Cư Xá Không Quân Nha Trang

Chiếc taxi thả tôi xuống cách xa cư xá, người tài xế hẹn 1 giờ sau đến đón tôi. Trước khi cho xe chạy anh còn dặn tôi nên cẩn thận, nếu ai có hỏi nhất định đừng nhận là Việt kiều.

Đầu đội nón lá, tôi ăn mặc như người dân quê, tay cầm một cái bao, một que dài để lượm lon và giấy.

Buổi sáng mặt trời vừa lên, những tia nắng rạng rỡ nhuộm cả đại dương, từng đợt sóng long lanh và những đám mây viền màu vàng óng ánh. Lòng thương biển cũng tròn đầy như ngày còn thơ ấu khi mỗi sáng thức dậy, biển trời vàng rực một màu.

Gió mát quá! Mấy chục năm rồi, hôm nay tôi trở về tìm lại chút kỷ niệm của một thời hạnh phúc để thêm sức mạnh cho những ngày xế chiều lẽ bóng.

Tôi băng qua đường nhìn lối vào Phi Trường, thấy tấm bảng đề Khu Quân Sự, có gắn chiếc máy bay nhỏ một bên.

Đi ngang dãy nhà sát bên đường, trong đó có nhà bác sĩ An, lòng tôi reo vui khi đến hàng rào của cư xá. Chân bước thật chậm nhè nhẹ thương yêu dâng tràn, xin mắt đừng nhỏ lệ, hãy bình tỉnh nhìn và nhớ lại từng căn nhà của bạn bè một thời cùng quay quần nơi đấy.

* Đúng là căn nhà này của anh Vũ Liễn 524. Tối hôm đó các anh trong phi đoàn đến nhà tôi chơi và nhắc đến anh Liễn, nói chị Liễn còn nhỏ lắm nay lại có em bé, hiện cháu đang bị sốt, ở đây không có người thân.

Tôi đem chuyện đó nói cùng anh tôi, hai anh em sống với nhau từ nhỏ nên có chuyện gì tôi đều kể với anh. Không ngờ sáng sớm anh đưa một số thuốc, kêu tôi đem xuống cho cháu bé và nói bác sĩ dặn cách dùng.

Anh Liễn vào xem chị và cháu bé dậy chưa để đưa tôi vào nhà chơi. Nhưng họ còn ngủ, tôi xin đi về thì anh kêu tôi chờ một chút, anh trở ra tay cầm 2 củ cà rốt, anh ăn một, đưa tôi một.

– Báu làm con thỏ đi, nhà không còn gì ăn hết.

Vị ngọt của cà rốt năm xưa nay như còn trong tôi, cảm ơn anh Liễn đã cho tôi một chút kỷ niệm thân thương để nhớ.

* Nhà anh chị Triển. Trước 75 chị Triển đi dạy ở dưới Cầu Đá, tôi đi làm trên phố.

Chúng tôi ít gặp nhau nhưng sau ngày mất nước, chúng tôi thường liên lạc cùng nhau. Anh Triển và anh Dọng đã đi vào trại tù rồi, chị từ giả tôi trở về Nhatrang để trình diện Ty Giáo Dục. Ba mẹ con chị bơ vơ, không bà con, không nhà cửa, chính quyền lại đổi chị đi dạy thật xa. Sáng đi sớm bằng xe lửa chiều tối mới về, hai đứa con thơ ở nhà trọ, tôi đau cùng nỗi đau của chị.

Sau những năm ở tù về, anh Triển và anh Nhị thường viết thư cho tôi. Anh Triển kể những chịu đựng tủi buồn cực khổ khi đạp xe đi làm ở Hàm Tân, Anh Nhị về quê tận trên Thành. Khi nhà có trái mít chín, anh Triển đạp xe lên Thành để anh em gặp nhau, cùng thưởng thức những múi mít ngọt lịm cho đời vơi cay đắng và chia xẻ muôn ngàn khó khăn buồn tủi khi những cánh chim đã bị cắt đi đôi cánh.

Anh Nhị hỏi tôi:

– Báu có biết gió vào nhà trống là nghĩa gì không ?

Anh Nhị ơi! Nay tôi cũng đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời, không còn ngơ ngác như ngày còn bé. Nét thật thà của anh, người miền quê Nhatrang, tôi làm sao quên được. Tôi đã là con dâu của 524, tôi hiểu và thương các anh nhiều, mình đã là đại gia đình.

