Những Người Con Đất Việt

(Viết để tưởng nhớ Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Trung Tá Kỹ Sư Hà Ngọc Lương, chị Lê thị Kỳ Duyên và các con, bác sĩ Thạch cùng tất cả các bạn và những người trai nước Việt).

Nghe tiếng chuông tôi đi ra, vợ chồng trẻ hàng xóm đem qua trả mấy đĩa DVD Phật pháp, và xin giữ lại một đĩa mà thầy Thông Lai làm lễ truy điệu, cầu siêu cho những Quân Nhân đã tự sát để không lọt vào tay cộng sản (ngày 30 tháng 4 năm 1975).

Cặp vợ chồng trẻ này có lòng yêu nước và muốn biết nhiều về những gì trước 1975.

– Dì có quen biết ai trong danh sách các vị mà chùa thầy Thông Lai thờ không?

– Có ba người. Một là Tướng Trần Văn Hai, anh là con nuôi của ba tôi, anh thường liên lạc với gia đình tôi, hiền và có tình. Ngày ba tôi mất, anh và một số các anh khác đến nhà lo tang lễ, mỗi năm ngày giỗ, anh thường đem một con nai hay heo rừng đến để làm tiệc đãi những người đến dự đám giỗ. Hai là Trung Tá Kỹ Sư Hải Quân Hà Ngọc Lương. Ba là chị Lê Thị Kỳ Duyên làm cùng Việt Nam Thương Tín Nha Trang, sau này kết hôn với Trung Tá Hà Ngọc Lương.

– Dì ơi, ông con quen với bác sĩ anh của dì, ông con nói nhiều về ông bác sĩ đó.

Tôi sẽ kể về anh tôi và việc các anh đánh nhau với người Mỹ, có Trung Tá Hà Ngọc Lương trong đó.

Từ nhỏ tôi ở chung với anh, sau này anh đi một vòng rồi lại về ở chung với tôi. Anh cao to đẹp trai, nói tiếng Anh, Pháp rành, nói được cả tiếng Đức, tiếng Nhật và nhiều tài vặt như thổi kèn Harmonicas, thổi sáo, nhảy đầm, cởi ngựa, bắn súng v.v… Nghề nghiệp anh là bác sĩ, anh mổ giỏi nhất Nha Trang, anh giàu vì cha mẹ chúng tôi rất nhiều ruộng muối, đất, đồn điền nhưng chuyện tình anh không êm ái bởi tánh lả lướt.

Anh có hai vợ mà chị nào cũng đẹp, đều có con với anh. Ông bà mình thường nói: Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo. Anh không thể ở với ai vì hai người anh đều thương, đành về ở cùng em gái.

Ngày trước ở Nha Trang, mỗi đêm các bác sĩ thay phiên nhau trực ở phòng mạch của mình, để người dân trong thành phố nếu đêm về bị bệnh bất cứ giờ nào, cứ tìm đến bác sĩ trực. Nếu cần mổ, bác sĩ sẽ chuyển đến Nhà Thương tức là Ty Y Tế Tỉnh Nha Trang.

Anh không phải trực ở phòng mạch của mình, mà trực ở Nhà Thương Tỉnh, vì anh là bác sĩ mổ. Các anh 524 đến nhà tôi chơi mỗi đêm nói cười vui vẻ, anh để tôi sống thật trọn vẹn thời tuổi trẻ với bạn bè. Vì anh biết những người lính đã trải qua những huấn luyện về nghề nghiệp cũng như tư cách đạo đức, tuy tánh lả lướt có ở người Phi Công, nhưng bản chất thật trong họ là người tốt và đáng tin cậy.

Tối nay các bạn không đến vì phải bay đêm, tôi nghĩ cũng tốt, anh em tôi có dịp hàn huyên tâm sự và kéo dài bữa cơm chiều. Đang ở trên lầu, người giúp việc lên thưa có khách. Tôi xuống vừa lúc đó xe Không Quân do Định lái cũng chạy vào, anh Nhị ngồi bên. Định bước xuống vẻ mặt hơi mệt.

