Dâng sớ cầu an Cúng sao giải hạn

Dâng sớ cầu an
Tiền mất tật mang
Cúng sao giải hạn
Tai nạn vẫn tới
Thiền môn chân chánh
Dạy người thực hành
Tu tâm dưỡng tánh
Theo bát chánh đạo
Việc ác không làm
Nên làm việc thiện
Giữ tâm thanh tịnh
Như chư Phật dạy

Trong đời sống này,
dù đông hay tây,
Việt Tàu Phi Ấn,
Anh Pháp Mỹ Nga,
hễ là người ta,
không hề phân biệt,
dù nam hay nữ,
biết chữ hoặc không,
tông môn giáo phái,
tín đồ tu sĩ,
bác sĩ luật sư,
xuất xứ ngành nghề,
trẻ già bé lớn,
thường dân quan chức,
học thức ít nhiều,
không điều riêng tư,
da trắng da đen
da vàng da đỏ,
không bỏ một ai,
thảy đều thường gặp:
những chuyện may rũi,
chuyện được chuyện mất
chuyện hên chuyện xui,
chuyện vui chuyện buồn

luôn luôn thay đổi,
trong mỗi phút giây,
lúc được tán thán,
khi bị phỉ báng,
nhiều khi chán ngán,
cái cảnh tình đời,
lúc được lên voi,
khi bị xuống chó,
không ai thèm ngó,
vợ bỏ con chê,
lúc được lên hương,
khi bị lọt mương,
hết đường chạy chọt,
lúc được hiển vinh,
khi bị tủi nhục,
ở tù rục xương,
lúc được sung sướng,
khi bị khổ đau,
không sao kể xiết.
Những lúc vui sướng,
cuộc đời lên hương,
chỉ biết thụ hưởng,
phủ phê hỉ hả,
không nhớ gì cả.

Nhưng khi quá khổ,
chịu đựng không thấu,
tranh đấu đảo điên,
khổ nạn liên miên,
bấy giờ mới nhớ,
đến chuyện cầu nguyện,
khấn vái thần linh,
van xin bồ tát,
khẩn cầu thượng đế,
ban cho phép lành,
dành cho phép lạ,
hy vọng cầu may,
đổi thay vận mệnh.
Bởi vậy cho nên,
mỗi dịp đầu năm,
sau tết nguyên đán,
mùng tám tháng giêng,
người ta thường hay,
chạy ngay vào chùa,
nhân mùa thượng ngươn,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn,
cầu cho nạn khỏi,
cầu cho tai qua,

cầu cho toàn gia,
bình an vô sự,
kể từ đầu năm,
chí những cuối năm.
Sẵn dịp trăng rằm,
cầu luôn đủ thứ:
nào được buôn may,
gặp hên bán đắt,
một vốn bốn lời,
nhất bổn vạn lợi,
không đợi kiếp sau,
kiếp này trúng số,
con cháu đỗ đạt,
tiền bạc như nước,
sắm xe tậu nhà,
tha hồ sung sướng.
Các chuyện cầu nguyện,
van xin cầu khẩn,
khấn vái như vậy,
có thực hay không,
có được gì không?
Người thì nói có,
hễ cầu thì được,
linh ứng vô cùng,
nên tin là có,
mất mát gì đâu.
Kẻ lại nói không,
trông chi chuyện đó,
nằm mơ thì có,
mở mắt tay không,
không vẫn hoàn không,
uổng công dâng sớ,
mất tiền cúng sao,
mau mau tỉnh thức!
Tại sao như vậy?
Bởi vì, thử hỏi:
Sớ kia ai đọc?
đọc cho ai nghe?
chấp nhận hay không?
thực không ai biết!

Sao nọ ở đâu?
ảnh hưởng thế nào?
thực không ai biết!
Hãy nhân dịp này,
chúng ta cùng nhau,
xét thử xem sao,
cái chuyện đầu năm,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn,
có đúng chánh pháp,
có ích lợi gì,
thực tế hay không?

Thực ra nếu như,
người ta tu nhân,
tích phước nhiều đời,
từ trước đến nay,
thì được gặp may,
không cần cầu nguyện,
chẳng cần van vái,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn.
Những người đạo khác,
đâu có bận tâm,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn,
nhưng họ có phước,
họ vẫn gặp may,
tiêu tai khỏi nạn,
tam tai đại hạn,
chẳng nghĩa lý gì,
chẳng cần cúng sao,
tào lao quá xá!
Hãy thử suy nghĩ:
Tại sao như vậy?
Bởi theo thông lệ,
từ xưa tới nay,
nhiều người thường hay,
vào chùa đầu năm,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn,
nhưng mà tai nạn,
vẫn tới ào ào,
làm sao giải thích?
Theo đúng chánh pháp,
chúng ta phát tâm,
giúp đời giúp người,
gặp chuyện khó khăn,
khốn khó khổ đau,
cùng nhau tu tập,
hạnh nguyện bố thí,
tài thí pháp thí,
cùng vô úy thí,
cứu nhân độ thế,
giúp đỡ tiền của,
giúp công giúp sức,
giúp lời chỉ dẫn,
khuyên lơn an ủi,
cho người bớt lo,
cho đời bớt khổ,
bớt cơn sợ hãi,
thấy đâu là phải,
việc đúng thì làm,
đúng với chánh đạo.

Làm được như vậy,
chúng ta được phước,
dù không mong cầu,
chắc chắn không nghi.
Khi tích được phước,
dù ít hay nhiều,
phước báo lai đáo,
nghiệp báo tiêu trừ,
chúng ta gặp may,
tai qua nạn khỏi,
gặp thầy gặp thuốc,
tưởng như phép lạ.

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.