồn và mãi 6 năm sau, tức là vào năm 36 tuổi chị mới lấy chồng.

Trường hợp Cha Mẹ, Anh Chị Em, Con Cái.

Đối với trường hợp cha mẹ anh em cũng vậy, đã có những sự liên hệ nhân quả nào đó giữa cha, mẹ, anh em, con cái với nhau ở tiền kiếp. Cha mẹ dĩ nhiên có liên quan với con cái không phải xét về mặt di truyền và tình cảm ruột thịt mà xét về mặt luân hồi. Con cái và cha mẹ có những sợi dây liên hệ ràng buộc nhau, có thể kiếp trước người cha, người mẹ, những người có con có nghiệp căn nào đó và kiếp này gặp lại nhau để tiếp tục hoàn tất những gì thoe nghiệp quả báo ứng. Chuyện cái cân thủy ngân là câu chuyện giả tưởng trong dân gian một phần nào đã nói lên hình thức báo ứng của cha mẹ và con cái. Ngoài ra cũng phải hiểu thêm rằng để có cơ hội gần gủi sâu xa hơn, những đứa con đã mượn chỗ đầu thai ở cõi trần của kiếp này qua phương tiện là cha mẹ. Sự liên hệ của người con không phải luôn cả với cha và mẹ mà có thể người con chỉ có sự liên hệ nghiệp quả ràng buộc với người mẹ mà không phải người cha hoặc có khi trái lại. Vì thế thường có trường hợp có sự bất hợp ý hay dửng dưng, tẻ nhạt hoặc thương yêu, gắn bó mật thiết giữa mẹ con hay cha con tùy theo duyên nghiệp phát sinh từ tiền kiếp. Trong dân gian thường cho rằng, cha mẹ, con cái, vợ chồng thật ra đều là oan trái nghiệp quả của nhau cả. Những kẻ cùng sống chung một nhà hay tranh cãi, xung khắc, bất hòa chán gét nhau cũng đều có nguyên nhân từ tiền kiếp, có thể họ đã gây đau khổ cho nhau nên mới trả quả đã gây ra.

Thuyết luân hồi nhân quả còn cho rằng “có thể nhìn cuộc sống của con cái và cha mẹ với nhau trong một gia đình, cách đối xử, nuôi nấng, chăm sóc, tình phủ tử, mẫu tử nồng nàn hay tẻ lạnh của họ mà đoán được sự liên hệ ràng buộc của những con người ấy với nhau ở tiền kiếp. Ở kiếp trước có thể họ là anh em, là chị em, là cha con, là mẹ con, là bạn bè với nhau và đã tạo ra những nghiệp quả nào đó nên kiếp này vẫn phải còn liên hệ ràng buộc để hoàn tất những gì chưa giải quyết hết. Riêng về anh, chị em trong gia đìng cũng như thương yêu, ganh ghét, hay đôi khi xung khắc căm thù nhau đều là những dấu vết biểu hiện của luân hồi. Có thể ở kiếp trước họ là những người khác nhau về chí hướng, chủng tộc hoặc có sự tranh chấp đố kỵ nhau, hay cũng có thể ở kiếp trước họ là hai vợ chồng hoặc hai người bạn thân.v..v..

Câu chuyện có thật sau đây xảy ra tại Hoa Kỳ và đã được báo chí ở Hoa Kỳ đăng tải vào năm 1991. Bà Gillian sống ở tiểu bang Colorado, năm 1986 bà sinh hạ được một cháu bé kháu khỉnh đặt tên là Mandy. Nhưng không may cho bà Gillian, cháu bé chỉ sống được bốn tháng thì qua đời. Bà Gillian vô cùng đau khổ, bà khóc than vật vã bên mộ huyệt, bà đã té xỉu và khi tỉnh dậy lại muốn nhào xuống huyệt theo con… Một thời gian sau, bà Gillian có chuyện bất hòa với chồng, họ ly dị nhau và sau đó bà Gillian có thai với người chồng thứ hai. Lần này bà cũng sinh hạ được một cháu bé kháu khỉnh và bà lại đặt tên là Mandy để nhớ lại đứa con gái bất hạnh của mình trước đây.