– Báu, mình đi ra biển coi mấy người bay đêm, chờ họ về cùng đi ăn phở Chụtt Cầu Đá ngày xưa được gọi là Chụtt (chụtt là vùng nhỏ có dựa dành cho ghe thuyền núp gió. Đệm và Chằng là hai loại cây để làm buồm cho ghe, hai loại cây này chỉ có ở Nha Trang), ở Chụtt có một hàng phở gà và bánh mì gà rất ngon, bán ở lồng chợ cho đến khuya khi chợ chiều tan.

Nha Trang xuống Chụtt bao xa
Kẻ ra mua đệm, người ra mua chằng.
Anh em mừng rỡ lăng xăng
Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra.
Anh em chè rượu hỉ ha (Nguyễn man Nhiên)

Tôi bối rối vì hai cô bạn lâu ngày mới gặp lại, họ thuộc loại công chúa, con nhà giàu, học giỏi, đẹp. Tôi biết Định đang buồn vì chuyện tình đầu không như ước muốn. Định đối với gia đình tôi gần như người nhà, vì mối liên hệ gia đình tôi với ba dượng của Định là Tướng Lam Sơn, chị họ Định lại là bạn thân của tôi. Tôi không muốn làm ai buồn hết, lúc đó anh tôi bước ra.

– Các em tính đi chơi đâu vậy?

– Định và Nhị rủ em đi biển, hai bạn rủ em đi ciné.

– Trời nóng vào ciné làm gì, biển hôm nay có trăng đẹp đó.

– Các em đi chơi vui vẻ, anh đi xuống nhà thương đây.

Tôi than thầm vì tôi biết Định rất nhát gái, hơn nữa anh đang buồn. Còn anh Nhị thì quá hiền không biết tán gái. Tôi và anh Nhị là dân Nha Trang biết nhau từ nhỏ, phải chi có anh Đinh Xuân Ninh hay anh Nguyễn Đỗ Toàn thì hay biết mấy, hai anh ăn nói ngọt ngào và biết nói đùa để các cô vui, hai anh đã đi biệt phái ở Pleiku rồi.

Ở Phi đoàn 524 có anh Lê Ngọc Yên và anh Ngô Văn Trung lúc nào cũng đi chung, nổi tiếng biết lấy lòng người đẹp, hai anh chỉ ra nhà tôi chơi vài lần rồi có mục riêng nên không đến nữa, nếu thân thì hôm nay nhờ cậy được rồi. Xe Ford Pick Up Không Quân do Định lái, hai bạn tôi ngồi phía trước, tôi và anh Nhị ngồi trên thùng sau.

Biển về chiều dịu dàng và lặng lẽ
Sóng rì rào khe khẽ hát lời ru
Sắc hoàng hôn nhuộm đỏ áng mây mù
Nhè nhẹ gió về….. vi vu thông vẫy. (Biển Chiều)

Đến biển, năm người ngồi xuống cát nhìn hai chiếc máy bay A1 SKYRAIDER bay vòng rồi ra biển, để kiểm soát an toàn cho thành phố và sẵn sàng ứng chiến, thấy thương các anh, người trai thời chiến.

Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền,
Người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm.
Cánh bằng nhẹ mơn trên làn gió.
…..
Đêm nay chuyến bay trời xanh như màu áo,
Đường Minh Đế nhàn du khắp tinh cầu… (Một Chuyến Bay Đêm)

Đêm nay trăng Rằm, ánh trăng sáng vằng vặc, những đợt sóng biển như những dải vàng lỏng tràn vào bờ cát lấp lánh, những tàng cây dát vàng cũng lung linh theo gió mát trăng thanh.

– Báu cho mượn đôi dép để kê đầu, Định nằm một chút. Tình hình lúc này leo thang, một nửa biệt phái Pleiku cũng bay ngày bay đêm, ở đây cũng không khác, bay đến Lòi Kèn luôn.