Ngày anh đi tù, nhìn chị thương thật nhiều nhưng tôi không dám nói. Chị xơ xác, không nơi nương tựa. May mà chị đưa các cháu về lại quê nhà, vụ tạm trú và hộ khẩu làm chúng tôi, những người đàn bà ở lại Sài Gòn, điên đảo.

* Đây rồi căn này của Bùi Gia Định. Tôi và Định có chút liên hệ mà cành nông bắn hoài không tới. Nguyên ba dượng của Định là tướng Lam Sơn, anh Lam Sơn lại là con nuôi của ba tôi.

Vợ Định là Đồng Minh, mà Đồng Minh với tôi lúc nhỏ ở cùng phố Phan Bội Châu Nhatrang, hai nhà sát vách nhau, chúng tôi từ bé có nhiều kỷ niệm nên những ngày ở cư xá thường chạy qua lại với nhau.

Các anh Thiên Lôi 524 mỗi đêm đều tụ ở phòng khách nhà tôi nói cười vui vẻ để quên đi những nguy hiểm mà mỗi ngày các anh phải đương đầu. Ngày tết, anh Định ra nhà tôi, lúc đó tôi và vài cô bạn sắp đi chùa, anh xin theo. Nhìn bộ đồ bay anh mặc, chúng tôi kêu anh về thay quần áo khác, anh giận nên không thèm đi. Ngày đó còn khờ quá, tôi không hiểu được nỗi buồn cô đơn xa nhà vào dịp lễ hay tết của những người lính, mà chỉ biết đi chùa phải ăn mặc đẹp thôi. Ra tù là Định liên lạc cùng tôi, các anh sống có lý tưởng nên muốn ở lại phụng sự đất nước. Cao quý thay cho tấm lòng những người con của mẹ Việt Nam, nhưng được đổi lại bằng tù đày, khổ sai, đói và đói.

Đồng Minh về Nhatrang cũng không ở yên cùng phường khóm, bị kêu đi lao động kinh tế mới và cũng chịu bao nhiêu cay đắng của người vợ lính tàu bay. Có dịp vào Sài Gòn, Đồng Minh đều đến thăm tôi, chị em tâm sự.

* Kìa là nhà anh chị Bùi văn Đích, anh bên Trung Tâm Huấn Luyện. Anh dạy bay L19, sau này qua Úc chúng tôi rất thân nhau, gặp ở chùa và cùng làm công quả.

* Nhà anh chị Cần, tôi gặp chị Cần ở chợ trời, chúng tôi tay cầm tay nước mắt tuôn trào. Chị vất vả từ phiên chợ lúc nào cũng sẵn sàng gom hàng mà chạy nếu không thì công an tịch thu, hàng mất vốn cũng không còn.

* Kế là nhà anh Võ Ý. Gặp anh ở nhà anh chị Trí (nhà thơ Duy Năng). Chào nhau nhưng chưa bao giờ nói chuyện cùng anh.

Một buổi trưa theo thường lệ, những người có liên hệ với Không Quân, chúng tôi đem phần ăn của mình cùng nhau ngồi ăn trưa ở lầu 4 Ngân hàng Việt Nam Thương Tín Trung Ương, cùng nhắc đến người thân. Trưa nay có thêm 2 cô bé ngày trước tốt nghiệp Kinh tế Đalat đã thực tập ở VNTT Nha Trang, nay đến xin việc. Một cô nhắc thật nhiều về anh Võ Ý và một cô nhắc về anh Võ Quang Thẩm. Đặc biệt là 2 cô này có 1 quyển sách (chỉ được nhìn không được cầm đến quyển sách nên tôi không biết tên sách) trong đó có hình anh Võ Ý mặc đồ bay cười rất tươi, dưới có ghi lý lịch và hình anh Võ quang Thẩm mặc đồ lễ đội nón xanh Không Quân có ghi lý lịch. Thật là vui một cô bé mê tiếng hát và một cô bé mê lời văn.Tôi xin mượn quyển sách nhưng hai cô bé không cho, tôi dọa đem theo bên người coi chừng gặp công an là nguy. Hai cô cho tôi xem giỏ xách đã được mướn may một chỗ an toàn cho quyển sách, đó là bảo vật của hai cô bé.

