Ánh Đạo Vàng

-8-

Đêm phủ một lớp tối đen dày. Rừng tịch mịch thỉnh thoảng gầm lên những tiếng hãi hùng rùng rợn của loài ác thú đang cấu xé, cắn rứt nhau trong bóng tối.

Từng đêm này sang đêm khác, đức Thích-ca ngồi tĩnh toạ trong bóng tối, nhưng hào quang trên trán Ngài sáng rực dưới vòm lá cây bồ-đề. Ma vương, chúa tể của những cõi tối tăm, nhìn thấy, đoán biết Ngài sắp tung bừng ánh sáng của Ðạo vàng và cứu thoát cõi đời ra ngoài biển khổ, liền hội gấp các bè đảng để tìm cách đối phó. Thôi thì cả một đoàn quỷ sứ, một lũ ác thần — kẻ thù của Chân Lý và Ánh Sáng, bọn gieo rắc bóng tối và dục vọng xuống trần gian — hăm hở kéo đến vây quanh cây bồ-đề. Chúng dùng đủ cách, khi van xin cầu khẩn, khi gầm thét doạ dẫm để làm xiêu lòng Bồ-tát.

Ðầu tiên, một đoàn quỷ Tham kéo đến, mắt dớn dác nhìn quanh, hai tay cong cong như chực vồ lấy một vật gì. Chúng hội lại đủ các hạng: Quỷ Tham Sống bảo Ngài: “Có gì quý giá hơn sự Sống, sao người bỏ đi?” Quỷ Tham Danh bảo Ngài: “Hỡi người con vua Tịnh-phạn, sao dại khờ lắm thế? Người là kẻ tài hoa lỗi lạc, người là dòng thế phiệt trâm anh, người sắp được lên ngôi báu, danh giá không ai bằng, sao lại đi làm một kẻ ăn xin vất vưởng từ xứ này qua xứ khác?” Quỷ Tham Khoái Lạc bảo Ngài: “Người đang ở trong cung vui mùa lạnh có nhà ấm, mùa nực có nhà mát, ăn toàn thức ngon, uống toàn rượu quý, tai chỉ nghe cung đàn tiếng địch, mắt chỉ ngắm những điệu múa kỳ lạ của bọn vũ nữ. Sống khoái lạc như thế, cớ sao người lại dại khờ ruồng bỏ để đến đây nằm sương gối tuyết?

Ðức Thích-ca nhìn chúng trả lời:

— Bọn ngu muội lấy giả làm thật, bám víu vào những ảo tưởng mong manh, hãy đi xa chỗ này. Chúng mày không cám dỗ được ta.

Bọn quỷ Tham xấu hổ, lẩn vào trong bóng tối.

Một đoàn quỷ Gíận kéo đến khi đoàn quỷ Tham chưa lẩn hết trong đêm. Chúng gầm thét vang trời chuyển đất. Mặt chúng đỏ gay hay xám bạc, môi chúng bặm lại, hai hàm răng nghiến trèo trẹo vào nhau. Những con rắn đầu nhỏ quấn đuôi quanh cổ chúng và thè nọc ra đàng trước như chực trườn tới để cắm độc vào kẻ thù. Chúng gầm:

— Chúng ta phá hết, giết hết, không ai có thề cản ngăn. Chúng ta nhóm lửa ở giữa lòng người và thiêu đốt cả thiên hạ. Chúng ta gieo nọc độc khắp nơi và thế giới sẽ vì chúng ta mà tiêu diệt. Hỡi Thái tử Tất-đạt-đa, chúng ta sẽ bắt ngươi làm đệ tử.

Nhưng đức Thích-ca chỉ mỉm cười đưa mắt hiền từ nhìn chúng. Cái nhìn của Ngài có một mãnh lực lạ lùng! Bao nhiêu vẻ hung hăng độc ác tan theo chúng như một làn mây!