Thôi rồi, hai công chúa mà nghe Định nói tiếng Lòi Kèn thì tưởng là tiếng tục tĩu đó, làm sao đây, đúng như tôi nghĩ hai bạn đứng dậy.

– Báu, ba đứa mình đi dạo biển đi.

– Báu ở lại, Định cần hỏi Báu chút việc, Nhị đi cùng hai cô đi.

Ai đã từng dạo chân trên bờ cát
Ngắm lớp sóng xa dào dạt vỗ bờ.
Biển về chiều đẹp tựa những nàng thơ
Khi ánh hoàng hôn từng giờ buông thả. (Biển Chiều)

Hai bạn tôi đi trước, anh Nhị đi phía sau cách nhau 5, 6 thước. Tôi than trong đầu như tụng kinh, anh Nhị ơi! sao anh hiền quá vậy, đi nhanh lên, đi chính giữa 2 cô, hỏi cô này, nói với cô kia. Em học ngành nào? Bài vở nhiều có làm em mệt không? Em có thường về thăm nhà không? Em thích máy bay không? Anh sẽ đưa em vào Phi Trường chơi, anh sẽ……. Tán dóc đi! Tán dóc đi! Phải chi có anh Ngô Đức Cửu hay anh Nguyễn Văn Dọng lúc này, hai anh ấy sẽ làm một vòng lả lướt để hai bạn tôi không nghĩ là con nhỏ này ngày trước cũng khá, nay sao chơi cùng bọn nhà quê, nói tục.

Đêm trăng đẹp cùng gió lộng mà lòng tôi không vui, Định ngồi dậy níu tay tôi nhìn đồng hồ và hỏi.

– Báu, sao Định buồn quá vậy?

– Thất tình mà.

– Báu có lúc nào buồn như vậy không?

Chưa kịp trả lời thì Định vụt đứng lên.

– Chạy mau Báu, Nhị đang gặp nguy hiểm.

Tôi nhìn theo hướng Định chạy thì thấy một lằn hồng đỏ to vút lên không, được bắn từ flare Gun của các chàng Phi Công.

– Chạy mau theo Định! Chạy gần mé nước, mau lên!

Tôi như lực sĩ chạy nước rút bởi tiếng cổ võ của khán giả nên tôi theo kịp Định. Ba người con trai đang đánh với bốn người Mỹ. Anh Nhị đánh với một người Mỹ nhưng phía sau là hai bạn tôi đang núp vào lưng anh, tay họ níu chặt lưng áo, vai áo, nên anh chỉ đỡ đòn chứ không có thế tấn công. Định hét.

– Hai người bỏ Nhị ra.

Tiếng hét quá to làm hai bạn tôi hết hồn, buông anh Nhị ra, bị mất đà họ té xuống cát. Anh Nhị thụt lùi lấy thế đá, vấp làm hai bạn nằm chồng lên nhau.

– Để thằng Mỹ này cho Định. Nhị chạy đến giúp người áo trắng đang đánh với hai thằng Mỹ. Còn Báu lo bảo vệ hai cô.

Định bay đến đá một cái vào người Mỹ, chỉ trúng ở tay vì chàng Mỹ cao to quá. Bản tánh du côn có trong người tôi hồi nào không biết, tôi la to.

– Định, đá đẹp lắm!

Người đời thường nói đi trong đêm, trời không có mưa, nhưng sương rơi nhiều cũng thấm ướt áo. Hai ống quần bị trì kéo xuống, tôi giật mình! Thì ra, hai cô bạn bò đến sát chỗ tôi đứng, run rẩy và khóc to. Hối hận, tôi ngồi xuống ôm hai bạn vỗ về.

– Thôi đừng khóc nữa, chuyện không có gì.

– Sao không có gì, hai đứa bị hai ông Mỹ to ôm rồi.

