Nhắn Người Em Phương Xa

Không hiểu sao dạo này chị hay khóc !
Hồ lệ đầy tràn … cần phải làm vơi ?
Đọc xong sách quý ” bánh xe cuộc đời ”
Bao xúc cảm… chợt… giọt dài giọt ngắn.

Viết từ trái tim… tác phẩm giá trị lắm !
Đường tầm Đạo dù nhiều lúc phạm sai….
Nhưng… cạnh bên lại có Đại sư tài,
Cùng thiện tri thức đồng hành từng lúc….

Sống theo sở thích là điều hạnh phúc !
Tâm đắc… điều gì em hãy viết lên.
Kinh nghiệm của người… ghi nhớ đừng quên,
Vài điểm chính… vào… cẩm nang nền tảng.
Nào, mời xem… sở học nhiều điều tán thán !!

HH

__________________________

Em thân mến,

Hôm nay ngày vía Quan Âm thế mà chị nghe như có tiếng nói thì thầm bên trong “hãy đọc lại và chiêm nghiệm lại tập sách truyện – The Wheel of Life của John Blofeld” được dịch là Bánh xe cuộc đời hay Ngọc sáng trong hoa sen do nhà dịch thuật đại tài Nguyên Phong.

Em biết không chị đã được đọc đi đọc lại năm sáu lần rồi, dường như mỗi năm mỗi đọc thì phải và cũng có ghi chú vài điều khi đọc, thế mà không hiểu lý do gì lần này chị lại tìm thấy những điểm cần ghi lại và nghĩ rằng nên gửi đến em để chúng ta cần học hỏi thêm em nghĩ sao ?

Chị vắn tắt tiểu sử tác giả và những lời tâm sự của Ông… đến em trong vài dòng nhé!

John Blofeld (- -1987) là một học giả người Anh không những uyên bác với rất nhiều tác phẩm giá trị mà còn là một Phật tử tu theo hạnh Bồ Tát.

Ông còn là một người thiết tha với Chân, Thiện, Mỹ, một người đã lĩnh hội được tinh hoa phương Đông từng sống nhiều năm tại Trung Hoa, Tây Tạng, Ấn Độ và Thái Lan.

Tác giả đã có tiếp xúc qua nhiều cuộc tham vấn với những danh sư và nhiều bạn thiện tri thức nhưng mãi gần 20 năm sau mới nhận thấy được điều dạy sau cùng từ Lạt Ma Tulku một đại sư của Kim cương thừa và đây là lời chỉ giáo mà tác giả đã vào được cửa Đạo và chị cũng đã học lời dạy này như một người vừa tìm được viên Ngọc báu nơi vườn Tâm chưa được khai hoang.

Hãy nghe lời dạy như sau: “Anh cần phải biết rằng anh không thể đến mục tiêu nếu anh không có bản đồ trong tay cũng như nếu anh không hiểu trọn vẹn thấu đáo từng chi tiết, từng bước, từng giai đoạn của cuộc hành trình. Anh phải biết rằng mặc dù có hàng trăm hàng ngàn con đường khác nhau, nhưng con đường mà anh đã được một đạo sư chỉ dẫn đầy đủ rồi thì anh phải chuyên tâm đi trọn từ đầu đến cuối… Đừng như con vượn hết chuyền cành này đến cành khác, đừng đuổi theo những vọng tưởng của trí thức mà thay đổi những con đường khác nhau mà quên đi mục đích chính của cuộc hành trình. Con đường nào cũng tốt nhưng biết lựa chọn và quan trọng nhất là hãy thực hành và khởi hành ngay. Bất cứ một cuộc khởi hành nào cũng khởi đầu bằng một bước đi và đã đi là phải đi cho trọn...”

Ngoài ra anh cần biết thêm rằng ngoài việc khai triển từ bi và trí tuệ, anh còn cần đến một yếu tố nữa… đó là lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm để cương quyết gạt bỏ ra ngoài nhưng hành trang không cần thiết, những lý thuyết từ chương vô ích, những đam mê của trí thức. Lòng dũng cảm để khai mở trí tuệ, phá tan tấm màn vô minh đang che phủ trong tâm anh.

