Phải Trái Cuộc Đời

KHÔNG PHÂN BIỆT THÂN HAY THÙ

Ngày xưa có một vị đại phú gia tên là Tâm Phúc, giàu có đến nỗi hơn cả tài sản của một đất nước. Ông lúc nào cũng giúp đỡ người bất hạnh khốn khổ lại hay cung kính cúng dường các vị sa môn, ông nổi tiếng là người nhân từ đạo đức. Tuy sống trong cảnh giàu sang, vinh hoa phú quý, nhưng ông không bao giờ tiêu dùng lãng phí hay xa xỉ. Ông là một Phật tử thuần thành thường xuyên đến nghe Như Lai thế tôn chỉ dạy, nhờ vậy ông thấu hiểu thế gian này vốn biến đổi vô thường, không có gì là bền chắc và lâu dài.

Nhờ giác ngộ lý vô thường, nên ông mới hiểu được tài sản của cải vật chất thường bị năm nhà cuốn trôi và không thể trường tồn. Bị vua quan tịch thu, bị lửa đốt cháy, bị nước cuốn trôi, bị trộm cướp, bị con cái bất hiếu phá sản. Chỉ có công đức bố thí cúng dường hoặc giúp đỡ chia sẻ khi gặp người khó khăn hoạn nạn, mới là gia tài đích thực của chính mình. Do đó, ông phát tâm giúp đỡ người già neo đơn bệnh tật, kẻ cô độc không nơi nương tựa và những gia đình nghèo khổ, thiếu thốn khó khăn. Trưởng giả Tâm Phúc là người nhân từ đạo đức, ông làm việc thiện không biết mệt mỏi nhàm chán, cho nên cả nước ai cũng đều biết đến ông.

Do ông cúng dường bố thí quá rộng rãi, nên tài sản ngày càng hao hụt và cuối cùng không còn gì để bố thí nữa. Chỉ còn lại căn nhà năm gian ông bán đi, để chuẩn bị làm ăn phương xa. Vậy mà, ông ta vẫn vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc tràn trề. Còn lại chút ít vốn liếng nhờ bán nhà, ông quyết định ra nước ngoài mua bán làm ăn để có tiền trở về giúp đỡ người nghèo khổ. Thế là ông tháp tùng cùng đoàn thương buôn, mở chuyến làm ăn phương xa. Do phúc duyên nhiều đời đã từng làm phước, kết duyên sâu với tất cả chúng sinh nên việc kinh doanh của ông phát đạt không thể ngờ.

Công việc làm ăn mua bán của ông thành công dễ dàng, nhờ vậy chỉ trong thời gian ngắn số tiền được lời gấp mười lần những thương buôn khác. Trên đường trở về xứ sở, nhiều người thấy ông đi chuyến này trúng lớn nên sinh tâm tham muốn, cố ý tìm cách chiếm đoạt tài sản của ông. Trong lúc mọi người đang ngồi nghỉ gần giếng cổ bên đường, thừa lúc ông sơ hở chúng xô ông xuống và lấp giếng lại.

Đoàn thương buôn trở về bổn xứ nhưng chẳng ai thấy trưởng giả Tâm Phúc đâu cả, nhà vua mới thắc mắc hỏi những người trong đoàn. Mọi người đều đồng thanh trả lời rằng chúng tôi không biết, khi ra đến nước ngoài ông Tâm Phúc đã tách ra khỏi đoàn. Nhà vua cảm thấy có một cái gì đó không ổn và tự nhiên trong lòng khởi lên những ý niệm, chắc ông ta đang bị mấy người này hại chết rồi. Do nghi ngờ như vậy, nên nhà vua lập tức ra lệnh bắt giữ hết đoàn thương buôn lại chờ ngày xét xử sau.

Trưởng giả Tâm Phúc sau khi bị xô xuống giếng tưởng đã tiêu đời nhà ma rồi, nhưng không ngờ số phận của ông chưa hết duyên trần nên phía bên hông giếng có một đường hầm, ông ta lần theo đường ấy bò ra nhờ vậy thoát ra được khỏi giếng lấp. Cuối cùng ông cũng tìm đường về được xứ sở, nhà vua và dân chúng hay tin ai nấy cũng đều mừng rỡ, vị đại ân nhân của đất nước đã trở về bình yên và vô sự. Vua hỏi ngài Tâm Phúc vì cớ sao ông về muộn thế, dạ hạ thần thiếu phước báo nên làm ăn thất bại thua lỗ, cuối cùng phải chịu trắng tay.