Năm Mandy lên bốn tuổi, bà Gillian đưa cháu đến nghĩa trang để thăm mộ Mandy, chị gái cháu bé. Khi vừa đến gần mộ chị, bé Mandy bổng nhiên nói to lên có vẻ thích thú: “Má, Má! đây là nơi mà ngày trước má đã đặt co xuống dưới cái hố sâu trong đất. Lúc đó má khóc nhiều lắm, và má suýt rơi xuống cái hố đất ấy rồi, má có còn nhớ không?…”

Bà Gillian vừa ngạc nhiên vừa kinh hãi, bà không ngờ co bà mới bốn tuổi mà đã nói lên câu nói lạ lùng và trôi chảy như người lớn. Điều kỳ dị là bà chưa bao giờ kể chuyện bé Mandy, con gái đầu lòng của bà chết ra sao và an táng thế nào cho bé Mandy, đứa con thứ hai của bà nghe cả.

Vậy phải chăng bé Mandy con bà hiện đang sống với bà chính là bé Mandy ngày trước và đã lìa đời? Phải chăng bé Mandy đứa con thứ hai của bà là hậu thân của đứa con gái thứ nhất của bà? Từ đó bà Gillian cảm thấy sung sướng yêu đời bà thường ôm Mandy vào lòng và nói: Tôi cảm thấy có được tất cả và co tôi là tất cả…”Câu chuyện có thật ấy là một chứng cớ điển hình về những gì thuộc về tiền kiếp và hậu kiếp. Thời gian chuyển đổi từ kiếp này qua kiếp khác đôi khi rất xa hay đôi khi rất gần. Ngoài ra người thân thuộc trong một gia đình có khi lìa đời rồi vẫn có thể quay trở lại, đầu thai làm con hay cháu trong gia đình.

Ở Việt Nam năm 1942 dân chúng vùng Cầu Hai Nước Ngọt (lúc đó còn rất thưa thớt) kể lại cho nhau câu chuyện lạ lùng về gia đìng ông Nghênh. Hai vợ chồng ông Nghênh mới làm lễ thành hôn cho đứa con trai được bốn ngày thì người cha của ông Nghênh qua đời.

Một năm sau, con dâu ông Nghêng sinh hạ một người con trai. Đứa bé khi lên sáu tuổi tự nhiên ăn nói rất khôn ngoan, cử chỉ dáng điệu trầm mặc như người lớn và thường thích dậy sớm uống trà dù trời có lạnh lẽo đến thế nào. Một hôm đang ngồi chơi, bổng đứa bé nhìn quanh rồi hỏi người nhà: “Bộ ly tách của tôi sao cứ để trên bàn thờ mãi thế, đem xuống cho tôi đi!” cả nhà nghe câu nói lạ lùng đó sợ quá, nhưng khi hỏi đứa bé nguyên nhân thì nó chỉ yên lặng. Về sau, gia đình ông Nghêng còn chứng kiến những cử chỉ và nghe những lời nói lạ lùng của đứa bé hoàn toàn giống với ông cố nó ngày nào thì lại tưởng là đứa bé bị ma nhập nên lo bán vườn, nhà chuyển vào sống ở vùng Lăng Cô Đà Nẵng. Câu chuyện này phần nào trùng hợp với câu chuyện có thật xảy ra tại Hoa Kỳ năm 1979: Bà Diane Williams sinh một bé gái đặt tên là Kelly. Năm Kelly vừa tròn bốn tuổi thì nó đã ăn nói rất sành sỏi như người lớn. Một hôm bà dì tên là Pam đã bế Kelly đặt lên đùi mình và nô giởn với nó thì bổng nhie6n Kelly vừa cười vừa hỏi: “Này! cháu có còn nhớ ngày xưa cháu cũng đã ngồi lên đùi bà như thế này không?” Dì Pam hỏi: con nói gì thế” thì Kelly nói rõ ràng từng chữ một làm bà Pam và bà Diane Williams há hốc mồm ra vì kinh ngạc. Bé Kelly nói như sau: “Chắc chắn các cháu không nghĩ được rằng ta chính là bà ngoại của các cháu đâu!”

