Thầy Dạy Tôi Niệm Phật

Tiếng chuông chùa vang lên, làm lay động khoảng không trời phố núi, giọt mưa cuối mùa thơm nhẹ lên mái tòng lâm, từng câu niệm Phật của các tiểu, kinh hành trên chánh điện, nghe như kỷ niệm của những gì xưa cũ, quay ngược thời giờ, trở lại tháng ngày thuở tôi còn làm điệu ở chùa xưa…

“Nam mô A Di Đà Phật” là bài pháp tối thắng nhất mà tôi đã mang đi trong suốt một dặm đời, thân thương như ruột thịt, ân cần như mẹ cha. Câu niệm Phật là bài pháp đầu tiên mà tôi được Thầy dạy trong ngày tôi thế phát vào chùa, nguyện làm sứ giả của Như Lai. “Nam mô A Di Đà Phật. Kính bạch Thầy, hôm nay đệ tử phát nguyện xuất gia…”.

Lời nói đầu tiên và đó cũng là lời nói thành tâm nhất, dưới sự chứng minh và gia hộ của Đức Phật Di Đà, Thầy tôi thế độ cho tôi. Từ đó tôi bước vào ngôi nhà Phật pháp, đức tướng và danh hiệu của Đức Phật Di Đà là tình thương, là nguyện lực, ân cần dìu dắt tôi từng bước đến với đạo tràng chư Phật.

Thời còn hành điệu, chỉ mới bảy tám tuổi đầu, là con nít tôi cũng giống như tất cả trẻ con khác, ham chơi lười học, chỉ có một bài chú Đại Bi mà học hoài cũng không cách nào thuộc được. Tối nào khi dò bài, tôi cũng đọc không xong. Bị quý thầy quở trách, tôi buồn lắm, không biết làm sao mà mình dốt thế, học hoài mà không cách nào thuộc. Thầy tôi an ủi, khuyên tôi đừng có nản chí, học hoài thì sẽ được thôi, Thầy tôi còn dạy thêm, không phải một mình con học không thuộc đâu, ngay cả Thầy nè, tu suốt cả đời rồi mà câu “Nam mô A Di Đà Phật” Thầy cũng đã học thuộc đâu!

Tôi như người chết chìm nắm được phao, tinh thần tức khắc phấn chấn. Thầy mình tu lâu như vậy mà học còn chưa thuộc, thì mình mới tu có mấy ngày, thì đã làm sao, cố gắng học lâu sẽ thuộc. Rồi cứ như vậy, chú Đại Bi, hai thời Công Phu, bốn cuốn Luật Trường Hàng tôi cũng học thuộc làu. Thầy tôi dạy tôi niệm Phật là vậy đó, dùng pháp không thuộc danh hiệu Phật, để dạy người cách học thuộc Phật kinh. Đây là pháp môn niệm Phật thứ nhất mà Thầy tôi dạy cho tôi.

Sau này khi lớn lên có một chút gì đó gọi là hiểu được Phật pháp, mà trong chùa thường gọi là thấm tương chao, tôi mới có cảm niệm rằng, công đức “Vô Lượng Quang” của Thầy tôi đã đạt được trong câu niệm Nam mô A Di Đà Phật, là hãy nương vào trí tuệ của Đức Phật, nhằm tìm ra phương tiện tốt nhất và hiệu quả nhất, để giúp cho chúng sanh thọ nhận được Phật pháp, dù đôi khi cũng phải hy sinh ngay cả bản thân mình. Khi chúng sanh thọ nhận được Phật pháp thì Phật pháp sẽ mãi được trường tồn và cứ như vậy, đời này truyền qua đời khác, ánh sáng của đạo mầu sẽ rạng chiếu khắp muôn nơi, đây là tinh thần của “Nam mô Vô Lượng Quang Như Lai”.

