Giọt Mưa Mùa Hạ

Sanh, già, bệnh, chết, là một quy trình luật định không ai tránh khỏi. Tuy nhiên, tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người mà những sự việc xảy ra có khác. Đời người ai rồi cũng phải một lần vĩnh viễn ra đi. Nhưng hướng đi của mỗi người có khác. Những hướng đi đó tùy nghiệp nhân của mỗi người gây tạo mà chiêu cảm hướng đến khác nhau. Nhân thế nào thì quả thế đó. Nhân quả báo ứng, như vang theo tiếng, như ảnh tùy hình. Nghiệp nhân gây tạo của chúng ta trong hiện tại sẽ quyết định cho hướng tương lai. Tương lai đó có thể tốt hơn hiện tại hoặc là xấu hơn. Tùy nghiệp nhân gây tạo tốt, xấu mà kết quả môi trường tái sinh có tốt, xấu. Cái chết đối với con người là một điều quan trọng mà ai cũng phải nghĩ đến. Dù người ta không biết trạng thái trong khi chết ra sao. Nhưng nghĩ đến cái chết ít nhiều gì, cũng đều gây cho người ta nhiều nỗi băn khoăn lo âu sợ hãi. Cái lo nhứt là không biết sau khi chết mình sẽ thác sanh đi đâu và ở cảnh giới nào? Trong gia đình mất đi một người thân người ta rất đau khổ. Buồn khóc như mưa. Khác nào như đang cơn nắng hạ, trời quang mây tạnh, bỗng nổi cơn giông gió bão bùng mây đen vần vũ kéo đến rồi cơn mưa đổ trút xuống. Đó là hiện trạng của cuộc đời, có người đang sống yên vui bỗng cái chết bất ngờ xảy đến. Trong đời ít nhiều gì chúng ta cũng đã từng chứng kiến những khổ cảnh sinh ly tử biệt. Ân ái biệt ly, đó là một trong những nỗi thống khổ lớn của kiếp nhơn sinh. Dù người ta vẫn biết cõi đời là phù du tạm bợ, là nơi quán trọ dừng chân. Đời là vô thường, có có, không không, không có gì tồn tại lâu dài. Biết vậy, nhưng người ta cũng vẫn nơm nớp lo sợ cơn vô thường xảy đến.

Không phải chỉ có người đời mới sợ chết, mà ngay cả những người tu hành biết chút ít đạo lý vô thường Phật dạy, nhưng khi đau yếu bệnh hoạn hoặc là lúc đang cận kề với tử thần, thì người ta cũng vẫn đâm ra hoang mang lo âu sợ hãi. Chỉ trừ phi những bậc chân tu đạo hạnh cao thâm, coi vạn pháp giai không, sanh tử như trò đùa, khác nào như hoa đốm lăng xăng chợt có chợt không, thì mới không sợ hãi. Đó là những bậc đạo cao xuất cách coi sanh tử như trò đùa huyễn mộng, sống tự tại mà chết cũng tự tại an vui. Thấu hiểu được lẽ sanh tử thường nhiên, nên các Ngài bình thản ra đi không một chút luyến tiếc.

Đọc sách thiền ta thấy có những vị Thiền sư ngộ đạo, các Ngài ra đi một cách tự do, muốn sống thì sống, muốn chết thì chết. Bởi các Ngài đã làm chủ được hơi thở, muốn thở hay muốn ngừng lúc nào cũng được. Hiện tượng nầy, ta thấy rất nhiều sách sử ghi lại. Ngoài ra, đối với chúng ta sự tu hành còn non kém chưa có thâm hậu, sức huân tu đạo lực chưa có tới đâu, dĩ nhiên, ai trong chúng ta mà không run động sợ hãi trước cái chết?! Bất cứ một sự ra đi nào cũng để lại cho người thân một mất mát lớn lao. Trong gia đình, nếu cha hoặc mẹ mất đi, thì đó là điều bất hạnh rất lớn cho con cái. Hòa Thượng Nhất Hạnh có nói, ngày mà thân mẫu của Hòa Thượng mất, Hòa Thượng ghi một câu ngắn gọn vào trong quyển nhật ký: “Đời tôi đã mất tất cả”. Thật vậy, mất mẹ là mất đi tất cả tình thương. Mất đi một cái gì to lớn, mà cả cuộc đời nầy không bao giờ ta tìm lại được.

