Luận Giải Triết Học Về Đạo Đức Và Đạo Đức Phật Giáo

Nguyên tắc thực hiện đạo đức Phật giáo yêu cầu: Giới – định – tuệ phải đi liền với nhau, đó là điều kiện tiên quyết để diệt dục, hết vọng tưởng, hết ngã chấp, đoạn tuyệt vô minh và đạt giác ngộ.

Giải thoát chính là con  đường tu đưỡng đạo đức, giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít (Giới: luân lý, đạo đức, cách cư xử, tư cách đạo đức, làm lành, lánh ác, từ bi, hỉ, xả…).

Quy tắc đạo đức Phật giáo được thể hiện trong giới luật, quy định nguyên tắc ứng xử của các tín đồ, các cư sĩ và thế tục (giới luật cho hàng xuất gia gồm 250 giới cho nam – (tăng) và 348 giới cho nữ – (ni) về cuộc sống tăng đoàn). Đây là những quy phạm đạo đức giúp cho tu sĩ xuất gia vượt qua những giá trị đạo đức thông thường trong xã hội để đạt đến sự lìa bỏ ngã chấp. Giới luật chung cho cả cư sĩ và thế tục là đạo đức nhân gian, tức từ, bi, hỉ, xả, v.v… nhằm đạt tới cuộc sống hòa vui, tránh tạo nghiệp ác, tích lũy nghiệp thiện.

Đối với các tín đồ, quy tắc đạo đức mà Phật giáo đưa ra gồm:

– Ngũ giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không vọng ngôn.

– Thập thiện: ba nghiệp ác của thân: Không sát sinh, không chộm cắp, không tà dâm; bốn nghiệp của khẩu: Không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác, không nói thêu dệt; ba nghiệp ác của ý: không tham dục, không ghen ghét thù hận, không tà kiến.

– Giới lục hòa: thân hòa đồng trụ

– Lục độ (dành cho Phật tử nói chung), gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tịnh tiến, thiền định.

+ Bố thí: Đem phúc lợi ban cho người khác.
+ Trì giới: Thực hiện đúng đắn giới luật, làm chủ hành vi tâm, thân, ngữ.
+ Nhẫn nhục: Đức kiên nhẫn, nhẫn nại
+ Tịnh tiến: Chuyên cần, không ngừng tu tập
+ Thiền định: Tu luyện về nội tâm

Đối với người thế tục, Phật giáo đưa ra nhiều lời khuyên răn về đạo đức rất thú vị: “Tạp A-hàm (quyển 4, kinh 91) có ghi lời dạy về “Tứ pháp” của đức Phật đối với Uấtxàca trong việc mưu sinh”: Một là phương tiện đầy đủ, tức là có nghề nghiệp chính đáng; hai là bảo vệ, giữ gìn đầy đủ, tức không để mất mát, thất thoát thành quả sức lao động; ba là thiện tri thức, tức là có hiểu biết đúng đắn về các việc thiện  và tránh các việc bất thiện trong làm ăn; bốn là chính mệnh đầy đủ, tức là biết làm chủ cuộc sống, không lãng phí, không bủn xỉn, biết làm phúc và cúng dường, biết chăm nom cuộc sống cho quyến thuộc, biết tích lũy cho đời nay và chuẩn bị cho đời sau”… Hoặc “Lục phương lễ” (là phép tắc đối xử giữa người với người trong đó lấy bản thân mình làm trung tâm) – Bài luân lý mà đức Phật dạy cho Thiện Sinh: “Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là anh em, phương Tây là vợ con, phương Bắc là bạn, phía dưới là nô bộc, phía trên là vị thầy tôn giáo. Các quan hệ phải có hai chiều cân đối, cùng tôn trọng nhau, vừa có nghĩa vụ, vừa có quyền lợi, không thể thiên lệch phiến diện”.

Có thể nói rằng, đạo đức Phật giáo là một hệ đạo đức xuất thế, giá trị đạo đức Phật giáo thiên về nội tâm, phản tỉnh hơn là xử lý các quan hệ bề ngoài cho nên Phật giáo phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành các quy tắc đạo đức. Sự phán xét của đạo đức là nghiệp báo, nghiệp quả, nó điều chỉnh đạo đức của mỗi người theo quy luật nhân – quả tự tại. Điều đặc biệt hơn, Phật giáo là tôn giáo có khuynh hướng vô thần, không thừa nhận sự sáng tạo của một đấng siêu nhiên nào, mọi giá trị luân lý, đạo đức đều diễn ra trong thế giới nhân sinh chứ không phải do một thế lực nào chi phối. Đây là điểm ưu trội của Phật giáo so với các tôn giáo khác.

Phật giáo với các chuẩn tắc đạo đức nhân văn cao cả về đời sống con người có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội với vô số những quan hệ ngang bằng và trên dưới. Đặc biệt trong xã hội ngày nay, khi nền kinh tế thị trường phát triển với những đặc tính của nó đã làm cho không ít người cuốn lao theo vòng xoáy của đồng tiền mà lãng quên đi các quy tắc xử sự đạo đức thì, Phật giáo với những khung chuẩn giá trị đạo đức của mình có thể được xem như là một chiếc gương trong sáng về giá trị nhân sinh để mỗi người soi mình vào đó và nhận chân được giá trị đích thực trong quảng đời vô cùng ngắn ngủi của mình trong thế giới này.

Nguồn: Tập San Pháp Luân 82

Theo Nguyễn Quang Trường – Trịnh Khánh Sơn,- Daophatngaynay

http://phapbao.org/luan-giai-triet-hoc-ve-dao-duc-va-dao-duc-phat-giao

__________________________________________________

Chú thích:

1. Lê Hữu Tầng, cùng một số tác giả (1987): Từ điển Triết học giản yếu, NXB THCN, HN, tr.145.
2. Hoàng Thị Thơ (2002): Đạo đức Phật giáo với kinh tế thị trường, Tạp chí Triết học, Số 7, tr.30.
3. Hoàng Thị Thơ, sđd, tr.30.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Hữu Vui (2004): Lịch sử triết học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Doãn Chính – Vũ Quang Hà – Châu Văn Minh – Nguyễn Anh Thường (2003): Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

3. Tulku Thondup (2009): Hành trình giác ngộ, Nxb Tôn Giáo.

4. Nguyễn Duy Cẩn (2000): Nhập môn triết học Đông phương, Nxb Thanh Niên.

Nguyễn Quang Trường, Thạc sĩ Triết học – Giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trịnh Khánh Sơn, Thạc sĩ Triết học – Giảng viên trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.