Thời gian thoáng qua trong chớp mắt, tôi đến tuổi tới trường, rồi đi tham học Phật pháp ở phương xa, mỗi năm chỉ về thăm chùa, thăm Thầy chỉ có một lần. Thời gian ở chùa rất ít, bởi vậy mỗi lần về chùa là mỗi lần trút bầu tâm sự, là những lần diễn thuyết những gì mình đã học qua, với huynh đệ trong chùa, đôi khi đem cả những thắc mắc và lý sự cùn, của chính mình để nhờ Thầy giải thích hoặc là ấn chứng cho sở học của mình, trong tâm chứa bao điều tự đắc. Một lần nữa Thầy tôi lại dạy: “Thầy học cả đời nhưng chưa thuộc câu Nam mô A Di Đà Phật”, tôi lại một lần nữa như được tỉnh thức, khác với lần trước là vui như người chết đuối vớ được phao, lần này thì cảm thấy buồn và hỗ thẹn vì sự tự mãn về sở học của mình sẽ làm tổn phước, và là điều chướng ngại, trên bước đường tu học của mình về sau.

Có câu “Tu mà không học là tu mù/Học mà không tu chỉ là đãy đựng sách”. Đạo Phật lấy việc tu là chính, còn học cũng chỉ là phương tiện để thâm nhập Phật lý mà thôi. Cho nên trong đạo Phật hầu như chưa có ai học mà thành Phật cả, chỉ có người học rồi tu mới thành Phật được. Vì vậy chớ để chướng duyên của sự hiểu biết làm mình phải mắc sai lầm che mất Phật huệ của tự thân. Hãy dùng sự hiểu biết như một chiếc chìa khóa để mở kho tàng trí huệ Phật của chính mình, và khi đã mở được kho tàng Phật trí huệ, thì chìa khóa kia chỉ là công cụ, còn tự thân mình lãnh hội được ý Phật mới là điều quan trọng nhất của người học Phật cần tu.

Một lần nữa, Thầy tôi lại chưa học thuộc câu “Nam mô A Di Đà Phật”, và tôi lại được thức tỉnh, lại nhận ra một điều, đây là công đức “Vô Lượng Thọ” mà Thầy tôi đã đạt được trong câu niệm Phật. Nếu như ngày đó tôi không thức tỉnh và nhận ra những khiếm khuyết trong tâm tự mãn về học thức của chính mình, thì dần dần dễ sanh tính kiêu căng ngã mạn, và nguy cơ tổn phước, không trụ được trong tòng lâm, dễ thay tâm chuyển ý, chiếc áo Tăng già khó có thể giữ được lâu.

Thọ mạng của Phật Pháp là do Tăng già thừa kế, mà Tăng không còn ở chùa nữa, thì Phật Pháp không có người gìn giữ trông coi. Vì vậy Tăng còn là Phật pháp còn, Tăng không còn nữa thì Phật pháp cũng sẽ mai một mà thôi. Cho nên Tăng già “Vô Lượng Thọ” thì Phật pháp mãi trùng hưng, chúng sanh đắc an lạc, đây là cốt lõi của “Nam mô Vô Lượng Thọ Như Lai”.

“Nhật vãn nguyệt lai táp nhiên bạch thủ”, tạm dịch là ngày qua tháng lại thoáng đã bạc đầu. Mới hôm nào thôi, nay về thăm chùa, thăm Thầy, tóc Thầy giờ đã pha sương trắng xóa, sức khỏe không còn như thuở trước an khang, Thầy tôi vẫn như thế, ngày nào cũng ngồi hốt thuốc cho người bịnh, lo xây cất chùa chiền, tiếp Tăng độ chúng, giảng lẽ diệu trong cuộc đời để hóa độ chúng sinh. Hình như chưa lúc nào tôi thấy Thầy mệt mỏi về việc “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.

Tôi thương Thầy tuổi già sức yếu, làm việc quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của Thầy, nên khuyên Thầy nên nghỉ ngơi để giữ gìn sức khỏe. Thầy tôi lại dạy: “Học đến giờ vẫn chưa thuộc được câu Nam mô A Di Đà Phật, thì làm sao mà nghỉ ngơi!” Lần này thì tôi thật sự kinh ngạc, mở tròn xoe cả hai mắt mà nhìn Thầy và cố gắng dùng hết bao nhiêu thần công lực của lý trí để hiểu lời dạy này, nhưng thật sự tôi không cách nào hiểu được.