Đối với trong đạo pháp, Thầy Tổ mất đi, đó là niềm bất hạnh cho người đệ tử. Dù cho chúng ta có trưởng thành đến đâu, chúng ta cũng vẫn cảm thấy như bị hụt hẫng lạc lõng bơ vơ, mất đi một cái gì quý giá quá lớn lao trong cuộc đời. Đọc Kinh Đại Bát Niết Bàn, trong đó diễn tả những nỗi đau thương của các hàng đệ tử, khi các Ngài nhận được tin đức Thế Tôn sắp vào Niết bàn. Có người khóc lóc nức nở, tiếng động trời đất, nước mắt như mưa. Đâu phải chỉ có những vị Ưu bà tắc hay Ưu bà di mới khóc la thảm thiết, mà ngay cả những vị Tỳ kheo lớn, như trong Kinh diễn tả: “Các Ngài đều là những bậc vô lậu A la hán, tâm được tự tại, chỗ làm đã xong, rời các phiền não, điều phục các căn, có oai đức lớn, thành tựu không huệ, đã khỏi sanh tử, tất cả đều là chơn Phật tử”. Thế mà khi các Ngài biết được Phật sắp nhập diệt, toàn thân của các Ngài run lên, hai mắt đầy lệ, lòng rất buồn khổ. Cái khóc của các Ngài có thể khác hơn chúng ta. Có thể các Ngài khóc vì thương tưởng đến chúng sanh không được Phật tiếp tục trụ thế để cứu độ họ. Các Ngài tự than: “Phật nhập diệt thì cả thế gian nầy trống rỗng!” Mất đi một bậc Thầy vĩ đại, đức hạnh cao siêu, không còn chỗ để tựa nương. Đó là cái khóc vì người không phải vì mình. Bởi các Ngài không còn phiền não, nên việc bi lụy khóc than như người đời trần tục chắc chắn là không có. Còn chúng ta có thể nói, khóc vì mình hơn là vì người. Vì mất đi một người mà mình thương nhứt, thì mình cảm thấy bơ vơ lạc lõng. Nếu còn người đó bảo bọc che chở lo lắng cho mình, thì mình cảm thấy an vui và tất nhiên sẽ không có cô đơn khổ sở. Nhưng dù khóc vì người hay vì mình cũng là một sự mất mát lớn lao, không sao bù đắp lại cái khoảng trống quá lớn đó.

Nói thế, để thấy rằng sự ra đi của Hòa Thượng Tông Trưởng Tổ Đình Phước Huệ là một mất mát lớn lao không những cho các hàng đệ tử trong Tông Môn mà còn cho tất cả mọi người. Dù vẫn biết ngũ uẩn giai không, pháp thân bất sanh bất diệt. Hay “hữu sanh hữu tử hữu luân hồi, vô sanh vô tử vô khứ lai, sanh tử khứ lai đô thị mộng…” Vâng! tất cả đều là mộng. Nhưng ngặt vì chúng ta chưa thoát khỏi cơn mộng, nên việc sống chết đâu có thể được coi là an nhiên tự tại! Người học Phật nào ít nhiều gì cũng hiểu đời là ảo mộng, kiếp phù sanh tụ tán mấy lâm hồi, nhưng trước sự ra đi của một bậc Thầy đạo cao đức trọng, trọn đời chỉ biết hy sinh phụng sự cho đạo pháp và dân tộc, tâm nguyện thì lúc nào cũng nghĩ đến tha nhân, tiếp dẫn hậu lai, phò trì mạt vận. Ngài đã dày công giáo huấn, hun đúc nuôi lớn pháp thân huệ mạng cho các hàng đệ tử xuất gia, một ân đức sánh tợ non cao bể cả thử hỏi làm sao không buồn đau cho được?!!!

