Thói Quen Tạo Nên Tính Cách

Có những kỷ niệm ta tưởng đã được cất giấu tận đáy sâu tâm hồn và sẽ phải mờ theo thời gian, theo sự đổi thay, sự trưởng thành của ta, nhưng không … nó không hoàn toàn mất đi … mà thật ra vẫn tồn tại trong cơ thể ta qua những hình thức vật lý hay khuôn mẫu mà ta ứng xữ và đó cũng chính là nguyên tắc mà tôi đã học về nghiệp … hay nói đúng hơn là những trải nghiệm trong cuộc đời ….

Thật vậy những hoài niệm cũ chẳng có cách nào ta có thể rũ bỏ nó được mà chỉ là tạm để cho nó ngủ yên rồi nó sẽ trở mình thức giấc vào những lúc mà ta ít ngờ đến nhất.

Do biết được như thế mà tôi đã tạo cho mình một thói quen hằng ngày với một thời khoá biểu thật chặt như ở các khoá tu để đầu óc mình không có thời gian tạo nên những ý nghĩ tiêu cực hoặc có thể tránh được những giờ phút đối phó với những kỷ niệm quá khứ lâu lâu lại trồi lên… vì thời gian còn lại trong ngày rất ít cho những như cầu cá nhân thường nhật bằng cách sử dụng thời gian nghe pháp thoại và biên chép các luận giải của những bộ kinh đại thừa rất khó hiểu. Riêng ngày cuối tuần thì tôi thư giản bằng cách nghe âm nhạc những bài ca Phật giáo nhẹ nhàng đi sâu vào lòng người hay viết vài bài thơ trao đổi xướng họa với bạn bè.

Thế mà thấm thoát thời gian trôi qua gần cả sáu năm nay, từ những ngày về hưu non và nó đã trở thành một thói quen không sao thiếu vắng được. May mà đây là một thói quen cực tốt và hướng thiện.

Sự kiện này thật đúng với nhận định của một ai đó trong những bài viết trên mạng “Tâm trí con người có thể hoàn thành mục tiêu nào mà nó tin tưởng là đúng (dù cho bạn cho rằng mình không thể hay có thể). Hãy biết rõ sức mạnh sáng tạo của tiềm thức bằng cách lặp đi lặp lại thói quen hằng ngày bằng cách không ngại gian khó từng bước từng bước một thực hiện“.

Và theo Mark Cuban “Hãy làm việc như thể có ai đó sẵn sàng làm 24 giờ một ngày để cướp lấy công việc của bạn“. Hãy là người chạy đua với thời gian, và cuộc sống luôn chứa điều kỳ diệu, chúng chỉ đến cho những ai biết sử dụng thời gian hợp lý …

Quả thực vậy, áp dụng bằng cách nghe lại những bài giảng về các bộ kinh đại thừa và từng phẩm từng phẩm một tôi đã tìm lại tất cả những luận giải của các danh tăng mà tôi đã sưu tầm và cuối ngày thì download các tạp chi Văn Hoá Phật Giáo trên trang mạng điện tử, tôi đã tìm thấy được một trong những bài viết của HT Thích Như Điển Đó là “Công Đức của việc trì kin” trong VHPG 294 phát hành ngày 1/4/2018 như sau: “một khi hiểu được kinh là hiểu được Phật và đương nhiên là hiểu Pháp hoặc ngược lại nếu ta hiểu Pháp thì sẽ hiểu được Kinh và Phật “ Và Ngài đã dạy thêm: “Một khi tin Phật, một khi tin Pháp, ta sẽ tin vào nhân quả và ta sẽ có một sức mạnh tự nhiên khi muốn diễn đạt tư tưởng của mình trong sự có không của cuộc đời vốn huyễn mộng này“.

Ôi sao mà tôi thấy quá đúng cho cuộc sống tôi bây giờ quá … Qua những lần vô tình, gặp lại các bạn cũ trong quá khứ khi tôi còn đang trong vòng nhung lụa vinh quang rồi bất ngờ đổi thay một cách đột ngột mà tôi vẫn đối phó được với những thử thách chông gai nhờ biết đến Phật, Pháp và nhân quả, các bạn đã hỏi tôi lý do gì mà tôi đã đổi thay đến 360 độ để có được một tinh thần của người Phật tử như thế này tôi chỉ mĩm cười vu vơ và khỏa lấp để rồi về nhà bâng khuâng với những vần thơ của mình:

Dù tuổi nào, ta vẫn còn vụng dại
Bài học trường đời học mãi người ơi
Chờ duyên sao … đúng lúc đúng thời
Thấy ra nhân quả, lần hồi sửa sai.