Thầy tôi dạy: “Niệm Phật có phải niệm bằng miệng không đâu, mà phải dùng hết thảy lục căn, mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý để niệm. Nếu như sáu căn đều có thể đồng tâm niệm Phật, thì câu Nam mô A Di Đà Phật mới có thể thuộc lòng, còn nếu như trong sáu căn vẫn còn một căn chưa nhứt tâm niệm Phật được, thì coi như câu niệm Phật này, cả đời vẫn chưa cách nào học thuộc vậy thôi”.

Niệm Phật bằng sáu căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Nghe thì có hơi là lạ nhưng nghĩ thấm rồi thì thật là vi diệu biết bao. Sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật, chỉ cần niệm, đạt đến nhứt tâm, thì sẽ được vãng sanh Cực Lạc thế giới của Đức Phật A Di Đà, đây là điểm cốt yếu của Pháp môn niệm Phật vãng sanh.

Làm sao để nhứt tâm, tâm ở nơi nào, và nơi nào để chúng ta thấy tâm còn động, chưa thể nhứt tâm được? Có phải dựa trên lục căn mới thấy được tâm, ngoài lục căn ra để tìm thấy tâm động hay tịnh, thì hầu như không thể được. Vì vậy Đức Phật A Di Đà chỉ cần chúng ta nhứt tâm bất loạn, niệm mười câu Nam mô A Di Đà Phật thì sẽ được vãng sanh.

Thầy tôi dạy sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật, là sáu căn của mình đó, làm sao trong sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của mình, lúc nào cũng nương theo Phật, lúc nào cũng làm theo Phật, thì nhất định sẽ không còn vọng động nữa, và như vậy thì niệm một câu niệm Phật cũng hết loạn rồi, huống hồ mười niệm thì sự nhứt tâm hoàn toàn viên mãn.

Thầy tôi dạy: “Sao Đức Phật dạy chúng ta phải niệm mười niệm nhứt tâm thì mới được vãng sanh?” Mười niệm đây là thập hồi hướng của Phổ Hiền Bồ tát “Nhất giả lễ kính chư Phật”. Niệm thứ nhất nếu ta không có tâm cung kính chư Phật thì không có nhân duyên đến với Phật đạo tràng.

“Nhị giả xưng tán Như Lai”. Niệm thứ hai là tán thán ngợi khen chư Phật, đây là hạnh tu khen ngợi mọi người, lập duyên lìa xa, không còn khổ đau trong khen chê nữa, đây là phước báo, ân điền để chúng ta đến với chư Phật.

“Tam giả quảng tu cúng dường”. Niệm thứ ba là phải lập hạnh bố thí cúng dường, học tâm quảng đại rộng lớn, xa lìa tâm bỏn xẻn, tham lam, ích kỷ, tạo thắng duyên để đến với Phật đạo tràng.

“Tứ giả sám hối nghiệp chướng”. Niệm thứ tư là tự mình phải biết, nghiệp lực và nghiệp chướng, tội lỗi của mình đã tạo ra trong quá khứ cũng như hiện nay, để rồi thành tâm ăn năn, sám hối từ bỏ, tạo thắng duyên đến Phật đạo tràng.

“Ngũ giả tùy hỷ công đức”. Niệm thứ năm, là tùy hỷ công đức lớn nhỏ đối với tất cả mọi người, diệt trừ tâm đố kỵ, ganh ghét nhỏ mọn, học tâm quảng đại từ bi, tùy hỷ công đức của chư Phật, tạo thắng duyên để đến Phật đạo tràng.

“Lục giả thỉnh chuyển Pháp luân”. Niệm thứ sáu lúc nào cũng luôn luôn nguyện cầu cho pháp luân thường chuyển, tạo mọi điều kiện thắng duyên để khai mở pháp hội giảng pháp, thời khóa tu tập cho mọi người, tạo thắng duyên đến Phật đạo tràng.