Hôm sau chúng tôi được xem quyển Thế Giới Tự Do chưa kịp phát hành. Trong đó có hình anh Dọng rất nhiều, cũng như các anh trong 524 đều có mặt. Chúng tôi trân quí chuyền tay nhau, đó là niềm vui, một động lực giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn buồn tủi. Thời gian ấy sách báo và ca nhạc không có, sống rất khô khan, thèm đọc một tờ báo hay nghe một bài hát cho cuộc sống bớt nặng nề khó thở.

Chúng tôi được chị Yến, chị của anh Nguyễn Ngọc Yên 524, cho biết chị Ngà vợ anh Bông hẹn ngày giờ xuống Phú Lâm gặp chị để đưa đi nghe hát chui, nhưng cả nhóm xuống họp mặt rồi cuối cùng không nghe được vì bị bể.

* Cổng chính vào cư xá đây rồi, bây giờ có nhiều lớp kẽm gai che lối vào, vọng gác vẫn còn chỉ vắng bóng người lính gác. Vài bước nữa là thấy nhà anh chị Nguyện. Hôm anh Nguyện rớt máy bay, nhiều ngày ở trong rừng dù bị thương nặng nhưng anh cố bò ra quốc lộ và được cứu. Anh Dọng có đưa tôi đến nhà thăm anh chị, sau này mấy lần gặp chị Nguyện ở SàiGon, chị có nói về việc làm ở sở chị và lo lắng nhiều.

* Kể bên là nhà anh chị Nghĩa, chị Nghĩa là Thu Cúc làm cùng Ngân hàng với tôi. Hôm đó không biết ai gọi điện mà chị Cúc biết có một chiếc A37 cất cánh và bị cháy, người phi công không biết là ai, sống chết ra sao? Chị Cúc xin phép giám đốc rồi hối tôi ra xe chị lái nhanh vào phi trường, trên đường đi chị nói:

– Hai đứa mình cùng cầu nguyện cho người phi Công đừng chết.

Dọc đường chúng tôi chỉ biết cầu nguyện, không nói với nhau lời nào.

Xuống xe, chị Cúc nắm tay tôi cùng đến phòng hành quân của 524, nhưng chưa vào tới thì có anh nào đó (giờ không nhớ) ra: – Người bị thương là Vĩnh Thọ đã đưa đi nhà thương rồi, hai chị yên lòng về làm việc.
Trên đường về chị Cúc lại nói.

– Anh Vĩnh Thọ không chết, mừng quá! Anh chưa có gia đình.

Những ngày ngân hàng kết toán sổ sách đều đóng cửa, tôi luôn nghe chị Cúc hát chỉ một câu lập đi lập lại “Cái trâm em cài là do tình nhân em biểu đó”.

* Nhà anh chị Ngô Đức Cửu. Anh Cửu và anh Dọng mỗi đêm đều đến nhà nhau, mỗi người 1 tờ báo và rất ít nói chuyện. Tôi và chị Quý, vợ anh Cửu thì nói đủ đề tài. Chủ nhật, chị thường lái xe đưa tôi đi ăn ở chợ Đầm Nhatrang, có khi 2 gia đình rủ nhau ra ngay bãi biển trước cư xá tắm. Con gái nhỏ của 2 nhà đi học cùng trường, ngày nào anh Dọng đi biệt phái thì chị Quý đưa tôi đi làm, các con tôi kêu anh chị là ba má Cửu.

* Kế là nhà anh chị Đạt, tôi gặp anh Đạt ở cư xá lần nào anh cũng chê.

– Sao mà Báu mập quá vậy?

– Tôi đang có em bé trong bụng.

Sanh xong gặp lại anh.

– Báu sanh rồi vẫn còn mập.

Một hôm anh chở vợ, chị Giang ra khám bệnh, anh gởi chị cho tôi để về đi bay.
Anh tôi khám bệnh cho chị Giang rồi bảo tôi kêu người làm đi mua một tô phở, bắt chị Giang phải ăn hết, uống thêm một ly nước cam tươi, ngủ một giấc chờ anh Đạt ra chở về.