Bấy giờ trời đất bỗng tối sầm lại. Một sự hồi hộp, sợ sệt, e ấp trong lá. Từng đàn gì bay nặng nề trong bóng tối như từng đàn dơi, từng đàn gì luồn dưới cỏ như từng đàn rắn. Những tiếng chân hấp tấp chạy trong tối trước những hình đen như xạ: bọn quỷ Ngu Muội — mẹ đẻ của Sợ Hãi và Bất Công — đến vây quanh cây bồ-đề. Sau một chuỗi cười mai mỉa, chúng hỏi Ngài:

— Này Thái tử! Ánh sáng của người được bao nhiêu mà dám đem ra soi đường cho nhân loại? Ðừng đeo đuổi một công việc vô ích. Người càng tìm ra ánh sáng, chúng ta lại càng trút thêm bóng tối. Mỗi ngày mỗi ít, chúng ta đã gieo rắc qua mấy muôn triệu năm rồi những hạt si mê mà bấy giờ tất cả thế gian đều ngập lụt. Chúng ta thách người đấy. Người hãy lấy ánh sáng gì để quét sạch bóng Si mê đi!

Từ đỉnh trán đứe Thích-ca phóng một tia hào quang sáng như cả ngàn ngôi sao chụm lại, chiếu khắp bốn phía như một bó chổi sáng quét sạch tất cả bóng đêm.

Bọn quỷ Ngạo Mạn kéo nhau đến. Ðầu chúng ngẩng cao, ngực ưỡn, đôi mắt xấc láo nhìn Ngài. Chúng nói giọng khinh khỉnh, sau khi đưa một tay lên khoát ở trước mặt như để xua đuổi một mùi thối tha:

— Trần gian nhơ bẩn, hạ tiện này có đáng gì mà phải hao công tìm phương cứu chữa? Cái bọn ngu muội xấu xa là nhân loại này chỉ đáng để cho bị tiêu diệt. Người hãy theo chúng ta đạp đổ thế giới này mà lên mấy từng trời xanh, cùng nhau sống riêng biệt, hưởng những lạc thú thanh cao mà chỉ chúng ta là có quyền hưởng.

Ðức Thích-ca mỉm cười:

— Phải! Các người hãy đạp đổ thế giới này đi rồi con đường của các người sẽ đưa các người vào địa ngục.

Bọn quỷ Ngạo Mạn vênh mặt, rủ nhau bỏ đi.

Nhưng một bọn khác lại kéo đến. Ðây là những con quỷ Nghi Ngờ, thiếu tin tưởng, đầu đưa lắc la lắc lưỡng, trên những chiếc cổ cao, hai tay áo buông xuôi như bị đẫm ướt, môi mím lại làm nổi một nếp nhăn trên mép nửa như mếu, nửa như cười.

Chúng đến thét vào tai Ngài: “Giả dối, mọi sự đều giả dối! Chân lý! Chân lý là cái quái gì? Người chỉ đi theo một ảo giác hy vọng hão huyền. Không có cách gì cứu chữa được nhân loại. Ðạo của người sẽ vô công hiệu giữa thế giới đam mê. Ha ha! Giải thoát cho nhân loại thoát khỏi luân hồi! Ôi, có ai điên rồ hơn thế nữa!

Ðức Thích-ca nhìn chúng, miệng nghiêm lại, vẻ cương quyết lạ lùng. Mắt Ngài chứa đầy một nguồn tin tưởng mạnh mẽ làm cho bọn quỷ Nghi Ngờ cảm thấy đây không phải là nơi chúng có thể dùng những lời bi quan để đánh đổ. Chúng rủ nhau thất thểu ra đi, đầu lắc lư thêm, nét nhăn bên má lại càng chua chát hơn trước, hai tay buông thỏng rã rời như không còn sức để bám víu vào một cái gì được nữa…

Nhưng bọn quỷ sứ ấy chưa nguy hiểm lắm. Nguy hiểm nhất là Ca-ma (KAMMA), chúa tể của dục tình và những khoái lạc xác thịt. Nó nắm một cung đồng kết hoa, mang một bó tên tẩm thuốe độc có ba mũi nhọn mà mỗi khi chúng đã cắm vào tim thì không có sức nào rút ra được. Ca-ma đi đầu; sau nó là một đoàn thiếu nữa đẹp như hoa, vừa đi vừa hát những điệu hát du dương ca tụng ái tình nhịp nhàng hoà theo điệu nhạc. Chúng vừa hát vừa đưa những cặp mắt lẳng lơ, những nụ cười khêu gợi, giấu một nửa sau những cánh quạt hoa. Chúng uốn éo những tấm thân dẻo như rắn của chúng khi đi qua trước mặt đức Thích-ca. Nhưng Ngài vẫn thản nhiên, lòng không mảy may xao động.