Những câu chuyện trên mới nghe qua quả thật vượt quá sự tưởng tượng của con người vì có vẻ mơ hồ, tuy rằng một phần chứng cớ vẫn còn đó. Lý do là tận cùng của vấn đề hiện nay vẫn chưa được lý giải hoàn toàn, tiến sĩ Ian Stevenson đã cho rằng không riêng gì ở một vài nơi xảy ra sự việc (có liên quan về vấn đề luân hồi tái sinh) có giới hạn mà khắp nơi trên thế giới, hầu như quốc gia nào, vùng đất nào cũng đã và đang xảy ra những sự việc như đã trình bày ở trên. Tại Ấn Độ, Nga Sô, Trung Hoa, Việt Nam, Canada, Anh Quốc, Thụy Điển, Ý, Đức, Nhật cũng không hiếm xảy ra những vấn đề liên quan đến lãnh vực đầu thai gây kinh ngạc cho nhiều gia đình và đôi khi còn gây xôn xao dư luận. Nhà vật lý học nổi tiếng của Pháp là Patrick Drouot phát biểu như sau về vấn đề này: “Nếu chúng ta xem vấn đề luân hồi tái sinh cũng giống như chu kỳ của vũ trụ, sự lập lại của những tình huống nào đó của những chu kỳ của sự sống thì điều đó cũng không đến nỗi phải làm chúng ta kinh ngạc. Điều tốt nhất trước mắt là hãy mạnh dạn đi sâu vào vấn đề để tìm hiểu, nghiên cứu, gạt bỏ những gì có tính cách mê tín huyền hoặc và ghi nhận những gì khả dĩ đem lại những giải đáp hữu lý cho vấn đề…”

Dấu Tích Luân Hồi Biểu Hiện Qua Giấc Mộng

Hiện tượng luân hồi biểu hiện dưới nhiều hình thức và sự khơi dậy về những gì thuộc về tiền kiếp cũng xảy ra qua tác động như nhau. Nhiều người tự nhiên nói lên những gì đã xảy ra về tiền kiếp của mình. Qua các cuộc nghiên cứu về hiện tượng này, giáo sư tiến sĩ Ian Stevenson cho rằng: phần lớn trẻ em có khả năng nhớ lại tiền kiếp tốt hơn người lớn. Riêng đối với người lớn thì phần nhiều phải nhờ những tác động từ bên ngoài như thôi miên hoặc qua giấc mộng mới giúp họ nhớ được tiền thân của mình.

Theo các nhà nghiên cứu về hiện tượng luân hồi, tái sinh thì trên thế giới đã có vô số trường hợp con người lại thấy được tiền kiếp mình qua giấc mộng.

Sau đây là một vài trường hợp điển hình:

Trường hợp bà Georgia Rudolph:

Bà Georgia Rudolph là nữ y tá kỳ cựu tại một bệnh viện lớn ở thành phố Atlanta (Hoa Kỳ). Bà là một con người bình thường giống như bao nhiêu người khác, nhưng có một điều rất lạ ám ảnh tâm trí bà đó là những giấc mơ kỳ dị đã nhiều đêm liên tiếp hiện rõ trước mắt mình. Theo bà Georgia thì ngay lúc còn bé khoảng 5,6 tuổi bà cũng đã từng nằm mơ cùng một giấc mơ đó. Trong giấc ngủ bà thấy một cô gái trẻ độ 15 tuổi mặc bộ y phục màu trắng đứng trước một ngôi giáo đường.