Ân Thầy sánh tợ bằng non
Đức Thầy cao lớn vuông tròn ngoài trong.

                       ***

“Chim non sao sớm buồn xa mẹ
Muôn dặm từ nay ai dẫn đầu?”

***

Nắng hạ mưa rơi khóc tiễn Thầy
Đường về Cực Lạc đã đắp xây
Bao năm độ chúng không mòn mỏi
Xây dựng tòng lâm một áng mây

Nắng hạ mưa rơi nhớ đến Thầy
Trọn đời vì đạo quyết đắp xây
Khổ cực gian lao Thầy chẳng quản
Pháp lợi chúng sanh quyết chẳng màn

Nắng hạ mưa rơi nhớ đến Thầy
Độc hành độc bộ vững như cây
Bão táp phong ba Người vững láy
Con thuyền đạo pháp vượt sông lay

Nắng hạ mưa rơi nhớ đến Thầy
Nhẫn nại âm thầm mặc gió lay
Tuyết phủ sương rơi nào sá kể
Tình sư nghĩa đệ vẫn đông đầy.

Nắng hạ mưa rơi nhớ đến Thầy
Lời Thầy di chúc vẫn còn đây
Lăng Nghiêm trì niệm không xao lãng
Chánh pháp an hòa nhớ đắp xây.

Nhớ lại, khi hay tin Hòa Thượng không may bị trợt té trong nhà tắm và rồi sau đó được chở vào bệnh viện để điều trị. Tất cả đệ tử trong Tông Môn ai nấy cũng đều quan tâm lo lắng cho sức khỏe của Hòa Thượng. Nhất là đối với các vị đã được Hòa Thượng giao phó trách nhiệm. Lúc đầu, ai cũng nghĩ, Hòa Thượng sẽ không đến đổi trầm trọng lắm. Dù biết rằng, Hòa Thượng đã trọng tuổi, ở vào cái tuổi chín mươi, tất nhiên sức khỏe rất kém. Hơn thế nữa, Hòa Thượng cũng đã có bệnh sẵn. Tuy nhiên, dù mọi người có tỏ vẻ lo lắng, nhưng ai cũng tin rằng, Hòa Thượng sẽ điều dưỡng chỉ một thời gian ngắn rồi sẽ hết. Đó là niềm tin tưởng ở nơi các đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài. Khi nhận đưọc tin, chúng tôi có vào bệnh viện thăm Hòa Thượng. Tuy thấy sức khỏe của Ngài có phần hơi sút kém, nhưng tinh thần của Ngài thì vẫn còn rất minh mẫn sáng suốt, không lẫn lộn một điều gì. Ngài nhớ mọi việc rất rõ. Hòa Thượng còn bảo chúng tôi ráng lo hướng dẫn cho khóa tu. Đó là khóa tu xuất gia ngắn hạn. Lần sau cùng, khi chúng tôi đến thăm để xin phép tạm biệt Hòa Thượng trở về Melbourne, chúng tôi thấy sắc diện của Ngài rất tươi tỉnh, không lộ chút gì có triệu chứng ra đi cả. Nhưng… than ôi! vô thường không ai có thể biết trước được. Sớm còn, tối mất, đó là chuyện thường tình của thế nhân. Song có điều đối với những bậc tu hành đức hạnh cao thâm, duyên trần đã mãn, thì đối với các Ngài:

Thảnh thơi xả bỏ báo thân
Trở về cõi Phật an thần định tâm
Cõi trần tạm sống bao năm
Ra đi nhẹ gánh thẳng đàng về quê.