Nhà vua vẫn biết Tâm Phúc luôn mở rộng tấm lòng nhân ái, luôn bao dung tha thứ và độ lượng, dù là kẻ đã cố tình hảm hại mình nên mới khiêm tốn nói như vậy. Tâm Phúc biết được đoàn thương buôn bị nhà vua giam giữ, nên ông ta động lòng thương xót mới xin với nhà vua rằng, những người này hoàn toàn vô tội, họ là người tốt không hề có hành động gì xấu để hảm hại hạ thần cả. Chính hạ thần vì tham lam quá mức, muốn có được nhiều tiền nhiều của để về giúp dân, giúp nước, không ngờ việc kinh doanh bị thất bại. Kính xin bệ hạ, hãy mở tấm lòng từ bi rộng lớn tha cho họ được trở về đoàn tụ với gia đình, vợ con họ đang mòn mỏi khát khao chờ chồng, chờ cha, sau nhiều tháng xa nhà.

Vua nghe xong cảm động lòng thành của Tâm Phúc, nên cho người thả hết đoàn thương buôn ra. Nhờ vậy họ càng quý kính trưởng giả nhiều hơn và từ đó về sau phát tâm theo ngài làm những điều phước thiện. Sau đó, trưởng giả độ tất cả gia đình và người thân của đoàn thương buôn quy y Tam bảo gìn giữ năm điều đạo đức, để họ có cơ hội hướng đến chân, thiện, mỹ. Sau này họ cùng nhau góp vốn thành lập Trung tâm nối kết vòng tay nhân ái để giúp đỡ những người bất hạnh, hổ trợ công ăn việc làm cho người thất nghiệp, bảo trợ và chăm sóc người tàn tật, người già neo đơn, người cô độc, vượt qua nghèo đói và bất hạnh.

Tâm Phúc như một vị Bồ tát hiện thân đi vào đời để cứu độ chúng sinh, nên phần thiệt thòi nhận về mình, phần lợi lộc nhường cho mọi người, không bao giờ có một tiếng than van hay trách móc ai, dù người đó đã cố ý hảm hại mình. Trong mắt ngài không có kẻ oán người thù, ông luôn đối xử bình đẳng với tất cả mọi người. Nhờ thế ông giúp và độ vô số người ác biết quay về với chánh pháp, sau này họ là những nhà từ thiện và hoằng pháp, luôn vì lợi ích tha nhân.

THỪA NƯỚC ĐỤC THẢ CÂU

Mặc dầu được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng, nhưng chúng tôi vì quá ngu si mê muội từ nhỏ đã đam mê tứ đổ tường như cờ bạc, rượu chè, hút xách, đàn điếm, nên không có dịp học hỏi và tham khảo nhiều. Đến khi vào chùa cũng chỉ lao động tay chân, không màng đến nghiên cứu giáo lý Phật đà, vì cứ nghĩ rằng, trực chỉ nhân tâm kiến tính thành Phật là đủ rồi. Đó chính là sự sai lầm lớn lao trong đời tu của chúng tôi, giờ thì có nhân duyên đi hoằng pháp nhưng lực bất tòng tâm kèm theo thân thể bệnh hoạn, mất nhiều chứng bệnh nan y thành ra chướng ngại bất ổn, nên không thể nghiên cứu chia sẻ thấu đáo được. Đành phải chịu lờ mờ trong ánh sáng lặp lè…. trong cuộc hành trình hoằng pháp và từ thiện.

Quyền lực, danh vọng, tiền tài, sắc đẹp trong thời tam quốc chí Trung Quốc quả thật không biết bao xương máu đổ xuống, cũng vì mộng làm bá chủ thiên hạ bắt buộc mọi người phải phục vụ cho riêng mình. Chính vì thế con người luôn sống trong thù hận khổ đau, được thì mặc tình thao túng hại người hại vật, không được thì chờ đợi thời cơ, tìm đủ mọi cách để trả thù. Con người ta cứ thế lanh quanh lẩn quẩn trong cái vòng ấy, để rồi tạo khổ đau cho nhau không có ngày cùng.

Thái sư Đổng Trác tài ba lỗi lạc và có đứa con nuôi Lã Bố anh hùng cái thế nên đã bình thiên hạ một cách dễ dàng, nhiều thế lực khác hợp tác lại cũng không đủ sức hạ bệ ông ta. Chỉ một mình Đổng Trác không thôi, các thế lực khác vẫn chưa đủ sức tranh tài cùng ông. Lại thêm có anh hùng Lã Bố tuổi trẻ tài cao, nên Vương Doãn đã tìm đủ mọi cách để giành cho được quyền lực đó. Điêu Thuyền một trang tuyệt sắc giai nhân được Vương Doãn cứu mạng sống trong lúc nguy khốn, nên đã mang nặng ơn nghĩa của người nhận làm cha nuôi.