Ca-ma liền ra hiệu cho bọn vũ nữ dang ra và một nàng đẹp hơn cả, giả dạng nàng Da-du-đà-la đi vào. Toàn thân nàng hiện lên một vẻ đ?p não nùng mà những ngày dài đau thương đã tô thêm đậm nét. Nàng đến bên Ngài khẽ than, đôi mắt nhung long lanh sau màn lệ nóng:

— Ôi Thái tử! Chàng có biết chăng nỗi đau khổ của em khi chàng bỏ cung điện ra đi? Trên bờ sông Rohini, em đã ngồi khóc qua những ngày dài dằng dặc. Em mong chàng về, nhưng đôi mắt đã mờ lệ, mà trên đường về em nào thấy bóng chàng đâu! Về với em đi, Thái tử! Chàng sẽ tựa đầu vào cánh tay em và em sẽ quạt cho chàng như những năm xưa, khi chàng còn là lẽ sống của đời em!

Ðức Thích-ca trả lời:

— Bóng hình giả dối, như bao nhiêu bóng hình giả dối của thế gian, mày không thể phỉnh gạt ta được. Hãy tan cho mau theo bóng tối!

Ca-ma tức giận thét lên một tiếng. Bao nhiêu nàng mỹ nữ đều tan biến mất. Nhưng trời bỗng chuyển động. Tiếng gầm thét, ban đầu còn xa, mỗi lúc mỗi gần và lớn dần. Trời sầm sập đổ mưa. Bão tố nổi dậy, từng làn chớp quăn queo đan nhau trên vòm cây bồ-đề. Bao nhiêu dục vọng đê hèn, bao nhiêu si mê cuồng dại, bao nhiêu tội ác hiện hình, làm thành một đạo binh hỗn độn, thổi gió, phun mưa, nổi sấm, bắn những mũi tên độc vào Ngài, lao những chiếc sào nhọn bọc sắt. Nhưng bao nhiêu sự tấn công của chúng đều vô hiệu. Ðức Thích-ca vẫn điềm nhiên ngồi vững chắc dưới cây bồ-đề, trên trán một vùng hào quang chiếu rực rỡ. Và cây bồ-đề vẫn đứng yên như không có gì xảy ra cả.

Ðến canh hai trời đất trở lại yên tĩnh và trong suốt như gương. Trong bầu trời xanh, long lanh những vì sao bạc. Ðức Thích-ca chứng được quả “Túc Mệnh Minh”. Nhờ trí tuệ siêu phàm, Ngài thấu suốt được tất cả khoảng đời quá khứ xa, rất xa của Ngài trong ba giới. Như người bộ hành ngồi nghỉ trên núi cao, nhìn xuống quãng đường quanh co mình vừa đi qua, nào đồng, nào ruộng, nào khe, nào rừng; bên cạnh hố kia mình sắp sẩy chân, trên bãi cát nọ mình sắp kiệt lực, và xa xa, một đám bùn lầy phỉnh phờ giấu mình dưới những khóm lau lách, và nếu không sáng mắt, đã bị sa chân vào đấy. Ngài thấy rõ ràng tất cả những kiếp xưa của Ngài, những nỗi khó khăn, những điều trở ngại đã vượt qua để lên đến địa vị cao xa cùng tột này… Ngài nhận thấy sự tăng tiến tiếp tục từ đời này sang đời khác, không một lúc nào đứt quãng, cũng không một lúc nào đứng yên. Sau mỗi kiếp, cuộc đời như đã tan vỡ. Nhưng không! Sự sống chỉ náu mình để dồn thêm sức lực rồi mạnh mẽ tiến lên, như hạt lúa náu mình trong đất để chuyển hình ra cây mạ xanh tốt. Và trong cây mạ mới, có ẩn mầm giống của những hạt lúa xưa, trong kiếp này có ẩn tất cả bao nhiêu nhân của những nghiệp trước. Do đó, Ngài nhận thấy không một sự cố gắng nào, một sự phấn đấu nào để đi đến cõi thiện là vô ích. Chính chúng nó đã làm thang cho Ngài bước, xây tháp cho Ngài lên. Và bây giờ ngồi trên đỉnh tháp cao, xây dựng với bao nhiêu đời mình, Ngài đưa mắt sáng suốt nhìn xuống, thấy rõ ràng từng viên gạch và từng công trình kiến trúc mà Ngài đã ra công xây dựng để đến ngày khánh thành rực rỡ hôm nay.