Hoặc tự lan man trong những điều đã học từ các bài pháp thoại “số phận mình sẽ dựa trên hệ quả của những hành động nhỏ của mình tích lũy từ nửa đời sống trước, những lời đã từng nói, những gì mình đã làm, những kiến thức mình đã học, những trải nghiệm mình từng cảm nhận và vô hình trung đang thay đổi dần dần số phận mình“.

Và có ai biết đâu tôi đã nhận ra rằng “chỉ có sự thực hành Pháp của chúng ta mới cứu được ta mà thôi“, và cuộc đời đã cho ta cơ hội để trưởng thành và trải nghiệm.

Tất cả mọi sai lầm, đau khổ, hạnh phúc thành bại mà con người đã và sẽ gặp nhưng khi tự mình trải nghiệm được thời mới nhận ra ĐÓ LÀ MÓN QUÀ CUỘC ĐỜI TRAO TẶNG cho ta để ta sử dụng.

Và bạn ơi, bây giờ tôi mới thấy sự vi diệu của một thói quen tốt, thói quen đã tạo nên tính cách của một con người, đó là giá trị đạo đức mà ta phải chọn và để hiểu cuộc đời này … Cuộc đời này là của Ta, hãy sống cho xứng đáng với phần thưởng đã sinh được làm người, đừng dâng tặng món quà quý báu này cho bất cứ sự phiền não nào mang lại …..

Giá trị của một người không phải là họ có mọi thứ đều hoàn toàn mà chính cuộc sống của họ có thể làm xúc động bao nhiêu trái tim hay bao nhiêu người được họ giúp mĩm được nụ cười hoặc thoải mái.

Không có gì quan trọng để ta có thể thể hiện được ở bề ngoài rằng Ta là ai, mà điều quan trọng là chính người khác nhận ra được giá trị của Ta, cho nên Đừng bao giờ sợ hay đừng bao giờ mang trong lòng những mặc cảm yếu hèn và nếu vì một lý do gì đó nó có thể xuất hiện trong đầu ta thì hãy nhớ rằng không một ai hoàn toàn cả, cứ ngẩng đầu cao mà đi.

Hãy tận dụng đến mức tối đa cơ hội này để cho cuộc sống mình thêm giá trị bằng cách dâng trọn niềm tin cho Tam Bảo, học Phật pháp miên mật để sống được trong những giờ phút nhẹ nhàng thoải mái bằng cách thực hành giáo lý từng giờ từng ngày trong cuộc sống và phá bỏ được tất cả những bế tắc và những vướng mắc …

Và gần đây tôi lại biết thêm điều quan trọng của một hệ thống giáo dục là phải hình thành một thói quen, mà chính thói quen đó mới tạo nên tính cách của con người mà tính cách chính lại là sự kiên định theo đuổi mục tiêu lựa chọn và qua được thử thách ….

Tính cách chính là sẵn sàng hành động, tính cách ấy chính là sự tin tưởng vào chính bản thân, và động lực này không phải là một công tắc có thể On – Of ngay. một lúc nào đó mà phải được tiếp tục bằng những thói quen và tiến trình như một dòng chảy.

Đây chỉ là kinh nghiệm của một người đã gượng đứng lên được qua những mất mát khổ đau và luôn tiềm tàng trong ký ức và đã cố biến thói quen thành động lực để đi tiếp cuộc hành trình của cuộc sống, hy vọng các bạn cũng có thể thông cảm qua vài câu thơ tản mạn …

Tránh … khoảng thời gian cô đơn, trống trải
Bận tâm chi hoài niệm cũ đến đi,
Quên hẳn gì … tài, danh, sắc, thực, thuỳ
Tập thói quen … luôn tư duy tích cực

Quay về bản chất cuộc đời … rất thực
Hiểu sâu về thân phận được làm người
Tự nhủ rằng luôn nuôi dưỡng tốt tươi
Và … Tư cách mình … chính là động lực.

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.