Bị ám ảnh bởi hình ảnh ấy cho đến năm bà 40 tuổi, bà cảm thấy phân vân lo lắng trong lòng. Một hôm có một vị giáo sư dạy về tâm lý học đã giúp bà bằng cách giới thiệu cho bà một nhà phân tâm học nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Nhà phân tâm học này đã áp dụng phương pháp thôi miên giống như giáo sư tiến sĩ vật lý Patrick Drouot đã thực hiện tại Pháp. Qua cuộc thôi miên ấy, bà Georgia đã thấy lại tiền kiếp của mình, lúc ấy bà là một cô gái dễ thương tên là Sandra Jean Jenkins, Sandra là một cô gái đa tình, đa cảm và lãng mạn luôn luôn thích thơ văn thích cảnh gió trăng mây nước, nên thơ thích mặc toàn đồ trắng tuy còn nhỏ nhưng lại hay đến nơi yên tĩnh vắng lặng như nghĩa trang, công viên, nhà thờ… Trong lúc bị thôi miên, bà Georgia còn nói rõ năm sinh của chính mình lúc đó là cô gái Sandra) là vào năm 1895 và sinh quán là thị trấn Mariette thuộc tiểu bang Ohio. Năm Sandra 19 tuổi, cô gái có yêu một chàng trai, họ quấn quít bên nhau như bóng với hình. Nhưng đau đớn thay, chàng trai gặp tai nạn và qua đời khi Sandra mang thai được một tháng. Nỗi bất hạnh kế tiếp lại giáng vào chính cô gái, một hôm, Sandra ra tắm ở một con sống cạnh nhà rồi bị chết đuối…

Bà Georgia kể đến đó thì tỉnh lại. Nhà phân tâm học đã hỏi rằng bà có nhớ rõ gương mặt cô gái Sandra Jean Jenkins không thì bà Georgia gật đầu nhiều lần và bảo: Tôi nhớ rất kỹ vì gương mặt đó chính là gương mặt cô gái mà tôi thường thấy trong những giấc mơ qua suốt thời gian dài. Nhà phân tâm học liền đề nghị bà Georgia nếu thuận lợi nên đến thị trấn Mariertta để nhờ nhân viên tòa thị chánh lục lại hồ sơ các gia đình ở vào khoảng các năm 1895, 1896, 1897 thử ra sao. Bà Georgia liền đến thị trấn Mariette và tại tòa thị chánh bà đã thấy được hồ sơ lý lịch hộ khẩu của gia đình cô gái có tên là Sandra Jean Jenkins đã sống tại thị trấn này. Câu chuyện lạ lùng về giấc mơ kỳ lạ và tiền kiếp của bà Georgia Rudolph được báo chí loan truyền rất nhanh. Điều kỳ lạ tiếp theo là nhờ qua báo chí mà một người trong dòng họ của cô Sandra đã tìm gặp bà Georgia và cho bà xem một bức ảnh chụp toàn gia đình Sandra. Bà Georgia nhìn bức hình và đã tìm thấy một cô gái khoảng 13, 14 tuổi mặc bộ đồ trắng đứng bên người đàn ông lớn tuổi có lẽ là cha cô gái. Bà Georgia vô cùng kinh ngạc, trong người bà tự nhiên như có một luồng điện chạy và tay chân bà như nổi gai ốc vì cô gái trong bức hình chính là cô gái Sandra bà mô tả qua buổi thôi miên, đó là hình ảnh thực sự của bà trong tiền kiếp. Câu chuyện có thật về tiền kiếp của bà Georgia đã được đài truyền hình Hoa Kỳ chiếu đi chiếu lại nhiều lần trong những năm 1990, 1991, 1992.