Ðến nửa đêm, ngài chứng được quả “Thiên Nhãn Minh” thấy rõ tất cả bản thể của vũ trụ, từ thế giới này đến bao nhiêu thế giới khác. Ngài thấu suốt tất cả các hàng tinh tú từ nhỏ cho đến lớn, từ gần cho đến xa, cái này liên lạc với cái kia, cái kia với cái khác, cái khác với cái khác nữa, như những trục bánh xe ràng buộc với nhau bởi những sợi dây vô hình và cứ như thế mà lan dần cho đến vô cùng, vô tận… Tuy xa cách chúng vẫn hiệp vầy, tuy nhiều mà một, tuy một mà nhiều. Chúng có khác nhau ở hình dáng, nhưng không khác nhau ở bản chất. Tất cả vòm trời sao sáng ấy là những hòn đảo bạc nổi giữa biển xanh ngời, không bờ không bến, trong ấy sóng triều luân chuyển mãi không thôi, và cũng không thêm, không bớt, không đầy, không vơi, vừa sanh vừa diệt, vừa diệt vừa sanh… Sau khi đã quan sát toàn cả vũ trụ. Ngài nhận thấy một cái luật chung bất di bất dịch, âm thầm mà mạnh mẽ, nó chuyển mọi vật từ bóng tối đến ánh sáng, từ cõi chết đến cõi sống, từ vô hình đến hữu hình, từ hữu hình trở lại vô hình, làm thành một vòng tròn gồm bốn giai đoạn: sinh, trụ, dị, diệt. Cái luật ấy không gì có thể vượt qua, từ một vật bé nhỏ như vi trần cho đến to lớn như trăng sao. Ðó là luật nhân duyên sanh.

Ðến canh tư, Ngài chứng được quả “Lậu Tận Minh” rõ biết nguồn gốc của sự đau khổ đã bám víu vào chúng sanh như bóng dính theo hình. Ngài nhận thấy, vì dục vọng làm mù quáng, như vì bụi dấy lên từ dưới chân đàn cừu làm lạc mất đường chúng đi, người đã từ bản tâm sáng suốt đi dần mãi vào cõi Vô minh. Vì Vô minh mà người có những hành vi, động tác sanh ra các nghiệp báo (hành), rồi tự phân biệt có cái ta riêng khác (thức). Phân biệt như thế, tất nhiên thấy có nội tâm và ngoại cảnh, có hình tướng sắc màu và đặt tên cho mọi sự vật (danh sắc); bấy giờ một bên là tâm, một bên là cảnh; đối với cảnh, tâm có những giác quan riêng để thu nhận được (lục nhập); hình tướng và giác quan đụng chạm, cọ xát với nhau mà thành ra cảm giác (xúc); xúc cảm đem đến sự thọ nhận các hiện tượng ở thế gian (thọ); sự thọ nhận ấy gây ra tình yêu mến đối với vật mình ưa thích (ái); đã yêu mến thì cố giữ gìn (thủ); cố bám víu vào cái mình đã ưa thích không muốn chia lìa (hữu). Vì thế mà có nghiệp báo ở thế gian. Cái nghiệp báo ở thế gian bắt phải đầu sanh lại ở cõi đời sau khi chết (sanh). Và từ đấy, bắt đầu một cuộc sống khác với những sự dau khổ kèm theo nó: bệnh, già, chết (bệnh, lão, tử). Mười hai giai đoạn ấy nối tiếp nhau, nhân này làm quả kia, quả kia làm nhân khác, và cứ như thế, cái vòng tròn quay tít không thôi. Muốn cắt đứt cái vòng tròn ấy, phải trừ Vô minh. Nhưng người ta không thể trừ Vô minh, không thể sáng suốt được khi còn nhiều tham vọng. Ôi tham vọng! Sự khát khao không bao giờ thoả mãn, khiến người uống mãi trong biển mặn đau thương và làm thêm khao khát thèm thuồng, và mãi mãi quay cuồng trong sinh tử. Người hiểu rõ cái nguy hiểm của dục vọng, quyết kiềm chế lòng mình, diệt trừ tham muốn cho đến tận gốc (giới). Lúc dục vọng đã bị gạt bỏ ra khỏi lòng, người sẽ bình thản trước mọi sự vật giả dối đang xao xuyến ở xung quanh. Lúc ấy tâm thần sẽ định tỉnh, không một sức mạnh nào có thể lay chuyển lao lung (định). Trí tuệ nhờ đó mà mỗi ngày mỗi minh mẫn, và một ngày kia, sẽ bưng lên soi cùng vũ trụ (tuệ), như vầng trăng hiện ở dưới đáy hồ khi mặt nước đã trở lại phẳng lì vì gió dục đã dừng thổi sóng khổ đau.

