Năm Điều Quán Tưởng Để Trau Dồi Đạo Lý

Việc trau dồi đạo lý (li) bắt đầu bằng việc tin rằng tâm và trí ta “tánh bổn thiện”. Khi ta không có tâm oán hận, tham, và sợ hãi, tự nhiên chúng ta biết hành động như thế nào cho phù hợp và thiện lành. Tuy nhiên tánh thiện lành bẩm sinh đó phải được trân quý và phát huy; không được coi thường điều đó. Những điều quán tưởng dưới đây được thiết lập để giúp ta trau dồi li (đạo lý) và tăng cường cảm giác thiện lành bẩm sinh trong công việc.

QUÁN TƯỞNG VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ SỢ HÃI

Trở ngại lớn nhất trong việc trau dồi đạo lý (li) là tâm sợ hãi. Sợ mất việc, sợ mất mặt hay bị coi thường, sợ sự không chắc chắn và sợ xung đột – bao nỗi lo sợ trong công việc che mờ bản tánh hành xử một cách thiện lành của ta. Thay vào đó chúng ta lo lắng, đổ lỗi cho người để bảo vệ bản thân. Do đó, nhận chân được sự sợ hãi ở nơi làm việc là nhiệm vụ chính yếu để có thể hiểu đạo lý (li) ở nơi làm việc có thể bị xâm phạm như thế nào. Thí dụ, người thư ký do sợ một ông chủ hay la hét đã học không nên chân thật; người phân tích hệ thống vội vã để theo kịp một thời hạn quá khắt khe học không nên tin tưởng ở ban quản lý; viên kế toán được dặn “cứ thông qua” một việc tăng lương rõ ràng là không đúng, học không có tánh chân thật. Khi có thể nhận chân và quán chiếu về những vụ việc này trong công việc, quyết định phải thành thật với bản thân và trau dồi đạo lý (li) có thể phát triển trong ta.

QUÁN TƯỞNG VỀ VIỆC CHÚNG TA BẺ CONG SỰ THẬT NHƯTHẾ NÀO?

Đã bao lần chúng ta bẻ cong, tô vẽ hay che đậy sự thật? Thí dụ ta nói, “Tôi đợi anh nửa tiếng rồi đấy!”, trong khi thự ra chỉ khoảng hai mươi phút. Hay, “Với dự án đó, tôi đã tiết kiệm cho công ty khoảng năm trăm ngàn đô-la”, dầu ta biết con số tiết kiệm thực sự chẳng nhiều như thế. Hay, “Tôi đã chuyển ngân phiếu cho ông từ hôm thứ năm”, dẫu ta biết rằng đến trưa thứ sáu chuyện đó mới xảy ra. Ý thức được việc chúng ta bóp méo sự thật như thế nào để bảo vệ bản thân hay để chuyện mình nói có lý là những thí dụ hoàn hảo về việc chúng ta có thể băng hoại đạo lý (li) như thế nào. Khi chúng ta nhận chân được những sự “nói láo trắng trợn” của mình, chúng ta cũng chú tâm tỉnh giác đến sự lúng túng và bức rức nơi thân đi kèm theo các hành vi xấu xí đó. Do đó, ta có thể kiềm chế sự dối trá để thay vào đó bằng tâm chân thật, dựa trên lòng tự tin cơ bản đầy tốt đẹp và bộc trực.

QUÁN TƯỞNG VỀ TÍNH CHÂN THẬT CỦA NGƯỜI

Ở nơi làm việc lúc nào cũng có những người khiến ta ngưỡng mộ. Thí dụ, vị quản lý, người luôn đứng ra lãnh trách nhiệm đối với những vấn đề mà người khác thản nhiên lảng tránh; người khách hàng đã trả lại tiền mà cô thâu ngân thối dư; vị chính trị gia đã không lấp liếm những thông tin không được tốt đẹp. Li (đạo lý) đã hiển lộ hàng triệu lần mỗi ngày bởi hàng triệu người trên thế giới. Khi nhận thức được những hành động chân thật đó và biết trân trọng sức mạnh tinh thần và tính lương thiện tốt đẹp mà người biểu hiện, chúng ta làm sống lại li (đạo lý) trong ta.

XEM XÉT VÀ QUÁN TƯỞNG VỀ NHỮNG QUY LUẬT ĐẠO ĐỨC TRONG CÔNG VIỆC

Hầu hết các công ty đều có quy luật đạo đức cho tất cả các nhân viên. Dầu không có quy luật nào có thể thay thế li (đạo lý), việc quán xét những ưu và khuyết điểm trong các quy luật đạo đức của công ty có thể giúp ta biết làm thế nào để vung trồng li (đạo lý) tốt hơn ở nơi làm việc. Hãy kiếm một bản điều luật, cẩn thận đọc, và quán chiếu về mục đích, nội dung của nó. Có phải chúng đầy những từ ngữ sáo rỗng của luật lệ hay chúng thúc đẩy sự lương thiện, tốt lành? Nhân viên trong công ty có thực sự tuân giữ các quy luật này hay chúng sáo mòn đến độ không còn ai để ý đến? Nếu sự thật là thế, thì điều gì đã khiến công ty không áp dụng các quy luật này đối với ban quản lý và nhân viên của công ty? Bạn có thể thay đổi các quy luật này như thế nào?

PHÁT TRIỂN NGUYÊN TẮC CÁ NHÂN VỀ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH

Hãy viết xuống mười điều quan trọng nhất đối với bạn về hành vi đạo đức ở nơi làm việc. Dưới đây là một quy tắc đạo đức mà tôi thích nhất của một doanh nhân vô danh ở cuối thế kỷ thứ mười chín: “Khi đã hứa, hãy giữ lời, dầu đó là trong cuộc sống riêng tư hay trong giao tiếp với người. Nếu bắt buộc phải làm trái lời hứa, phải thân hành đến hay viết thư xin lỗi ngay”. Quy tắc đạo đức của riêng tôi là: “Trước khi quyết định hãy xét đến quan điểm của người”. Hãy giữ một bản quy tắc đạo đức cá nhân của bạn trong túi xách hay bóp, hoặc ghi xuống lịch như một cách để nhắc nhở bạn cần vung trồng những gì ở nơi làm việc.

Nguyên tác: Awake at Work (Tỉnh Thức Trong Công Việc)

VỀ TÁC GIẢ

Michael Carroll, trong sự nghiệp kinh doanh suốt 25 năm của mình đã giữ các chức vụ điều hành ở nhiều công ty như American Express, Simon & Schuster và Walt Disney. Ông con tư vấn và tập huấn về kinh doanh thương mại cho các công ty như Procter & Gamble, Starbucks, AstraZeneca, v.v…

Michael đã nghiên cứu về Phật giá o Tây Tạng từ năm 1976, đã hoà n tất chương trì nh Phật học năm 1982, và là một giáo thọ được truyền thừa trong dòng thiền của thiền sư Tây Tạng Chogyam Trunpa.

Michael đã dạy ở các trườ ng như đại học Columbia, đại học St. Mary, trường Cao Đẳng Swarthmore, Tu viện Sơn Thiền (Zen Mountain) và nhiều trung tâm tu học khác ở khắp nước Mỹ , Canada và Âu Châu.

MICHAEL CARROLL – Chuyển ngữ : Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh & Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

http://thuvienhoasen.org/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.