“Thất giả thỉnh Phật trụ thế”. Niệm thứ bảy luôn luôn và lúc nào cũng nguyện cầu thỉnh Phật trụ ở thế gian. Người đại diện cho Phật ở thế gian là Tăng già. Tăng trụ thế tất nhiên là Phật trụ thế. Vì vậy hết tâm cung kính, cúng dường, tạo điều kiện thuận lợi, để Tăng ở đời hoằng pháp lợi sanh, là tạo thắng duyên để đến Phật đạo tràng.

“Bát giả thường tùy Phật học”. Niệm thứ tám phải thường theo thầy lành bạn quý, thiện hữu trí thức, học hỏi trao đổi Phật pháp. Chớ tự mình cống cao ngã mạn, tự cho mình như vậy là đủ, nên học hạnh khiêm cung. Phật dạy: “Những gì ta nói chỉ như lá nắm trong tay. Còn những gì ta chưa nói, thì như lá nhiều vô số trong rừng vậy”. Vậy nên học hoài và học mãi là như vậy. “Hải giác vô nhai”, biển giác ngộ rộng lớn không bờ, cẩn thận với lời nói của chính mình, tạo thắng duyên đến Phật đạo tràng.

“Cửu giả hằng thuận chúng sanh”. Niệm thứ chín phải thâm hiểu “nhất thiết chúng sanh tâm sai biệt”, tất cả chúng sanh tâm đều không giống nhau, cho nên có người thích cái này, kẻ thích việc khác, người cho như vậy là đúng, kẻ khác bảo là sai, không ai giống ai. Cho nên phải thuận theo tâm của hết thảy chúng sanh, tùy theo tâm như vậy để tìm phương pháp giúp đỡ, có như vậy mới không sanh tâm chống trái, làm cho họ dễ chấp nhận, tạo thắng duyên để đến Phật đạo tràng.

“Thập giả phổ giai hồi hướng”. Niệm thứ mười là phải phát tâm hồi hướng, nếu không có tâm này, thì tất cả chín niệm trên không cách nào làm được, có làm được đi nữa thì cũng là chấp có chấp không, chấp ta chấp người, vướng bận vô biên, không cách nào giải thoát được, chỉ có pháp hồi hướng là hạnh hỷ xả, tâm bình đẳng của chư Phật, không chướng, không ngại là thắng duyên tối thượng, để đến Phật đạo tràng.

Thầy tôi dạy niệm Phật thì phải như vậy. Niệm Phật phải nhiếp Lục căn, hành Thập hồi hướng, nếu làm được như vậy mới thật sự là học thuộc câu “Nam mô A Di Đà Phật”, là người biết niệm Phật và là người có thể, thể hiện đức tánh “Vô Lượng Công Đức” của câu Nam mô A Di Đà Phật, “Nam mô Vô Lượng Công Đức Như Lai”.

Pháp môn niệm Phật của Thầy tôi dạy là như thế và câu “Học cả đời mà chưa thuộc câu Nam mô A Di Đà Phật” là ý tại nơi đây. Vì vậy Thầy tôi học cả đời mà không thuộc là đúng thôi. Người không nói dối tôi, chỉ tại tôi chưa hiểu, và nếu là trình độ như tôi thì câu niệm Phật này, không biết kiếp nào có thể thuộc được. Nhưng thôi thì cứ cố gắng học thì sẽ thuộc, cố gắng niệm thì sẽ nhất tâm, cố gắng tu thì sẽ có ngày giải thoát, tất cả sự thành tựu đều từ “Tín Hạnh Nguyện” mà có. Vì vậy cần đủ Ba tâm, thành tựu Ba pháp, viên mãn Ba thân, đến Phật đạo tràng.

Thầy Dạy Tôi Niệm Phật

Thích Tâm Mãn

http://www.tinhdo.net/luangiaikinhsach/393-thaydaytoiniemphat.html

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.