Vương Doãn nhớ lại sự tàn bạo của Đổng Trác, cảnh tượng giết người quá dã man như móc mắt, chặt tay, chặt chân, chặt đầu, mổ bụng, nấu thịt người giống như loài lang sói. Ông ta ra vẻ trầm ngâm suy tư như có chuyện gì quan trọng lắm, Điêu Thuyền không biết chuyện gì sẽ xảy ra nên vội thưa rằng, con mang nặng ơn cứu mạng của cha có chỗ nào cần dùng nếu có chết con cũng cam lòng. Hiện nay quyền lực đều nằm trong tay Đổng Trác và bên cạnh lại có Lã Bố con nuôi hắn sức khỏe phi thường, võ nghệ cao cường thiên hạ khó ai địch nổi, nên hai cha con lộng quyền mặc tình cướp bóc của thiên hạ coi người chẳng ra gì.

Nhưng ngược lại Đổng Trác, Lã Bố đều đam mê sắc đẹp chỉ có con mới làm được điều này, con hãy vì vận mệnh đất nước nếu không thì nhà Hán sẽ rơi vào tay loạn tặc. Nhiệm vụ của con là làm sao tạo kế ly gián để hai cha con Đổng Trác, Lã Bố hiểu lầm nhau và tự giết nhau. Dạ thưa cha, xin Người cứ yên lòng dù con có chết muôn vạn ngàn lần, cũng không thể nào đền đáp hết ơn cứu mạng của cha.

Vương Doãn liền cho người khéo léo đến mời Lã Bố vị tướng quân tài ba lỗi lạc vô địch trong thiên hạ, về phủ mình dự tiệc và chiêu đãi như thượng khách. Vương Doãn trong lúc rượu vào lời ra đã ca ngợi thiên tài Lã Bố dưới sự bảo bọc của triều thần Đổng Trác làm cho Lã Bố càng thêm kiêu hãnh. Lợi dụng Lã Bố đã có chút hơi men Vương Doãn mới cho mời người đẹp Điêu Thuyền ra hầu rượu Lã Bố, trước sắc đẹp nghiên thành đổ nước làm cho vị tướng trẻ mê mẫn tê tái cả tâm hồn. Biết cá đã bị cắn câu Vương Doãn liền lên tiếng, tại hạ chỉ có một cô con gái đến nay vừa tròn mười chín tuổi chưa có ai nâng khăn sửa túi, nếu tướng quân đồng ý thì chúng ta sẽ chọn ngày lành tháng tốt để định bề gia thất. Không còn chần chừ gì nữa Lã Bố nhận lời ngay, thế là hai bên đã định ngày coi như không quá một tuần, phải đưa Điêu Thuyền về Lã phủ.

Mọi việc tưởng chừng như êm xuôi, Lã Bố đang mừng thầm trong bụng không ngờ cuộc đời chinh chiến của mình, lại gặp một trang tuyệt sắc giai nhân có một không ai trên thế gian này. Đang lúc hưng phấn lên tột cùng, bổng có lệnh của Đổng Trác đi thẩm tra chiến sự gấp, Lã Bố tìm cách thoái thác không đi đủ mọi lý do, nhưng gì không có người thay thế nên Lã Bố đành phải vâng lời. Sợ nhạc phụ nuốt lời, nên Lã Bố đã cho người báo Vương Doãn biết chỉ đi vài ngày rồi trở về cử hành hôn lễ. Xưa nay Lã Bố chỉ thích quyền lực, mỹ nữ và ngựa tốt, tuy phải bận việc phương xa nhưng trong lòng Lã Bố không thể nào quên hình bóng của Điêu Thuyền. Sắp xếp công việc xong xuôi, Lã Bố một mình dùng ngựa Xích thố phóng nhanh về để gặp mỹ nhân, trong lòng hưng phấn lạ thường tưởng như mình đang ở cạnh nàng. Thoáng chốc hơn một ngày Lã Bố đã về đến Trường An…

Cơ hội ngàn vàng đã đến, Vương Doãn đích thân mình đến mời thái sư Đổng Trác về Vương phủ dự tiệc trong ngày mai, nếu quan tư đồ có lòng thì ta không nỡ từ chối. Thế là con mồi thứ hai sắp rơi vào cạm bẫy, nhưng lần này Vương Doãn lại lộ vẻ lo âu, sợ hãi, nếu cơ mưu bị bại lộ thì cả gia tộc bị tiêu diệt. Tuy lo sợ thấp thỏm trong lòng nhưng vẫn cứ phải hành sự. Lần này thì Vương phủ chuẩn bị chu đáo hoành tráng hơn trước nhiều, Thái sư Đổng Trác với tướng mạo oai phong đường bệ, hiên ngang vào bước phủ chẳng khác nào ngọn núi sừng sửng hiên ngang giữa trời đất, làm cho Vương Doãn thót cả tim. Tuy nhiên giây phút lo sợ đã qua, yến tiệc bắt đầu Vương Doãn tự tay mình mời rượu. Đổng Trác chẳng thèm quan tâm, hầu như đang mong chờ một thứ gì đó, Vương Doãn hiểu ý cho mời lá ngọc cành vàng Điêu Thuyền ra hầu rượu.