Hãy cố gắng tự mình cất bước và đừng bao giờ quên mục tiêu chính là ĐẠT ĐẾN CỨU CÁNH GIẢI THOÁT.

Hãy cần đảm lên vì anh sẽ không đi con đường này một mình mà còn có Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Tổ phù hộ anh !!!! (trích trang 408-409 của Bánh xe cuộc đời do Nguyên Phong dịch)

Có phải đây là lời dạy mà ta đã hằng nghe trăm lần qua những lần hội kiến với các giảng sư nhưng có bao nhiêu người đã tìm thấy căn cơ đúng và đã tìm học được một pháp môn thích hợp với căn cơ mình ? Và như chị đây là điển hình… vì vậy mà chị vẫn như người mãi mê đi tìm của quý cho đến hôm nay….

Em ơn, chị đã thốn thức như được ai nói trúng cái tâm của mình qua câu:
Dù muốn dù không tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng của môi trường, truyền thống, văn hoá và tập tục xã hội mà chúng ta lớn lên. Dù vô tình hay cố ý nhưng suy nghĩ, lập luận tư tưởng của chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng của những căn bản giá trị mà chúng ta vẫn được dạy bảo và hiển nhiên ta lại mắc một lỗi lầm nhỏ là coi trọng kinh điển như những chân lý tuyệt đối hoặc chấp nhặt vào những điều đã được ghi lại trong kinh“.

Còn nữa trong lá thư từ biệt trước khi từ trần ngày 17/6/1987 John Blofeld đã nhắn nhủ cùng bạn đọc như sau: Tôi muốn nhấn mạnh rằng VIỆC TỰ MÌNH MỞ MẮT ĐỂ NHÌN RÕ MỌI VIỆC là một điểm then chốt vô cùng quan trọng trong việc nâng cao giá trị đích thực của con người.

Ông cho rằng sở dĩ ông muốn nhấn mạnh là vì chúng ta thường ỷ lại vào các năng lực đến từ bên ngoài trong khi Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh rằng: “Như Lai chỉ là người dẫn đường, mọi người phải tự mình đi chứ không ai có thể đi giùm cho ai cả“.

Và em đã biết chị từ xưa giờ cũng có cùng một quan điểm với Ông là “khi bước chân vào cửa Phật, mọi người nên tìm hiểu học hỏi càng nhiều pháp môn chừng nào càng hay chừng nấy, nhưng chỉ sau một thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng thì hãy tìm một pháp môn nào thích hợp với căn cơ mình mà chuyên nhất tu hành. Hiển nhiên là tất cả con đường đều cùng đưa đến một mục đích: đó là con đường thoát khổ“. Không con đường nào là đúng nhất, hay nhất, vượt trội hơn con đường nào mà chỉ có căn cơ, lòng dũng cảm và ý chí cương quyết của mỗi cá nhân mà thôi. ( trang 412)

Em thân mến,

Sở dĩ chị viết bức tâm thư này đến em vì gần đây do một đại duyên nên chị đã được đọc lại các tác phẩm thật hay dịch thuật có, của những danh tăng có, và các bài luận giải của Cổ Đức về các bộ kinh lớn của Đại thừa như Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Duy Ma Cật, nên chị đã nhận ra nhiều điều mình rất còn thiếu sót và biết rằng biển học thật là mênh mông và ngày nào còn may mắn trong kiếp người này mà còn có thể nghe được Phật Pháp và còn đọc được những quyển sách quý báu như thế này là một điều hạnh phúc nhất vì em ơi theo chị biết.

Được tự do sống theo sở thích của mình là một hạnh phúc. Trang Tử
Và chị còn được Thầy chị khuyến khích thêm khi chị bộc bạch niềm hạnh phúc của mình khi được đọc những tác phẩm có giá trị như sau “Đệ tử cứ viết theo những gì đệ tử tâm đắc nhất nhé …

Em thân mến, lời khuyên ấy đã theo chị suốt những tháng năm sau này và hôm nay lần này lại hiện ra trong trí chị và chị dành hết can đảm viết gửi đến em đây…

Thân ái mến chúc em được nhiều thuận duyên trên đường tu học và mong em hồi âm trao đổi những gì em học được em nhé.

Chị của em,

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.