– Đừng khóc nữa, nín đi, nín đi, chuyện ôm mình sẽ nói sau nha! Bây giờ đứng lên coi các anh đang đánh nhau với người Mỹ, vì bênh vực hai bạn đó.
Chắc hai bạn cũng chán tôi lắm rồi, nên họ không khóc nữa. Tôi đứng giữa, hai tay ôm hai bạn để bảo vệ, mắt nhìn những cặp đánh nhau. Ô! Sao anh tôi lại có mặt ở đây? Anh đánh thật đẹp! Tôi thấy vui vui! Còn anh áo trắng kia là ai? Người anh cao cao nhưng đánh thật chắc, đẹp. Mỗi khi người Mỹ té xuống, anh đứng yên chờ đối phương đứng dậy và anh luôn để người Mỹ tấn công trước, anh đỡ đòn và khi phản công lại, anh luôn luôn đánh trúng. Anh này chắc võ phải giỏi lắm! Vì cách đánh có cái gì quân tử của người biết võ.

Anh Nhị lúc nãy chỉ bị tấn công không đánh được cái nào, bây giờ cũng gỡ được rồi. Anh tôi nắm được tay người Mỹ. Tôi nghĩ anh sẽ vật ngã một cú đẹp tuyệt vời đây, nhưng không, anh nói gì với người Mỹ và thả tay ra, người Mỹ vụt chạy.

 Các bạn tha cho họ đi.

Ba người Mỹ chạy chưa đến đường cái thì xe Quân Cảnh Mỹ còng tay bốn người đưa đi. Tất cả đều đến chỗ chúng tôi, anh tôi hỏi:

– Hai em có bị thương không?

– Dạ không, chỉ sợ thôi.

– Bạn này cũng là Không Quân?

– Tôi Đại Úy Hải Quân Hà Ngọc Lương.

– Đại Úy Không Quân Bùi Gia Định.

– Trung Úy Không Quân Nguyễn Văn Nhị

– Bác Sĩ Thạch.

Họ tự giới thiệu.

– Sao anh lại ở đây? Anh đánh giỏi quá! Bữa nay không có ca mổ, trời khá nóng nên anh ra biển uống ly nước. Thấy có dấu hiệu cầu cứu bắn lên, anh bạn này chạy trước, anh chạy theo. Đến nơi mới thấy bốn người Mỹ đang vây ba em lúc chiều đến nhà. Cũng tội các người Mỹ, hôm nay là ngày lễ Độc Lập của nước Mỹ, nhớ nhà nên họ uống rượu giải buồn.

– Lỗi cũng tại tôi bảo vệ mà đi cách xa quá, thấy hai ngườicon gái đi một mình, nên người Mỹ hiểu lầm.

– Mời tất cả vào quán uống nước.

– Cảm ơn bác sĩ, chúng tôi phải tìm lại giày, dép và đến chỗ để xe vì hẹn các bạn đi bay rồi đến đó. Mời anh Lương đi cùng cho vui.

Anh kêu tôi ra, đưa riêng cho hai tờ giấy bạc có hình Đức Trần Hưng Đạo.

– Đi ăn, em trả tiền giùm anh.

– Ngày mai 6 giờ chiều mời tất cả các bạn đến nhà hàng Đồng Khánh ăn cơm cùng anh em chúng tôi, bên Không Quân cũng như Hải Quân rủ thêm bạn bè đến cho vui.

Ra xe vẫn ngồi như lúc đi, anh Lương và anh Nhị ngồi một bên, nói chuyện có vẻ tương đắc. Một xe Honda ngừng lại, anh Yên bỏ anh Dọng xuống chạy đi liền, nói to.

– Các bạn xuống trước, hẹn gặp ở quán phở gà.

Anh Dọng nhảy lên, anh Nhị giới thiệu anh hai với nhau. Anh Dọng ngồi sát gần tôi phía bên này.

– Báu phải vịn thật chặt kẻo xe thắng dễ bật ra sau, để anh phụ. Dọng lợi dụng một tay cầm tay tôi, một tay ôm trên vai, và ngâm nhỏ.

Cầm bàn tay đẹp anh thầm khen

– Nước da trắng mịn như băng tuyết

Ấm áp dịu dàng tựa tay tiên (Nguyễn Quảng Tuân)

– Thôi xạo vừa thôi, anh gặp tiên hồi nào mà biết?