Trường hợp cô bé Winnie Eastland sinh năm 1955 tại Virginia cũng rất kỳ lạ. Năm 1961 cô bé bị xe hơi cán khi chạy băng qua đường. Mặc dầu được các bác sĩ tận tình cứu chữa, cô bé vẫn hôn mê trong một tuần lễ rồi sau đó qua đời. Người mẹ của Suzane là bà Eastald vật vả khóc lóc thảm thương và đã nhiều lần nhảy xuống mộ huyệt quyết chết theo con. Người nhà và bạn bè hết lời khuyên giải nhưng người mẹ vẫn khóc lóc đau khổ khôn nguôi. Một năm sau, bà Eastland nằm mơ thấy con mình là Winnie nhẹ nhàng bước vào nhà vừa mỉm cười vừa nói: “mẹ yêu quý, con sẽ trở lại với mẹ một ngày gần đây!”. Không riêng gì mẹ Winnie thấy con mình trở về mà người con gái lớn của bà cũng nằm mộng thấy em gái mình trở về nữa. Năm 1964, bà Eastland sinh ra một bé gái và đã nhớ đến người con yêu dấu 3 năm trước đây, bà đặt tên là Winnie. Một sự lạ lùng sau đó xảy ra khi bé Winnie 2 tuổi đã nói lên một câu làm cả nhà phải ngạc nhiên: “năm nay con đã 6 tuổi rồi…” Câu nói thật kỳ dị vì lúc đó Winnie mới 2 tuổi hay là cháu bé đã nhắc lại kỷ niệm xưa lúc Winnie bị đụng xe chết vào năm 6 tuổi? Về sau, bé Winnie còn nhắc lại những gì đã xảy ra lúc nó chưa ra đời nghĩa là những gì mà bé Winnie đầu tiên đã sống. Điều kỳ lạ la bé Winnie đã kể lại vụ đụng xe, nó nói như nó là nhân chứng: Hôm đó con chạy qua đường và bất ngờ chiếc xe lao tới con tối tăm mặt mày. Con thấy nhiều người tụ tập lại quanh co rồi con được đưa lên băng ca chở vào bệnh viện… rồi sau đó con lang thang và báo cho mẹ biết rằng con lại quay về…” Bác sĩ Ian Stevenson đã ghi chú một phần quan trọng về câu chuyện có thật này như sau:

Các chuyên viên nghiên cứu về hiện tượng tái sinh, luân hồi đã lưu ý đến một vết nám bên hông cháu bé. Đó là dấu tích luân hồi, dấu tích vết thương lớn của tiền kiếp cháu bé bị về vụ đụng xe gây thương tích trầm trọng và khiến bé qua đời. Chính các bác sĩ giải phẫu ở bệnh viện cũng đã quan sát dấu vết ấy và họ cho biết: “các vết sẹo thường khi co rút, thu nhỏ lại. Đây cũng là một vết tích về một tai nạn hay mổ xẻ nhưng vì xảy ra quá lâu nên dấu vết không lộ rõ nét”.

