Trực Nhận Cuối Cùng

Vẫn biết viết nhật ký là một cách để luyện tập trí nhớ, để tránh trầm cảm nhất là những người khi tuổi già đến và phải sống xa con cháu, nhưng hôm nay tôi đã ” say goodbye ” với nó và đốt hết tất cả theo dĩ vãng để quyết định từ nay không nhìn về một quá khứ sau khi đã tìm ra một lời khuyên để đời của Krishnamurti và chấp nhận đúng là như vậy.

Mỗi chúng ta đều mang trong lòng cái hình ảnh mà chúng ta ” tưởng rằng chúng ta là như thế ” hoặc ” chúng ta nên là như thế “, chính cái hình ảnh trong tâm tưởng đó đã ngăn cản không cho chúng ta nhìn thấy được ” con người thật ” của chúng ta“.

Và khi đốt tới trang cuối cùng tôi bỗng nhiên dập tắt vì chợt thấy bài thơ gần đây trong một lúc cô đơn đã nghe tiếng réo gọi của tâm linh mà viết lên …

Chuyến tàu chót sẽ một mình lặng lẽ !
Đã lâu rồi thưa vắng… cuối đoàn tầu,
Và cô đơn trong gió rét lạnh sầu ..
Nên trực nhận “cuối cùng rồi mất biến”.

Sự thật là… Cuộc đời vẫn tiếp diễn !!!!
Những tháng ngày non trẻ thoáng qua mau
Hãy tự chọn… đường hướng tới mai sau.
Đừng phải sống… mà lòng luôn hãi sợ,

Đừng đợi thời gian đến… rồi bở ngỡ
Tóc đổi màu, thân gầy héo xác xơ.
Vẫn âm thầm mơ đến lụa… nhung tơ
Vẫn níu kéo vào danh thơm vướng bận

Kìa biển rộng cánh chim bay…. vô tận,
Tâm linh đang réo gọi điệu ru hời:
“Nẽo quay về sớm bắt đúng kịp thời
Hiện tại là đây… đừng hoài tưởng nhớ!”

Mơ ước chi những khoắc khoải mong chờ…

Và một lần nữa lời của thánh nhân Krishnamurti lại vang vang lên trong trí tôi:

“Khi chúng ta định lên án hoặc bào chữa chuyện gì, hoặc khi tâm trí chúng ta cứ lao xao tính toán, suy nghĩ liên miên không ngừng, thì chúng ta không thể nhận xét sự việc một cách sáng suốt được nữa; do đó, chúng ta không còn nhìn rõ được cái đang là, — cái thực tế đang hiện hữu –; chúng ta chỉ nhìn thấy những sự kiện do chính ý muốn của chúng ta đã tạo nên được phóng chiếu mà thôi”.

Tôi đã tìm ra cho mình một giải pháp thật tốt, phải chăng có một nhân duyên nào đã khiến cho tôi quyết định như vậy, suy nghĩ mãi và tôi đã tìm thấy lý do : “Một người mà cứ tin chắc vào những hiểu biết đã có của mình, cho đó là chân lý tuyệt đối, là một người không thể sống với thực tại được nữa.rồi. Cố chấp, khăng khăng giữ ý kiến của mình, tự cho mình là đúng, tự cho mình là giỏi, đều chỉ làm cho vật chướng ngại, cản trở mình tăng lên mà thôi”.

Và đó là những lỗi lầm cơ bản đến nay tôi vẫn còn mang, dù ngay từ thời bước vào giai đoạn tập sự, Giáo Sư chuyên khoa của tôi đã nhắc nhở điều này cho chúng tôi mỗi ngày… và với riêng tôi Ông nhấn mạnh Hãy gắng bỏ nó đi dù ta biết Cô có trí nhớ rất tốt.

Thuở ấy tôi chưa tìm thấy lời dạy của thánh nhân Krishnamurti nên không biết rằng : “Nếu bạn không có chỗ để bám trụ, không tin chắc vào đâu, không có thành quả đã đạt được, như thế là bạn có tự do, để quan sát, để gặt hái… Nhưng làm sao để chúng ta có được tự do để quan sát, tìm hiểu, trong khi ngay từ giây phút lọt lòng mẹ đến giây phút nhắm mắt lìa đời, đầu óc chúng ta đã bị hun đúc bằng một nền văn hóa cá biệt trong khuôn khổ hạn hẹp của cái “tôi“? Hàng biết bao nhiêu thế kỷ, chúng ta đã bị nhồi ép bằng những tư tưởng về quốc gia dân tộc, tầng lớp, giai cấp, truyền thống, tôn giáo, ngôn ngữ, giáo dục, văn chương, nghệ thuật, phong tục, tập quán, được truyền bá bằng mọi cách, gây áp lực bằng kinh tế, bằng thực phẩm chúng ta ăn, bằng bầu không khí chúng ta sống, bằng tình gia đình, bạn bè, bằng kinh nghiệm — tất cả mọi nguồn ảnh hưởng mà bạn có thể nghĩ tới — và vì thế các phản ứng của chúng ta đối với mọi vấn đề đều đã bị qui định theo những điều kiện trong môi trường sống của chúng ta“.

Gần đây tôi lại gặp một thiện tri thức trên đường đồng hành tìm hiểu Đạo, người ấy đã giúp tôi thấy được khuyết điểm mình vướng phải nên đã nhiều khi đã tạo vai trò của một nghịch Bồ tát và tôi đã chiêm nghiệm được …

Kính xin đa tạ những gì người đã giúp tôi tìm ra khuyết điểm cũ từ ngày xưa và mãi đến nay mới có cơ hội sửa chữa …

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.