Hành Thiền – Phần I

Một nhận xét nữa của chúng tôi là ở Sơ Thiền, năm Thiền chi – tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm – được đầy đủ. Lên Thiền thứ hai, tầm tứ được bỏ rơi. Lên Thiền thứ ba, hỷ được bỏ rơi. Lên Thiền thứ tư, lạc được xả thay thế và như vậy Thiền thứ tư chỉ còn xả và nhất tâm. Sự kiện này nói lên trạng thái thanh lọc dần dần các Thiền chi có khả năng làm cho tâm tư giao động. Ở Sơ Thiền, phải dùng tầm để hướng tâm đến đối tượng, phải dùng tứ để dán chặt vào đối tượng, do vậy tâm phải sinh hoạt mạnh mẽ mới khỏi rơi vào hai triền cái hôn trầm thụy miên và nghi. Vì phải hoạt động mạnh mẽ, nên tự nhiên có giao động. Vì vậy lên Thiền thứ hai. Tầm tứ bị bỏ rơi và chỉ còn hỷ lạc và nhất tâm. Nhưng hỷ của Thiền thứ hai cũng làm chi Thiền thứ hai giao động, cho nên lên đến Thiền thứ ba, thời hỷ bị bỏ rơi, và chỉ còn lại xả niệm lạc trú. Rồi lên đến Thiền thứ tư, lạc cũng là một yếu tố làm Thiền thứ tư giao động, do vậy lạc được xả thay thế, còn xả và nhất tâm, và Thiền thứ tư được gọi là xả niệm thanh tịnh.

Ðoạn kinh sau đây (Trung Bộ Kinh) nói lên rõ ràng ba Thiền đầu còn giao động, chỉ có Thiền thứ tư mới được gọi là bất động:

“Ở đây này Udàyi, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Thiền này, này Udàyi, Ta nói rằng ở trong tình trạng giao động. Ở đây chính tầm tứ chưa đoạn diệt, chính tầm tứ này ở trong tình trạng giao động. Ở đây này Udàyi, Tỷ kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Thiền này, này Udàyi, Ta nói rằng ở trong tình trạng giao động. Và ở đây cái gì giao động? Ở đây chính là hỷ lạc chưa được đoạn diệt, chính hỷ lạc này ở trong tình trạng giao động. Ở đây này Udàyi, Tỷ kheo ly hỷ xả trú, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Thiền này, này Udàyi, Ta nói ở trong tình trạng giao động. Và ở đây, cái gì giao động? Ở đây chính là xả lạc chưa được đoạn diệt. Chính xả lạc này ở trong tình trạng giao động. Ở đây này Udàyi, Tỷ kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc xả niệm thanh tịnh. Thiền, này Udàyi, Ta nói là không ở trong tình trạng giao động“.

Ðoạn kinh trên nói lên sự thanh lọc các Thiền chi, từ Thiền thứ nhất đết Thiền thứ tư.

Một hình ảnh mới được Ðức Phật dùng đến là cây gai, và ở trong Thiền, tiếng động được xem là cây gai cho Thiền, như đã được din tả như sau (Tăng Chi Bộ Kinh):

“Với người chứng Sơ Thiền, tiếng ồn là cây gai. Với người chứng Thiền thứ hai, tầm tứ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ ba, hỷ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô hơi thở ra là cây gai. Sở dĩ gọi là cây gai, vì những Thiền chi này làm trở ngại cho sự nhất tâm của người hành Thiền và không đạt được Thiền chứng mong muốn”.

Tóm lại, Thiền là một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng giúp đoạn trừ năm triền cái: dục tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi, thay thế bằng năm Thiền chi tầm, tứ hỷ lạc và nhất tâm, những tâm tăng thượng đem lại lạc trú và vì vậy bốn Thiền này cũng được gọi là Tăng thượng tâm hiện tại lạc trú.

Nay chúng ta bước qua một vấn đề khác là hành Thiền đem lại những lợi ích gì, hay nói một cách khác, Thiền định có những công năng gì theo lời đức Phật dạy. Ở nơi đây, chúng tôi chỉ đề cập đến bốn lợi ích hay bốn công năng của Thiền:

— Một là Thiền có khả năng đoạn trừ các dục, khiến cho ác ma không thấy đường đi lối về.

— Thứ hai là Thiền có khả năng đối trị sợ hãi.

— Thứ ba là Thiền đem lại Thiền lạc cho người hành giả.

— Và thứ tư là Thiền đưa đến thành tựu trí tuệ, đưa đến giác ngộ giải thoát, đưa đến Niết bàn.

Một công năng của Thiền định là giúp thoát ly được sự chi phối của năm dục trưởng dưỡng, nghĩa là nhờ Thiền định người hành Thiền đoạn trừ được lòng dục một cách có hiệu quả. Ðoạn kinh sau đây (Kinh Trung Bộ) nêu rõ công năng đoạn dục của Thiền:

“Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc, bị tham đắm, bị mê say bởi năm dục trưởng dưỡng này, không thấy sự nguy hại của chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: “Các người đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị ác ma sử dụng theo nó muốn”. Này các Tỷ-kheo, như một con nai sống trong rừng bị sập bẫy nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: “Nó đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị thợ săn sử dụng như nó muốn, khi người thợ săn đến, con nai không thể bỏ đi như nó muốn”. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà- nào không bị trói buộc, không bị tham đắm, không bị say mê bởi năm dục trưởng dưỡng này, thấy sự nguy hại của chúng, biết rõ sự xuất ly khỏi chúng và thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: “Các người không rơi vào bất hạnh, không rơi vào tai họa, không bị ác ma sử dụng như nó muốn”.

“Này các Tỷ-kheo, như một con nai sống trong rừng, không bị sập bẫy phải nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: “Nó không rơi vào bất hạnh, nó không rơi vào tai họa, nó không bị người thợ săn sử dụng như nó muốn, khi người thợ săn đến, con nai có thể bỏ đi như nó muốn”.

“Chư Tỷ-kheo, vì như con nai sống trong rừng đi qua đi lại trong rừng, an tâm nó đi, an tâm nó đứng, an tâm nó ngồi, an tâm nó nằm. Tại sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì nó vượt khỏi tầm tay của người thợ săn.

“Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ kheo ấy được gọi là: “Một vị đã làm Ác ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma”. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là…. đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là… đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo xả khổ, xả lạc, diệt hỷ hưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ ba, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là một vị đã làm Ác ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma”.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.