Dãy nhà độc thân đây rồi. Ngày đó vào một chiều thứ sáu, các cô ở ngân hàng 5 người chất lên một xe vì anh Dọng đi biệt phái, các cô bắt tôi bao ăn phở Chutt rồi mới cho tôi về. Khi chạy ngang nhìn thấy các anh độc thân của 524 leo lên mái nhà ngồi hóng gió mát. Các cô thích quá, rủ các anh đi ăn phở luôn.

Tôi la lên:

– 5 người đầy xe rồi, ngồi chỗ nào nữa ?

– Ngồi hai tầng.

– Trời đất, chị có 2 con rồi đó.

Một cô quay kính xuống và hét lên:

– Có vợ Mộ Địa ngồi trên xe, chút nữa trả chị về, tụi em đến đón các anh. Cô lái xe nói.

– Mỗi ngày em đều đem tiền ngân hàng gởi vào ngân khố, em đang tìm một anh không quân nào có máu ăn cướp như em, để hai đứa ôm tiền đi xây hạnh phúc.

– Đừng nói đùa kiểu đó.

– Ha ha bà chị ơi nhát quá! Đùa một chút cho vui mà.

Một đêm, công an đập cửa nhà tôi vào xét nhà để tìm cô lái xe ngày xưa. Sau 75, ai không được giữ lại làm việc ở Sài Gòn đều bị đưa về chi nhánh tỉnh, cô lái xe vẫn còn độc thân một mình ở tỉnh lẻ, đã lấy một số tiền lớn của Ngân hàng để lo cho người vượt biên thoát hoàn cảnh khổ đau. Khi nhận được tin cô đến bờ bến tự do rồi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì sợ cô bị bắt lại không biết hậu quả ra sao?

Buổi sáng thật đẹp, những đám mây ửng màu vàng trôi trôi, tự nhiên tôi nhớ đến Chiếu Xuân, vợ của anh Đinh Xuân Ninh trong 524. Ngày trước gia đình ông dân biểu Lê Bá Chẵn danh giá, các cô con gái đều nổi tiếng là người đẹp.

Anh Thông, chi nhánh Qui Nhơn, đến thăm tôi chào trước khi phải về trình diện chi nhánh cũ.

– Sao chị cũng có chồng đi cải tạo mà còn cười?

– Tôi ở trọ nhà anh Kiến Trúc Sư của Ngân hàng. Có một bà nghe đâu chồng cũng đi cải tạo, ông đó cũng bay A37 Nhatrang, tối tôi đi về bất cứ giờ nào cũng thấy bà đó ngồi nơi hành lang trên lầu mà khóc. Anh có biết tên chồng bà không ?

– Không biết, tôi không dám đến gần bà, tôi cảm tưởng bà ấy gần điên rồi.
Tôi vội lấy giấy viết vài chữ nhờ anh trao dùm, ghi tên, địa chỉ và nơi tôi làm, hẹn gặp nhau sau giờ làm việc.

Tôi nghĩ cho dù người đó là vợ của bất cứ anh nào trong 524, tôi đều muốn gặp. Vì là đại gia đình rồi, an ủi nhau để cùng vượt qua những nỗi khổ khi nước mất nhà tan.

Sáng sớm mai trong giờ làm việc, Chiếu Xuân đến tìm tôi, em không nói gì, nước mắt và cách em ôm tôi đã nói lên tất cả, em là người đàn bà chới với, đó là cách diễn tả mà tôi thường chọc đùa em sau này. Từ đó mỗi đêm em đều đưa cháu Chouchou lên nhà tôi ngủ. Những đêm đầu gần như em không ngủ, tôi ra ngồi cùng em, cầm tay em thương yêu dỗ dành như một em gái nhỏ của mình. Từ hôm đó tôi tự ra lệnh cho chính mình, phải thật khỏe, giờ này trên vai tôi không phải chỉ có 2 con và 1 chị chồng mà thêm 1 em gái và 1 đứa cháu.

Chúng tôi luôn sát bên nhau, em còn trẻ và đẹp quá. Tôi phải bảo vệ em, vì có chiến dịch cám dỗ những người đàn bà có chồng đi cải tạo. Chính quyền mới biết rằng sự khổ sai, bỏ đói không giết các anh chết được, chỉ chết khi người đầu ấp tay gối phản bội mình trong khi mình ngã ngựa. Tôi nói cho em biết nhiều việc và khuyên em phải thật khỏe mạnh về thân cũng như tâm để cùng tôi vượt qua cái hoạn nạn của những người đàn bà như chúng tôi.