– Lúc nãy bay đó, anh và Yên khi bay qua biển, hai chiếc đều nghiêng đôi cánh và chớp chớp đèn, là đang nhìn các nàng tiên.

– Đừng xạo nữa, lúc vào tiệm ăn nhớ săn sóc giùm hai bạn Báu, anh cười gật đầu rồi nói to.

– Anh Lương và anh Nhị lúc vào tiệm ăn, Báu nhờ hai anh lo giùm cho hai cô bạn.

Tôi ức quá nhéo anh một cái, vải áo bay quá dày và nhiều túi chồng lên nên chả thấm gì cả. Xuống xe tôi kín đáo đưa tiền cho Định giữ, nhờ mua thêm ba ổ bánh mì để cho người giúp việc và chị Hương, người theo hầu tôi.

Trong lúc ăn các anh bàn về chuyện đánh nhau, anh Lương nói:

– Người Mỹ vì tự do đã qua giúp Miền Nam Việt Nam, để quân đội mình đánh cộng sản Phương Bắc, đó là cái ơn mình phải nhớ, nhưng họ làm bậy mình phải sửa, mình là dân Việt mà.

Nghe như tiếng của cha ông dựng nước
Truyền con cháu phải ngẩng đầu cao mà bước
Nghe như lời cây cỏ gió mưa
Đang hát tiếp bài ca bất khuyết ngàn xưa (Lê Anh Xuân)

Anh Yên chăm sóc từng chút cho bạn gái. Anh Lương và anh Nhị hết lòng với hai bạn tôi, tôi thấy mát ruột và nghĩ hồi chiều phải chi anh Nhị như vầy thì đâu có đánh nhau, mất đi một đêm trăng đẹp, biết đâu trái tim của hai công chúa sẽ đập sai nhịp liền.

– Anh Lương tối nay về đâu?

Định cho tôi xuống trước Trung Tâm Hải Quân vì tàu tôi neo ở đó.

Nghe sóng biển mình say nhịp bước
Lời ái ân như nước biển dâng.
Trong lòng cảm thấy lâng lâng
Hoàng hôn buông xuống mây hồng nẻo xa. (Nguyên Quảng Tuân)

Biển chưa ngủ biển đêm nay đang thức
Gởi riêng trẻ những hải đảo chân trời.
Anh về biển quên tuổi đời khôn lớn
Gọi trùng dương mỗi hai tiếng em ơi. (Triều Dâng)

Định xuống xe bắt tay anh Lương và đưa bao bánh mì thật to.

– Nhờ anh đưa giùm cho anh em trên tàu, không phải tiền tôi đâu, bác sĩ lúc nãy đưa tiền đó, ngày mai gặp lại anh.

Hai công chúa về trước tôi, anh Nhị và anh Dọng cũng nhảy xuống xe và lấy lại phong độ của lính tàu bay, người đẹp không còn lời nào để chê Không Quân.

– Đây bánh mì của Báu, gởi tiền còn lại để mai bác sĩ bao tụi mình nữa, phần này đem về Phi Đoàn, anh em đi bay ai cần thì lấy ăn, cứ hai chiếc đáp thì hai chiếc bay lên, phải tuần suốt đêm.

Tôi nhái Định bay đến Lòi Kèn. Cả bốn cất tiếng cười thoải mái vui vẻ.
Nhờ anh Lương mà trong nhóm quen được thêm hai anh Sĩ Quan Hải Quân, lịch thiệp giỏi giang. Hai công chúa bạn tôi sau bữa cơm đó cứ hỏi về anh Lương và anh Nhị, muốn tôi tổ chức một buổi gặp mặt nữa. Định khuyên không nên, hãy rút kinh nghiệm của Định.

Nếu hai người trẻ có yêu nhau thì cha mẹ của các cô không bao giờ chịu gả, nếu họ lịch sự thì âm thầm cho con gái mình đi du học, còn không thì mời chàng trai đến để nói:

– Xin anh hãy để cho em nó học, vì em còn nhỏ quá, gia đình tôi đã bàn kỹ rồi, xin anh thông cảm.