Trường hợp kỹ sư Frank.M.Balk

Câu chuyện có thật sau đây còn lạ lùng hơn nữa. Một kỹ sư người Hoa Kỳ có tên là Frank.M.Balk đã vô cùng ngạc nhiên vì ông thường nằm mộng thấy một người đàn bà mặc áo trắng đến bên giường bảo rằng: “ngươi hãy mau mau đến một đất nước có tên là Việt Nam để gặp lại cha mình, người ấy giống ngươi như tạc, đó chính là người cha tiền kiếp, ông ta là một nhà sư và hiện đang trụ trì tại một ngôi chùa trên một ngọn đồi gần thành phố!”. Giấc mộng tiếp diễn nhiều đêm và nội dung đều giống nhau. Lúc đầu viên kỹ sư tưởng mình bị ám ảnh bởi vài một vấn đề nào đó nhưng khi nghĩ lại, ông ta thấy nội dung giấc mơ không liên quan gì đến công việc hàng ngày cũng như cuộc sống và vấn đề tình cảm của mình cả. Viên kỹ sư là một nhà khoa học nên ông không tin những gì có tính cách mơ hồ, huyền bí, nhưng lại nghĩ rằng có lẽ mình yếu thần kinh hay có sự xáo trộn, lệch lạc về tinh thần nên đã tìm đến bác sĩ khám bệnh thử. Kết quả bác sĩ cho biết “không có dấu hiệu gì chứng tỏ có sự mất quân bình về tâm, sinh lý cũng như não bộ về hệ thần kinh. Sức khỏe tốt” Nhưng rồi một thời gian ngắn sau đó, viên kỹ sư lại nằm mơ và bên tai lại nghe văng vẳng tiếng thúc dục “hãy mau mau đi tìm người cha của tiền kiếp…” Giấc mộng lạ lùng ấy cứ tái diễn nhiều lần vào năm 1956 (thời tổng thống Ngô Đình Diệm) viên kỹ sư này cảm thấy không thể an ổn được tâm thần khi chưa tìm ra sự thật về giấc mộng kỳ dị ấy. Thế rồi ông quyết định xin được công tác ở Việt Nam. Thời đó, tại Hoa Kỳ có rất nhiều đoàn chí nguyện đến Việt Nam để công tác và giúp đỡ đất nước này sau hiệp định Geneve (1954), một đất nước bắt đầu xây dựng về đủ mọi lãnh vực sau bao đau thương tang tóc vì chiến tranh. Tại Việt Nam, kỹ sư Frank.M.Balk làm việc ở một cơ quan xây dựng, tạo tác và thiết kế nhưng công tác của ông lại phải chuyển đổi luôn vì thế rất thuận lợi cho việc “đi tìm người cha tiền kiếp của ông theo như giấc mộng. Kỹ sư Fark.M.Balk đã đi nhiều nơi ở miền nam Việt Nam và nơi nào ông ta cũng tìm đến các ngôi chùa tọa lạc trên các ngọn đồi, tuy nhiên từ miệt Cần Thơ, An Giang, Châu Đốc, Tây Ninh cho đến Vũng Tàu, Saigon… nơi nào viên kỹ sư này cũng đều đặt chân tới và vào tận trong chùa tìm gặp vị trụ trì nhưng chẳng thấy nhà sư nào giống mình cả. Mãi đến một hôm công tác tại Nha Trang, dù bận rộn viên kỹ sư này cũng đã sắp xếp công việc để có thời gian đi viếng các ngôi chùa. Nơi xứ thùy dương cát trắng này, có một vài ngôi chùa tọa lạc trên đồi. Sau hai ngày đi thăm các chùa, viên kỹ sư vẫn chưa gặp được vị sư nào đã thấy qua giấc mộng. Ngày thứ ba viên kỹ sư bước vào một ngôi chùa nằm trên ngọn đồi lớn nằm ở vùng Mã Vòng đó là chùa Hải Đức. Trên đồi này là một trung tâm hoằng pháp thuộc giáo hội Phật giáo đang khuếch trương lớn để trở thành trung tâm phật học của Nha Trang sau này. Nhiều cơ sở được dựng lên và nơi đây có nhiều nhà sư trẻ có kiến thức văn hóa cao trú ngụ. Viên kỹ sư đã may mắn gặp được một số thầy, biết tiếng Anh nên sau khi tự giới thiệu và trình bày sự việc với nhà chùa viên kỹ sư được đưa vào chánh điện để gặp vị trụ trì. Lúc này trụ trì chùa là Sư Thích Phước Huệ. Vị sư này tuổi độ 70 đang ngồi tụng niệm trước bàn thờ Phật. Viên kỹ sư yên lặng đứng bên cây cột sau lưng vị sư già chờ đợi và quan sát. Trong khi đó các thầy, các chú, các sư tăng trong chùa cứ ngấp nghé quan sát viên kỹ sư vì ai cũng lấy làm lạ tại sao hai người: sư Phước Huệ và viên kỹ sư mỗi người một quốc gia riêng biệt, khác tôn giáo, phong tục tập quán, tiếng nói nhưng lại có gương mặt giống nhau như hai cha con?

Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, sư Phước Huệ tụng kinh xong đứng dậy. Chú tiểu vội ra dấu cho viên kỹ sư trở xuống hậu liêu chờ đợi. Sư Phước Huệ được các thầy trong chùa kể lại sự việc, rất ngạc nhiên nên vội vả xuống gặp viên kỹ sư. Cuộc hội ngộ lạ lùng đã diễn ra sau đó. Viên kỹ sư đã trình bày mọi việc cho sư Phước Huệ nghe, từ chuyện nhiều đêm thấy giấc mộng lạ kỳ cũng như những cuộc đi tìm người cha tiền kiếp trong mộng qua các ngôi chùa tọa lạc trên các đồi ở các tỉnh miền nam Việt Nam. Dĩ nhiên cuộc đối thoại ấy đã được các thầy, các chú ở chùa Phật học thông dịch. Sau cùng viên kỹ sư mong mỏi được gọi sư Phước Huệ là cha và còn xin được quy y làm đệ tử.

Hôm đó là ngày chủ nhật 27 tháng 4 năm 1958 lúc 4h30 phút chiều.

Thế rồi, hai tuần sau, một buổi lễ quy y cho viên kỹ sư Hoa Kỳ Frank. M. Balk được tổ chức tại chùa Hải Đức. Sư Phước Huệ đã chọn pháp danh cho viên kỷ sư này là Chơn Trí. Viên kỹ sư được sư Phước Huệ trao cho một chiếc áo tràng màu lam và chiếc quần dài nâu sòng. Sau đó “hai cha con” đã chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm ngày hội ngộ. Bức ảnh được phóng lớn treo ở hai ngôi chùa có cùng tên là Hải Đức, một ở Nha Trang và một ở Huế. Ngày nay, du khách đến Nha Trang hay Huế, nếu ghé thăm chùa Hải Đức sẽ thấy bức ảnh này treo ở nhà khách của chùa. Nhìn bức ảnh ai ai cũng ngạc nhiên thấy sự trùng hợp lạ lùng về hai con người xa lạ kẻ góc biển, người chân trời nhưng lại có hai gương mặt giống nhau như tạc từ mắt, mũi, miệng, tai và khuôn mặt. Dưới bức ảnh có đề hai hàng chữ bằng tiếng Pháp và tiếng Việt Nam, (Le fils perdu et retrouvé dimanche, le 27 Avrill 1958 – 4hl/2PM Đứa con mất đã tìm lại được chúa nhật 27 – 4 – 1958 – 4h30 chiều).

Một thời gian sau, vì cảm thấy quá già yếu nên sư Phước Huệ ra Huế trụ trì tại chùa Hải Đức gần chùa Từ Đàm và viên tịch tại đây. Thi hài đã nhập tháp gần cạnh chùa.

Trong suốt thời gian công tác tại Việt Nam, viên kỹ sư này đã vẽ kiểu và xây dựng một ngôi bảo tháp trên đồi bên chùa Hải Đức gọi là chút lòng thành cúng dường Tam Bảo và cũng để kỷ niệm ngày gặp gỡ người cha tiền kiếp của mình. Câu chuyện lạ lùng đó lan truyền khắp Việt Nam, chánh quyền thời đó (thời T.T. Ngô Đình Diệm) đề tiền kiếp sẽ tạo lợi điểm cho Phật Giáo nên tìm cách để chính quyền Hoa Kỳ triệu hồi về nước sớm. Cuộc chia ly thật cảm động. Sư Phước Huệ đã nắm chặt tay đứa con tiền kiếp. Cả hai đều rơm rớm nước mắt. Từ đó, viên kỹ sư thường liên lạc thư từ cùng vị cha tiền kiếp của mình.

Ngày rằm tháng tư năm 1963, sư Phước Huệ viên tịch. Nhà chùa có đánh điện qua Hoa Kỳ báo tin buồn cho viên kỹ sư nhưng vào thời gian này tại Huế và Saigon xảy ra cuộc tranh đấu của Phật giáo. Vì thế việc trở lại Việt Nam của viên kỹ sư để đưa tiễn người cha tiền kiếp về nơi an nghỉ cuối cùng không thành.

Đoàn Văn Thông

http://www.tuvien.com/chet_va_tai_sinh

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.