Bị tách xa lìa tất cả, cha mẹ, anh chị em và cả chồng, người đã từng chia xẻ buồn, vui, sướng, khổ cùng mình, nay phải một mình đối phó mọi việc ở ngay chính trên quê hương, mà những kẻ muốn giết hại tương lai và hạnh phúc của mình lại là chính quyền đương thời, tôi hứa không bao giờ bỏ em và người chị này sẽ là bờ vai cho em nương tựa khi sóng gió cuộc đời.

Tôi đi vòng trở lại cư xá, đứng nhìn vào hy vọng thấy được nóc nhà hay cây trứng cá ở phía sau vườn nhà tôi, có lẽ bây giờ các cành đã vươn cao.

Nhà chúng tôi ở tận phía trong, từ cổng đi thẳng vào quẹo mặt ở cuối đường sát hàng rào Phi Trường. Đó là một villa được cấp cho 3 gia đình sĩ quan. Nhà chúng tôi 2 phòng rộng và dài, chồng tôi xin ván ép và nước sơn về ngăn phòng phía trước làm hai phòng khách và phòng ngủ, phía sau có sẵn phòng tắm nên để thêm bếp gaz, phòng ăn. Kê thêm cái cái giường cho chị Hương, người theo hầu tôi từ nhỏ, về ở, vì chị không muốn xa tôi.

Chúng tôi cùng thêu 2 chiếc máy bay A1 Skyraider và A37 trên khung cửa lưới để ngăn 2 phòng ra riêng biệt. Nhà trở nên đẹp sáng sủa, đó là tổ ấm của chúng tôi. Như 2 con chim cùng nhau tha những bông hoa đẹp về làm tổ của mình. Chồng tôi mắc thêm một cái võng bên hiên nhà, thật tuyệt vời vào những buổi chiều nằm du đưa nhìn lên mây trời.

Má tôi vào thăm, bà năn nỉ chúng tôi ra phố ở, nhưng tôi hiểu chồng tôi, nên để mẹ và chồng cùng vui, tôi nói:

– Anh ấy là loài chim, mà chim phải sống quay quần cùng đoàn. Má đừng lo, rồi có một ngày chúng con sẽ nhờ má về nhà cửa, tiền bạc v.v…

Nhà chúng tôi nhìn qua bên mặt là nhà ông bà Phạm.

Đứng nhìn vào phía trong lâu quá, tôi sợ lỡ có ai đến hỏi thì phiền.
Biển, biển đang ở trước mặt cũng cần ghé thăm vì nơi đó rất nhiều kỷ niệm. Đôi chân trần đi trên cát, hai chân tôi lún sâu trong cát ấm như được cát âu yếm vuốt ve. Phải lội nước như ngày xưa, nước cũng ấm tràn vào đẫm hai chân, vóc một bụm nước vào hai tay. Bất chợt gió ào đến hất tung cái nón lá ngụy trang ra khỏi tôi, tôi hoảng hốt chạy đuổi theo.

Dường như gió nhìn ra đứa con của Nhatrang ngày nào, đã từng nằm lăn trên cát, nhảy đùa cùng sóng biển, hét cười ầm vang một góc trời, gió đùa giỡn, nón lá bay rồi ngừng, tôi mấy lần bắt hụt. Gió thì thầm thương yêu an ủi, cát thở dưới chân tôi, tôi quỳ xuống ôm lấy cát, biển cất tiếng hát, ôi tiếng hát ru tôi ngủ ngày thơ bé, mây như đứng lại che trên đầu, tất cả đến cùng với tôi.

Tôi quên hẳn tuổi già, quên thân phận mình, hai tay dang rộng chạy trên cát, cất tiếng cười dòn tan. Một mình vui cười đùa giỡn, tôi nghe được những lời thương yêu từ biển, biển tạt những giọt vào người tôi, gió thỉnh thoảng lại hôn trên mặt mũi tôi, cát ôm hai chân tôi không muốn rời, bầu trời đẹp hắn ra những đám mây vàng trôi lửng lờ, tôi đã trở về và có tất cả.

Xin cảm những người bạn đã làm nên kỷ niệm. Xin cảm ơn tất cả những người cùng ở cư xá Không Quân ngày xưa.

Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.