“Trần duyên nay đã dứt
Từ giả cõi vô minh
Sáng soi đèn trí tuệ
Bờ giác ngộ đăng trình”.

Được biết, Hòa Thượng đã an nhiên viên tịch trong bệnh viện giữa tiếng niệm Phật âm thanh vang dội của mọi người.

Điều bất hạnh cho tôi là lúc Hòa Thượng ra đi, tôi không có mặt ở Úc. Vì có việc cần giải quyết gấp, nên tôi phải về Việt Nam. Một điều không may nữa là tôi bị tai nạn vào ngày mùng hai Tết. Cho nên bốn ngày sau, khi nhận được tin thầy Phước Viên cho hay là Hòa Thượng đã viên tịch, thì lúc đó xương sống của tôi rất đau nhức nên không thể về được. Tôi có viết lá thư trình bày bệnh trạng của tôi gởi cho quý Thầy, quý huynh đệ trong Tông Môn được biết. Viết lên điều nầy, để thấy rằng tình Thầy trò, lúc sống thì lại thường gần gủi chuyện trò bàn bạc thân thiết với nhau, nhưng đến giây phút cuối cùng của cuộc đời thì lại thiếu nhân duyên không gặp mặt nhau!

Sau khi trở lại Úc, gần đến ngày chung thất, dù cơn đau nhức của tôi cũng chưa hoàn toàn hết hẳn, nhưng tôi nhờ Thầy Phước Viên đặt vé máy bay giùm và tôi lên Phước Huệ trước đó một ngày. Nghe nói, ngày làm lễ đưa kim quan Hòa Thượng lên Đại Tòng Lâm Phật Giáo, ngày đó mưa rơi tầm tả. Kim quan nhục thân của Hòa Thượng được an trí trên một khu đất rộng rãi ở Đại Tòng Lâm. Được biết, nhục thân của Ngài chỉ an trí tạm nơi đây, sau khi xây bảo tháp xong sẽ đưa vào trong bảo tháp.

Đúng ngày làm lễ cúng tuần chung thất ( 17/3/2012 ) cho Hòa Thượng, nơi an trí tạm, trời lại đổ mưa lâm râm. Đó là những giọt mưa của đất trời hòa tan vào những giọt mưa của lòng người. Những giọt nước mắt nào tuôn rơi khi hay tin Thầy về cõi Phật. Những giọt nước mắt chung tình trong niềm đau trọn vẹn nào đã len lén khóc thầm trong đêm vắng trời khuya! Đó là những “giọt mưa mùa hạ” của những người con tinh thần của Hòa Thượng.

Than ôi! Kể từ nay:

Tòng Lâm, Phước Huệ vắng Thầy
Mây sầu che lối trăng đầy khuyết hao
Lời Thầy giáo huấn ngọt ngào
Âm vang còn đó biết bao nhiêu tình

Phù du trong kiếp nhơn sinh
Dung nghi đức độ an bình Thầy trao
Đất bằng sóng dậy ba đào
Vô thường chia cắt buồn đau khôn cùng!

                        ***

Núi cao biển rộng đức Thầy
Tâm từ độ chúng nơi nầy xứ kia
Bắc Nam chẳng ngại phân chia
Vạn duyên Phật sự chẳng lìa bản tâm

Ơn Thầy gầy dựng bao năm
Xây chùa, độ chúng tòng lâm vững vàng
Oai nghi đi đứng nghiêm trang
Gương soi đệ tử muôn vàn nhớ thương.

Thành kính dâng lên Thầy, bằng tất cả tấm lòng hoài vọng:

Khép kín tâm tư một cõi lòng
Thầy về cảnh Phật bước thong dong
Gương xưa Thầy dạy luôn vâng giữ
Sư đệ nguyện tròn một ước mong.

Kỷ niệm ngày tuần chung thất 17/3/2012/của Hòa Thượng tại Đại Tòng Lâm Phật Giáo.

Thích Phước Thái

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.