Vậy là các người lính như tụi mình….. thất tình. Vì không ai chịu gả con cho những người lính, vì lính là nghèo.

– Định sai rồi, các anh nhớ đã có lần khoe cùng Báu, là Vị Tổng Thống đương thời đã ghi vào sổ vàng của Không Quân:

Trên Đất Nước Thương Yêu Của Chúng Ta, Không Gian Là Của Các Bạn”.

– Khi Tổng Thống đến Hải Quân người sẽ viết:

Trên Đất Nước Thương Yêu Của Chúng Ta, Biển Cả Là Của Các Bạn”.

– Khi Tổng Thống đến Bộ Binh người sẽ viết:

Trên Đất Nước Thương Yêu Của Chúng Ta, Đất Và Rừng Là Của Các Bạn”.

Báu nghĩ người lính các anh giàu nhất! Không Quân có Không Gian, Máy Bay. Hải Quân có Biển Cả, Tàu Thủy. Bộ Binh có Đất, Rừng, Xe Tăng.
Nên các anh cứ hãnh diện, sống hiên ngang vui vẻ làm hết bổn phận mình, chuyện tình cảm rất kỳ diệu, cái gì của mình là của mình.

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngã đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất (Nguyễn Đình Thi)

Các bạn cười thật lớn và vui vẻ.

Sau tháng 4 năm 1975, tin buồn từ Nha trang đưa vào gia đình Trung Tá Kỹ Sư Hải Quân Hà Ngọc Lương cùng vợ Lê Thị Kỳ Duyên và các con tự tử chết vì không muốn đầu hàng cộng sản. Bác sĩ Thạch chết trong trại cải tạo. Chồng tôi, các bạn đều bị tù khổ sai.

Tôi đã chảy nhiều nước mắt trong những năm dài sống dưới chế độ mới, hy vọng một ngày gặp lại được tất cả, chồng và bạn bè. Nay được coi DVD chùa thầy Thông Lai tổ chức long trọng trang nghiêm, buổi lễ truy điệu cầu siêu, rước di ảnh các anh hùng vì nước vong thân đưa vào Đền Thờ Tổ Quốc ở chùa.

Những chàng trai của đất Việt ơi! Các anh sanh ra và lớn lên trong thời chiến, các anh đã đem hết sức mình để bảo vệ đất nước quê hương, mỗi anh có một nhiệm vụ, một công việc riêng, nhưng một điểm chung là lòng yêu nước.

Đời người ai cũng một lần chết, các anh đã chọn cho mình một cách chết tự kết liễu đời mình. Hay bất khuất bỏ mình khi bị giam cầm trong lao tù cộng sản. Những người con ưu tú của Không Quân đã cống hiến đời mình cho Tổ Quốc khi chiến đấu, các anh đã nằm xuống nơi đất mẹ, đất ôm các anh vào lòng, nước che chở bảo bọc các anh. Dù người nổi tiếng hay vô danh, những Quân, Dân, Cán, Chính của Việt Nam Cộng Hòa các anh chết trên đất mẹ hay chết nơi xứ lạ, nhưng các anh một thời đã từng bảo vệ quê hương vì Tự Do, Dân Tộc. Các anh là Đất Nước, là Quê Hương, là Tổ Quốc, là Hồn Thiêng Sông Núi..

Đất nước là cái gì hài hòa nồng thắm, là cánh chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc, là con cá ngư ông móng nước biển khơi, bụi chuối, khóm trúc, hàng tre, cành hoa mai, mẹ già, là con đò nhỏ, đàn cò trắng, là thời gian, không gian v.v… Các anh đã về hòa vào Đất Nước Việt.

Các anh ơi! Chúng tôi những người sống ở xa, nhưng lúc nào cũng hướng về Đất Nước, Quê Hương, trong tâm chúng tôi vẫn nhớ mãi và mang ơn các anh, hỡi những chàng trai của Đất Nước Việt Nam yêu dấu.

Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.