Vừa thoáng thấy bóng dáng của người đẹp, Đổng Trác như người bị lạc vào mê hồn trận không ngờ Vương phủ có một trang tuyệt sắc giai nhân. Ngài mới quay sang hỏi Vương Doãn, người đẹp ấy là con nhà ai? Dạ bẩm Thái sư, là con gái của hạ thần năm nay vừa tròn mười chín tuổi chưa có ai nâng khăn sửa túi, nếu Thái sư đồng ý thì tiện hạ xin dâng tặng cho ngài, để có người hầu hạ chăm sóc. Đổng thái sư vô cùng mừng rỡ và trong ngày hôm đó, liền cho dời Điêu Thuyền về dinh sở, sắc đẹp của nàng làm cho Đổng Trác say mê như điếu đổ, suốt ngày không rời xa nàng nửa bước.

Lã Bố về đến nơi. Liền tức tốc cho người đem sính lễ đến rước cô dâu về phủ của mình, nhưng sự thật quá phũ phàng. Khi gặp cha vợ Lã Bố mới biết được, chính cha nuôi của mình đã phỏng tay trên rồi, lòng căm hận vô cùng chẳng biết làm cách nào để giành lại người đẹp đây! Vì Đổng Trác quyền lực quá mạnh, một mình Lã Bố không thể làm gì được. Đây là cơ hội ngàn vàng cho Vương Doãn, nhân cơ hội này ông ta thừa nước đục thả câu. Vương Doãn bèn kể lễ lại sự tình, rằng đã hứa gả cho tướng quân Lã Bố rồi. Nhưng Đổng Trác ỷ quyền hành thế lực của mình, nên đã ép Vương gia phải giao người đẹp về cho ngài, xin Lã tướng quân thứ lỗi cho. Quyền lực lúc nào cũng đi đôi với quyền lợi và sắc đẹp, con người ta sở dĩ độc ác với nhau cũng vì chỗ này. Vương Doãn biết được Đổng Trác đam mê sắc đẹp nên liền cơ hội hiến tặng người đẹp Điêu Thuyền để gọi là đền ơn đáp nghĩa. Đó cũng là chiêu thuật của kẻ tiểu nhân, mượn sắc đẹp để hại chết cha con Đổng Trác và Lã Bố. Nhiều nhà chính trị luôn tranh giành quyền lực, vì họ chẳng bao giờ thấy đủ cả, khi chưa được kết quả mong muốn thì tìm cách móc nối đưa đẩy để hảm hại người khác. Với quyền lực trong tay, nếu người lãnh đạo biết sống vì dân vì nước dựa trên nền tảng tình yêu thương nhân loại, thì người dân được cơm no áo ấm và hạnh phút biết bao. Còn nếu vì quyền lợi riêng tư thì tìm cách vơ vét, bóc lột về cho mình do đó làm tổn hại cho nhiều người. Nhưng khi quyền lực biết dựa vào tâm linh, thì dễ thiết lập được sự công bằng, duy trì sự sống được bình ổn trên mọi phương diện. Thông thường thì người dân lệ thuộc vào người có quyền thế, thành công hay thất bại cũng ảnh hưởng đến người lãnh đạo đất nước.

Vương Doãn trong nhất thời nhờ mỹ nhân kế, mà tiêu diệt được hai cha con Đỗng Trác và Lã Bố. Nhưng là kẻ tiểu nhân nịnh thần gian dối, nên khi có quyền lực trong tay không biết nhìn xa, hiểu rộng và trọng dụng người tài, nên cuối cùng bị kẻ dưới trướng của Đổng Trác hạ bệ. Thật ra trong chiến tranh loạn lạc con người ta tìm đủ mọi cách để nắm được quyền lực. Mục đích chính cũng vì quyền lợi và hưởng thụ. Có quyền lực như thế để làm gì, trong khi đó máu đổ xương rơi, lòng người oán hận cuối cùng cũng phải chết trong uất hận.

Vua A Dục là một bằng chứng thiết thực dựa trên quyền lực tâm linh đã thống nhất Ấn Độ, biết áp dụng giáo lý nhân quả nhà Phật vào đời sống con người, nhờ vậy dân chúng thời đó hạn chế tối đa việc giết hại súc vật, luôn tu tập thương yêu và hiểu biết. Sử dụng quyền lực sai lầm là nguyên nhân gây thù chuốc oán, làm khổ đau cho nhiều người. Những nhà lãnh đạo đất nước là những người có nhiều quyền lực, nếu họ biết hy sinh tận tụy vì lợi ích của chung, thì cuộc sống người dân có phần ấm no và an vui hạnh phúc.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.