Từ đấy, cỗ xe đời rã bánh, người bị buộc vào cỗ xe được giải thoát, vượt ra ngoài phạm vi nhỏ hẹp, thấy mình là toàn thể, toàn thể là mình. Người không còn bị ràng buộc trong không gian, cho nên không phụ thuộc với thời gian; không riêng giữ một hình dáng cho nên luôn luôn vĩnh viễn; bởi biết tự đổi thay cho nên không bao giờ bị thay đổi. Người bắt đầu qua một trạng thái mới, không sanh không diệt, an lành thanh tịnh, sáng suốt vô ngần: đấy là Niết-bàn!

Bình minh bừng dậy. Ánh sáng làm mờ hẳn sao mai — kẻ soi đường cho người đi khuya — vừa lại ở ven trời. Bóng đêm rạn vỡ tan biến rất nhanh. Nắng vàng bắt đầu xối chảy xuống trần gian. Nắng vàng gội rửa những chóp núi cao, nắng vàng tuôn tràn ra hai bên sườn, reo chảy xuống chân núi, lan dần ra trên đồng bằng, khoả một lớp mỏng trên mặt sông, mặt biển, làm lấp lánh những ánh kim cương trên muôn ngàn làn sóng.

Ánh Sáng Vàng lan tràn khắp mọi ngả, và giục giã đời dậy khắp nơi. Nó đến mở mắt loài chim và thì thầm: “Hót đi các con! Ðêm vừa hết!” Nó đến vuốt ve loài hoa và bảo: “Nở đi các con! Ánh sáng đã về!” Nó đến mân mê loài thú và nói: “Ánh sáng đã về. Thôi qua rồi bóng đêm độc ác!

Nó điểm tô cho cảnh vật một màu sắc mới: nó nhuộm vàng những làn mây xám, làm anh ánh những hạt lệ đêm. Những vòm lá xanh xao vàng úa như da người ốm bỗng đổi ra màu lục đậm, những cánh hoa xoan đỏ như máu bỗng chuyển sang màu hoàng bá…

Nhưng ảnh hưởng đẹp đẽ và mạnh mẽ nhất của luồng Ánh Sáng kia là ở giữa lòng người. Ôi! Ánh Ðạo Vàng! Ánh Ðạo Vàng huyền diệu! Bọn cướp bỗng ghê sợ bàn tay tẩm máu của mình, vứt dao vào bụi; người bán hàng thôi bán giá cao; kẻ đổi bạc thôi chuồi thêm bạc giả; người đau mỉm cười trên giường bệnh; người sắp chết thấy mình tràn đầy hy vọng; kẻ lạc đường bỗng quay lại và thấy mình đi trúng đích! Bóng cờ giải hoà phấp phới bay trên các bãi chiến, và quân địch nhìn ra toàn mặt anh em, sung sướng bổ chồm tới ôm nhau khóc…

Cũng buổi mai ấy, trong cung lạnh, nàng Da-du-đà-la nghe lòng mình ấm dịu và reo chảy một nguồn vui. Trên cành liễu trước sân một con Ca- lăng-tần-già uốn lưỡi tung một tràng nhạc, ca tụng sự rạng rỡ của Ðạo Vàng, chói chang ánh sáng, cao sang hơn muôn ngàn ngai vàng, điện ngọc.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.