Ý Xuân Trong Kinh

Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân. (Truyện Kiều)

Niềm vui biến thiên theo cá tính từng người, theo thời gian không gian. Khi trẻ vui khác, khi già vui khác, khi người Việt Nam mừng Tết Nguyên Đán thì bên Tây im re, người Việt kiều lặng lẽ đi làm và gọi điện chúc nhau: Happy New Year.
Khi đức Phật ở Kỳ Viên, có 500 thầy Tỳ-kheo ngồi ở pháp đường bàn luận về “Điều hạnh phúc nhất trên đời”.

Một Thầy nói: Không có gì hạnh phúc bằng làm vua.

Thầy khác nói: Chỉ có tình yêu là hạnh phúc nhất.

Một Thầy đề nghị: Chỉ có ăn ngon là hạnh phúc nhất.

Khi câu chuyện đến tai đức Phật, ngài dạy:

Tất cả hạnh phúc mà các ông kể ra đều nằm trong vòng luân hồi khổ đau. Ngược lại gặp Phật ra đời,
được nghe chánh pháp, sống thanh tịnh hòa hợp trong tăng đoàn, những điều ấy là hạnh phúc nhất.

Đức Phật có lý của Ngài khi nói như thế, vì những điều mà các thầy Tỳ-kheo đề nghị, ngài đã từng nếm trải khi làm thái tử của kinh thành Ca-tỳ-la-vệ. Nếu nó không khổ đau Ngài đâu có bỏ để tìm chân lý. Đi theo dấu chân Phật, để tìm cho mình sự an lạc vĩnh hằng, các thầy Tỳ-kheo đã có nhiều dịp đạt được. Thầy Datta, sống đời khổ hạnh bên bờ sông Hằng, do vậy được đặt tên Gangatiriya (Ẩn sĩ bên sông Hằng). Ngài nguyện không nói với ai, như vậy cả năm. Đến năm thứ hai, một phụ nữ trong làng thường cúng dường Ngài, muốn biết Ngài có câm hay không, nên khi rót sữa cúng bà đổ tràn ra ngoài bát. Ngài mới nói: “Thôi đủ rồi, bà chị!”. Đến năm thứ ba, Ngài chứng quả A-la-hán, nói lên bài kệ:

Trên bờ của Hằng Hà. Dùng ba lá thốt nốt
Ta dựng lên cho ta . Một chòi lá nho nhỏ
… … …
Suốt hai năm sống vậy. Ta chỉ nói một câu
Trong khoảng năm thứ ba. Khối si ám tan vỡ

Chọn đời sống không có chút gì tiện nghi sung sướng để cuối cùng đạt đến chân lý, sự thật sáng ngời, là hạnh phúc không gì sánh bằng. Do vậy, khi đắc quả A-la-hán, hầu hết các vị đều tuyên bố một cách rất happy: “Ta sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau”. Câu này như một dấu ấn đặc biệt quen thuộc trong hầu hết các kinh Nguyên Thủy. Tới đây coi như cầm được visa đến vô sanh, Niết-bàn. Pháp cú 204 nói:

Không bệnh lạc tối thượng
Biết đủ, giàu tối thượng
Thành tín, bạn tối thượng
Niết-bàn, lạc tối thượng.

Niết-bàn có nơi chốn riêng hay không? Nơi nào khổ đau chấm dứt, nơi đó là Niết-bàn, thiền sư Ajahn Chah nói: Chúng ta không hành thiền để thấy Niết-bàn, nhưng để chấm dứt khổ đau (We don’t meditate to see heaven, but to end suffering). Tổ sư Trung Hoa nói: “Cầm một cọng cỏ để tạo nên thân Phật”. Có thể thấy Niết-bàn quanh ta, một cọng cỏ mùa Xuân, một cánh bướm lượn, hoặc đôi mắt trẻ thơ. Khi tâm trong sáng không vướng chút xíu ý niệm phân biệt, ta sẽ không tự hỏi đâu là Niết-bàn hay chẳng Niết-bàn. Nhà thơ Masaoka Shiki khi nhìn những ngọn núi xanh biếc, bỗng liên tưởng đến một giỏ cỏ non mềm:

Giỏ đầy cỏ non
Như núi mùa xuân
Núi xa xanh biếc
Như tầng cỏ xuân

Mùa xuân hay năm mới là để bắt đầu cho những gì tốt đẹp, hạnh phúc. Đức Phật không nói đến thời gian, nơi chốn, nhưng những điều Ngài dạy luôn luôn là xây dựng cõi nước trang nghiêm vĩnh hằng. Ý xuân ở trong ấy.

Tn Như Đức

http://quangduc.com/

 

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.